Tin Giáo Hội Việt Nam
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN GIÁP THÌN
Các con thân mến,
Năm Quý Mão 2023 đã gần kết thúc. Những ngày cuối năm được xem là thời gian để nhìn lại, tổng kết, nghĩ ngơi và chuẩn bị cho một chu kỳ mới của cuộc sống. Gọi là chu kỳ mới, vì những ngày tết vẫn luôn là một mốc thời gian đặc biệt để khởi đầu cho rất nhiều cái mới: năm mới, tuổi mới, quyết tâm mới, hy vọng mới. Cha vẫn luôn nhớ về những câu giáo lý đã học từ thuở nhỏ: Ơn Chúa là sự sống và sức mạnh Chúa ban cho chúng ta, giúp chúng ta sống hạnh phúc đời này và đời sau vĩnh cửu. Những lời ấy càng trở nên thuyết phục và thúc đẩy nơi chúng ta một hành vi thật xứng hợp với Chúa trong những ngày cuối năm này. Vậy, cùng với Thánh Tông đồ Phaolô, chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì mọi điều đang có trong cuộc sống mình, đều phát xuất từ lòng nhân lành của Người (x. 1 Cr 15, 10).
Trong văn hóa Việt Nam, tết là khởi đầu cho những ước vọng đến tương lai, nhưng cũng là dịp để hướng về cội nguồn. Cho nên sau lời tạ ơn Chúa mỗi khi tết đến xuân về, cha ước mong tất cả các con hãy để ý đến cụm từ đặc biệt này: “thảo kính và biết ơn”. Đây là một thái độ sống cần và luôn phải có của chúng ta đối với những người có liên quan và trách nhiệm về sự hiện diện của chúng ta trong trần thế này, trong đó, phải kể đến những hạnh phúc và những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đón nhận. Thái độ này vừa biểu lộ nét văn minh và trưởng thành của một con người, nhưng cũng vừa thể hiện đúng với lời dạy của Chúa dành cho chúng ta trong đời sống đức tin hàng ngày của mình. Giờ đây, dựa trên các ý chỉ của phụng vụ những ngày lễ tết, cha muốn chia sẻ với các con những đối tượng cụ thể và quan trọng cho lòng thảo kính và biết ơn của mình.
1. Biết ơn đối với Thiên Chúa
Nếu như phải tìm một từ ngữ nào thích hợp để nói về Chúa, thì Thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 1,1). Chỉ cần nhìn ở góc độ tạo dựng như một mối liên hệ đầu tiên với Thiên Chúa, ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Ngài đã yêu thương con người một cách kỳ diệu hơn hẳn mọi loài mọi vật được tác sinh trong trần thế này (x. St 1, 26 – 27). Tình yêu ấy càng lúc càng trở nên lớn lao và sâu đậm, được biểu lộ trong từng trang giấy và câu chuyện của lịch sử cứu độ mà Kinh Thánh đã mô tả lại cho chúng ta. Với từng người trong chúng ta, nếu khiêm nhường và chân thành nhìn lại cuộc sống, chúng ta sẽ thấy tình yêu của Chúa đã và đang tiếp tục trải dài và hình thành nên cuộc đời hiện tại của mình, cho nên chỉ có một việc làm phù hợp nhất để đáp lại lòng nhân từ của Người, đó là chúng ta cám ơn Chúa. Biết rằng lời cám ơn này phải được thực hiện luôn luôn trong cuộc sống, thế nhưng với người dân Đất Việt, Tết là một khởi đầu mới, thì việc nhắc lại và thực hành lời tạ ơn ấy mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Cám tạ Chúa là việc làm không khó lắm, nhưng đòi hỏi chúng ta phải ý thức và nỗ lực, đó là yêu mến và sống theo lời khuyên dạy của Ngài. Yêu mến Chúa, yêu mến những người thân thuộc, yêu mến tha nhân, và yêu mến chính bản thân mình nữa. Chúng ta không được hành hạ hay khinh miệt bất cứ ai vì họ cũng là công trình tạo dựng của Người. Lòng yêu mến đó phải được cụ thể hóa bằng việc cầu nguyện, san sẻ, giúp đỡ, đón tiếp, lắng nghe và tha thứ cho nhau.
Kế đến, chúng ta cũng hãy cám ơn Chúa bằng việc thờ phượng Ngài. Sách GLHTCG số 2096 dạy rằng: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy. Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Dựa vào sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,13), Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4,8)”. Hãy thờ phượng Chúa bằng một đời sống đạo kiên trì và trung thành với các Thánh lễ ngày Chúa nhật, đó chính là biểu lộ cao nhất của đức tin, và đó cũng là những cơ hội để lãnh nhận những ơn lành của Chúa, vốn là rất cần thiết cho đời sống chúng ta.
2. Thảo kính đối với cha mẹ
Cha mẹ chính là phương tiện đẹp nhất và an toàn nhất mà Chúa dùng để đưa chúng ta vào cuộc đời này. Cha mẹ cũng chính là những người thầy dạy kiến thức và đức tin đầu tiên cho chúng ta. Để giúp ta có thể cảm nhận được phần nào công đức to lớn này, người xưa đã sánh ví bằng những hình ảnh mang tính cách biểu tượng trở thành câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Văn hóa Việt Nam qua những truyền thống và phong tục trong ngày Tết, đều nhấn mạnh và tôn vinh các đấng sinh thành, như một việc làm không thể thiếu được trong cuộc sống con người. Sách GLHTCG đã mở đầu cho điều răn thứ 4 của Chúa dạy, bằng việc xác định phần thưởng lớn lao dành cho những ai biết thảo kính đối với cha mẹ. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).
Vậy, chúng ta phải thực hành việc thảo kính cha mẹ như thế nào ? Nếu các con chỉ dừng lại những lời chúc tuổi đầu năm, hoặc hơn nữa là những bao lì xì tượng trưng trong ngày tết cho cha mẹ thôi, thì quả thật là chưa đủ và chưa đúng với lời dạy và của Chúa. Chúa Giêsu đã không làm như thế. Phúc âm thuật lại là trong gia đình Nagiaret với Đức Mẹ và Thánh Giuse, “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Sự vâng phục này bao gồm lòng kính trọng, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ. Cha có thể bảo đảm với các con rằng: trên thế gian này, không ai thương các con bằng chính cha mẹ, cũng không ai đi với các con trên đường đời này dài như cha mẹ. Bởi thế, các con hãy bắt chước Chúa Giêsu là người Thầy Chí Thánh của mình, cố gắng thật nhiều để thực thi giới răn quan trọng này. Yêu mến một người nào khác, đôi khi chúng ta phải cân nhắc, nhưng đối với cha mẹ, là việc phải thực thi, vì đó là truyền thống đạo hiếu của người Việt Nam, và Kinh Thánh dạy. Về giới răn nầy, Thánh Tông Đồ Phaolô khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3) (x. Đnl 5,16).
3. Yêu mến đối với quê hương
Hai chữ “Quê hương” có thể gợi lên thật nhanh chóng nơi chúng ta hình ảnh một mảnh đất thân thương, một ngôi nhà ấm áp, nơi đó có những ký ức tuổi thơ thật đẹp, hay những láng giềng chân chất thân tình. Trong cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn, Giáo hội gọi đó là “một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần. Xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành “người thừa tự”, lãnh nhận “các nén bạc” làm phong phú căn tính của mình và họ phải làm cho chúng tăng thêm hoa trái. Theo lẽ phải, mỗi người phải tận tâm với các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có nhiệm vụ mưu cầu công ích” (Sách GLHTCG số 1880). Vừa định nghĩa nhưng cũng vừa nhắc nhở một trách nhiệm đầy đủ của một người con Chúa.
Ngày mùng 1 Tết, chúng ta được kêu gọi Cầu Bình An Năm Mới. Ý chỉ này chứa đựng lời khuyên của Thánh Phaolô, là “hãy cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tim 2, 1-2). Để có bình an, mọi người phải mạnh khỏe, có nghề nghiệp ổn định, những nhà lãnh đạo quốc gia phải khôn ngoan và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm và dấn thân cho những thiện ích cộng đồng. Vậy, trong những ước nguyện đầu năm của mình, chúng ta hãy thể hiện lòng yêu mến quê hương qua việc cầu nguyện cho hòa bình trên đất nước, yên vui trên người dân, khôn ngoan và kiên định cho những nhà lãnh đạo, để tất cả cùng hướng đến một cuộc sống yên bình, tự do và hạnh phúc.
Các con thân mến, chúng ta đang đứng trước thềm năm mới 2024 với niên hiệu Giáp Thìn. Một lần nữa con rồng Đất Việt lại vươn lên, mang theo những ước mong và khát vọng cho một năm mới nhiều ơn lành và mọi sự tốt đẹp, thế giới không còn chiến tranh, dịch bệnh, đau khổ và chết chóc. Cha cầu chúc cho các con và gia đình năm mới an vui mạnh khỏe, dồi dào phước lành của Chúa Xuân, thành đạt trong công việc học tập và rèn luyện bản thân.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024.
Vĩnh Long, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
Như tin đã đưa, ngày 23/12/2023, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Theo chương trình, ngày 31/01/2024, Đức TGM Đại diện Tòa thánh đã đến Việt Nam sau khi được bổ nhiệm.
Vào lúc 15h25, Đức TGM Marek đã đáp chuyến bay từ Singapore tới Việt Nam. Đón tiếp ngài tại sân bay Nội Bài có Đức TGM Giu-se Nguyễn Năng, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN); Đức TGM Giu-se Vũ Văn Thiên, phó chủ tịch HĐGMVN; Cha Giu-se Đào Nguyên Vũ, chánh văn phòng HĐGMVN và Cha Giu-se Tạ Minh Quý, thư ký Giáo tỉnh Hà Nội.
Kế đó, các ngài trở về Tòa Tổng Giám mục (TGM) Hà Nội trong sự chào đón nồng hậu của quý Đức cha thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, dòng thánh Phao-lô thành Chartres và anh em ứng sinh tại Tòa TGM.
Đại diện cho HĐGMVN, Đức TGM Giu-se Nguyễn Năng đã bày tỏ niềm vui khi được chào đón vị Đại diện Tòa thánh trong một cương vị mới. Đồng thời, Đức TGM Giu-se cũng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ngài trong chặng đường kế tiếp. Đáp từ, Đức TGM Marek Zalewski cám ơn sự đón tiếp của quý Đức cha Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ và mọi người hiện diện. Ngài nói rằng, tôi hiện diện ở đây là để phục vụ Giáo hội tại Việt Nam.
Sau những giờ phút thăm hỏi, Đức TGM Marek cùng dự bữa tiệc huynh đệ với quý Đứccha và sẽ đến nhận văn phòng tại tòa nhà Pan Pacific, số 01 đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nguồn: Tổng Giáo Phận Hà Nội
Đó là lời Đức Giám mục (ĐGM) phụ tá Giuse Bùi Công Trác nhắn nhủ các tiến chức khi ngài chủ tế thánh lễ phong chức Phó tế cho 19 thầy chủng sinh vào lúc 8g30 thứ Bảy 20-01-2024 tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.
Đồng tế với ĐGM phụ tá Giuse có linh mục Tổng Đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân, các linh mục Hạt trưởng, các cha giáo, và đông đảo linh mục trong và ngoài Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Cùng dâng lễ có cha mẹ, thân nhân và ân nhân của các tiến chức, các chủng sinh, tu sĩ cùng rất đông giáo dân.
Thánh lễ bắt đầu với đoàn rước đồng tế từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh.
Sau phụng vụ Lời Chúa là Nghi thức phong chức Phó tế, gồm ba phần: Nghi thức mở đầu, Nghi thức chính yếu và Nghi thức diễn nghĩa.
Nghi thức mở đầu
Sau khi Tin mừng được công bố, 19 tiến chức đã được giới thiệu rằng đã đủ điều kiện lãnh chức phó tế. ĐGM chủ phong đã chấp nhận và ban huấn từ. Ngài nhắc nhở các tiến chức lưu ý 4 điều:
1. Ý thức sự yếu đuối của bản thân, được mời gọi trở nên khí cụ của Chúa, để khiêm tốn và đồng cảm với người khác.
2. Ý thức sự linh thánh của sứ vụ được trao ban, để mang lại được sức sống, niềm vui và bình an cho người khác.
3. Cảnh giác trước sức hấp dẫn của quyền lực và tiền bạc để không rơi vào nguy cơ đánh mất chính mình: “Hãy bẻ mình ra như tấm bánh vì lợi ích các linh hồn”.
4. Ý thức thách đố của đời sống độc thân: “Trong thế giới đề cao vật chất và hưởng thụ, để sống độc thân suốt đời, cần phải chuyên cần cầu nguyện, dâng lễ, lần chuỗi… Nếu không chuyên cần như thế, sẽ không có hạnh phúc thật và sẽ không mang lại hạnh phúc cho người khác.”
ĐGM kể câu chuyện về một cậu bé 13 tuổi, bị mất cánh tay trái vì một tai nạn, nhưng nhờ vâng lời sư phụ dạy võ, chỉ học một thế võ duy nhất mà đã chiến thắng được các đối thủ mạnh sức hơn. Ngài nhắn nhủ: “Các linh mục, phó tế cũng chỉ là những người yếu đuối, nhưng nếu biết vâng lời ở lại trong tình yêu của Chúa, sẽ vượt thắng được chính mình và sinh hoa trái.”
Sau khi ĐGM ban huấn từ, từng tiến chức tiến đến quỳ trước ĐGM, hai tay chắp lại đặt vào tay của ĐGM để được thẩm vấn và hứa vâng phục các Đấng Bản quyền. Sau đó, các tiến chức phủ phục trên cung thánh khi ca đoàn hát Kinh cầu Các Thánh.
Nghi thức chính thức
ĐGM đặt tay trên các tiến chức và đọc lời nguyện phong chức để các tiến chức được trở thành các phó tế.
Nghi thức diễn nghĩa
Các tân Phó tế được mang dây stola vai chéo và mặc phẩm phục phó tế. Kế tiếp, ĐGM trao sách Phúc âm và căn dặn các tân chức: “Hãy nhận lấy Tin Mừng của Chúa Kitô mà con đã trở thành người rao giảng. Hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”.
Kết thúc Nghi thức là cử chỉ trao bình an của ĐGM cho các tân Phó tế.
Sau Nghi thức phong chức Phó tế, Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Cuối Thánh lễ, sau lời cảm tạ của một tân Phó tế đại diện, ĐGM chủ tế đã cảm ơn và chúc Tết mọi người với những tâm tình chân thành và những câu thơ dí dỏm.
Thánh lễ kết thúc lúc 10g35 với phép lành trọng thể và những tấm hình chụp lưu niệm.
Danh sách các Tân Phó tế:
Bài: Tóc Ngắn, Video & Hình ảnh: Media TGPSG
Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn đảng Cộng sản Việt Nam tại Dinh Tông toà. Sau đó phái đoàn đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc phụ khanh Toà Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Gallagher tiếp tại Phủ Quốc vụ khanh.
Sau đó, bên lề hội nghị tại Phòng Báo chí Toà Thánh nhân kỷ niệm 200 năm ngày qua đời của Đức Hồng Y Ettore Consalvi, chính Ngoại trưởng Toà Thánh đã tường thuật chi tiết cuộc gặp gỡ.
Trước hết, ngài đánh giá đó là một cuộc gặp gỡ tích cực, bày tỏ hy vọng rằng cộng đoàn Công giáo sẽ có thể hưởng lợi từ điều này, điều mà từ quan điểm ngoại giao, là một bước tiến xa hơn trong quan hệ song phương, bên cạnh những kết quả quan trọng khác đã đạt được.
Đáng chú ý là thoả thuận vào tháng 12/2023 về việc bổ nhiệm Đại diện Tòa Thánh Thường trú tại Việt Nam, Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore. Thoả thuận này được ký kết vào tháng 7 trước đó nhân chuyến viếng thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở phiên họp thứ mười của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Toà Thánh vào ngày 31/3 tại Roma.
Ngoại trưởng Toà Thánh cho biết ngài sẽ thăm Việt Nam vào tháng Tư, và Đức Hồng Y Parolin sẽ thăm trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo, Đức Tổng Giám Mục giải thích “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi việc từng bước một”, và nói rằng ngài lạc quan về khả năng chuyến viếng thăm trong tương lai của Đức Thánh Cha: “Tôi nghĩ chuyến viếng thăm sẽ diễn ra. Nhưng có vài bước cần thực hiện trước khi điều này thích hợp. Tôi nghĩ Đức Thánh Cha rất muốn đi, chắc chắn cộng đoàn Công giáo rất muốn ngài viếng thăm và điều này sẽ là một thông điệp rất tốt đẹp cho tất cả khu vực. Thực tế, Việt Nam là một đất nước quan trọng, một loại phép màu kinh tế trong nhiều khía cạnh”.
Vatican News
HƯỚNG DẪN CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024
Chiếu theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (các số 373-374) và Những Quy luật Tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch (số 46), các Bài Lễ Theo Truyền Thống Dân Tộc như Bản lễ “Thánh Lễ Tân Niên” cũng như Bản lễ “Kính Nhớ Tổ Tiên Và Ông Bà Cha Mẹ” được soạn ra để sử dụng cho chính ngày và kéo dài trong một ngày đó như là những ngày Khẩn cầu đã được “Hội đồng Giám mục ấn định phải cử hành vào những dịp nhất định trong năm” (x. Quy Luật Phổ Quát Về Năm Phụng Vụ Và Niên Lịch, số 59). Vì thế, Uỷ ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam hướng dẫn cử hành phụng vụ dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 như sau:
(1) Suốt thứ Bảy ngày 10/02/2024, mồng Một Tết, cử hành Thánh lễ theo bài lễ “Thánh Lễ Tân Niên”, dù là buổi chiều tối.
(2) Suốt Chúa nhật ngày 11/02/2024, mồng Hai Tết, cử hành Thánh lễ theo bài lễ “Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ”.
Cũng lưu ý rằng:
1/. Các tín hữu chu toàn việc buộc dự lễ Chúa nhật khi tham dự một trong các thánh lễ được cử hành từ chiều thứ Bảy (mồng Một Tết) cho đến hết ngày Chúa nhật (mồng Hai Tết) (x. Bộ Giáo Luật, số 1248§1).
2/. Theo luật chung, phải cử hành Thánh lễ “Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ” vào mồng Hai Tết tại nhà thờ/nhà nguyện. Nếu không có nhà thờ/nhà nguyện cũng như không thể cử hành phụng vụ tại nhà thờ/nhà nguyện, có thể cử hành Thánh lễ tại một nơi khác/nghĩa trang nhưng phải là nơi vừa trang nghiêm vừa xứng đáng với mầu nhiệm rất thánh và với phép của đấng bản quyền giáo phận (x. Bộ Giáo Luật, các số 932§1, 1205, 1210, 1214, 1223 và 1229; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, các số 288, 297).
3/. Đối với các cộng đồng Việt Nam hải ngoại, thông thường sẽ cử hành Thánh lễ Chúa nhật từ chiều thứ Bảy (mồng Một Tết) cho đến hết ngày Chúa nhật (mồng Hai Tết) theo Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội địa phương, nhưng cũng có thể có thể cử hành Thánh lễ mồng Một Tết và mồng Hai Tết vào thứ Bảy (10/02/2024) và Chúa nhật (11/02/2024) như tại Việt Nam [theo lưu ý số (1) và (2) nêu trên] với phép của đấng bản quyền giáo phận tại nơi ấy ((x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma 374, 376).
Ngày 15 tháng 01 năm 2024.
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
UỶ BAN PHỤNG TỰ
WGPPC (07.01.2024) - Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ được chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (nay là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) tấn phong Giám mục tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma vào ngày lễ Hiển Linh - ngày 06 tháng 01 năm 1999. Ngài là một trong ba vị giám mục của Giáo hội Việt Nam được chính Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục. Đây quả thật là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho ngài.
Thánh lễ tạ ơn, mừng Ngân khánh hồng ân Giám mục của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường - được cử hành long trọng vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Bảy, ngày 06 tháng 01 năm 2024, tại nhà thờ Chánh toà Phú Cường. Thánh lễ do chính Đức cha Phêrô chủ tế. Cùng đồng tế có Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường; Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng - Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Tổng Giuse Nguyễn Văn Thiên - Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Nguyên Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội; Đức cha Tôma Aquinô Vũ Định Hiệu - Giám mục giáo phận Bùi Chu; Đức cha Phêrô Kiều Công Tùng - Giám mục giáo phận Phát Diệm; Đức cha Đaminh Đặng Văn Cầu - Giám mục giáo phận Thái Bình; Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường - Giám mục giáo phận Thanh Hoá; Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám mục giáo phận Nha Trang; Đức cha Giuse Bùi Công Trác - Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn; Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Giám mục giáo phận Bà Rịa; Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - Nguyên Giám mục giáo phận Bà Rịa; Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên - Giám mục giáo phận Cần Thơ; Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh - Giám mục giáo phận Đà Lạt; Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục giáo phận Long Xuyên; Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Giám mục giáo phận Phan Thiết; Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai - Giám mục giáo phận Vĩnh Long; Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương; cùng nhiều linh mục trong và ngoài giáo phận Phú Cường.
“Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Ngài”. Đây là lời Đức cha Phêrô cất lên khi khởi đầu thánh lễ, dâng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã tuôn đổ dư tràn hồng ân trên cuộc đời của ngài, 87 năm cuộc đời, trong ấy 59 năm linh mục, 25 năm giám mục và hồng ân Thiên Chúa sẽ vẫn mãi tuôn đổ trên ngài trong những năm tháng lữ thứ trần gian. Đức cha Phêrô cảm nhận sâu sắc ơn Chúa luôn dư tràn trong cuộc đời ngài từ khi còn bé. Chắc hẳn rằng Thiên Chúa đã chọn gọi ngài từ khi ngài vừa đến với thế gian này và suốt cuộc đời ngài, tất cả những biến cố trong cuộc đời ngài đều do bởi ơn Chúa, những hồng ân thật diệu kỳ mà Chúa dành ban cho ngài. Đức cha đã cảm nhận sâu sắc tình yêu và sự thúc giục của ơn gọi nên ngài đã dấn thân vào con đường tu trì từ rất sớm, khi còn là đứa trẻ 9 tuổi. Đức cha cảm nhận Chúa đã luôn đồng hành cùng ngài từ khi ngài bắt đầu bước theo tiếng gọi của Chúa, trong suốt quá trình tu học rồi được nhận lãnh thánh chức Linh mục. Biết bao thăng trầm trong cuộc đời, bao thử thách, chướng ngại và cả đau khổ nhưng trong từng biến cố của cuộc đời, Chúa luôn kề bên hướng dẫn, nâng đỡ và ủi an. Bao gian nan thử thách cũng như bao khó khăn vất vả, đau khổ của bệnh tật nhưng ơn Chúa đã giúp ngài vượt qua tất cả.
Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ được chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (nay là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) tấn phong Giám mục tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma vào ngày lễ Hiển Linh - ngày 06 tháng 01 năm 1999. Ngài là một trong ba vị giám mục của Giáo hội Việt Nam được chính Đức Giáo Hoàng tấn phong Giám mục. Đây quả thật là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho ngài. Khẩu hiệu Đức cha Phêrô chọn “Yêu rồi làm”, câu nói nổi danh của thánh Augustinô - Tiến sĩ Hội thánh - diễn tả thật sâu sắc và sống động tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa và tình yêu này chính là sự phản chiếu của tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Đức cha Phêrô cảm thấu tình Chúa và ngài đã chia sẻ tình yêu ấy đến người khác trong hành trình thi hành sứ vụ Chúa trao ban. “Yêu rồi làm”, Đức cha Phêrô mong muốn mang Chúa đến với mọi người bằng tình yêu và sự phục vụ tận tuỵ, yêu và phục vụ người khác như chính Chúa đã yêu. “Yêu rồi làm” cũng chính là châm ngôn hướng dẫn cuộc đời của Đức cha, mọi sự phải được thực hiện bằng một tình yêu chân thành, một tình yêu mang tên Giêsu. Nhìn lại chặng đường thi hành sứ vụ của Đức cha Phêrô trong suốt thời gian qua, mỗi người con giáo phận Phú Cường cảm nhận sâu sắc một tình yêu của vị mục tử dành cho đoàn chiên. Ngài đã dấn thân phục vụ dân Chúa, phục vụ miệt mài không mệt mỏi. Ngài đã dâng trọn cuộc đời và trái tim rực cháy của mình cho Chúa và dân Chúa. Ngoài trách vụ tại giáo phận Phú Cường, Đức cha kiêm nhiệm nhiều sứ vụ quan trọng khác như: Đặc trách Hội Thừa Sai Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, thành viên Hội đồng Giáo hoàng Đại hội Thánh thể Quốc tế, thành viên Hội đồng Giáo hoàng Đặc trách Liên tôn...
Chia sẻ Lời Chúa trong thánh lễ, Đức cha Giuse Trần Văn Toản - Giám mục giáo phận Long Xuyên - đã dùng những hình ảnh và biến cố của thánh Phêrô xưa, về cuộc đối thoại của Chúa và Phêrô, một cuộc đối thoại tình yêu. Khi Chúa hỏi Phêrô rằng: “Con có yêu mến Thầy không?”, và câu trả lời xác quyết của thánh Phêrô: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Cuộc đối thoại tình yêu giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô xưa cũng chính là cuộc đối thoại của vị mục tử mang tên Phêrô của giáo phận Phú Cường hôm nay, chính là Đức cha Phêrô kính yêu. Đức cha đã yêu mến Chúa hết trọn trái tim người con thảo của Chúa, người tư tế Chúa đã chọn gọi từ rất lâu trước đây và trong từng ngày sống, vị mục tử này vẫn luôn thưa với Chúa: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”, và câu châm ngôn “Yêu rồi làm” cũng chính là câu trả lời xác quyết của Đức cha Phêrô cho cuộc đối thoại tình yêu.
Sau phần lời nguyện hiệp lễ, cha Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam - tuyên đọc văn thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúc mừng Ngân khánh Giám mục của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ. Ngoài văn thư chúc mừng của Đức Thánh Cha, văn thư chúc mừng của Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, gửi chúc mừng và bày tỏ lòng biết ơn Đức cha Phêrô về những đóng góp của ngài cho Hội thánh, đặc biệt với giáo phận Phú Cường, với vai trò là sứ giả mang niềm hy vọng đến cho Giáo phận - nơi trải nghiệm rất nhiều khó khăn.
Kế đến, cha Tađêô Lý Nguyễn Anh Thy - Chánh văn phòng Toà Giám mục Phú Cường - tuyên đọc văn thư chúc mừng của Đức Tổng giám mục Marek Zalewski - Đại diện Toà thánh Vatican tại Việt Nam - chúc mừng ngày lễ trọng đại mừng Ngân khánh Giám mục của Đức cha Phêrô.
Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng - Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn - đã yêu mến chúc mừng Đức cha Phêrô. Đức cha Giuse cảm phục trước những đóng góp của Đức cha Phêrô dành cho Giáo hội Việt Nam, những khó khăn thử thách khi xây dựng lại Hội Thừa Sai Việt Nam gần như bắt đầu từ con số 0, những đóng góp trong việc xây dựng không chỉ về cơ sở vật chất mà Đức cha đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và đào tạo đội ngũ kế thừa. Đức cha Phêrô thật sự là một người chăm sóc vườn nho của Chúa rất hữu hiệu, không chỉ làm đẹp vườn nho của Chúa mà đã làm cho vườn nho Chúa trổ sinh thêm nhiều hoa trái tốt tươi. Đức cha Giuse cảm nhận tình yêu của Đức cha Phêrô thật lớn, ngài có một “quả tim lớn” chứa đầy tình yêu thương nồng ấm và ngài đã dành trọn tình yêu ấy cho Chúa và dân Chúa.
Trước khi Đức cha Phêrô ban phép lành cuối lễ, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục giáo phận Phú Cường - thay mặt toàn thể gia đình Giáo phận chúc mừng Ngân khánh Giám mục, 59 hồng ân linh mục và tri ân Đức cha Phêrô về những hy sinh của ngài trong suốt thời gian vừa qua, và nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ muôn ơn lành trên Đức cha Phêrô, gìn giữ ngài luôn an khang, hồn an xác mạnh, sống vui sống khoẻ để tiếp tục đồng hành và nâng đỡ đoàn con cái của Chúa nơi giáo phận Phú Cường.
Trước khi đáp lời chúc mừng, Đức cha Phêrô dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương và gìn giữ ngài trong suốt chặng đường vừa qua. Đức cha bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông bà tổ tiên, họ hàng gần xa đã luôn yêu thương, nâng đỡ, cầu nguyện cho ngài. Đức cha đặc biệt cảm ơn mọi người đã yêu thương, không quản ngại đường xá xa xôi trên khắp mọi miền đất nước, đã đến tham dự thánh lễ tạ ơn của ngài, cùng hiệp thông với ngài dâng tâm tình tạ ơn lên Thiên Chúa.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 11 giờ 15 phút, quý Đức cha cùng chụp hình lưu niệm với Đức cha Phêrô; sau đó mọi người cùng chia sẻ niềm vui trong bữa tiệc thân mật tại khuôn viên của giáo xứ.
Maria An Bình - Ban Truyền thông GP Phú Cường
WGPH (07.01.2024) - Lúc 8g00 thứ Bảy ngày 06.01.2024, tại Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Tổng Giám mục TGP Huế đã chủ tế Thánh lễ Hành hương đầu tháng 01.2024 với ý nguyện “Kính Đức Maria trong Mùa Giáng sinh”. Cùng đồng tế có Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Tổng Giám mục Phó TGP Huế, Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Nguyên Tổng Giám mục TGP Huế và đông đảo Linh mục đoàn TGP Huế vừa kết thúc ngày tĩnh tâm tháng Giêng tại La Vang.
Trước khi bắt đầu Thánh lễ Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã hân hoan công bố tin vui cho toàn Tổng Giáo phận: “Ngày 23 tháng 12 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ưu ái ban tặng tước hiệu Đức Ông với cấp bậc Tuyên úy của Đức Thánh Cha cho Cha Antôn Dương Quỳnh đương nhiệm Tổng Đại diện TGP Huế – Quản xứ Giáo xứ Phanxicô và Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh đương nhiệm Đại diện Giám mục – Quản xứ Giáo xứ Gia Hội”.
Kế đến, Cha Barnaba Trần Đình Phục – Chánh văn phòng, Chưởng ấn Tòa Tổng Giám mục Huế đã lần lượt long trọng công bố thư báo tin của Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam; Văn bằng phong tước Đức Ông cho Cha Antôn Dương Quỳnh và Văn bằng phong tước Đức Ông cho Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh.
Kết thúc Nghi thức công bố Văn bằng phong tước Đức Ông, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã trao văn bằng phong tước Đức Ông cho Cha Antôn Dương Quỳnh và Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh.
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí sốt sắng và tạ ơn. Trong bài giảng lễ khởi đi từ các bản văn Kinh Thánh của ngày lễ Mẹ Thiên Chúa, Đức Tổng Giám mục Phó Giuse Đặng Đức Ngân diễn tả về hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa, Đấng tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình yêu và hằng suy đi nghĩ lại thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời. Đồng thời, ngài cũng diễn giải cho cộng đoàn về ý nghĩa của tước Đức Ông trong Giáo Hội.
Sau lời nguyện Hiệp lễ, Cha Đaminh Phan Hưng – Tổng Thư ký Hội đồng Mục vụ TGP Huế thay mặt cho đại gia đình TGP Huế nói lời chúc mừng quý Đức Ông vừa được tôn phong.
Tiếp nối dòng chảy tri ân, hai Đức Ông đã nói lên lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh vì được đón nhận tước Đức Ông, một vinh dự lớn lao cho đời Linh mục.
Sau đó, Cha Micae Phạm Ngọc Hải – Quản nhiệm La Vang cám ơn quý Đức Tổng Giám mục, quý Cha và toàn thể cộng đoàn hành hương về bên Đức Mẹ. Cha cũng thông báo việc Đức Tổng Giám mục Giuse đã ấn định ngày hành hương Minh Niên sẽ vào mùng Bốn Tết Giáp Thìn (tức 13.02.2024) tại La Vang.
Ngày lễ hành hương La Vang đầu tháng lần này gói ghém nhiều tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa vì một năm mới đang mở ra và tâm tình tạ ơn ấy được cụ thể hơn nữa khi vầy quanh bên Linh đài Đức Mẹ La Vang hai Linh mục Tổng Giáo phận được đón nhận Văn bằng phong tước Đức Ông của Tòa Thánh.
Ban Truyền Thông TGP. Huế
Nguồn: tonggiaophanhue.org (07.01.2024)
Một người hàng xóm thuộc tôn giáo bạn trước khi rời Chợ Quê Mùa Xuân 2024 đến bắt tay tôi nói “chúc mừng các anh Chợ Quê tốt đẹp! Đúng là một ngày “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” với Giáo xứ Cự Lại.
“Thiên thời”, bởi vì suốt nhiều ngày trước thời tiết mưa và gió lạnh, ngay cả ngày cuối cùng của năm 2023 (31/12/2023), trời vẫn còn mưa phùn, gió bấc. Sáng 01/01/2024 trời vẫn âm u với những đợt mưa rào và gió chướng thổi từ biển vào. Thế nhưng đến giờ trưa thì mây tan dần và vào giờ khai mạc Chợ Quê lúc 13g30 thì mặt trời ló dạng mỉm cười.
“Địa lợi”, đó lợi thế của Chợ Quê Agape Cự Lại được tổ chức vào ngày đầu năm dương lịch, ngày mồng 1 tháng Giêng, khi mà mọi người được nghỉ ngơi và không vướng bận việc nhà như Tết Nguyên Đán.
“Nhân hòa”, khi được nhiều người hợp lòng, hợp ý bắt tay cộng tác vào công việc nhằm đạt được mục đích của chợ Quê Agape là “tình thương & phục vụ”. Trước hết và đầu tiên là được Hội thiện nguyện Agape tài trợ, mà Cô Têrêxa Mai Chi là người đại diện. Hội thiện nguyện Agape – Love for Vietnam, từ hơn 20 năm đã hiện diện và phục vụ bà con lương giáo tại Giáo phận Huế qua các Cha Quản xứ. Thứ đến là các hội đoàn trong giáo xứ mà năng động và có tinh thần cao là các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể của xứ đoàn Gioan Tẩy Giả Cự Lại, và đặc biệt 2 năm nay có được Nhóm thiện nguyện Emmanuel gồm những bạn trẻ thuộc giới thanh niên và gia đình trẻ, theo đúng phương châm “đâu khó có thanh niên!”; cũng như các Hội, các Giới khác trong giáo xứ như: Hiền Mẫu, Lòng Chúa Thương Xót, Song Nguyền, Ca đoàn, hội Khuyến học… đồng lòng hợp lực, đặc biệt có sự đóng góp của các chị lớp Tiền tập của Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, làm cho chương trình sinh hoạt Chợ Quê thêm phần sống động.
Đúng 13g30, sau hồi lệnh và trống của đại diện Hội đồng Giáo xứ và Ban Tổ chức cùng lời tuyên bố khai mạc của Cha Quản xứ Phaolô Nguyễn Luận, các em thiếu nhi giáo xứ chào mừng CHỢ QUÊ 2024 bằng vũ khúc “ĐOẢN XUÂN CA” và vũ điệu “Điệp khúc Giáng Sinh”. Vì Chợ Quê khởi đầu cho năm 2024 nhưng còn thuộc về tuần Giáng Sinh của năm 2023, nên bầu khí thật rộn ràng của GIÁNG SINH YÊU THƯƠNG và NĂM MỚI HY VỌNG!
Đã là Chợ Quê thì không thể thiếu những trò chơi dân gian như kéo co và nhảy bao bố của tập thể các giáo xóm. Kéo co dành cho các anh mạnh mẽ, và nhảy bao bố của các chị em thì cần khéo léo và dẻo dai, bền bỉ. Cuộc thi đua thật náo nhiệt và phấn khích.
Các trò chơi được xen kẻ với các tiết mục hô lô-tô, các trò chơi có thưởng của các em Thiếu Nhi Thánh Thể, của Lễ Sinh, của nhóm Ơn Gọi, của hội Song Nguyền và sự đóng góp của các nữ tu.
Đến với Chợ Quê thì phải ăn hàng. Giáo xứ chuẩn bị đến hơn 10 sạp bán thức ăn. Ôi thôi đủ thứ, từ những món ăn vặt cho các em tuổi teen, cho đến những món ăn thông dụng như bún bò giò heo, bánh lọc, hột vịt, thịt nướng… Chúng tôi trao ra hơn 1000 tem phiếu “miễn phí” với mệnh giá 20k/người cho hơn 1000 người giáo lương, đặc biệt các trẻ em. Agape còn có cửa hàng đặc biệt dành cho hơn 200 thiếu nhi. Các em rất mê mẫn, chỉ một thoáng là sạch hàng! Và Chợ Quê 2024 không chỉ vui chơi – ăn uống, mà còn có một cửa hàng “bonsai” cây cảnh xinh xắn cũng thu hút không ít khách hàng từ nhỏ đến lớn, những khách hàng thích cây cảnh, thiên nhiên và nghệ thuật!
CHỢ QUÊ AGAPE 2024 – GIÁO XỨ CỰ LẠI khép lại khi màn đêm dần buông xuống lúc 18g00. Nhiều người vẫn còn muốn nán lại để chia sẻ, để tâm tình với ban tổ chức, với những anh chị thiện nguyện Emmanuel, những những anh chị huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể… Và mọi người lương giáo đều ước mong, cứ độ này hằng năm được đến với Chợ Quê Agape – Giáo xứ Cự Lại để được chia sẻ tình thương và tinh thần phục vụ. Cầu cho nhau và hi vọng!
Chân thành cám ơn mọi người đã chia sẻ, đã đóng góp, đã đến tham dự Chợ Quê… và làm cho niềm vui “tình thương và phục vụ” được lan tỏa đến mọi người.
Ban Truyền Thông Giáo xứ Cự Lại
Nguồn: TGP Huế
WGPPT (02.01.2024) - Tại nhà thờ Chánh Tòa Giáo phận Phan Thiết, vào sáng ngày đầu tiên của năm Dương lịch 2024, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã cử hành Thánh lễ và Nghi thức Khai mạc Năm thánh Kim khánh, kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển Giáo phận (30/01/1975 - 30/01/2025).
Nhìn lại 50 năm hình thành và phát triển
Tạ ơn 50 năm Hồng ân là dịp gia đình Giáo phận Phan Thiết nhìn lại công trình yêu thương của Thiên Chúa, qua đôi tay bàn của mẹ hiền Giáo hội và sự chở che của Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa.
Với Tông sắc thành lập Giáo phận Phan Thiết được Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, ký ngày 30/01/1975, khi cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào những tháng ngày khốc liệt, Tòa Thánh đã đặt Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa (Giáo phận Ban Mê Thuột), làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Phan Thiết. Nhưng trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, ngài không thể đến Giáo phận Phan Thiết để nhận sứ vụ. Do đó, Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi đã được Tòa Thánh đặt làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Phan Thiết, qua Quyết định của Thánh bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc ký ngày 29/3/1975.
Đức cha Nicôla nhận sứ vụ tại Giáo phận Phan Thiết trong sự tin yêu phó thác, giữa thời khắc “bom rơi đạn nổ”. Vào thời điểm ấy, đây là sứ vụ cực kì khó khăn. Ngày 06/12/1979, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban Tông sắc Bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phan Thiết. Với lòng can đảm và sự dẫn dắt đầy nhiệt huyết, ngài đã từng bước xây dựng Giáo phận non trẻ, bơ vơ trong thời ly loạn, cơ sở vật chất thiếu thốn, vừa được tách ra từ Giáo phận mẹ Nha Trang.
Nửa thế kỷ sắp trôi qua giữa bao “thăng trầm thế sự”, Giáo phận Phan Thiết đã từng bước lớn mạnh dưới sự dẫn dắt tiếp nối của các Đức Giám mục: Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi (1975 – 2005), Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (2005 - 2009), Đức cha Giuse Vũ Duy Thống (2009 – 2017), Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm (Giám quản Tông tòa, 2017 - 2019) và Đức cha đương nhiệm Giuse Đỗ Mạnh Hùng (2019 – nay).
Địa giới của Giáo phận Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận với tổng diện tích 7.942,4 km², nằm dọc vùng duyên hải miền Trung Nam bộ, có bờ biển dài 192 km, cộng thêm huyện đảo Phú Quý và hai huyện miền núi Tánh Linh - Đức Linh.
Từ khi thành lập, Giáo phận Phan Thiết chỉ có 2 Giáo hạt, 49 Giáo xứ, 68.110 tín hữu. Sau 50 năm, Giáo phận đã phát triển thành 5 Giáo hạt, 103 Giáo xứ, 15 Giáo họ biệt lập, 216 linh mục (177 linh mục Triều và 37 linh mục Dòng, Tu đoàn), 12 phó tế, 116 chủng sinh, 997 tu sĩ (155 nam, 842 nữ), 1.382 giáo lý viên, 50.748 gia đình Công giáo, 192.112 giáo dân trong tổng số 1.245.306 dân số toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 15,4%.
50 năm nhìn lại để định hướng tương lai. 50 năm “ôn cố tri tân”. 50 năm với bao Hồng ân Thiên Chúa tuôn đổ trên mỗi người, mỗi gia đình và toàn thể Giáo phận qua lời chuyển cầu của Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận”.
Nghi thức Khai mạc Năm thánh
Theo truyền thống Giáo hội Công giáo, Năm thánh hay còn gọi Năm Toàn xá, là năm Đức Giáo Hoàng dành riêng để ban ân xá đặc biệt cho các tín hữu đến viếng các đền thờ và cầu nguyện, với những điều kiện đã quy định. Trong niềm hân hoan vui mừng thánh thiêng, cộng đoàn Dân Chúa hiện diện quanh vị chủ chăn Giáo phận cử hành nghi thức Khai mạc Năm thánh: Sau khi Đức cha Giuse làm dấu và đọc lời nguyện, cha Tổng Đại diện, Giuse Hồ Sĩ Hữu, công bố Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao cho phép Giáo phận Phan Thiết cử hành Năm thánh có kèm theo Ơn Toàn xá.
Kế đến, cha Fx. Lê Nguyên Thao, Chánh văn phòng Tòa Giám mục, công bố Văn thư của Tòa Ân giải Tối cao; Những nơi hành hương được lãnh nhận Ơn Toàn xá; Chương trình cử hành Năm thánh và Lịch hành hương học tập trong Năm thánh tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao. Chiếu theo Văn thư này, những nơi hành hương của Giáo phận được Tòa thánh ban phép lãnh Ơn toàn xá gồm: Giáo hạt Bắc Tuy: Nhà thờ Gx. Long Hương và Nhà thờ Gx. Hòa Thuận; Giáo hạt Phan Thiết: Nhà thờ Chánh Tòa và Nhà thờ Gx. Tầm Hưng; Giáo hạt Hàm Thuận Nam: Nhà thờ Gx. Vinh Lưu và Nhà thờ Gx. Hiệp Đức; Giáo hạt Hàm Tân: Nhà thờ Gx. Thanh Xuân và Nhà thờ Gx. Cù Mi và Giáo hạt Đức Tánh: Nhà thờ Gx. Võ Đắt và Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao.
Để kêu gọi mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Phan Thiết thành tâm sám hối chuẩn bị tâm hồn sống Năm thánh Hồng ân, trong phần nghi thức, Đức Giám mục còn làm phép nước và rảy lên cộng đoàn hiện diện.
Đến phần long trọng nhất của nghi thức khai mạc Năm thánh, vị chủ chăn Giáo phận tuyên bố: “Tôi, Giuse Đỗ Mạnh Hùng, do thẩm quyền tối cao của Mẹ Hội thánh, được đặt làm Giám mục Giáo phận Phan Thiết, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô và với quyền được trao, tôi TUYÊN BỐ KHAI MẠC NĂM THÁNH trong Giáo phận Phan Thiết, bắt đầu từ hôm nay, ngày mồng 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày 13 tháng 01 năm 2025”.
Trong tiếng trống dồn dập, tiếng vỗ tay vang dội và tiếng nổ giòn của pháo điện, Đức cha Giuse tiến đến cờ Năm thánh rút dây cho cờ bay lên.
Mở cửa Năm thánh là cử chỉ sau cùng của nghi thức khai mạc: “Xin mở cửa công chính cho tôi, để tôi vào tạ ơn Đức Chúa. Ðây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua. Đây là cổng Nhà Chúa, chúng ta hãy bước qua cổng và nhận lãnh lòng thương xót và ơn tha thứ”. Đức cha Giuse cầm sách Tin Mừng bước qua cửa Năm thánh, dẫn đầu đoàn rước tiến vào lễ đài cử hành Thánh lễ. Điều này diễn tả ngài là chủ chăn, là nguyên lý hiệp nhất, dẫn dắt mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Phan Thiết bước vào Năm thánh, trong sự hiệp thông và hăng say ra đi loan báo Tin Mừng.
Thánh lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo phận
Thánh lễ khai mạc Năm thánh hồng ân hôm nay cũng là Thánh lễ trọng thể mừng Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng của Giáo phận. Hiện diện cùng Đức cha chủ tế Giuse Đỗ Mạnh Hùng hôm nay có gần 200 linh mục đồng tế, các thầy phó tế, chủng sinh, đông đảo quý tu sĩ nam nữ và giáo dân tham dự.
Trong bài giảng, Đức cha chia sẻ về ba hình ảnh trong ngày Khai mạc Năm thánh: Niềm vui - “kara”, Ân sủng - “karis” và tạ ơn - “eu-karis-tica”:
“Những niềm vui trong ngày trọng đại hôm nay đang bao trùm trên Giáo phận: Niềm vui của ngày đầu năm mới; cao điểm kết thúc tuần bát nhật Giáng sinh; ngày Giáo phận mừng Bổn mạng, khai mạc Năm thánh mừng kỉ niệm Kim khánh thành lập.
Hình ảnh “Ân sủng” từ THIÊN CHÚA là nguồn mạch của niềm vui đang tuôn tràn trên chúng ta hôm nay cùng với hướng dẫn của Lời Chúa về những hồng ân hay lời chúc lành Chúa muốn ban tặng cho chúng ta: đó là (1) lòng thương xót, tha thứ của THIÊN CHÚA trước những yếu đuối thiếu sót của chúng ta trong 50 năm qua; tiếp đến là (2) tình thương quan phòng luôn gìn giữ chúng ta khỏi nguy hiểm xác hồn, và thứ ba (3) là ơn bình an trong gia đình, trong giáo xứ, trong Giáo phận. Thánh lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay là một lời Tạ ơn sống động của Giáo phận chúng ta. Cùng với Đức Mẹ chúng ta dâng của lễ hợp với hy lễ thập giá của Chúa Giêsu.
Và nói tới Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta không thể không nhắc tới GIÁO HỘI là nhiệm thể của Chúa Giêsu.
Trong dòng lịch sử của Giáo Hội Việt Nam hôm nay với 27 Giáo phận, Giáo phận Phan Thiết của chúng ta là người con thứ 25, người con thứ 26 là Bà Rịa, và người con 27 là Hà Tĩnh.
Và đặc biệt kỷ niệm Kim Khánh của Giáo phận chúng ta đang nằm trong tiến trình Hiệp Hành của Giáo Hội hoàn cầu.
Cùng hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, giáo phận chúng ta cùng tích cực tham gia lên đường, cùng đi trên con đường Giêsu để tiến về Nhà THIÊN CHÚA Cha… Nói cách khác Giáo phận chúng ta cùng tiến bước, với những chặng ngừng trên được với những mốc lịch sử, 25 năm, 50 năm, rồi sắp tới nữa 60 năm, 100 năm”.
Cuối bài giảng Đức cha đúc kết về niềm vui ngày khai mạc Năm Thánh hôm nay, đó là “niềm vui hiệp hành”. Có Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse và toàn thể GIÁO HỘI cùng đi với Giáo phận chúng ta trên hành trình tiến về Nhà THIÊN CHÚA là Cha.
Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong trang nghiêm, sốt sắng. Kết lễ, cộng đoàn được nhận phép lành của Thiên Chúa với Ơn toàn xá từ Đức cha chủ tế ban nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô.
Cuối cùng, Đức cha trao Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao và cờ Năm thánh cho các Giáo hạt. Năm cha Hạt trưởng tiến ra trước Bàn thờ nhận Sắc lệnh và cờ Năm thánh Giáo phận cho các nhà thờ, được chọn trong Giáo hạt, để hành hương đón nhận lãnh Ơn Toàn xá trong suốt Năm thánh này.
Thay cho lời kết
Mượn lời nguyện Đức cha Giuse đã dâng khi mở đầu nghi thức Khai mạc Năm Thánh: Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con là con cái Chúa được hưởng thời gian của Năm thánh hồng ân; xin cho Giáo phận Phan Thiết luôn lớn mạnh trong tự do an bình, được tỏa sáng ra trước mặt mọi người như là Bí tích cứu độ, hầu làm cho mầu nhiệm tình yêu của Chúa được nhận biết và trở nên sinh động trong thế giới hôm nay.
Ban Truyền Thông Gp. Phan Thiết
Nguồn: gpphanthiet.com (02.01.2024)