Gương Thánh Nhân
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Julian và Basilissa
Thánh Julian và Basilissa là hai vợ chồng. Họ sống trong đầu thế kỷ thứ tư. Vì lòng yêu mến Thiên Chúa, họ trở thành các anh hùng khi biến nhà của mình trở thành bệnh viện để chăm sóc người nghèo, người đau yếu cô đơn.
Thánh Julian chăm sóc các ông còn Thánh Basilissa chăm sóc các bà. Hai vợ chồng nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người họ phục vụ. Và họ thi hành công việc này không vì tiền bạc hay bất cứ phần thưởng nào khác.
Chúng ta không biết nhiều về cuộc sống hàng ngày của hai vợ chồng này. Tuy nhiên, chúng ta biết Thánh Basilissa từ trần sau khi bị tra tấn vì sự bách hại đức tin. Thánh Julian sống lâu hơn. Ngài tiếp tục công việc phục vụ tha nhân. Sau này, Thánh Julian cũng chết tử vì đạo.
Thánh Basilissa và Julian đã dành trọn cuộc đời để giúp đỡ người khác và phục vụ Thiên Chúa. Họ đã vun trồng hạt giống đức tin bằng một đời sống thánh thiện. Họ đã tưới bón hạt giống đức tin ấy để nó lớn lên bằng chính máu đào của mình đã đổ ra vì Ðức Giêsu Kitô.
Noi gương hai thánh, chúng ta cũng tử đạo hàng ngày khi cố gắng hy sinh các tiện ích của đời sống vật chất mà giúp đỡ người kém may mắn hơn chúng ta.
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Chân Phước Angela ở Pholinho (1248-1309)
Lược sử:
Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Điều này không đúng với Chân Phước Angêla. Được sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Pholinho, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội. Ngay khi làm vợ và làm mẹ, ngài vẫn tiếp tục con đường sai lạc này.
Khoảng 40 tuổi, ngài được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Cha giải tội của ngài đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi hành đức bác ái.
Sau khi bà Angêla hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Đức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Pholinho như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị. Trong sách ấy, bà viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải; cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Đức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần Học Gia."
Bà từ trần năm 1309 và được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Pholinho. Nhiều phép lạ được ghi nhận ở đây. Bà được tôn vinh chân phước năm 1693
Suy niệm 1: Cám dỗ
Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Điều này không đúng với Chân Phước Angêla. Được sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Pholinho, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội.
Những ai sống ở Hoa Kỳ ngày nay có thể hiểu được sự cám dỗ của Chân Phước Angela khi cố gia tăng giá trị của mình bằng cách tích lũy tiền của, danh vọng và quyền lực. Càng kiếm thêm cho mình bao nhiêu, ngài càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi nhận ra sự vô giá của chính con người mình, vì được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương, ngài thực sự ăn năn sám hối và sống rất bác ái với người nghèo.
Ở bước đầu sứ vụ, chính Đức Giêsu với thân phận làm người cũng đã bị ma quỷ dẫn vào chước cám dỗ chung của toàn thể nhân loại: tiền của, danh vọng và quyền lực (Mt 4,1-11). Nhưng Ngài đã không sa ngã mà thắng vượt cách anh hùng, trở thành mẫu gương sáng lạng cho mọi người mọi thời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống niềm xác tín: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất linh hồn, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26), để không bao giờ phải sa chước cám dỗ.
Suy niệm 2: Quá khứ
Ngay khi làm vợ và làm mẹ, Angela vẫn tiếp tục con đường sai lạc này, là luôn chạy theo của cải vật chất đời này bất chấp thủ đoạn. Những gì là công chính thánh thiện đều bị ngài cho là điên khùng. Quả thật ngài đã gặt hái được thành công trên đường đời, nhưng đã thất bại trên đường phần rỗi. Quá khứ tội lỗi ấy đã kịp thời kết thúc, để nhường đường cho một hiện tại sám hối và một tương lai cải tà quy chánh, để trở thành thánh nhân.
Đời người ai cũng có một quá khứ. Dầu xấu dầu tốt, đã là quá khứ thì tất cả đều là đã qua. Do đó nếu tốt thì đừng tự hào nhẩm đi nhắc lại để rồi coi khinh người khác, nhưng hãy khiêm tốn và tiếp tục sống tốt. Sống tốt vốn khó nhưng sống tốt mãi đến cuối đời lại càng khó hơn, vì một hảo nhân cũng có thể trở thành một tội nhân trong tương lai, như một vua Salômôn (1V 11,4) hoặc một Giuđa Ítcariốt (Lc 6,16).
Ngược lại nếu đã lỡ trải qua một quá khứ xấu, thì hãy biết rằng tất cả cũng đã qua. Vì thế đừng ngồi trong bóng tối mà nguyền rủa bóng đêm, nhưng hãy sám hối và vội vã chỗi dậy, vì một tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân, như một vua thánh Đavít (1V 11,6), một thánh Augúttinô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tốt trong giây phút hiện tại, để nếu đã là tội nhân trong quá khứ thì trở nên thánh nhân trong tương lai, và nếu đã là thánh nhân trong dĩ vãng thì không trở thành tội nhân trong tương lai.
Suy niệm 3: Thị kiến
Khoảng 40 tuổi, Angela được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị.
Thị kiến là một đặc ân mà chỉ có một số vị được thụ hưởng. Trong nhóm Mười Hai, chỉ có Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu cho thấy thị kiến ở núi Tabo (Mt 17,9). Tiếp đó có một môn đệ tên là Khanania ở Đamát (Cv 9,10). Đại đội trưởng Conêliô cũng được diễm phúc này (Cv 10,3). Cả Phêrô và Gioan sau đó cũng được thêm một lần nữa (Cv 11,5;Kh 4,1). Phaolô cũng không ngoại lệ và lại được rất nhiều lần (Cv 16,9;18,9;2Cr 12,1).
Đã là một đặc ân, thị kiến đòi hỏi phải đáp trả cân xứng. Chân Phước Angêla cải tà quy chánh. Conêliô trở lại đạo và giúp cho cả nhà đồng tình theo Chúa. Phaolô chuyển hệ từ bắt đạo sang truyền đạo. Khanania thoạt đầu sợ hãi Saolô nhưng sau đó đã tiếp nhận và rửa tội cho Saolô. Phêrô phá vỡ ốc đảo và thay đổi lập trường đón nhận cả dân ngoại.
* Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu không nhận được đặc ân thị kiến, nhưng không thiếu những hồng ân Chúa dành cho chúng con. Chúng con xin hết lòng tri ân và quyết tâm đền đáp ân tình Chúa.
Suy niệm 4: Giải tội
Cha giải tội của Angela đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi hành đức bác ái. Con đường từ bỏ chính mình mà ngài đã theo là con đường của mọi người thánh thiện.
Ngoài việc ban ơn tha tội, bí tích Giải Tội còn ban thêm những ơn cần thiết khác, chẳng hạn ơn chống lại các chước cám dỗ để giúp chừa bỏ tội lỗi, ơn gia tăng làm việc phúc đức để bù đắp những lỗi lầm đã qua, ơn biết từ bỏ chính mình mà thực thi Thiên Ý để mỗi ngày càng trở nên thánh thiện hơn.
Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII vốn được ca ngợi là đạo đức thánh thiện, thế mà mỗi tối trước khi đi ngủ, ngài luôn lãnh nhận bí tích Giải Tội. Chắc chắn vì càng đến gần Mặt Trời Công Chính, ngài càng muốn hoàn toàn trong sạch để xứng đáng với Chúa hơn, và nhất là để được các ơn khác nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng xưng tội hơn, vì các ơn ích mà bí tích Giải Tội mang lại cho hối nhân.
Suy niệm 5: Y tá
Sau khi bà Angêla hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Đức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Pholinho như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Bằng cách chữa bệnh phần xác, Đức Giêsu chẳng những dễ dàng tiếp cận mà còn lôi cuốn nhiều người thuộc nhiều tầng lấp và tôn giáo khác nhau trong xã hội. Nhưng Ngài không dừng lại đó mà còn hướng đến việc chữa bệnh tâm hồn. Truyền thuyết cho hay: mắt người lính Longinô được chữa lành nhờ một giọt máu của Chúa bắn vào mắt, khi anh dùng ngọn giáo đâm vào trái tim Chúa, và anh đã đáp trả bằng việc trở thành một kitô hữu.
Với y đức và tâm hồn của một từ mẫu, thầy thuốc Luca (Cl 4,14) đã hội đủ điều kiện để giới thiệu Tin Mừng Đức Giêsu cho dân ngoại, bằng một lối văn chương tình thương rất gần gủi và thích hợp cho họ. Cụ thể chỉ có Tin Mừng thứ ba mới có các dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu, để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa (Lc 15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con trở thành những y tá tinh thần nhằm chữa những căn bệnh thiêng liêng, nối tiếp sứ mạng của Chúa, là Đấng đến không phải để cứu những người công chính mà là những người tội lỗi (Lc 5,32;19,10).
Suy niệm 6: Thầy
Trong sách Thị Kiến và Huấn Thị , bà Angêla viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải, cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Đức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần Học Gia."
Thần học gia đã là bậc thầy. Bà Angêla là gì mà lại được tôn lên Thầy Các Thần Học Gia? Điều này cho thấy một tôn sư chân chính luôn có đức hiếu tri. Càng biết nhiều càng nhận thấy sự hiểu biết của mình chưa tới đâu, vì thế cần phải tiếp tục học hỏi hơn nữa, và nhất là bất cứ ai cũng có điều hay để mình tiếp thu, ngay cả một trẻ nhỏ.
Phải chăng đó là một trong các lý do khiến Đức Giêsu quý trọng trẻ nhỏ, và mời gọi những người lớn hãy trở nên như chúng (Mt 18,3). Nhất là với phép lạ hóa bánh và cá, Ngài coi trọng sự cọng tác của một cậu bé (Ga 6,9) về tinh thần vị tha hơn hẳn các người lớn đang hiện diện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn học lấy các ưu điểm của trẻ thơ, mà chúng con đã đánh mất do tuổi tác chồng chất, và do ảnh hưởng bon chen của xã hội người lớn.
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Giuse Trần Văn Tuấn (1824-1862)
- Lễ ngày 07 tháng 01
Dấu hiệu Đức Cậy.
Giuse Trần Văn Tuấn, Sinh năm 1824 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 7/01/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII.
Sự lạc quan trước những thử thách, đó là điều Thiên Chúa hằng mong đợi nơi mỗi người tín hữu. Chúng ta có thể gọi sự lạc quan ấy là Đức Cậy, vì dựa vào sức mạnh của Chúa và vững tin vào ngày mai tươi sáng.
Nếu đã tin vào Đức Kitô, đấng đã chiến thắng các quyền lực sự ác, chúng ta thấy rằng không có gì có thể làm lay chuyển công trình Người thực hiện trên thế giới này.
Đối với những thử thách lớn lao hơn như cuộc tử đạo, như những hình khổ, mà chỉ cần một hành vi chối đạo cũng đủ để thoát khỏ thì thái độ lạc quan kiên quyết của người tín hữu quả là một cuộc hiển dương Đức Cậy, như trường hợp Thánh Giuse Tuấn.
Sau một năm rưỡi đày cực khổ, các quan chỉ yêu cầu vị chứng nhân bước qua Thánh Giá để được tha về. Nhưng chẳng những người tôi tớ Chúa không tuân lệnh quan, lại còn quì gối trước Ảnh Chuộc Tội mắt hướng về trời cao mà cầu nguyện lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ trước tình yêu bao la và lòng thương xót hải hà của Chúa. Chúa là sức mạnh đỡ nâng con".
Người nông dân hiền lành.
Giuse Trần Văn Tuấn chào đời năm 1824 tại làng Nam Điền, một họ đạo xứ Phú Nhai, trong mái gia đình sinh sống nghề ruộng nhiều đời trên vùng đồng bằng sông Hồng thuộc tỉnh Nam Định (nay là Hà Nam Ninh). Cũng như hàng ngàn người nông dân Việt Nam, niềm vui của anh là con trâu, luống cày, để thu hoạch những bông lúa nặng trĩu do những giọt mồ hôi và công sức của mình.
Cùng với những giáo hữu đồng cảnh ngộ, cuộc đời anh Giuse Tuấn bỗng nổi cơn sóng gió vì những chiếu chỉ cấm đạo của nhà vua. Cuộc bách hại vào giai đoạn cao điểm này đã ảnh hưởng đến các phần tử nhỏ bé tầm thường nhất trong Giáo Hội Việt Nam. Năm 1860, anh tuấn bị bắt vào năm 36 tuổi, và bị giải tới phủ Xuân Trường cùng với một số giáo hữu khác. Về sau, anh lại bị phân sáp vào làng An Bái, Thuộc huyện Thụy Anh.
Máu đào minh chứng
Từ khi về làng An Bái, anh Giuse Tuấn bị giam trong ngục chật hẹp, cổ mang gông, chân mang cùm xiềng xích. Nhưng người chiến sĩ đức tin vẫn kiên trì chịu đựng trong nhẫn nại và vui vẻ. Theo chiếu chỉ phân sáp tháng 08-1861, quân lính nung đỏ thanh sắt, và khắc vào má của anh một bên chữ "Tả Đạo", một bên là nguyên quán làng xã.
Sau những ngày tháng tù tội cơ cực, sức khỏe anh Tuấn suy giảm rất nhiều, các quan tưởng anh sẽ nản chí bỏ cuộc, nên điều tra và yêu cầu anh bước qua Thánh Giá. Quan còn hứa ban tặng tiền bạc sau khi trả tự do cho anh.
Nhưng các quan đã thất bại chua cay, người nông dân tầm thường đó không dễ bị lung lạc thối chí. Ngược lại, anh còn thừa trung tín và can đảm biểu lộ niềm tin của mình.
Vì tin vào Đấng Sáng Tạo yêu thương vô biên, và tin vào đấng cứu thế, nguồn trợ lực tâm hồn, anh Giuse Tuấn Thành kính trước ảnh Chuộc tội nói lên lời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng mà chính anh đang cảm nghiệm được sự nâng đỡ của Ngài. Và anh đã phải trả giá cho niềm tin đó: Quan đã kết án tử hình người chiến sĩ Đức Kitô làng Nam Điền.
Ngày 07.06.1862, trên đường tới nơi xử trảm, anh Giuse Tuấn bình thản đi sau đám quân lính, vừa đi vừa sốt sắng đọc kinh Cầu Các Thánh. Tới nơi, lý hình đã vung gươm chém đầu vị chứng nhân, đang khi anh qùy gối, miệng vẫn liên tục kêu tên cực trọng Chúa Giesu.
Người nông dân chất phác hiền hòa nhưng đạo đức, gan dạ, đã dùng chính mình thay vì ngôn từ, để làm chứng cho Đức Kitô, nguồn chân lý vĩnh cửu bất diệt. Hai năm sau, thi hài vị tử đạo được các giáo hữu cải táng và long trọng rước về chôn cất tại nhà thờ họ Nam Điền, quê quán của ngài.
Ngày 29.04.1951 cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam, người nông dân nghèo thánh thiện, Giuse Trần Văn Tuấn, đã được Đức Piô XII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Ngày nay chúng ta không có hoàn cảnh như các ngài ở thế kỷ trước, nhưng với những khó khăn thử thách vẫn thường xảy đến, chớ gì chúng ta vẫn noi gương Đức Cậy của thánh Giuse Tuấn để mãi mãi ca tụng Thiên Chúa: "Lạy Chúa ! con hết lòng cảm tạ trước tình yêu bao la và lòng thương xót hải hà của Chúa. Chúa là sức mạnh nâng đỡ con".
Nguồn từ tu viện Đa Minh
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Ngày 07-01: Thánh Raymundo Penyafort
Linh Mục (1175-1275)
Thánh Raymudô chào đời năm 1175 trong một gia đình hiệp sĩ tại lâu đài Penyafort ở California. Không chiều theo cuộc sống dễ dãi, Ngài đã dành trọn nỗ lực tuổi trẻ vào việc học hành và thực tập các nhân đức. Mới 20 tuổi, Ngài đã giữ ghế triết tại đại học Barcelona. Nhưng vì tinh thần hiếu học và muốn giúp ích cho Giáo hội đắc lực hơn, năm 30 tuổi, Ngài qua Italia để tiếp tục học luật tại Bologna. Tại đây Ngài đã tốt nghiệp tiến sĩ và thành công trong nghề luật sư, lại còn giảng dạy tại chính đại học Bologna trong ba năm. Nhiều nhà quí phái và bậc thứ giả tìm đến với Ngài. Tận tụy hướng dẫn họ, Ngài chỉ mong cho họ tiến bộ. Nếu có bị ép để nhận một ít thù lao nào, Ngài cũng đem phân phát cho người nghèo.
Năm 1249, Đức giám mục địa phận Bacelona mời Ngài về giúp việc địa phận. Nhưng lúc 48 tuổi, thánh nhân đã trốn mọi danh vọng và xin gia nhập dòng Daminh, Ngài chỉ ao ước được trao phó cho những công việc thấp hèn nhất. Nếu được tán thưởng, Ngài liền xin bề trên cho được làm việc đền tội. Tuy nhiên việc đền tội Ngài không mong mỏi chút nào, là việc nhà dòng trao cho Ngài trách nhiệm viết một tác phẩm về các vấn đề lương tâm để hướng dẫn các cha giải tội. Tác phẩm này cho tới ngày nay vẫn còn danh tiếng.
Năm 1230, Đức giáo hoàng Gregoriô IX cảm kích những thành quả do thánh Raymundô mang lại, đã mời làm cha giải tội cho mình, đồng thời chọn Ngài làm tổng giám mục thành Tarragona. Nhưng danh dự này đã khiến thánh nhân, khi nghe tin, lên cơn sốt liền trong vòng ba ngày, Ngài đã xin các đức hồng y can thiệp cho mình khỏi lãnh nhận danh dự và gánh nặng này. Cuối cùng Đức giáo hoàng đành chấp thuận. Năm năm làm việc tại giáo triều, đức giáo hoàng đã ủy thác cho thánh nhân thu thập các sắc lệnh của các đức giáo hoàng và các công đồng thánh nhân đã gom góp vào năm cuốn sách và được phê chuẩn năm 1234. Ngoài việc chu toàn các nghĩa vụ được trao phó, Ngài còn theo đuổi một nếp sống nhiệm nhặt, khiến Ngài lâm trọng bệnh. Thánh nhân liền khẩn nài cho mình được trở về với nếp sống tu sĩ bình thường.
Từ khứơc mọi đặc ân thánh nhân rời khỏi Roma trở về Barcelona. Trên chuyến tàu Ngài gặp một người lâm bệnh nặng không còn nói năng gì được. Cầu nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho ông, thánh nhân hỏi ông có muốn xưng tội không ? Bệnh nhân bỗng nói được. Ông ta đã xưng tội rồi tắt thở.
Tại Barcelon, thánh nhân trở lại đời sống sám hối rất gương mẫu. Hàng ngày Ngài vẫn xưng tội rước khi dâng lễ. Ngài nói: – “Những ngày bị ngăn trở không xưng tội được, đối với tôi là những tang chế u sầu”.
Năm 1238, Ngài được bầu làm bề trên tổng quyền thứ ba của dòng Daminh. Suốt hai năm làm bề trên, Ngài đã đi bộ đến thăm viếng mỗi tỉnh dòng để hun nóng lòng nhiêt thành của các tu sĩ. Hai năm sau Ngài xin từ chức vì tuổi già sức yếu.
Tuy nhiên trong tuổi già yếu, Ngài vẫn góp phần xây dựng cho tổ quốc. Ngài đã viết thư yêu cầu thánh Tôma viết một bộ sách để chống lại bọn lạc giáo, như vua Giacôbê yêu cầu. Thánh Tôma đã nhận lời và viết bộ sách “Summa Contra Ghentiles” Dù được nhà vua quí mến chiều chuộng, nhưng thánh nhân không ngại cảnh cáo ông ta. Một lần kia, trong cuộc chinh phục đảo Maiorqua. Vua mời thánh nhân cùng đi. Thánh nhân nhận lời với ước vọng giảng thuyết để phá đổ những sai lầm tại đó. Nhưng tới nơi, Ngài khám phá ra rằng nhà vua đang phá hoại tổ chức bằng cuộc sống tội lỗi của mình. Ngài can ngăn nhưng nhà vua không giữ lời hứa.
Thánh nhân liền tuyên cáo: – Vì Ngài không bỏ đường tội lỗi nên tôi sẽ bỏ đi.
Hoảng hốt, nhà vua cấm mọi tàu thuyền không được phép chở Ngài. Tương truyên rằng: thánh nhân đã nói với một tu sĩ đi theo Ngài rằng: – Một vua trần thế cản đường, thì vua trên trời sẽ mở lối cho chúng ta đi.
Nói rồi, Ngài cởi áo ngoài trải ra trên mặt biển, cắm cây gậy làm cột và cuốn một góc làm buồm. Ngài mời thầy dòng lên “Tàu” nhưng ông không dám. Thế là một mình Ngài đáp “tàu” hồi hương. Vài giờ sau thánh nhân tới bến và Ngài vội vàng cuốn áo thẳng về nhà dòng để tránh tiếng hoan hô của dân chúng. Phép lạ này đã trở thành sức mạnh cải hóa nhà vua, đưa ông trở lại với lương tâm và quê hương mình.
Về già, thánh Raymundô đã chịu nhiều cơn đau yếu, nhưng lòng nhiệt thành của Ngài vẫn bốc cháy không ngừng. Ngày 6 tháng giêng năm 1275 Ngài đã từ giã cõi thế là nơi mà Ngài đã hiến trọn đời phụng vụ Chúa.
(daminhvn.net)
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Thánh Andrê Bessette, Tu Sĩ Canada (1845-1937)
- Lễ ngày 06 tháng 01.
- Phong Chân Phước ngày 23.05.1982
- Phong Thánh ngày 17.10.2010
1. Thân thế:
Anre Bessette hầu như bệnh cả đời, người chẳng làm được việc gì như người muốn. Người chỉ biết đọc biết viết thôi, nhưng người trở nên danh tiếng và đáng yêu vì sự thánh thiện. Người là thứ 8 trong số 12 anh chị em sinh tại Montreal, Canada.
Cha mẹ chết sớm, Anre được người ta nuôi khi lên 12, được học trồng cấy trong nông trại. Sau người học đóng giầy, làm bánh, thợ khoá, nhưng không xong.
Anrê vào dòng Thánh giá, nhưng cuối năm bề trên bảo người về, vì không đủ sức khoẻ. May mắn, một giám mục khôn ngoan xin nhà dòng cho người ở lại.
Thầy Anre trở thành thầy dòng giữ cửa đáng yêu tại học viện Đức Bà trong suốt 40 năm.
2. Chó con của thánh Cả Giuse:
Trong phòng người, gần cửa ra vào, người đặt tượng thánh Giuse trên bệ cửa sổ. Thầy Anrê đêm nào cũng cầu nguyện lâu giờ, dần dần người ta khám phá ra thầy có sức chữa bệnh. Thầy đi thăm bệnh nhân, cầu nguyện với họ, bôi dầu cho họ và họ được khỏi.
Trước đó, người ta đến xin thầy chữa bệnh và hướng dẫn tâm hồn, thầy thường nói: "Thánh Cả Giuse chữa đó, tôi chỉ là chó con của Người". Thầy Anrê giúp người ta từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày. 4 thư kí trả lời 80 ngàn thư người ta gửi cho thầy trong một năm.
Nhà dòng đã gắng nhiều năm để mua miếng đất bên kia đường mà không mua được, nhưng khi thầy Anrê chôn tấm ảnh thánh Cả Giuse xuống mảnh đất ấy, ông chủ gọi bán cho liền. Thầy Anrê xây nhà nguyện nhỏ rồi nhà thờ trên phần đất ấy.
Thầy còn hớt tóc cho sinh viên mỗi đầu 5 xu. Tại nhà thờ, thầy tiếp khách. Những bệnh nhân được khỏi, treo rất nhiều nạng và gậy trong nhà thờ. Phải mất 50 năm để xây đền thánh Giuse như hiện nay tại Montreal, đây là đền thờ lớn nhất thế giới.
Anrê, người yếu đuối, nhưng Thiên Chúa đã dùng để hoàn tất những việc lớn lao. Người là đấng hay làm phép lạ tại Montreal.
Đức Thánh cha Beneđictô 16 đã đặt Chân phước Anrê lên hàng Thánh cùng với 5 Á thánh khác vào Chúa nhật 17 tháng 10 năm 2010 tại quảng trường thánh Phêrô với sự chứng kiến của hàng chục vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, đặc biệt là một số Nghị Phụ đang tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông, cũng như đông đảo linh mục tu sĩ nam nữ và trên 60.000 giáo dân gồm phái đoàn các nước Ba Lan, Canada, Tây Ban Nha, Úc và Italia.
ĐTC long trọng tyuên bố:
”Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, để đề cao đức tin công giáo và gia tăng cuộc sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và quyền của chúng tôi, sau khi đã suy tư lâu dài và nhiều lần khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa, cũng như lắng nghe các Anh Em trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và định nghĩa là Thánh các Chân Phước Stanislaw Kazimierczyk, André Bessette, Cándida María de Jesús Cipitria y Barriola, Mary Thánh Giá MacKillop, Giulia Salzano và Battista da Varano, và chúng tôi ghi danh các Vị vào Sổ Bộ các Thánh và thiết định rằng các Vị được tôn kính giữa các Thánh trong toàn thể Giáo Hội. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Hạnh các Thánh
- Viết bởi Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Ngày 05-01: THÁNH GIOAN NEUMANN (1811 - 1860)
Thánh Neumann coi trọng lời Chúa là "Hãy đi rao giảng cho muôn dân."
Thánh Gioan Neumann sinh trưởng ở Bohemia. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.
Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.
Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.
Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên dân chúng -- đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức Gioan khôi hài, "Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!"
Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm, "Thật tuyệt chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục là người đồng hương!"
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời, "Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được."
Ðức Gioan từ trần ngày 5-1-1860 khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng, do đó ngài được phong chân phước ngày 13-10-1963, và ngày 19-6-1977 ngài được phong thánh.
Lời Bàn
Thánh Neumann coi trọng lời Chúa là "Hãy đi rao giảng cho muôn dân." Từ Ðức Kitô, ngài nhận được các huấn lệnh và cũng nhờ Ðức Kitô mà ngài có thể thi hành sứ mệnh ấy. Vì Ðức Kitô không chỉ trao cho chúng ta sứ mệnh mà còn cung cấp phương tiện để hoàn thành. Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Thánh Gioan Neumann là biệt tài tổ chức của ngài để qua đó ngài loan truyền Tin Mừng.
Giáo Hội ngày nay rất cần đến sự hy sinh của mọi người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Những trở ngại và những bất tiện thì có thật và tốn kém. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết chạy đến Ðức Kitô, Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta những khả năng cần thiết để đáp ứng với các nhu cầu ngày nay. Thần Khí Ðức Kitô tiếp tục hoạt động qua các trung gian là sự quảng đại của Kitô Hữu.
Lời Trích
"Vì mọi người thuộc bất cứ chủng tộc nào, điều kiện nào và thế hệ nào đều có phẩm giá của một con người, nên họ có quyền được giáo dục tùy theo số phận của họ và thích hợp với khả năng bẩm sinh, với phái tính, với văn hóa và di sản của tổ tiên họ để lại. Ðồng thời, việc giáo dục này phải dẫn đến tình huynh đệ với các dân tộc khác, để sự bình an và sự hợp nhất đích thực có thể thực hiện được ở trần gian. Vì sự giáo dục đích thực nhắm đến việc đào tạo con người đối với lợi ích của xã hội mà trong đó họ là một phần tử, và họ phải chia sẻ trách nhiệm của phần tử ấy như một người trưởng thành" (Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo, 1).
Suy niệm hạnh Thánh Gioan Neumann
(Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
- Viết bởi Guong Thanh Nhan
- Lễ ngày 04 tháng 01.
- Phong Chân phước năm 1963
- Phong Thánh ngày 14 tháng 09 năm 1975
Cô có lòng đạo đức sâu xa và yêu thích đọc Kinh Thánh, đồng thời có lòng tín thác tuyệt đối vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa.Elizabeth chào đời tại thành phố New York ngày 29 tháng 08 năm 1774 và phải chịu mồ côi mẹ từ rất sớm, nhưng cô được sự quan tâm giáo dục của người cha là ông Richard Bayley.
Năm 19 tuổi, tại New York, Elizabeth lập gia đình với ông William Magee Seton. Cuộc hôn nhân đầm ấm hạnh phúc này đã cho ra đời năm người con.
Sau khi người chồng từ trần, một số người bạn chí cốt của Elizabeth đã tiếp nhận người phụ nữ góa bụa đau khổ này về tại nhà của họ ở nước Ý, tại đây Elizabeth mới hiểu biết thế nào là cuộc sống của người Công Giáo đích thực.
Elizabeth trở lại New York vào năm 1804 và gia nhập Giáo hội Công Giáo vào ngày 14 tháng 03 năm 1805. Bà nhận lời thỉnh nguyện của đức Tổng Giám mục Carroll để mở một trường dành cho nữ sinh tại Baltimore.
Nhiều phụ nữ ngỏ lời với bà muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì và bà được nhiều người biết đến với danh xưng “Mẹ Bề trên Seton”. Nhóm phụ nữ cộng tác với Mẹ Elizabeth này được gọi là Nữ Tu Bác Ái và họ sống tại Emmitsburg. Đây là bước đầu thành hình các cộng đoàn nữ tu tại Hoa Kỳ.
Các trẻ em trong các giáo xứ đến xin học tại trường do nhóm nữ tu này thành lập, đó là các trường tư thục Công Giáo đầu tiên có mặt tại nước Mỹ. Mẹ Elizabeth từ trần vào ngày 04 tháng 01 năm 1821.
Năm 1963, mẹ chính là người công dân sinh trưởng tại Hoa Kỳ đầu tiên được phong Chân phước ngày 14 tháng 09 năm 1975, mẹ được Đức Phaolô VI nâng lên bậc Hiển Thánh.
- Viết bởi Mt 1, 18-25
Thánh danh Chúa Giêsu Mt 1, 18-25
Tên của một con người, gắn bó với cả sinh mạng và cuộc đời của con người đó. Cái tên mang một ý nghĩa rất quan trọng của đời một con người. Tên của Chúa Giêsu được chính Thiên Chúa gọi để ứng nghiệm lời của ngôn sứ: " Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là" Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta"( Mt 1, 23 ).
MỘT CON NGƯỜI, MỘT CUỘC ÐỜI
Nơi hang đá Bêlem, Hài Nhi Giêsu đã vén lộ cho nhân loại thấy hình hài của Người, Ngài là người thật bằng xương bằng thịt, Người không phải là một người trên mây trên gió, trên trời giáng lâm như nhiều chuyện thần thoại cổ tích. Chúa Giêsu là một con người thật với hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Hài Nhi Giêsu mang xương thịt hoàn toàn con người, mặc xác phàm như con người, sống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Người là người thật, nhưng sống hoàn toàn thuộc về Cha. Ngài là một con người luôn mới mẻ vì như thánh Phaolô tông đồ đã viết:" Ðức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời". Thánh Phaolô muốn cho nhân loại thấy mầu nhiệm Ðức Kitô luôn mới mẻ vì con người, nhân loại với trí khôn, với tâm trí hạn hẹp của mình không bao giờ có thể hiểu thấu nổi. Con người qua Ađam và Eva đã mang sự tội vào trần gian, nghĩa là đã đem sự chết vào cuộc sống. Con người đã tự đánh mất, làm hư hỏng sự vẹn tuyền của mình nghĩa là thân xác đầu tiên hoàn toàn tinh ròng, thuộc trọn về Chúa. Nhưng qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô, con người đã lấy lại sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu Kitô trước bản án khắc nghiệt của Philatô, của Hêrôđê, của các thượng tế và các luật sĩ, biệt phái đã chỉ ra rằng Ngài luôn sống. Ngài đánh bại thần chết, Ngài chiến thắng thần chết. Philatô trước mặt Chúa Giêsu đã ấm ớ vô tội, Ông đang đứng trước sự thật là chính Chúa Giêsu, nhưng Ông vẫn không được soi tỏ để nhận ra Ngài. Mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người mãi mãi là mầu nhiệm. Chỉ có đức tin mới giúp con người và nhân loại lãnh hội ra sự cao sâu của mầu nhiệm con Thiên Chúa làm người với hình hài của một bé thơ khó nghèo, nhưng dưới lớp nghèo khó ấy lại vén lộ một mầu nhiệm cao sâu khôn lường. Lấp ló dưới máng cỏ, sau lưng Hài Ðồng Giêsu, ta đã nhìn thấy bóng thánh giá đem ơn cứu chuộc." Nơi Ngài ơn cứu độ chứa chan ".
THÁNH DANH CHÚA GIÊSU
Môt bài hát thật quen thuộc, nhưng đầy ý nghĩa:" Chúa Giêsu là vua" có câu:" Khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, cả bầu trời bừng sáng, cả tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run.". Danh Thánh Chúa Giêsu quả cao siêu mầu nhiệm. Chỉ mới nghe Danh Thánh Chúa Giêsu: tà thần, ma quỉ đã chạy trốn, cả trái đất khiếp run. Vì ma quỉ là bóng tối, ánh sáng luôn tiêu diệt bóng tối. Ma quỉ xưa trong vườn địa đàng đã lấy hình rắn để cám dỗ bà Evà. Rắn đã thắng Ông Adong và Evà vì hai ông bà kiêu ngạo, tự mãn, muốn bằng Thiên Chúa. Thánh Danh Chúa Giêsu ngọt ngào êm dịu. Con người mỗi lần nhắc tới Thánh Danh Chúa Giêsu như có một sức mạnh huyền nhiệm nâng cao con người lên. Chỉ nhắc tới Thánh Danh Chúa Giêsu, con người đã thấy được an bình vì nơi tên Giêsu ơn cứu chuộc chứa chan. Mỗi lần làm dấu thánh giá:" Nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần", mầu nhiệm Ba Ngôi bừng sáng lên và như thế, nhân loại lãnh nhận được ơn giải thoát. Thánh Danh Chúa Giêsu đi đôi với sinh mạng cứu chuộc của Ngài:" Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta"" Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng con mãi mãi tôn vinh Danh Thánh Chúa Giêsu vì chỉ có Chúa mới mang lại cho mỗi người chúng con sự sống đời đời.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
- Viết bởi Hạnh các Thánh
Ngày 02-01: Thánh GREGÔRIÔ NAZIANZÊNÔ
Giám Mục Tiến Sĩ - (329 - 390)
Thánh Grêgôriô Nazianzênô là một trong những giáo phụ danh tiếng của giáo hội Hy Lạp và được mệnh danh là thần học vì giáo thuyết rất sâu sắc của Ngài. Ngài ra đời khoảng năm 329, trong một gia đình danh giá và đáng mến chuộng. Cha Ngài, cũng tên là Grêgôriô, lúc ấy còn là lương dân. Nhưng thánh nữ Monna, mẹ Ngài, nhờ nhân đức siêu vượt, sự dịu hiền, đời sống gương mẫu với kinh nghiệm và nước mắt đã đưa ông về với Chúa Giêsu.
Thánh Leông (Léonce) giám mục thành Cêsarêa đã rửa tội cho ông. Vài năm sau, nhờ đời sống đạo đức trổi vượt, ông đã xứng đáng lãnh chức giám mục, cai quản điạ phận Nazianze.
Thánh Grêgôriô ra đời như kết quả lời cầu nguyện của bà mẹ thánh thiện, chỉ mong có được người con để phục vụ bàn thánh. Khi thánh nhân ra đời, bà coi Ngài như quà tặng của trời cao. Được đào tạo trong một môi trường thánh thiện như vậy, ngay từ nhỏ, Ngài đã biết quí trọng những nét đẹp của tội thơ vô tội.
Thánh nhân được cử đi học hùng biện ở Cêsarêa, rồi Palestina. Sau đó Ngài đã qua Alexandria và sau cùng tới Athena là nơi coi là nguồn gốc đích thật của khoa hùng biện, trên đường tới Athena, con tàu thánh nhân đi đã phải một cơn bão dữ dội, tưởng chừng như sẽ bị đắm chìm trong lòng biển. Lúc ấy thánh nhân chưa được rửa tội và rất lo âu cho phần rỗi của mình. Ngài tha thiết cầu khẩn Thiên Chúa thánh cho được sống thêm, để có thể làm con Chúa. Thánh nhân đã được nhậm lời. Cơn giông bão chấm dứt và Ngài tới được Athena.
Tại đây thánh Gregorio gặp lại một người bạn cũ của mình là thánh Basiliô. Mối giây thân tình giữa các Ngài ngày càng trở nên bền chặt hơn. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn trưng dẫn hai vị nhân này như là khuôn mẫu cho tình bạn trong trắng và chân thành nhất. Không thể lìa xa nhau, họ còn chú tâm tránh thoát mọi cuộc kết thân nguy hiểm và chỉ giao tiếp với những bạn bè mà lòng hiếu học luôn đi đôi với việc thực hành các nhân đức. Không bao giờ người ta thấy họ đi vào các cuộc giải trí có tính cách trần tục. Trong thành phố xa hoa ấy họ chỉ biết có hai con đường dẫn tới nhà thờ và các trường học.
Hoàn tất việc học hành, thánh Grêgôriô trở về sống với cha mình đang làm giám mục cai quản giáo phận Nazianze và được cha ban phép Rửa tội cho. Một khi đã được đóng ấn tín thần linh, Ngài coi mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến thân phung sự Ngài,
Ngài nói: - "Tôi hiến trọn cho Đấng đã ban cho tôi tất cả. Từ nay chỉ có Ngài là phần sản nghiệp của tôi".
Tình thảo hiếu đã giữ lại bên người cha già tám mươi tuổi trong ba năm trời. Ngài giúp đỡ cha trong mọi công việc và chăm sóc mọi việc trong nhà. Nhưng lòng yêu thích được ẩn dật đã đưa Ngài tới gặp thánh Basiliô đang theo đuổi nếp sống tu trì. Ngài đã sống xa thế gian một thời gian và chỉ lo tới sự hoàn thiện của mình. Nhưng thời gian ẩn dật này mới chỉ đủ cho Ngài nếm thử được sự ngọt ngào để mà luyến tiếc thôi, người cha già chín mươi tuổi đã gọi Ngài về giúp việc điều khiển giao phận. Nhận thấy rằng: Giáo hội sẽ được lợi ích nhiều bởi người con thân yêu của mình, vị thánh giám mục già cả đã truyền chức linh mục cho Ngài ngày 6 tháng 1 năm 362. Lúc ấy thánh Gregôriô hơn ba muôi lăm tuổi và ấn tích mới càng tăng thêm nhiệt tình của Ngài.
Thánh Basiliô lúc ấy đã làm tổng giám mục Cêsalêa, quyết định nâng thánh Gregoriô lên làm giám mục cai quản điạ phận Sarima. Nhưng vì những chống đối dữ dội, Ngài đã không hề tới nhậm điạ phận được và dường như Ngài chịu chức giám mục chỉ để giúp đỡ người cha mà tuổi tác đã không cho phép chu toàn phận sự được nữa. Sau khi cha qua đời năm 374 thánh nhân trở lại Nazianze săn sóc cho giáo phận, nhưng không hề muốn làm giám mục của giáo phận này.
Năm 380, tức là khoảng năm năm sau, các tín hữu ở Constantinopkle đã khẩn nài thánh nhân tới củng cố giáo phận đã bị bè rối Ariô tàn phá của họ, với nhiệt tâm tông đồ, thánh nhân đã nhận lời. Trước tiên thánh nhân đã không được tiếp đón nồng hậu lắm. Trong một thành phố xa hoa giàu có vì là thủ đô mới của đế quốc này, người ta đang ngóng đợi một nhân vật có khuôn mặt sáng sủa giữa một đám rước linh đình. Nhưng người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Ngài chỉ là một ông lão già yếu, ăn mặc giản dị và lời nói vắn gọn.
Những người theo lạc giáo Ariô chế giễu phỉ báng Ngài. Dầu vậy, bằng những giáo huấn vững chắc và hùng hồn, Ngài đã thành công trong việc đưa dân thành này từ chỗ bỏ cái sai lầm của lạc giáo mà trở về với đức tin công giáo. Sau bốn mươi bị năm bị tàn phá. Giáo phận không có nhà thờ, Ngài rao giảng trên đường phố hay tại một ngôi nhà mà Ngài đăt tên là Anastasia.
Hương thơm nhân đức và sự hiểu biết uyên thâm của Ngài đã lối kéo cảm tình người nghe càng thêm đông. Từ trong sa mạc, thánh Hiêronymô cũng tìm đến nghe người giảng thuyết. Tuy nhiên bề ngoài khiêm tốn bình dị và hoàn cảnh khó khăn ấy cũng là một khó khăn khiến cho địch thủ đã nhiều lần toan tính ám hại Người.
Năm 381, công đồng chung họp tại Constantinople, thánh Grêgôriô được bầu lên làm giám mục chính tòa của giáo phận này và giữ ghế chủ tịch công đồng. Nhưng ít lâu sau, một số giám mục đã chất vấn tính cách hợp pháp của chức vụ Ngài. Lợi dụng những chống đối này, thánh Grêgôriô đã xin từ chức. Sau khi đã làm vui lòng các nghị phụ công đồng bằng quyết định của mình, thánh nhân đã đe5 đơn lên Hoàng đế Têodô (Thésdose) Hoàng đế buộc lòng chấp thuận, cho Ngài từ nhiệm, chỉ vì lý do sứ ckhỏe mà thôi. Trước khi dứt mình khỏi Giáo hội mà Ngài đã dày công tạo lập với đầy tình yêu quí, Ngài đã nói với mọi tín hữu và với các nghị phụ một diễn từ đặc sắc. Người ta gọi diễn từ ấy là: những lời giã biệt (Les Adieux).
Lui về Nazianze, thánh Grêgôriô dành thời gian viết sách. Năm 390 Ngài qua đời và để lại cho Giáo hội một kho tàng quí báu gồm 45 bài suy luận thần học và điếu văn, 245 bức thư và mấy tập thi ca. Người ta đọc cuộc đời trong những tác phẩm có giá trị văn chương và tín lý, chính ân đức ấy và sức mạnh tinh thần của Ngài.
Người ta còn giữ được bản di chúc và bản văn trên bia mộ chính Ngài sáng tác. Bản mộ thi này là một tóm lược khúc chiết trọn đời Ngài với những dòng kết thúc như sau: - "Tôi là mục tử không có đoàn chiên, và tôi đã đau khổ không ít bởi chính các mục tử. Tôi để Chúa Giêsu Kitô lo lắng cho tương lai đời tôi như chính Người đã lo cho tôi trong quá khứ".
(daminhvn.net)
- Viết bởi daminhvn.net
Ngày 01-01: ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Mẹ Thiên Chúa, đó là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticano II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau:
· "Không có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là "Đầy ơn phườc" (Lc. 1,28). (GH.59).
· "Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Nữ Trinh Vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài cách trọn vẹn hơn" (GH.59).
· "Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ... Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời... Vì thế trong Giáo hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian" (GH.62)
Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc. Trong buổi Truyền Tin, chính sứ thần Gabriel đã quả quyết: "Người sẽ thụ thai và sinh con... trẻ sẽ sắp sinh sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa" (Lc 1,31-35). Được Thánh Thần linh hứng, bà Elisabeth cũng đã lên tiếng: "Bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi" (Lc1,43). Niềm tin vào chức phẩm cao quí là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ đầu Giáo hội. Chính thánh Phaolô đã viết: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Người, sinh bởi người Nữ" (Gl 4,4).
Tiếp tục niềm tin đã có từ đầu, các tín hữu còn xác tín hơn nữa do biến cố dẫn tới những xác quyết chắc chắn của Công đồng chung Ephêsô (năm 413). Nestoriô khi ấy bác bỏ tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, ông chỉ chấp thuận Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, vì Ngài chỉ sinh ra xác thể Chúa Kitô thôi, chống lại lời rao giảng của Giám mục Nestoriô, khoảng hai trăm Giám mục đã họp tại Ephêsô ngày 22.6.431, dưới quyền chủ tọa của Thánh Cyrillô thành Alexandrioa. Công đồng này kết án Nestoriô và tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Toàn thể dân thành đã công khai bày tỏ niềm hân hoan trước thành quả này. Họ tổ chức rước đuốc để mừng các nghị phụ công đồng. Cũng từ công đồng này mà có phần sau của kinh Kính mừng: "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử".
Hợp với niềm hân hoan của dân Chúa dịp công đồng Êphêsô bế mạc, niềm tôn kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa ngày một thêm sâu đậm. Vua Giuse Emmanuel nước Bồ Đáo Nha đã xin ông được đặc ân mừng lễ Mẹ Thiên Chúa. Thánh bộ nghi lễ đã ban bố sắc lệnh thiết lập ngày 22 tháng giêng năm 1751 và ấn định vào Chúa nhật đầu tháng năm. Từ đó nhiều nước cũng được hưởng đặc ân này.
Năm 1931, dịp kỷ niệm 1500 năm, công đồng Ephêsô, Đ.G.H Piô XI đã lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10. Chính Đức giáo hoàng Piô XI đã viết: - "Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa (Lux Veritatis 1931).
Năm 1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã chọn lễ kính Mẹ Thiên Chúa làm ngày khai mạc công đồng Vaticanô II.
Đức giáo hoàng Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu năm dương lịch, việc dời ngày kính này vào ngày thế giới Hòa Bình, nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa hôm nay.
Đức giáo hoàng Phaolô VI viết: - "Khi canh tân mùa Giáng sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa vào ngày 1 tháng giêng, đúng phụng vụ Roma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt, khiến cho "Mẹ rất thánh, đáng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng tôi". Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (Lc 2,14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là Hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 1 tháng giêng với ngày thứ tám giáp Lễ Giáng sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hòa bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều Người" (ĐGH Phaolô VI. Marialis Cultus, số 5b)
(daminhvn.net)
- Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
- Thánh Sylvestrô I, Giáo Hoàng (Sylvester I)
- Thánh Anysia (c. 304)
- Thánh Tôma Becket, giám mục, tử đạo
- Các Thánh Anh Hài, tử đạo
- Thánh Gioan tông đồ
- Thánh Stêphanô, vị Tử đạo tiên khởi
- Thánh CHARBEL (1828-1898)
- Thánh Gioan Kenty, Linh Mục (1390-1473)
- Thánh Phêrô Canisiô, linh mục, tiến sĩ (1521-1579)