Tin Giáo Hội Việt Nam
WHĐ (22.07.2023) – Được biết ngay sau khi Toà Thánh công bố lịch Tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Giorgio Marengo, I.M.C. đã gửi thư thông báo và mời Hội đồng Giám mục các quốc gia châu Á cùng mừng đón Đức Thánh Cha đến Mông Cổ. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã gửi thư chúc mừng đến Đức Hồng Y Marengo và nhận lời hành hương đến Mông Cổ. Trang truyền thông HĐGM (WHĐ) hân hoan giới thiệu bài phỏng vấn Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGM về chương trình này.
WHĐ: Cha Chánh Văn phòng có thể chia sẻ cụ thể về chương trình Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mông Cổ?
Trả lời: Ngày 3 tháng 6 vừa qua, Toà Thánh công bố Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến tông du đến Mông Cổ từ ngày 31 tháng 8 đến 4 tháng 9 năm nay theo lời mời chính thức của Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh và Đức Hồng Y Giorgio Marengo.Theo chương trình chính thức công bố, chuyến bay của Đức Thánh Cha sẽ đáp xuống sân bay Chinggis Khaan của thủ đô Ulaanbaatar lúc 10 giờ sáng ngày 1 tháng 9. Sáng ngày 2 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ dự nghi thức đón tiếp cấp Nhà nước lúc 9 giờ do Tổng thống Mông Cổ chủ trì tại quảng trường Sukhbaatar, tiếp theo là các cuộc tiếp xúc ngoại giao với lãnh đạo Chính phủ, Cơ quan lập pháp và Ngoại giao đoàn các nước; buổi chiều cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ gặp hàng giáo phẩm các nước đến Mông Cổ, giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em thiện nguyện tại Nhà thờ Chính toà Thánh Phêrô và Phaolô lúc 16 giờ. Sáng ngày 3 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp Đại kết và các tôn giáo tại “Hun Theatre”; cao điểm của chuyến Tông du là Thánh lễ đại triều tại trung tâm “Steppe Arena”. Ngày 4 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm, khánh thành và làm phép mái ấm “House of Mercy” lúc 9 giờ 30 phút trước khi rời Mông Cổ trở về Roma.
WHĐ: Sau khi Cha thực hiện chuyến đi tiền trạm tại Mông Cổ đầu tuần trước, dự định tổ chức đoàn hành hương như thế nào, thưa Cha?
Trả lời: Sau khi nhận lời mời của Đức Hồng y Mông Cổ, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã gửi thư chúc mừng và xác định Giáo hội Việt Nam sẽ tham dự cùng với Giáo hội Công giáo tại Mông Cổ để đón tiếp Đức Thánh Cha như dấu chỉ của tình hiệp thông và để chia sẻ sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội hoàn vũ. Chuyến đi tiền trạm của tôi chỉ có vỏn vẹn 19 tiếng tại thủ đô Ulaanbaatra, chủ yếu thăm các địa điểm sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha và trao đổi với Ban Tổ chức chuyến Tông du.
Giáo hội Công giáo tại Mông Cổ hiện nay được “hồi sinh” từ những bước chân truyền giáo năm 1992, khi Nhà nước Mông Cổ và Toà Thánh Vatican thiết lập ngoại giao chính thức; và hiện có khoảng 1300 tín hữu rải rác chung quanh 10 giáo xứ với hơn 60 linh mục và tu sĩ từ các nước đang mục vụ. Với số lượng giáo dân và giáo xứ như thế, rõ ràng, Giáo hội tại Mông Cổ là một Hội Thánh trẻ và nhỏ. Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha sẽ là một biến cố lớn và sự hiện diện của đoàn hành hương Việt Nam sẽ mang một ý nghĩa không nhỏ đối với đất nước và anh chị em tại Mông Cổ. Chuyến đi này cũng giúp chúng ta học cách diễn tả và chia sẻ niềm vui được Đức Thánh Cha viếng thăm!
Đoàn hành hương Việt Nam do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng dẫn đầu, cùng với Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế và một số linh mục, giáo dân. Theo thông tin từ Thầy Tổng điều phối chuyến Tông du của Đức Thánh Cha, phái đoàn từ Giáo hội tại Việt Nam sẽ tham gia hầu hết các sự kiện tại đây. Quý Đức Cha sẽ cùng với Đức Hồng Y và đại diện Chính quyền Mông Cổ mừng đón Đức Thánh Cha tại sân bay Chinggis Khaan sáng 1 tháng 9, phái đoàn Việt Nam sẽ cùng với 10 giáo xứ của địa phương và các nước hành hương chờ đón Đức Thánh Cha tại khuôn viên giáo xứ Chính toà chiều ngày 2 tháng 9 khi Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng giới thiệu các thành phần hành hương từ Việt Nam với Đức Thánh Cha, và tham dự diễn nguyện trước Thánh lễ đại triều vào chiều ngày 3 tháng 9.
WHĐ: Làm cách nào để mọi người có thể đăng ký tham dự đoàn hành hương, thưa Cha?
Trả lời: Tất cả các thành viên của đoàn hành hương này đều phải tự túc chi phí và Văn phòng HĐGM không có điều kiện cũng như pháp nhân tổ chức dịch vụ lữ hành. Hiện nay đã có hai đơn vị có giấy phép tổ chức dịch vụ lữ hành là công ty Vietravel và công ty Du lịch Việt đã liên hệ với Văn phòng Hội đồng Giám mục để hỗ trợ. Vì vậy, anh chị em có thể trực tiếp liên hệ với hai đối tác này để chuẩn bị.
- Công ty Du lịch Việt:
+ Chị Teresa Maria Phương Anh: 0918 293 909
+ Anh Gioan Baotixita Thái Cao Đạt: 0913 142 294
- Công ty Vietravel:
+ Maria Trần Thị Lan: 0933 229 347
+ Catarina Lê Thị Huyền Trâm: 0938 301 242
WHĐ: Cám ơn Cha và cầu chúc đoàn hành hương của Giáo hội Việt Nam được tràn đầy ân sủng và niềm vui hiệp thông.
Nguồn: WHĐ
WGPBN (18.07.2023) – Lúc 08h00 sáng ngày 18.07.2023, tại nhà thờ Chính toà Bắc Ninh đã diễn ra Thánh Lễ tạ ơn nhân dịp kết thúc sứ vụ Giám mục Chính toà của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt và khai mạc sứ vụ Giám mục chính toà của Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang. Thánh Lễ do Đức cha Giuse, Giám mục Bắc Ninh chủ tế, cùng đồng tế với ngài có Đức hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, quý Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Huế, Sài Gòn; quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý thầy chủng sinh, quý khách cùng đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài Giáo phận.
Mở đầu Thánh Lễ, Đức cha Giuse nói về tâm tình của Đức cha Cosma với tất cả mọi người, đặc biệt là với cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Bắc Ninh: “Mười lăm năm ấy biết bao ân tình”. Ân tình của Thiên Chúa tuôn đổ trên mảnh đất Kinh Bắc thân thương này, 15 năm – cũng là những nỗ lực không mỏi mệt của Đức cha Cosma và sự cố gắng của mọi người để đất Bắc Ninh được “trổ sinh hoa trái’’. Đức cha Giuse cũng kêu gọi cộng đoàn cùng hiệp ý với Đức cha Cosma dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Giáo phận trong thời gian sắp tới, để những hoa trái lại tiếp tục được trổ sinh trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này.
Trong bài giảng, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh – Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế bày tỏ: ngài mong muốn có một món quà tinh thần nào đó để gửi tặng cho Đức cha Cosma. Thánh lễ hôm nay là một sự kiện hoàn vũ và một sự kiện toàn quốc. Một hình ảnh tuyệt vời của Hội Thánh hiệp hành, tham gia và sứ vụ, một hình ảnh tuyệt vời của miền Quan họ Bắc Ninh.
Ngay từ lúc khởi đầu, “con thuyền đức tin” của Giáo phận Bắc Ninh đã phải trải qua bao nhiêu giông tố, bách hại. Lòng trung kiên với đức tin luôn ngời sáng dù có phải trải qua giá máu. Đức Tổng Giuse nhắc lại những dấu mốc vàng son đáng nhớ trong lịch sử của Giáo phận Bắc Ninh, nhưng quá khứ dù có đau thương đến đâu thì sớm muộn cũng biến thành niềm vui. Từng bước một, từ con số không, nay số giáo dân Bắc Ninh đã lên tới gần 140 ngàn người. Tạ ơn Chúa vì những hồng ân mà Ngài tuôn đổ xuống trên Giáo phận.
Đức Tổng Giuse kêu gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện cho Đức cha Cosma nay đã mãn nhiệm được bằng an, cầu nguyện cho Đức cha Giuse tân nhiệm được thành công trong sứ vụ Chúa trao phó. Chắc chắn Đức cha Giuse có dồi dào kinh nghiệm khôn ngoan để dẫn dắt giáo phận đến bến bình an, những tâm huyết và thao thức của ngài đã được diễn tả trong khẩu hiệu Giám mục của mình. Đó là: “gặp gỡ, lắng nghe và phân định”. Đức Tổng Giuse cũng nhắn nhủ: “Giáo phận Bắc Ninh hãy tin tưởng bước vào ngày mai, Bắc Ninh mãi mãi là Bắc Ninh tươi sáng tuyệt vời”.
Cuối Thánh Lễ, Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có những tâm tình dành cho hai Đức cha và toàn thể gia đình giáo phận Bắc Ninh. Tiếp đó, Đức cha Cosma cũng có những tâm tình chia sẻ, gửi gắm đến quý đấng bậc và toàn thể cộng đoàn.
Cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Công Văn cũng đại diện cho linh mục đoàn và mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Bắc Ninh dâng lời cảm ơn hai Đức cha và bày tỏ tình con thảo vâng phục với Đức cha Giuse. Cuối cùng, Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang có những tâm tình tri ân gửi đến quý đấng bậc và toàn thể cộng đoàn nhân ngày khai mạc sứ vụ Giám mục Giáo phận Bắc Ninh.
Thánh Lễ kết thúc trong niềm vui hân hoan và những ước mong của tất cả mọi người cho một hành trình đức tin phía trước được tràn đầy ơn thánh Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành xuống trên Giáo phận Bắc Ninh, để miền đất quan họ này mỗi ngày được thêm thăng tiến và trổ sinh hoa trái dồi dào cho những mùa gặt mai sau.
Duy Kết
Nguồn: giaophanbacninh.org
Ngài cho biết Uỷ ban các Vị Tử đạo Mới sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đã được bắt đầu trong dịp Đại Năm Thánh 2000, để xác định các Chứng nhân Đức tin trong một phần tư đầu của thế kỷ và sau đó tiếp tục trong tương lai, những người cho đến hôm nay vẫn tiếp tục bị sát hại chỉ vì là Kitô hữu. Nghiên cứu sẽ không chỉ liên quan đến các tín hữu của Giáo hội Công giáo, nhưng sẽ được mở rộng đến các các tín hữu của các hệ phái Kitô.
Trong cuộc phỏng vấn với Báo Quan sát viên Roma, cha Tôma Nhuệ - thành viên Uỷ ban các Vị Tử đạo Mới - cho rằng, với Uỷ ban này, chúng ta sẽ có thể tưởng nhớ đến các vị tử đạo âm thầm, cách riêng ở Việt Nam, luôn hiện diện trong lịch sử Giáo hội. Các vị tử đạo không muốn được thế gian và hậu thế tôn vinh. Được ơn Chúa chúc phúc, các ngài đã tìm được sự chiến thắng và hạnh phúc nơi chính Chúa. Các vị đã chết trước hết vì sự thúc đẩy của một đức tin đích thực. Những chứng tá này vẫn sống động và sinh hoa trái cho đến ngày nay. Cuộc đời của các vị tử đạo và sự hy sinh cao cả vì đức tin là một câu chuyện mạnh mẽ cho đời sống Giáo hội hôm nay, ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Trong số các vị tử đạo đương thời, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Giáo hoàng Truyền giáo nhấn mạnh đến kinh nghiệm gần đây của linh mục dòng Đa Minh, cha Giuse Trần Ngọc Thanh, 41 tuổi bị giết vào ngày 29/01/2022 khi đang giải tội tại giáo xứ Đăk Mót, cách Kontum gần 70 cây số về phía tây bắc. Cha bị một người được cho là có vấn đề tâm thần tấn công và qua đời vào đêm cùng ngày. Các tín hữu có mặt tại nhà thờ, chứng kiến vụ tấn công, đều bàng hoàng.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, cha Tôma Nhuệ cho biết thêm, Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Kontum, người đã ở bên cạnh cha Giuse Thanh trước khi trút hơi thở cuối cùng, làm chứng: “Cha Giuse Trần Ngọc Thanh đã tha thứ cho kẻ sát hại ngài”. Và ngài nói thêm: “Cái chết của cha Giuse Thanh là một mất mát lớn, nhưng với cái nhìn đức tin, chúng ta phó thác biến cố này cho lòng thương xót Chúa. Như cha Giuse đã làm, chúng ta được mời gọi yêu thương, tha thứ, dẹp bỏ hận thù, cầu nguyện cho tội nhân biết ăn năn”.
Giám mục Kontum khẳng định: “Ý Chúa là mầu nhiệm. Giờ đây, không ai có thể tách cha Giuse Thanh ra khỏi tình yêu Chúa. Khi bị giết, cha đã ở vị trí của Chúa Kitô ban ơn tha thứ của Người. Chết trong giây phút đó, trong tư cách của Chúa Kitô, phải là một ân sủng đặc biệt”. (Osservatore romano 12/7/2023)
Nguồn: Vatican News
Thánh
Antôn NGUYỄN HỮU QUỲNH (NĂM)
Trùm họ (1768 - 1840)
Ngày tử đạo: 10 tháng 7
Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ.
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cậu Quỳnh là con ông Antôn Hiệp và bà Mađalêna Lộc. Theo gia phả, cậu là cháu 15 đời của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Vì là con thứ năm, nên ngài được gọi là Năm Quỳnh.
Năm 1800, anh Quỳnh đi lính cho hoàng tôn Nguyễn Ánh và được thăng chức Vệ Uý. Sau hai năm, anh giải ngũ về quê, học thêm nghề thuốc và trở thành một lang y nổi tiếng. Với người nghèo, ông chữa bệnh miễn phí mà đôi khi còn cho tiền.
Ông nói: “Tôi thấy những ai giúp đỡ người nghèo khó mà túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”. Khi con cái khôn lớn, ông nói: “Cha đã nuôi dưỡng các con từ nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn để dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ”
Dấn thân phục vụ Giáo hội, ông Quỳnh nhận lời làm trùm họ làng Mỹ Hương và vâng lời Đức cha Labartette - Bình, phụ trách việc dạy giáo lý trong hạt. Nhà ông trở thành lớp giáo lý và chỗ trọ cho các thừa sai.
Ông dạy con cái yêu mến Giáo hội và trung kiên với niềm tin. Cô gái lớn của ông đi tu dòng Mến Thánh Giá. Có lần quân lính đến khám nhà, lôi bà Quỳnh và hai cô út bước qua thập giá. Ba mẹ con khẳng định mình bị ép buộc, chứ lòng luôn tôn kính Thánh Giá, quân lính nể phục nên tha cho cả ba. Quân lính bắt ông Quỳnh ở trại Kim Sen và áp giải về Đồng Hới. Phát hiện họ đang giữ sổ nhân danh tín hữu Mỹ Hương, ông nhắn con trai đem theo 50 quan tiền để chuộc lại.
Tại Đồng Hới, ông Quỳnh vui mừng vì được giam cùng với Đức cha Borie - Cao, cha Điểm, cha Khoa và thầy Tự. Có lần lính trói ông lôi qua Thánh Giá, ông liền phản kháng: “Việc này do quan lớn làm, nếu có tội là quan phạm tội, chứ không phải tôi”. Ông khẳng định: “Thà chết không thà chối Chúa, dù chỉ trong giây lát”.
Không thuyết phục được các chứng nhân, quan gởi án về kinh đô. Ba vị giáo sĩ bị án trảm quyết, còn ông Antôn và thầy Tự bị án xử giảo nhưng giam hậu, nghĩa là lệnh xử sẽ thi hành sau.
Thấm thoát ông Quỳnh và thầy Tự đã bị giam hai năm. Ông Quỳnh biểu lộ đức can đảm và nhẫn nại đáng khâm phục. Ngoài việc đọc kinh cầu nguyện, ông còn giữ các ngày chay và giúp đỡ mọi người. Là một lương y, ông chữa bệnh cho nhiều bạn tù, và chữa bệnh cho một viên quan ở Đồng Hới.
Ngày 10/07/1840, khoảng 100 binh lính dẫn hai chứng nhân ra pháp trường. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức cha Cao, cha Khoa và cha Điểm để dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện: “Lạy Chúa xin tạ ơn Chúa cho con được ân phúc như các ngài”.
Cầu nguyện xong, ngồi xuống, ông Quỳnh bình tĩnh chậm rãi hút hết điếu thuốc được quan trao cho. Hai người con đến từ giã, ông Quỳnh nhắc họ qua giã biệt thầy Tự và nhắn nhủ những lời cuối cùng: “Cha gởi lời chào các chức sắc và anh em giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy yêu thương nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên Đường”.
Nằm xuống trên chiếu trải sẵn, ông Quỳnh giang tay ra nói: “Xưa Chúa cũng giang tay như thế này để chịu đóng đinh”. Giữa tiếng thanh la vang rền, quân lính thi hành án lệnh xử giảo đưa người tôi trung của Đức Kitô về hưởng hạnh phúc trường sinh. (Xem hình chi tiết cuộc tử đạo của ông Quỳnh tại đây!)
Trên bia mộ ông Quỳnh ở xứ Kim Sen, nơi ông được an táng với tổ tiên dòng họ, được khắc hai câu thơ sau:
Nghĩa khí nêu cao trên đất nước,
Oai linh phù hộ khắp non sông.
Ông trùm họ Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
Nguồn: WHĐ
GARDEN GROVE, California (NV) – “Cùng Mẹ, Lên Đường” là chủ đề của Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange năm nay, được tổ chức tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove, trong hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy, 14 và 15 Tháng Bảy.
Biểu diễn trống trước Thánh Lễ Đại Trào Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange 2022. (Hình minh họa: Văn Lan/Người Việt)
Không chỉ là chủ đề, “Cùng Mẹ, Lên Đường” còn là lời mời gọi tất cả giáo dân khắp nơi về tham dự một sự kiện đặc biệt của cộng đồng Công Giáo Giáo Phận Orange, tại một ngôi thánh đường đồ sộ nhất và đẹp nhất Orange County, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại.
Theo Giám Mục Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Đại Hội Thánh Mẫu năm nay có hai điểm đặc biệt.
“Thứ nhất, ‘Cùng Mẹ, Lên Đường’ hợp với đề tài ‘Mary Arose and Went with Haste’ của Đức Giáo Hoàng Francis năm nay, khi ngài đến chủ trì Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, được tổ chức từ ngày 1 đến 6 Tháng Tám tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Điều này có nghĩa là Đức Mẹ có Chúa ngự trong lòng, lên đường truyền giáo, mang tin vui đến mọi người,” giám mục nói với nhật báo Người Việt.
Ông thêm: “Thứ hai là, khác với năm trước, ngoài kiệu Đức Mẹ, đại hội năm nay có thêm kiệu Thánh Thể đi chung, hợp với tinh thần của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có ba năm phục hồi Thánh Thể. Tôi đã giao phần này cho Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận phụ trách.”
“Tôi có khuyến khích các em là phải có 1,000 người tham gia rước,” Giám Mục Thành nói một cách vui vẻ.
Giám Mục Nguyễn Thái Thành cho biết là đại hội năm nay sẽ có phần chia sẻ phép lạ Đức Mẹ La Vang làm cả gia đình nhạc sĩ Lê Tín Hương, tác giả ca khúc nổi tiếng “Có Những Niềm Riêng,” trở lại đạo.
Linh Mục Thái Quốc Bảo (trái) và Giám Mục Nguyễn Thái Thành nói về Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange 2023. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Linh Mục Thái Quốc Bảo, viện trưởng (rector) nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, trưởng ban tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu năm nay, cho biết thêm: “Năm nay có một điểm đặc biệt nữa là có nhóm nhạc Angelo Band từ Việt Nam sang hát biểu diễn trong hai ngày đại hội. Đây là nhóm nhạc thiện nguyện, gốc nhà thờ Tân Định, đi hát phục vụ toàn quốc.”
Linh Mục Bảo vui vẻ cho biết thêm về số người tình nguyện phục vụ đại hội năm nay.
“Năm ngoái, có 1,500 người tình nguyện. Tôi tin tưởng năm nay sẽ đông hơn vì số người tham dự sẽ đông hơn vì ngày càng có nhiều người tin tưởng, biết đến đại hội,” linh mục nói.
Vị linh mục trưởng ban tổ chức cũng hy vọng đại hội cũng là dịp cho mọi người biết đến Đức Mẹ La Vang là ai.
Linh mục chia sẻ: “Người Công Giáo chỉ có 7% tới 8% dân số Việt Nam. Ra hải ngoại, số người này còn ít hơn. Vì thế, càng có nhiều người tham dự đại hội càng làm cho mọi người, nhất là người bản xứ, biết đến Mẹ của người Việt Nam.”
“Đây cũng là dịp để bà con, bạn bè gặp nhau, thăm hỏi nhau, nhất là những người ở các vùng xa xôi. Đại hội cũng là dịp để mọi người đến thăm Little Saigon, thăm bà con, hàng xóm lâu năm từ bên Việt Nam,” Linh Mục Bảo chia sẻ thêm.
Giám Mục Nguyễn Thái Thành cho rằng đại hội cũng là dịp để Tòa Thánh Vatican chấp thuận, nâng “tầm” của Đức Mẹ La Vang.
Giám mục giải thích: “Một cách chính thức, lịch sử Đức Mẹ La Vang hiện chưa được Vatican thừa nhận. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng John 23 nâng ngôi thánh đường ở La Vang, Quảng Trị, lên, nhưng mới chỉ là ‘Tiểu Vương Cung Thánh Đường.’”
“Vì thế, có nhiều người Mỹ không biết về Đức Mẹ La Vang, có thể không chấp nhận. Cho nên, chúng ta cần phải làm sao cho nhiều người biết về sự linh thiêng của Mẹ, chú ý linh đạo vẫn sáng mãi hơn 200 năm trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam,” vị Giám Mục Phụ Tá giáo phận nói tiếp. “Chúng ta phải làm cho mọi người biết Mẹ có một cái gì đó. Ước mơ của tôi là trước khi nghỉ hưu được chứng kiến Linh Đài Đức Mẹ La Vang được công nhận là một đền thánh quốc gia.”
Linh Mục Thái Quốc Bảo cũng đồng ý.
“Hiện nay, linh đài chỉ là ở cấp giáo phận. Hy vọng sau này linh đài sẽ được nâng lên cấp quốc gia. Chính nhờ những sự kiện như Đại Hội Thánh Mẫu, nhiều người sẽ chú ý hơn, đễ được nâng lên cấp quốc gia,” linh mục nói.
Linh mục cho biết thêm, hiện nay, ngoài Đại Hội Thánh Mẫu, nhà thờ chính tòa của giáo phận còn có các sự kiện hàng năm của cộng đồng Việt Nam như Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa, Đại Lễ Các Thánh Tử Đạo, Đại Hội Nhạc Thánh Ca Emmanuel, và Thánh Lễ tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang mỗi Thứ Bảy đầu tháng do 16 cộng đoàn luân phiên tổ chức, và các sự kiện khác.
Đại hội năm nay còn có cuộc thi vẽ logo và viết tiểu luận, dành cho các em thiếu nhi.
“Cuộc thi vẽ logo thì đã xong, giờ còn cuộc thi viết tiểu luận, bày tỏ cảm nghĩ về Mẹ La Vang, có các giải thưởng bằng tiền mặt,” Linh Mục Thái Quốc Bảo cho biết.
Theo Giám Mục Thành, đây là “cách dạy giáo lý hiệu quả nhất cho các em.”
Linh mục trưởng ban tổ chức cho biết thêm: “Năm nay, đại hội sẽ có chương trình văn nghệ rất quy mô cho cả hai tối Thứ Sáu và Thứ Bảy, ngay sau mỗi Thánh Lễ. Phần văn nghệ sẽ các nhóm múa từ Việt Nam sang và các nhóm Mỹ nổi tiếng, cũng như các giáo xứ của Giáo Phận Orange đảm trách.”
“Đặc biệt chương trình văn nghệ tối Thứ Bảy sẽ có phần rút vé số, nếu chưa mua, quý vị có thể mua tại chỗ trước Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ, chúng tôi sẽ ngưng bán để cuộc xổ số được bắt đầu. Giá vé là $5/vé, $20/5 vé và chỉ bán cho cư dân California và đang được bán tại các giáo xứ trong giáo phận,” Linh Mục Bảo cho biết. “Về giải thưởng, năm nay giải nhất là $50,000 tiền mặt.”
Ban tổ chức có một bài hát và vũ điệu hướng về chủ đề “Cùng Mẹ, Lên Đường.” Trong các giờ sinh hoạt của cả hai ngày đại hội, ban tổ chức sẽ có người hướng dẫn cho giáo dân sinh hoạt theo.
Điệu múa và lời bài hát sẽ được trình chiếu trên các màn ảnh lớn để mọi người cùng hưởng ứng. Ban tổ chức kêu gọi mọi người có thể theo dõi và tập trước bất cứ lúc nào. Xin coi phần vũ điệu nhạc chủ đề tại trang web https://melavang-oc.org/entertainment/
Đại Hội Thánh Mẫu Giáo Phận Orange được tổ chức lần đầu tiên trong hai ngày 1 và 2 Tháng Bảy, 2022, cũng tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, với nhiều Thánh Lễ, hội thảo, văn nghệ, và các hoạt động khác.
Linh Đài Đức Mẹ La Vang của Giáo Phận Orange được thánh hiến ngày 17 Tháng Bảy, 2021, với tổng chi phí xây dựng khoảng $13 triệu, do giáo dân đóng góp.
Linh đài có tượng Đức Mẹ cao 12 ft, nặng 16,000 pound, khắc từ một khối cẩm thạch trắng của Ý.
Nằm giữa Linh Đài Đức Mẹ La Vang là Thánh Tượng Đức Mẹ Maria, giống như hình ảnh được thuật lại khi Đức Mẹ hiện ra với một nhóm giáo dân Việt Nam đang trốn tránh sự hãm hại vào năm 1798.
Trong lần hiện ra cách nay 223 năm, ở La Vang, Quảng Trị, vùng rừng núi hẻo lánh xa xôi ở Việt Nam, Đức Mẹ đã mang hy vọng và hướng dẫn cho các giáo dân đang trong cơn tuyệt vọng. Từ mấy thế kỷ qua, Đức Mẹ La Vang trở thành biểu tượng của hy vọng, của đức tin, và của lời hứa cho người Công Giáo Việt Nam khắp năm châu.
Liên lạc tác giả:
Kính thưa quý vị, như tin đã đưa, thứ Hai, ngày 01.05.2023, nhằm ngày lễ thánh Giuse lao động, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Qui Nhơn, đang là Giám đốc Chủng viện Thánh Giuse Qui Nhơn, làm Tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang. Đây thật là một tin vui cho toàn thể các tín hữu thuộc Giáo phận Nha Trang, kể từ khi Đức Cha Giuse Võ Đức Minh được Tòa thánh chấp nhận thôi trách nhiệm vụ mục tử tại Giáo phận Nha Trang vào ngày 23/7/2022. Như vậy sau hơn 9 tháng trống tòa, Giáo phận Nha Trang đã có vị chủ chăn mới.
Nhân dịp này, Ban truyền Thông Giáo phận Nha Trang thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Cha Tân cử Giáo phận Nha Trang. Sau đây là những tâm tình và vài chia sẻ của ngài trong sứ vụ mới sắp đến.
1/ Con kính chào Đức Cha. Kính thưa Đức Cha, Giáo phận Nha Trang chúng con vui mừng khi hay tin Đức thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha làm Giám mục Giáo phận Nha Trang vào ngày 1/5 vừa qua. Chúng con biết, Giáo phận Nha Trang cũng không xa lạ gì đối với Đức Cha, vì Đức Cha đã từng là học viên Khóa I của Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang từ năm 1992-1997. Rồi sau những năm học chuyên ngành Giáo luật tại Rôma trở về, từ 16 năm qua, Đức Cha là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Chủng viện Sao Biển. Xin Đức Cha vui lòng chia sẻ cho chúng con biết cảm nhận của Đức Cha trước sứ vụ mới, đặc biệt với tư cách là chủ chăn của Giáo phận Nha Trang?
- Kính chào quý vị.
Tâm tình trước tiên của tôi là lòng tri ân cảm tạ và ca khen chúc tụng Thiên Chúa. Tôi luôn cảm nhận rằng muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 106,1). Những ngày này làm tôi thêm xác tín về tình thương Chúa cho mình không bao giờ cạn, đồng thời nhớ lại lời tâm niệm mà tôi đã chọn vào ngày thụ phong linh mục cách đây hơn 24 năm, 12.05.1999: Tình thương Chúa đời đời con ca tụng (Tv 89,2). Ước mong cuộc đời mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn là lời ca khen chúc tụng tình thương Chúa đối với mỗi người và mọi người.
Tiếp đến, như Mẹ Maria xưa kia, tôi thật sự vui mừng vì Chúa đoái nhìn đến con người hèn mọn của mình và trao ban một hồng ân vượt quá suy nghĩ và mong đợi của mình. Dù biết rằng sứ vụ chủ chăn một giáo phận là gánh nặng trách nhiệm nhưng không thể không có niềm vui trong đời mục tử. Đó là niềm vui trong Chúa, niềm vui của tình thương Chúa trao ban qua những ân sủng mình lãnh nhận để thực thi sứ vụ và qua sự nâng đỡ tinh thần cũng như vật chất của rất nhiều người.
Dù Giáo phận Nha Trang không phải là xa lạ, nhưng đối với tôi trách vụ chủ chăn của một giáo phận rộng lớn và năng động vẫn còn nhiều lạ lẫm và là một trọng trách phải chu toàn. Xin mọi thành phần Dân Chúa trong gia đình giáo phận Nha Trang cầu nguyện cho tôi và cùng cộng tác với nhau để xây dựng giáo phận ngày càng khởi sắc và thăng tiến về nhiều mặt.
2/ Kính thưa Đức Cha, theo lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, Đức cha Phêrô Lambert de la Motte, vị Giám mục tiên khởi của địa phận Tông tòa Đàng Trong, đã đến Lâm Tuyền, nay là Giáo xứ Chợ Mới, Giáo phận Nha Trang vào đêm 1/7/1671 bằng thuyền và ẩn núp trong những tấm lưới cá để tránh bị phát hiện. Khẩu hiệu giám mục của Đức cha là “vâng lời Thầy, con thả lưới” (Lc 5,5) với hình ảnh con thuyền và lưới cá nơi huy hiệu giám mục. Dường như có ơn an bài đặc biệt nào đó giữa Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha. Kính xin Đức Cha có thể giải thích thêm về huy hiệu và khẩu hiệu giám mục của Đức Cha, đặc biệt trong bối cảnh của giáo phận Nha Trang hiện nay?
Câu hỏi đã gợi lên một sự liên tưởng nhất định giữa quá khứ và hiện tại, dù có vẻ xa cách và không tương xứng khi so sánh giữa bản thân tôi với Đức Cha Lambert de la Motte, tuy nhiên lại khá thú vị và mang ý nghĩa thiêng liêng vì vừa có yếu tố lịch sử vừa nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa và nêu lên hình ảnh đầy ý nghĩa được dùng trong Kinh thánh: Lưới, thuyền, nước sâu.
Khi biết mình được bổ nhiệm là Giám mục giáo phận Nha Trang, tôi đã dành thời gian cầu nguyện xin ơn Chúa soi sáng cho bước ngoặt đời mình trong sứ vụ mới sắp đến và tôi tìm gặp được lời thánh Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu: Vâng lời thầy, con thả lưới (Lc 5,5). Câu này khá hợp với vùng đất miền duyên hải thuộc giáo phận Nha Trang và đặc biệt rất thích hợp trong bối cảnh ngày nay. Điểm nhấn mạnh trong câu nói của thánh Phêrô đó là vâng lời theo thánh ý Chúa bao hàm một đức tin mạnh mẽ, lòng mến sắt son và sự khiêm nhường dấn thân không ngần ngại.
Trước hết, câu nói trên của thánh Phêrô hàm chứa một đức tin vững mạnh của ông vào lời đầy sức mạnh, quyền năng của thầy Giêsu. Trong hành trình theo thầy Giêsu, ông đã cảm nghiệm “cả gió và biển cũng tuân lệnh Người” (Mc 4,41). Sau này ông đã dõng dạc tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Tiếp đến, ta thấy lời nói trên đây của Thánh Phêrô chan chứa một tình yêu của ông dành cho thầy Giêsu. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng yêu thương ai, người ta tin tưởng và vâng nghe theo người ấy. Tình yêu mãnh liệt của thánh Phêrô dành cho thầy Giêsu được các Tin mừng nói đến khá nhiều. Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định “Ai yêu mến thầy sẽ giữ lời thầy” (Ga 14,23). Thật lý tưởng và tuyệt vời khi sự vâng lời đi đôi với tình yêu tuyệt đối như chúng ta thấy nơi cuộc đời và con người của Chúa Giêsu. Đó cũng là điều rất cần nơi mọi người Kitô hữu, nhất là những ai dấn thân theo Chúa trong đời sống tu trì.
Sau nữa, ta thấy thánh Phêrô, một người làm nghề đánh cá, đã khiêm nhường nghe theo lời thầy Giêsu, con bác thợ mộc (Mc 6,3) mà chèo thuyền ra chỗ nước sâu và rồi đánh bắt được một mẻ cá vượt quá mong đợi. Đứng trước mẻ cá lạ lùng đó thánh Phêrô đã sấp mặt dưới chân thầy mình và nói: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8). Đó quả thật là một sự khiêm nhường dấn thân, một sự cậy trông và không ỷ vào công cán của mình.
3/ Kính thưa Đức Cha, Đức Cha đã học chuyên ngành Giáo luật tại Đại học giáo hoàng Urbaniana, Rôma và đã nghiên cứu cũng như giảng dạy tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang, giúp đào tạo các ứng sinh linh mục cho 3 giáo phận Nha Trang, Qui Nhơn và Ban Mê Thuột. Vậy, trong tư cách là mục tử của Giáo phận Nha Trang, Đức Cha có định hướng nào trong tương lai cho việc đào tạo các ứng sinh linh mục cách chung và cách riêng là chuyên ngành Giáo luật cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt với những tông thư và những giáo huấn của Đức Giáo Hoàng ban hành trong những năm gần đây?
Có lẽ trước hết cần phải khẳng định rằng những định hướng đào tạo linh mục đều xuất phát từ gương Chúa Giêsu và đồng thời phải theo những chỉ dẫn đào tạo (Ratio) và các Giáo huấn của Giáo Hội.
Tiếp đến, tại giáo phận Nha Trang cũng như ở những giáo phận khác đều có những điểm nhấn và khai triển khác nhau trong định hướng đào tạo linh mục cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện đặc thù nơi đó. Hoàn cảnh xã hội cũng như não trạng của con người ngày nay thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Và đây là một thách đố lớn cho việc đào tạo linh mục tương lai.
Xét riêng về phương diện giáo luật, những năm gần đây Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh có nhiều canh tân giáo luật cho phù hợp với đời sống hiện tại. Đó là điều cần quan tâm để cập nhật cho người tín hữu, cách riêng cho hàng giáo sĩ để mau chóng áp dụng chúng trong đời sống mục vụ, trong đó Giáo phận Nha Trang không phải là ngoại lệ.
Nhân đây xin được nhắc nhớ rằng, «mục đích của Bộ Giáo luật là thành lập một trật tự trong cộng đồng Giáo Hội,… đồng thời cũng giúp đức ái, ân sủng và các đoàn sủng được phát triển dễ dàng hơn trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội cũng như trong đời sống của từng cá nhân là thành phần của cộng đồng ấy» (Tông hiến, Sacrae Disciplinae Leges- Các luật lệ của kỷ luật thánh). 4/ Kính thưa Đức Cha, Thánh Giuse Bổn mạng Hội thánh cũng là Bổn mạng của Giáo hội Việt Nam. Thánh Cả Giuse là vị thánh âm thầm phục vụ gia đình thánh gia Nazareth và Giáo hội cách trung tín và khôn ngoan. Thánh Giuse cũng chính là Thánh Bổn mạng của Đức Cha.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxico, qua Tòa Thánh, đã công bố chọn Đức Cha là Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang vào lễ thánh Giuse Lao Động, ngày 1/5. Xin Đức Cha có thể chia sẻ thêm cho chúng con về niềm tín thác nơi thánh Giuse là Thánh Quan Thầy của Đức Cha và niềm cậy trông vào ơn bầu cử của ngài cho sự phát triển tương lai của Giáo phận Nha Trang.
Với cái nhìn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, đối với tôi thật ý nghĩa biết bao khi Đức Thánh Cha đã cho công bố việc bổ nhiệm tôi làm Giám mục Giáo phận Nha Trang vào đúng ngày 01.05 lễ Thánh Giuse Lao động và cũng là ngày đầu tháng hoa kính Mẹ Maria. Tối ngày 01.05 hôm đó tôi cùng quý cha, quý thầy, quý chú ở Chủng viện Qui Nhơn đã quây quần bên tượng đài Đức Mẹ trước nhà nguyện của Chủng viện để cùng nhau cầu nguyện, đọc kinh lần chuỗi với tâm tình tạ ơn và phó thác rất ấm cúng và sốt sắng.
Thánh Giuse, Đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh, Đấng trung tín và khôn ngoan không hề vắng bóng cuộc đời của tôi. Nói đến Thánh Giuse, tôi rất tâm đắc bảy điều nổi bật đáng để mọi người tín hữu học đòi bắt chước mà Đức Cha Phanxicô đã nói trong tông thư Patris Corde (08.12.2020): Thánh Giuse, là một người cha yêu thương, hiền từ, vâng phục, quảng đại đón nhận, can đảm – sáng tạo, cần mẫn làm việc, và là người cha thầm lặng hy sinh.
Nhắc đến Thánh Giuse không thể không nói đến Đức Mẹ Maria. Mẹ luôn đi bên cạnh trong suốt hành trình đi tu của tôi. Đến với Giáo phận Nha Trang, tôi thấy mình đang ở trong vòng tay Mẹ vì Giáo phận Nha Trang đã chọn Đức Mẹ Maria Vô nhiễm Nguyên tội làm bổn mạng. Đặc biệt, Giáo phận có Đền Thánh Mẹ Nhân lành tại Khánh Vĩnh. Đây là công trình rất ý nghĩa và giá trị mà Vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh đã dày công gầy dựng. Đền Thánh đã được cung hiến vào 14/12/2015, do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô và Tòa Thánh. Sau đó nhờ sự thỉnh cầu của Đức Cha tiền nhiệm của tôi mà Tòa Ân Giải Tối Cao Tòa Thánh dựa trên năng quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã ban đặc ân để Đền Thánh Mẹ Nhân Lành trở thành nơi mà Dân Chúa được hưởng ơn Toàn xá, với những điều kiện thông thường kèm theo, khi hành hương hoặc hướng về đó để tôn vinh, nguyện cầu, cậy trông phó thác vui buồn đời sống lên Mẹ Nhân Lành.
Chúng ta tin tưởng và tín thác vào lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria, xin cho mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Nha Trang sống vâng nghe với lòng yêu mến Lời Chúa và dấn thân ra khơi thả lưới theo lời mời gọi của Chúa Giêsu.
Kết: Chúng con kính cảm ơn Đức Cha đã dành cho chúng con cuộc gặp gỡ chia sẻ quý hóa hôm nay. Nguyện xin Thiên Chúa Đấng đã chọn Đức Cha làm mục tử của đoàn chiên Nha Trang, nhờ Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh cả Giuse chuyển cầu, ban cho Đức Cha dồi dào nghị lực và ơn khôn ngoan để thực hiện tốt đẹp phương châm “Vâng lời Thầy, con thả lưới”!
Ban truyền Thông Giáo phận Nha Trang
Nguồn: giaophannhatrang.org
Lúc 17 giờ hôm nay, ngày 17 tháng 06 năm 2023, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt từ nhiệm. Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang, hiện là Giám mục phó giáo phận, kế vị Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
* * *
Tiểu sử Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang
– Sinh ngày 07 tháng 11 năm 1965 tại Thủ Đức, thuộc Sài Gòn, giáo xứ Từ Đức, Thủ Đức, Tổng giáo phận Sài Gòn
– 10/1993-6/1999: Học Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
– 30/06/1999: Thụ phong linh mục do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
– 8/1999-3/2001: Linh mục Phụ tá giáo xứ Chợ Đũi, Hạt Sài Gòn
– 3/2001-6/2006: Học tại Học viện Công giáo Toulouse, Pháp,
Tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học Kinh Thánh
– 6/2006-8/2010: Học tại Học viện Kinh thánh Giáo hoàng, Rôma,
Tốt nghiệp Cử nhân Kinh Thánh
– 8/2010-10/2021: Linh mục nội trú Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
– 10/2011-10/2021: Giám học Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
– 8/2020-10/2021: Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
– Ngày 30/10/2021: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh
– Được truyền chức giám mục ngày 14 tháng 12 năm 2022 tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Bắc Ninh; khẩu hiệu giám mục: “Gặp gỡ, lắng nghe và phân định.”
* * *
Tiểu sử Đức cha Cosma Hoàng Văn Ðạt, S.J.
– Sinh ngày 17 tháng 06 năm 1948 tại họ Xuân Lai, thuộc giáo xứ Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội, giáo phận Bắc Ninh
– Vào Dòng Tên năm 1967
– Học triết học và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Pio X Ðà Lạt
– 05/06/1976: Thụ phong linh mục
– 2002: Du học tại Pháp chuyên về linh đạo
– Ngày 04/08/2008, Đức thánh cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh
– Được truyền chức Giám mục vào lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày 7 tháng 10 năm 2008 tại nhà thờ Chánh tòa giáo phận Bắc Ninh; khẩu hiệu giám mục: “Tình Thương và Sự Sống” (Gióp 10,12).
Nguồn: WHĐ (17.06.2023)
Hôm thứ Ba, ngày 06 tháng Sáu năm 2023, linh mục người Mỹ gốc Việt, cha Micae Phạm Minh Cường, đã được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Giáo phận San Diego, bang California, hiện do Đức Hồng y Robert McElroy cai quản.
Đức cha Phạm Minh Cường năm nay 56 tuổi, sinh ngày 27 tháng Giêng năm 1967 tại Đà Nẵng. Sau khi đậu Cao học kỹ sư hàng không, thầy Cường theo học tại Đại chủng viện thánh Patrick ở Menlo Park, rồi thụ phong linh mục năm 1999, khi được 32 tuổi. Sau đó, cha Cường làm cha phó, cha sở, và đậu thêm bằng Cử nhân về truyền giáo tại Đại chủng viện Thánh Tâm ở thành phố Detroit, năm 2020. Từ năm 2017, cha Cường làm Đại diện Giám mục về các cộng đoàn sắc tộc, và từ 5 năm nay là Tổng đại diện của Giáo phận San Diego, có hơn một triệu 428.000 tín hữu Công giáo.
Cùng được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận này, hôm 06 tháng Sáu năm 2023, có Đức cha Felipe Pulido, 53 tuổi (1970), gốc Mêhicô.
Đức cha Micae Phạm Minh Cường hiện là giám mục thứ tư gốc Việt tại Mỹ, sau Đức cha Đa Minh Mai Thanh Lương (1940-2017), Đức cha Tôma Nguyễn Thành Thái, 70 tuổi (1953) và Đức cha Gioan Trần Văn Nhàn, 57 tuổi (1966).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Sáng Chúa nhật, ngày 04 tháng Sáu năm 2023, tại Đan viện Cát Minh Bình Triệu, Sài Gòn, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn, đã chủ tế thánh lễ trọng thể Khai mạc Năm Thánh Kỷ niệm 25 năm Thành lập Đan viện Cát Minh Bình Triệu (1998-2023).
Đã có gần 30 linh mục đồng tế trong thánh lễ với Đức Tổng giám mục Giuse và hơn 300 tu sĩ và anh chị em tín hữu cùng hiệp dâng thánh lễ. Đây cũng là dịp ghi nhớ Hồng ân 25 năm Khấn dòng của nữ tu Anne Marie Chúa Ba Ngôi Hoàng Thị Vui, và ghi nhớ hồng ân Khấn trọng thể của nữ tu Marie Agnes Chúa Quan Phòng Phạm Thị Ngọc Loan.
Trong bài giảng thánh lễ, dựa trên các bài đọc phụng vụ trong Đại lễ Chúa Ba Ngôi, Đức Tổng Giuse dí dỏm rằng Thiên Chúa đã nâng chúng ta lên cao hơn suy luận logic bình thường, bằng cách làm một bài toán siêu nhiên, trong cấp độ của Thiên Chúa: 1 + 1 + 1 vẫn là 1, chứ không phải là 3 theo lẽ thường! Và tất cả lịch sử cứu độ cũng chỉ cho ta làm bài toán đó mà thôi.
Đức Tổng nói: “Các bài đọc Lời Chúa hôm nay chỉ ra cho chúng ta cốt lõi, điều thiết yếu trong mầu nhiệm Thiên Chúa là Tình Yêu. Các bài đọc mô tả cho chúng ta dung mạo của Thiên Chúa là Thiên Chúa của tình yêu thương và từ dung mạo mà Thiên Chúa tỏ ra, chúng ta biết được phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong cuộc sống công khai của Chúa tại trần gian này, Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu làm gì, nói gì cũng là từ Cha, muốn ý muốn của Cha, làm theo ý của Chúa Cha. Giữa Con và Cha có sự hiệp nhất sâu xa đến độ chỉ là một”.
Tiếp tục bài giảng, Đức Tổng Giuse nói tiếp: “Trong ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta tập làm lại bài toán nói trên... Chúa Giêsu cộng với chúng ta là 2, nhưng khi rước lễ thì Chúa Giêsu và chúng ta, 1 + 1 là 1. Chúa Giêsu đến trần gian để làm công việc đó, để làm chúng ta hợp nhất với nhau. Khi anh chị em chúng ta rước lễ, 1 + 1 + 1 + cộng đoàn đan viện 30 người thì vẫn là 1. Giáo xứ chúng ta 4000-5000 người, vẫn là 1. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, xin cho chúng ta được nên một như Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, để rồi tất cả cộng đoàn chúng ta là một trong Chúa Ba Ngôi. Bao lâu chúng ta làm được bài toán đó, chúng ta đã đi sâu vào mầu nhiệm cứu độ của Chúa rồi. Chúng ta không làm được bài toán đó, thì chúng ta thất bại; gia đình chúng ta, cộng đoàn, giáo xứ, dòng tu của chúng ta vẫn luôn luôn gặp trục trặc, khó khăn vì không biết làm bài toán đó
Các chị em đan viện hàng ngày sống đời chiêm niệm, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là đang làm bài toán đó. Suy gẫm và hiểu phần nào chuyện đó, đừng cố gắng vạch trí óc mà hiểu, không hiểu nổi đâu nhưng chúng ta cảm nhận điều đó trong đời sống cầu nguyện của mình để rồi từng ngày các chị em thực hiện các lý tưởng, thực hiện bài toán hiệp nhất đó trong đời sống cụ thể giữa chị em với nhau. Đời sống đan viện hạnh phúc là khi chúng ta làm được bài toán đó”.
Cuối thánh lễ, khi đề cập đến Cuộc triển lãm mỹ thuật Hành trình Đời sống Đan tu, Đức Tổng Giuse khẳng định: “Khai mạc triển lãm Đời sống đan tu, về thánh Têrêsa, về thánh Gioan Thánh Giá, về đời sống các chị em trong Dòng Kín thì chắc chưa có mấy người thực hiện. Hy vọng các tác phẩm sẽ là đề tài mới và sẽ kéo được sự chú ý của nhiều người. Và ta đừng quên rằng chính nghệ thuật thánh là con đường để truyền giáo. Hy vọng người tham quan sẽ được cuốn hút để nâng tâm hồn lên tới cõi sâu xa, cõi huyền nhiệm của Thiên Chúa”.
Nhân ngày Kỷ niệm 25 năm thành lập Đan viện, các tín hữu Công giáo tham dự thánh lễ trực tiếp, hoặc vì lý do chính đáng không thể đến trực diện, nhưng tham dự qua các phương tiện truyền thông, nếu có lòng sám hối thực sự và đã xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng thì đều được lãnh nhận Ơn Toàn Xá. Ngoài ra, còn mười một ngày lễ khác trong Năm Thánh, các Kitô hữu đến dự lễ tại Đan viện sẽ được lãnh ơn toàn xá như: Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, Lễ Đức Mẹ Lên Trời, Lễ Suy tôn Thánh Giá, Lễ Chị Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Lễ Mẹ Thánh Têrêsa Chúa Giêsu, Lễ các Thánh dòng Cát Minh, Lễ Cha Thánh Gioan Thánh Giá, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh, Lễ Thánh Giuse và lễ Thành lập Đan viện – Bế mạc Năm Thánh, vào ngày 04 tháng Sáu năm 2024.
Lịch sử Đan viện
Từ biến cố lịch sử 1975, một số chị em đan viện Cát Minh Huế đã vào tạm cư tại giáo xứ Fatima Bình Triệu. Trên mảnh đất chật hẹp và ngập úng, các nữ đan sĩ đã cố gắng từng bước xây dựng một chốn dung thân để tái tổ chức đời tu theo Giáo luật. Dù cuộc sống khó khăn chật vật, các nữ tu vẫn luôn can đảm sống ơn gọi chiêm niệm với lòng tín thác vào Thiên Chúa quan phòng.
Theo sự đề bạt của hai Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi – Giám quản Tổng giáo phận Sài Gòn khi ấy và Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể - Giám mục Tổng giáo phận Huế, Mẹ Bề trên Maria Therese Consolata đã làm đơn xin Tòa Thánh cho Đan viện Cát Minh Bình Triệu được chính thức thiết lập theo Giáo luật. Đến ngày 14 tháng Ba năm 1998, Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ đệ trình Đức Thánh cha về việc tái lập Đan viện Cát Minh Huế và thành lập Đan viện Cát Minh mới ở Bình Triệu, thuộc Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 04 tháng Sáu năm 1998, cha Giuse Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, Đại diện Giám mục Đặc trách Tu sĩ Tổng giáo phận Sài Gòn khi ấy, đã chủ tế thánh lễ tạ ơn tại Đan viện Cát Minh Bình Triệu. Đan viện được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Trinh nữ Maria Vinh Hiển núi Cát Minh. Thời điểm này, Đan viện có 23 nữ tu.
Châm ngôn của Dòng là “Tôi nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa” (1V 19, 14a), “Vạn tuế Thiên Chúa hằng sống, Đấng tôi hằng chiêm ngưỡng” (1V 17,1). Mục đích của Dòng là sống đời cầu nguyện liên lỉ và yêu mến để cầu nguyện cho Giáo hội, cùng mọi đấng bậc trong Hội thánh và nên nhân chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu.
Hơn 25 năm trôi qua, cơ sở vật chất của Đan viện Cát Minh Bình Triệu bị hư hại, xập xệ rất nhiều. Tường bị nứt, bể; trần nhà bong, tróc và phòng ốc đã không còn đủ khả năng thích nghi với sự phát triển cho ơn gọi của Đan viện (hiện nay có 34 nữ tu). Đồ án tái kiến thiết Đan viện đã được kiến trúc sư Nguyễn Thế Anh thiết kế, cùng sự hướng dẫn của linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Dòng Chúa Cứu Thế, Thư ký Ủy ban Nghệ thuật Thánh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Dự án tái kiến thiết Đan viện gặp nhiều cam go và thử thách. Đây chính là lý do, nhóm Mỹ thuật Đa Minh - Domini Art, thuộc giáo xứ Thánh Đa Minh-Ba Chuông, đã phối hợp cùng Ủy ban Nghệ thuật Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tổ chức sáng tác và triển lãm mỹ thuật Công giáo, với chủ đề: Hành trình Đời sống Đan tu. Hơn 70 tác phẩm mỹ thuật đa thể loại của 28 tác giả, trong và ngoài Công giáo, đã hé lộ một phần nét đẹp chiêm niệm, cầu nguyện, lao động của các nữ đan sĩ Cát Minh. Vốn dĩ, đời sống đan tu không nhiều người thấu hiểu. Nên để giúp các họa sĩ hiểu về linh đạo dòng, cũng như đời sống của các nữ đan sĩ, trước đó linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành và linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín, Dòng Đa Minh, linh hướng Nhóm Mỹ thuật Đa Minh, đã tổ chức cho các họa sĩ tham quan nhà dòng, có những buổi nói chuyện cùng linh mục Giuse Nguyễn Bình, Bề trên Dòng Cát Minh nam, để tìm hiểu về lịch sử Dòng Cát Minh, những kinh nghiệm thiêng liêng trong đời tu, những biểu tượng gắn liền với Dòng, Đấng sáng lập Dòng và cải tổ Dòng, như Đức Mẹ núi Cát Minh, ngôn sứ Êlia, thánh Têrêsa Avila, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu,…
Ngay trong buổi khai mạc cuộc triển lãm, đã có một số tác phẩm được khách đặt mua. Được biết, 100% lợi nhuận thu được từ triển lãm mỹ thuật Công giáo lần này, sẽ được dành tặng cho Đan viện Cát Minh, góp phần xây dựng lại cơ sở Đan viện. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài trong suốt Năm Thánh của Đan viện Cát Minh Bình Triệu, từ ngày 04 tháng Sáu năm 2023 đến ngày 04 tháng Sáu năm 2024.
Duy Thủy
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
WGPCT (18.05.2023) – Niềm vui và tâm tình tạ ơn đã khởi sự nơi mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Cần Thơ, kể từ ngày Tòa Thánh công bố Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Tấn Lợi làm Giám mục phó của Giáo phận. Niềm vui và tâm tình tạ ơn đó được cụ thể bằng những lời cầu nguyện cho Đức Giám mục Tân cử, cùng với việc chung tay chuẩn bị cho ngày đại lễ tấn phong, trong tinh thần hiệp thông – hiệp hành với Giáo phận và với nhau.
Và hôm nay, ngày 18 tháng 5 năm 2023, tại Trung Tâm Mục Vụ của Giáo phận, đã diễn ra thánh lễ truyền chức Giám mục cho Đức cha phó Phêrô.
Hiện diện trong dịp trọng đại này có Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, quý Đức cha, quý Cha, quý Phó tế, quý Tu sĩ, Chủng sinh và đông đảo cộng đoàn Dân Chúa của Giáo phận Cần Thơ, cùng những quý khách xa gần.
Thánh lễ truyền chức hôm nay do Đức Cha Stêphanô chủ phong, cùng với hai Giám mục phụ phong: Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh và Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến.
Sau lời kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần để khởi sự các nghi thức, một linh mục đại diện đã trình Tông sắc bổ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, và long trọng công bố Tông sắc.
Nghi thức truyền chức Giám mục được diễn ra trang trọng, đặc biệt với nghi thức chính yếu: đặt tay và lời nguyện phong chức Giám mục, cùng những nghi thức diễn nghĩa.
Thánh lễ đi vào phần kết thúc với phép lành của Đức Tân Giám Mục. Sau đó là những lời chúc mừng: của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng – Chủ tịch HĐGMVN, của Đức TGM Marek Zalewski – đại diện Đức Thánh Cha, của Cha Carôlô Hồ Bặc Xái – đại diện cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Cần Thơ. Tất cả những tâm tình trên được bày tỏ với Thiên Chúa, với Giáo hội, với Đức Cha Stêphanô cùng Dân Chúa Giáo phận Cần Thơ, và với Đức Tân Giám mục Phêrô.
Sau cùng, cộng đoàn được lắng nghe những tâm tình của Đức Tân Giám mục, gói trọn trong sự cảm thấu về “Tình thương Chúa làm cho con ngỡ ngàng…”
Để ghi nhớ và chung vui trong ngày vui của Giáo phận, mỗi người đều nhận được phần quà của Ban Tổ Chức và của Đức Tân Giám mục.
Lạy Chúa, như Đức Maria trong ngày được truyền tin, dù có những băn khoăn riêng về cuộc sống mới đang mở ra, nhưng vẫn “gật đầu vâng phục”[1] với Chúa; Đức Cha Phêrô cũng đã dâng lên tiếng thưa “vâng” với Chúa, với Giáo hội[2], bằng tất cả tình yêu dành cho ơn gọi và cho sứ vụ mới này. Ngài (Đức Tân Giám mục) thưa “vâng” không phải vì tin ở sức mình, nhưng bởi tin ở sức Chúa và tin vào ơn Chúa; thưa “vâng” vì xác tín CHÚA BIẾT CON[3].
Ước mong, Đức Tân Giám mục Phêrô đây sẽ luôn là một giám mục “có tiếng tốt, đầy Thánh Thần, luôn khôn ngoan, trung thành với đức tin tinh tuyền, trung thành với Giáo hội…”[4] để góp phần cộng tác xây dựng Giáo phận và Giáo hội theo đúng ý Chúa muốn.
Xin Chúa chúc lành cho Giáo phận Cần Thơ chúng con, cho Đức Cha Stêphanô; đặc biệt cho Đức Tân Giám mục Phó Phêrô, để ngài luôn bình an và hạnh phúc trong sứ mạng – một sứ mạng “lớn lao trong vinh dự, nhưng cũng lớn lao trong trách nhiệm”[5].
Lạy Chúa, CHÚA BIẾT CON – CHÚA BIẾT CHÚNG CON. Amen.
Lm. An Nam
Nguồn: gpcantho.com
(Cập nhật lúc 19h15 ngày 18.05.2023)