Tin Giáo Hội Việt Nam
Chiều 14 tháng 4, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 29 Đức cha của 27 giáo phận và Ban Thư ký HĐGM đã quy tụ tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long để tham dự Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 diễn ra từ ngày 14 đến 18 tháng 4.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Trước khi khai mạc Hội nghị thường niên, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã tiếp đón và trao đổi với phái đoàn ngoại giao Toà Thánh do Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher dẫn đầu đến thăm Văn phòng HĐGM nhân dịp kết thúc chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14 tháng 4 năm 2024.
Chiều 14 tháng 4, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 29 Đức cha của 27 giáo phận và Ban Thư ký HĐGM đã quy tụ tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vĩnh Long để tham dự Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 diễn ra từ ngày 14 đến 18 tháng 4.
Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký đã chủ sự Chầu Mình Thánh Chúa trước khi Hội nghị cử hành Phụng vụ Kinh Tối lúc 20 giờ.
Sáng hôm nay, ngày 15 tháng 4, trước phiên họp khai mạc Hội nghị đã cử hành Phụng vụ Kinh Sáng trước khi dâng Thánh lễ do Đức cha Chủ tịch HĐGM, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ sự.
Mỗi ngày, Hội nghị sẽ có 4 phiên họp và các cử hành phụng vụ chung.
Xin cộng đoàn Dân Chúa cầu nguyện cho Hội nghị của HĐGM được tràn đầy ơn Chúa và đong đầy hoa trái mục vụ cho Dân Chúa tại Việt Nam.
Nguồn: WHĐ (15.04.2024)
Hình ảnh: Truyền thông Giáo phận Vĩnh Long
Vatican News
Với bản cập nhật mới nhất, phiên bản tiếng Việt đã được thêm vào hành trình khám phá và cầu nguyện của khách hành hương tại Roma đến những địa điểm của thánh I-nhã. App Hành hương này cung cấp cho người dùng không chỉ về nội dung địa điểm và lịch sử mà còn gợi ý để cầu nguyện theo lộ trình tự do tuỳ người dùng chọn. Đồng thời, App cũng cho phép người dùng tải về sẵn để có thể sử dụng ngay cả khi không có kết nối internet.
Giáo hội và thành phố Roma đang chuẩn bị để đón nhiều khách hành hương trong Năm Thánh 2025. App Hành hương Dòng Tên cũng đóng góp vào sự chuẩn bị thiêng liêng cho tín hữu để có những trải nghiệm tốt hơn trong chuyến hành hương của họ tại Roma.
Hiện tại, App Hành hương của Dòng Tên đã sẵn với 5 ngôn ngữ: tiếng Anh (EN), tiếng Tây Ban Nha (ES), tiếng Ý (IT) và tiếng Pháp (FR) và tiếng Việt (VI). App Hành hương Dòng Tên có thể đồng hành cùng khách hành hương để bắt đầu hành trình cá nhân và thiêng liêng với thánh I-nhã tại Roma. App có thể được cài đặt từ App Store và Google Play, hoặc tìm kiếm thông tin tại website: jesuitpilgrimage.app.
WTGPHN (09.04.2024) – Vào lúc 13h15, ngày 09/4/2024, Đức Tổng Giám mục (TGM) Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, đã đặt chân tới Việt Nam. Cùng tháp tùng ngài có Đức ông John David Putzer, Thư ký Bộ Ngoại giao.
Đón tiếp Đức Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh tại sân bay Nội Bài, có Đức TGM Marek Zalewski – Đại diện thường trú của Toà thánh Vatican tại Việt Nam và Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN): Đức TGM Giu-se Nguyễn Năng, chủ tịch HĐGMVN, Đức TGM Giu-se Vũ Văn Thiên, phó chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Giu-se Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký và Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, phó Tổng Thư ký HĐGMVN. Hiện diện với quý Đức cha, có quý cha, quý sơ dòng thánh Phao-lô thành Chartres và một số vị đại diện lãnh đạo Nhà nước Việt Nam.
Sau những giây phút chào thăm, phái đoàn được tháp tùng đến Tòa nhà Pan Pacific, là nơi đặt Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam.
Được biết, chuyến thăm của Đức TGM Paul R. Gallagher sẽ diễn ra từ ngày 09/4 đến 14/4/2024. Theo chương trình, vào lúc 17h00 cùng ngày, Đức TGM Gallagher sẽ tới gặp gỡ và trao đổi với ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam để mở đầu cho chuyến thăm này.
Trong chuyến thăm này, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội lúc 18h30 ngày 10 tháng 4, tại Huế lúc 8h00 ngày 12 tháng 4, và thành phố Hồ Chí Minh lúc 17h30 ngày 13 tháng 4. Sáng ngày 14 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm.
Ước mong chuyến thăm của Đức TGM Gallagher sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp trong mối bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam.
Ban Truyền thông Tổng Giáo phận Hà Nội
Đức Phanxicô tiếp nguyên Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng ngày 27 tháng 6 năm 2023 tại Vatican. TÀI LIỆU / AFP
Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Thư ký Tòa Thánh đặc trách Quan hệ với các Quốc gia sẽ đến Việt Nam từ ngày thứ ba 9 tháng 4 đến ngày chúa nhật 14 tháng 4. Chuyến đi đánh dấu một bước tiến mới hướng tới việc thiết lập lại mối quan hệ song phương giữa đất nước cộng sản và Vatican, chính thức bị cắt đứt từ năm 1975.
la-croix.com, Malo Tresca, 2024-04-09
Một tín hiệu đáng khích lệ mới hướng tới việc tái lập đối thoại. Từ thứ ba 9 tháng 4 đến chúa nhật 14 tháng 4, tổng giám mục Paul Richard Gallagher, “bộ trưởng ngoại giao” của Tòa thánh sẽ đến Việt Nam, ngài sẽ có một số chuyến thăm với các nhà lãnh đạo công giáo và chính quyền. Chuyến đi này đã được thảo luận ngày 18 tháng 1 trong cuộc gặp tại Rôma giữa Đức Phanxicô và phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam xác nhận vào ngày thứ tư 3 tháng 4.
Chương trình chuyến đi 5 ngày sẽ là một chương trình gặp gỡ dày đặc. Ngài sẽ gặp thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các đại diện bộ Nội vụ và Ủy ban Tôn giáo Chính phủ. Ngoài cuộc gặp với các giám mục địa phương, tổng giám mục Gallagher dự kiến sẽ đến thăm Bệnh viện Nhi đồng tại Hà Nội – bệnh viện đã hợp tác y tế từ năm 2005 với bệnh viện nhi Bambino Gesù ở Rôma, và cử hành thánh lễ tại các thành phố Hà Nội, Huế và Hồ Chí Minh.
“Quá trình này đang tiến triển”
Theo các nhà quan sát, chuyến đi này đánh dấu một bước tiến xa hơn, hướng tới việc thiết lập lại quan hệ chính thức giữa Rôma và Việt Nam, mối quan hệ này bị cắt đứt năm 1975 khi chính quyền cộng sản trục xuất sứ thần Tòa Thánh ra khỏi Việt Nam. Trong khi Việt Nam tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực chống lại quốc gia khổng lồ Trung Quốc, mà Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ phức tạp, thần học gia và nhà nhân chủng học Michel Chambon, chuyên gia về công giáo ở lục địa châu Á giải thích: “Chúng tôi cảm thấy quá trình này đang tiến nhanh sau chuyến đi Kazakhstan của Đức Phanxicô năm 2022 và đi Mông Cổ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2023.”
Bài đọc thêm: Tổng giám mục Gallagher sẽ thăm Việt Nam vào tháng 4
Trong những năm gần đây, các sáng kiến nhằm kết nối lại quan hệ được đưa ra một cách rụt rè. Một nhóm làm việc chung đã họp từ năm 2009 để giải quyết vấn đề này. Trong một tuyên bố vào tháng 3 năm 2023, bên lề cuộc họp lần thứ 10, Rôma nhấn mạnh: “Cả hai bên đều đánh giá cao những tiến bộ đáng chú ý trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng công giáo tại Việt Nam cho đến nay.”
Một bước tiến đáng chú ý khác, một thỏa thuận đã đạt được vào tháng 7 cùng năm sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Võ Văn Thưởng và Đức Phanxicô nhằm hợp pháp hóa sự hiện diện của một “đại diện giáo hoàng thường trú” tại đất nước cộng sản. Cho đến lúc đó, Vatican dựa vào tài ngoại giao của Đức ông Marek Zalewski, sứ thần tại Singapore, đại diện “không thường trú” tại Việt Nam, ngài đã có “các chuyến thăm mục vụ thường xuyên” đến Việt Nam.
Chuyến đi Việt Nam sắp tới của giáo hoàng?
Liệu chuyến đi của tổng giám mục Gallagher, trước chuyến đi dự trù trong năm 2024 của Quốc vụ khanh Pietro Parolin có giúp mở đường cho chuyến đi Việt Nam sắp tới của Đức Phanxicô không? Khi được hỏi về việc này vào tháng 1, tổng giám mục Gallagher tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ chuyến đi này sẽ diễn ra. Đức Phanxicô muốn đến đó và cộng đồng công giáo cũng rất mong ngài đến.”
Trên chuyến bay đưa Đức Phanxicô từ Mông Cổ về Rôma tháng 9 năm 2023, chính ngài đã lên tiếng tán thành một chuyến đi như vậy. Ngài nói đùa: “Nếu tôi không đến đó, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đến” trước khi tiếp tục nghiêm túc hơn: “Chắc chắn một chuyến đi như vậy sẽ được thực hiện, vì đây là vùng đất xứng đáng để tiến về phía trước.” (…) Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất đẹp mà Giáo hội đã có được trong thời gian gần đây. (…) Hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến lên, còn vướng mắc nhưng ở Việt Nam tôi thấy sớm muộn gì cũng khắc phục được”.
6% người Công giáo
Ngày nay, hiến pháp của Việt Nam bảo đảm quyền tự do thờ phượng, dù quyền tự do này vẫn còn mong manh, Việt Nam có khoảng sáu triệu người công giáo, chiếm gần 6% dân số. Hơn nữa, 45% người có tôn giáo, họ nói họ là người công giáo.
Thần học gia Michel Chambon nhấn mạnh: “Giáo hội vẫn sống động, năng động – đặc biệt về mặt xã hội – giàu ơn gọi, trong một xã hội đang giàu có rất nhanh và phát triển thuộc hàng nhanh nhất trong vùng.” Trong những thập kỷ gần đây, chính sách ngoại giao kín đáo của Giáo hội Việt Nam đã giúp dỡ bỏ dần dần các hạn chế, đặc biệt là về số lượng chủng sinh và linh mục được chịu chức.
Bài đọc thêm: Hà Nội chính thức mời Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam
Điều gì vẫn là những trở ngại cho đối thoại, trong khi chính quyền vẫn giữ quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ địa phương, đồng thời tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục hoặc tổng giám mục? Ông Michel Chambon giải thích: “Một số chủ đề vẫn còn tranh luận, như yêu cầu của các giám mục về việc bồi thường tài chính cho những vùng đất trước đây bị chính phủ cưỡng chế, hoặc có thể mở các trường tiểu học và trung học trong nước – cho đến nay Giáo hội chỉ được mở các trường mẫu giáo. Trong vấn đề này, Rôma và Hội đồng Giám mục có thể đưa ra những ưu tiên khác nhau. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Vatican không cần sự chấp thuận của Hà Nội để bổ nhiệm.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xem Phim : https://youtu.be/eg9OF1XFQMk
WHĐ (05.04.2024) – Có những người giàu rất nhân từ và quảng đại, mang lại hạnh phúc cho bao người khác. Nhưng cũng có người nhiều tiền của nhưng ích kỷ và ác độc, không cho người nghèo ăn ngay cả những thực phẩm mình vất đi.
Có những người bỗng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mong manh như loài giun dế, bị chèn ép, cần sự bảo vệ của xã hội, nhưng rất nhiều khi lại bị lãng quên.
Trong bối cảnh của Bát Nhật Phục Sinh, các tín hữu nhìn thấy những dấu vết khổ nạn trong thân xác phục sinh của Đức Kitô. Ngài đã từng trải qua nhiều khốn khổ và đã đưa tất cả những mong manh yếu đuối của con người vào trong vinh quang Nước Trời. Ngài không quên bất kỳ một ai, nhất là những người bị bỏ rơi.
Kể câu chuyện về một em bé tự kỷ nhà nghèo, phim ngắn “Con Dế” cũng muốn đề cập đến những vấn đề ấy…
Truyền thông HĐGMVN
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Nhận lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh (Secretary for the Relation with States and Organization of the Holy See) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14 tháng 4 năm 2024.
Trong chuyến thăm này, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ cử hành Thánh lễ tại nhà thờ chính toà Hà Nội lúc 18g30 ngày 10 tháng 4, Huế lúc 08g00 ngày 12 tháng 4, và thành phố Hồ Chí Minh lúc 17g30 ngày 13 tháng 4. Truyền thông của 3 Giáo tỉnh sẽ đưa tin và trực tuyến Thánh lễ tại Hà Nội: https://www.tonggiaophanhanoi.org; Huế: https://tonggiaophanhue.org; và Sài Gòn: https://tgpsaigon.net. Sáng ngày 14 tháng 4, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm.
Đây là chuyến thăm đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Toà Thánh Vatican đến Việt Nam. Dự kiến, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn vào chiều ngày 9 tháng 4; hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ vào ngày 10 tháng 4. Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng có chương trình thăm Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội, là nơi đã hợp tác y khoa với Bệnh viện Bambino Gesù của Roma từ năm 2005.
Nguồn: WHĐ (03.04.2024)
WGPHT (02.04.2024) – Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Laudato Sĩ và Tông huấn Laudatae Deum; cũng như mong muốn của Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, chủ chăn Giáo phận về việc bảo vệ Môi trường bằng những hành động cụ thể, Ban Caritas Giáo phận Hà Tĩnh phát động chương trình thu gom PIN đã qua sử dụng theo phạm vi từng giáo xứ, giáo hạt trong toàn Giáo phận.
Theo chương trình, trong những ngày tới Ban Caritas sẽ cung cấp thùng thu gom PIN cho từng giáo xứ và cứ mỗi 6 tháng, văn phòng Caritas Giáo phận sẽ tiến hành thu gom và đưa đi xử lý theo quy cách.
Theo lời mời gọi của Đức cha Chủ chăn và Ban Caritas, chúng con kính mong quý Cha và cộng đoàn các giáo xứ tích cực hưởng ứng chương trình ý nghĩa này, để chung tay bảo vệ môi trường mình đang sống cách thiết thực và cụ thể.
Sau đây là nội dung thư ngỏ:
GIÁO PHẬN HÀ TĨNH
BAN BAXH - CARITAS HÀ TĨNH
Thôn Cự Lâm - Vượng Lộc - Can Lộc - Hà Tĩnh - Việt Nam
ĐT: 0862 933 976 - Email:
THƯ NGỎ
V/v: Thu gom PIN đã qua sử dụng Kính gửi: Quý Cha và cộng đoàn giáo xứ
Khoa học ngày càng phát triển, công nghệ hóa, hiện đại hóa luôn được đề cao và đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, đối lập với nó, tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp, trên toàn thế giói, từ nông thôn đến thành thị. Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên Môi Trường năm 2023: Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Trong số đó, có 70% được xử lý bằng cách chôn lấp, nhưng chỉ có dưới 20% được xử lý và chôn lấp phù hợp đúng với khoa học.
Trong số rác thải sinh hoạt hằng ngày, có một lượng khá lớn PIN đã qua sử dụng không được xử lý đúng cách, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người rất nghiêm trọng. Bởi trong PIN có chứa các thành phần kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, thạch tín Một viên PIN có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm, gây ảnh hưởng nguy hại cho hệ thống thần kinh, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Laudato Sĩ và Tông huấn Laudatae Deum; cũng như mong muốn của Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, chủ chăn Giáo phận về việc bảo vệ Môi trường bằng những hành động cụ thể. Ban Caritas Giáo phận Hà Tĩnh phát động chương trình thu gom PIN đã qua sử dụng theo phạm vi từng giáo xứ, giáo hạt. Sáu tháng một lần, văn phòng Caritas Giáo phận sẽ tiến hành thu gom và đưa đi xử lý.
Kính mong quý Cha và cộng đoàn các giáo xứ hưởng ứng, chung tay góp sức, để Ngôi Nhà Chung của nhân loại có một tương lai tươi sáng hơn.
Chúng con xin chân thành cảm ơn!
Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 03 năm 2024
Giám đốc Caritas Hà Tĩnh
(đã ấn ký)
Lm. JB. Nguyễn Huy Tuấn
Xác nhân của Đức Giám mục
(đã ấn ký)
+ Louis Nguyễn Anh Tuấn
TGPSG -- “Các linh mục là những Tư tế thừa tác tham dự vào vào chức vụ Tư tế của Chúa Giêsu trong vai trò là Đầu và tất cả mọi người tín hữu cũng đều tham dự vào chức Tư tế trong tư cách là Thân Thể của Chúa…Chức Tư tế thừa tác hay Tư tế chung cần phải có nhau, bổ túc cho nhau”.
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng (TGM) nhận định như thế khi ngài chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn vào lúc 8g30 thứ Năm 28.03.2024.
Đồng tế với ngài có Đức Giám mục phụ tá Giuse Bùi Công Trác, linh mục (Lm) Inhaxiô Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGP) và khoảng 400 linh mục trong TGP.
Hiệp dâng Thánh lễ có đông đảo quý tu sĩ nam nữ và giáo dân đến từ các giáo xứ trong TGP, ngồi chật kín khuôn viên và tràn cả ra ngoài thánh đường.
Trong bài giảng, Đức TGM nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt của ngày Lễ Truyền Dầu: ngày nói lên sự hiệp hành hiệp thông, tham gia trong sứ vụ của Hội Thánh và là sinh nhật của tất cả các linh mục trong cuộc sống tư tế thừa tác.
Đức TGM nhắc nhở: “Tất cả các Bài đọc hôm nay nói về Hội Thánh. Hội Thánh là Dân Tư tế. Chúa Giêsu là Tư tế duy nhất. Tất cả mọi người chúng ta được thông phần vào chức Tư tế của Chúa Giêsu”.
Ngài nhắn nhủ các linh mục đừng quên nền tảng của chức Tư tế thừa tác chính là chức Tư tế chung: “Những người đóng vai trò chức Tư tế thừa tác cử hành Phụng vụ, là hiện tại hóa hy lễ của Chúa Giêsu trong tư cách là Đầu của Hội Thánh và tất cả cộng đoàn cử hành nghi lễ khác và dâng cuộc đời mình làm hy tế dâng lên cho Chúa Cha. Nếu chỉ có hy lễ của các linh mục mà không có hy lễ của Dân Chúa thì công cuộc cứu độ của Chúa không được thành công. Và ngược lại, cộng đoàn cử hành chức Tư tế chung, là dâng cuộc đời mình cho Chúa trong tình yêu trong sự vâng phục. Nếu không có hy lễ Chúa Giêsu cử hành trên bàn thờ thì bao nhiêu hy lễ của chúng ta cũng không đem lại ơn cứu độ”.
Ngài chia sẻ thêm với các linh mục: “Dân Tư tế là dân rao giảng Tin Mừng. Chúng ta được xức dầu để rao giảng Tin Mừng. Những người đóng vai trò là Đầu. Anh em có chức Tư tế thừa tác là để rao giảng Tin Mừng với năng quyền của Chúa. Chúng ta không thể chối bỏ những lời này. Lời của Chúa Giêsu: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10, 16). Các linh mục rao giảng Tin Mừng với quyền của Giáo Hội của Đức Kitô.”
Ngài đặt câu hỏi với các linh mục và cộng đoàn tham dự: “Làm cách nào có được Hội Thánh tham gia”. Theo ngài, trước hết mỗi người phải biết truyền cảm hứng cho nhau để mỗi người trong vị trí của mình có thể chu toàn tốt vai trò của mình, sống tốt vai trò của mình. Ngài nhắn nhủ: “ Các linh mục sống thánh thiện, trung thành với lời cam kết của mình thì mới có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Anh em hãy làm mới hồng ân linh mục mà chúng ta đã lãnh nhận….Khi chúng ta sống đúng lời cam kết, anh em có được niềm vui, thiêng liêng, thánh thiện”. Ngài khuyên cộng đoàn: “Khi thấy cộng đoàn Dân Chúa hăng say, tham dự Thánh lễ, học hỏi Lời Chúa thì đó là truyền cảm hứng cho Giám mục, Linh mục”.
Theo Đức TGM, để truyền cảm hứng cần phải biết đón nhận nhau: “Anh em hãy đón nhận các linh mục trong giới hạn của con người linh mục, đón nhận linh mục của Chúa trong thực tế của các ngài. Ngược lại, các linh mục là những mục tử hãy đón nhận những sự nhỏ bé của anh chị em giáo dân, những cộng tác cho dù nhỏ bé”.
Điều cuối cùng để truyền cảm hứng cho nhau bằng cách chấp nhận nhau, không chấp nhất, không phê phán, không dùng mạng xã hội để nói xấu, công kích nhau, gây chia rẽ, mất đoàn kết mà hãy biết sống yêu thương, tha thứ. Đó là chúng ta đang truyền cảm hứng cho nhau.
Sau bài giảng là phần các linh mục lập lại lời hứa khi được Truyền Chức Thánh, từ bỏ bản thân để nên giống Chúa Kitô; phục vụ cộng đoàn, liên kết với Giám mục và linh mục đoàn trong sự hiệp nhất của một đoàn chiên và một chủ chiên. Cả cộng đoàn cùng hiệp ý cầu nguyện cho các vị mục tử.
Tiếp theo, Đức TGM đã cử hành nghi thức làm phép ba loại dầu: Dầu Bệnh nhân, Dầu Thánh hiến và Dầu Dự tòng, với những lời nguyện nêu lên ý nghĩa của từng loại dầu thánh trong đời sống Giáo hội.
Thánh lễ được tiếp diễn với phần Phụng vụ Thánh Thể trong một bầu khí thánh thiêng và trang nghiêm.
Cuối lễ, Đức TGM Giuse đã nhân danh Đức Thánh Cha ban ơn Toàn Xá cho những người hiện diện trong Thánh lễ có lòng ăn năn tội, đã xưng tội và rước lễ.
Thánh lễ Truyền Dầu khép lại lúc 10g10.
Dầu Bệnh Nhân - Dầu Dự Tòng - Dầu Thánh
Thánh lễ hôm nay được gọi là Thánh lễ Truyền Dầu hay Làm Phép Dầu, vì trong thánh lễ này Đức Giám mục Giáo phận đã thánh hiến Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng. Dầu thường được lấy từ cây Ô-liu và do Đức Giám mục giáo phận làm phép với mục đích sử dụng trong các bí tích và phụ tích cho toàn giáo phận mà ngài coi sóc.
Dầu Bệnh Nhân viết tắt là OI (Oleum Infirmorum) dùng để xức cho các bệnh nhân. Đây là loại dầu đã được thánh Giacôbê đã nói tới, ban cho bệnh nhân phương dược trị liệu cả hồn lẫn xác, để có thể mạnh mẽ chấp nhận và lướt thắng những khổ cực và tiếp nhận ơn tha thứ tội lỗi.
Dầu Dự Tòng viết tắt là OS (Oleum Sanctum) giúp người dự tòng được thêm nghị lực mà từ bỏ ma quỷ và tội lỗi, trước khi bước tới và tái sinh nơi Giếng Rửa tội.
Dầu Thánh viết tắt là SC (Sanctum Chrisma) có pha thuốc thơm được hiến thánh, dùng để xức cho người vừa được rửa tội, ghi dấu trong Bí tích Thêm sức, xức dầu trong Bí tích Truyền chức linh mục và Giám mục, làm cho những người này được Chúa đổ tràn ân huệ Chúa Thánh Thần; và khi xức dầu bàn thờ và nhà thờ trong nghi thức cung hiến, Chúa làm cho Hội Thánh Chúa được lan rộng và tăng trưởng mãi cho đến mức độ viên mãn trong ánh sáng cứu độ.
Xuân Đại (TGPSG)
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA PHỤC SINH 2024
Các con thân mến,
Với chủ đề: “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do”, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người nhớ lại cuộc xuất hành vĩ đại của dân Do Thái từ Ai Cập đi về Đất Hứa, vốn là một cuộc hành trình khởi đi từ sáng kiến của lòng nhân lành Chúa. Qua trung gian của Môisen, tình thương Chúa bao bọc, che chở và dẫn dắt đoàn dân này từ kiếp sống nô lệ đến khung trời của tự do, ngang qua một cuộc hành trình đầy cảm xúc và thử thách trong sa mạc.
Mùa Chay cũng chính là một cuộc hành trình thiêng liêng mà chúng ta được mời gọi bước vào bằng một quyết tâm mới, “trong đó sa mạc một lần nữa trở thành - như ngôn sứ Ôsê đã loan báo - nơi của tình yêu ban đầu (x. Os 2,16-17). Thiên Chúa giáo dục dân Người để họ thoát khỏi cảnh nô lệ và trải nghiệm quá trình chuyển đổi từ sự chết sang sự sống” (Sứ điệp Mùa Chay 2024).
Nếu như đích điểm cuối cùng cuộc hành trình trong sa mạc của dân Do Thái năm xưa, là một vùng đất của tự do và hạnh phúc, thì bốn mươi ngày của Mùa Chay thánh hôm nay, nhờ việc nỗ lực thi hành những điều Chúa dạy một cách nhiệt thành, cũng sẽ dẫn đưa chúng ta đến nguồn mạch ân sủng và hy vọng của con cái Chúa. Cùng với lời tạ ơn Chúa vì ân huệ lớn lao này, cha muốn chia sẻ với các con một vài suy nghĩ về Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh.
1. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống của thân xác.
Khi nói về sự phục sinh của Chúa Giêsu, ta thường thấy một cụm từ mang tính chất liên kết: Tử Nạn và Phục Sinh. Sự liên kết hai khái niệm này nhằm mô tả tính xác thực và mạnh mẽ về sự sống lại nơi con người của Chúa chúng ta. Bởi vì, không có chết đi thì sẽ không có sống lại, không có sự chết thật thì việc sống lại nơi cùng một con người, chỉ là một sự ngộ nhận nghiêm trọng và đáng trách. Chúng ta cùng quan sát đôi nét về một dữ kiện nơi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.
Tảng đá to đã lấp cửa mộ, nó như một dấu chấm hết mà các môn đệ và những người liên hệ đã đặt vào cuộc đời của Chúa Giêsu ngay lúc này. Tảng đá ấy dường như cũng đè nặng trên tất cả niềm hy vọng của mọi người về vị Thầy kính yêu của họ. Thánh sử Matthêu như muốn xác định rõ ràng về cái chết này, khi thuật lại một sự im lặng buồn bã và thất vọng của những người đang làm công việc táng xác Chúa: “Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về” (Mt 27, 59 - 60). Ngôi mộ ấy càng trở nên một chứng tích mạnh mẽ cho sự thật về cái chết của Chúa Giêsu, khi nó được chính quyền Rôma hạ lệnh canh giữ cẩn thận. “Ông Phi-la-tô bảo họ:“Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết.” Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27, 65 – 66).
Thế nhưng mọi sự đã thay đổi hoàn toàn, bầu khí ảm đạm tiếc nuối trong ngày lễ nghỉ Sabat của những người tin vào Chúa Giêsu lúc ấy, đã nhanh chóng được xóa tan bởi niềm vui Chúa phục sinh vào ngày hôm sau, tức là ngày thứ nhất trong tuần. Chúa đã sống lại từ thân xác đầy thương tích bởi cuộc khổ nạn và đang được canh giữ hết sức cẩn thận vì nhiều lý do. Sự kiện ấy càng trở nên xác thực khi chính những lính canh mồ, là những người đầu tiên chứng kiến sự sống lại này (x. Mt 28, 11 – 15).
3. Chúa Kitô phục sinh đối với sự sống danh dự.
Chúa chúng ta đã toàn thắng trong mọi sự, đã sống lại trong vinh quang. Chúng ta có thể mạnh dạn tuyên xưng như vậy khi dựa vào lời chứng của các tông đồ. Các ngài bảo đảm với chúng ta, không những bằng lời nói, mà còn bằng cả mạng sống rằng: “Chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 41). Vinh quang ấy không nằm ở một ngôi mộ trống vắng, dù là có sự hiện diện của các Thiên thần như Phúc âm đã mô tả, nhưng là nơi Thánh giá của Chúa Kitô. Bài giảng của thánh An-rê, giám mục Cơ-rê-ta đề cao vinh quang này: “Thánh giá nâng Chúa Kitô lên cao, anh em biết đó, điều ấy là do chính Người nói ra: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi. Bạn thấy đó: thánh giá là vinh quang của Chúa Kitô, thánh giá nâng Người lên cao. Ai có thánh giá là có một kho tàng, vì trong đó, nhờ đó mà tất cả điều cốt yếu cho ơn cứu độ chúng ta được tạo lập và phục hồi.” (Trích Bài đọc 2 Kinh Sách, Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/09).
Quả thật, từ biến cố phục sinh này, Thánh giá Chúa Kitô đã trở nên Thánh giá của Chúa chúng ta. Thánh giá ấy đã không còn là hình ảnh của một án phạt đầy sợ hãi, nhưng trở thành biểu tượng của tình thương. Thánh giá ấy đã và đang tiếp tục được dựng lên khắp nơi trên thế giới, để tôn vinh và nhắc nhở về một tình thương đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người. Thánh giá ấy đang được nhiều người mang theo trên mình như một sức mạnh đáng tin cậy cho cuộc sống của họ. Thánh giá ấy cũng luôn được những ai có lòng tin ghi dấu trên người, khi khởi sự một điều gì đó quan trọng mà họ phải đối diện. Đặc biệt, với các Thánh tử đạo, Thánh giá Chúa là trên hết, là kho tàng lớn nhất mà các ngài phải bảo vệ bằng mọi giá, kể cả việc hy sinh mạng sống của mình. Trong thực tế, chính cây Thánh giá đã nói lên tất cả nhân danh Chúa. Chúa không im lặng: ngôn ngữ của Ngài bây giờ là ngôn ngữ của Thánh giá. Thánh giá đúng thật là niềm tự hào của người Kitô hữu chúng ta, như lời một bài thánh ca quen thuộc: vinh quang của ta là Thánh giá Đức Kitô...nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát.
3. Chúa Kitô phục sinh đối với cuộc sống chúng ta.
Điều cha rất muốn các con giữ lại cho đời sống mình trong những ngày mừng lễ Chúa Phục sinh, đó là chúng ta hãy tin tưởng và sẵn sàng để cho Chúa Kitô được sống lại trong cuộc sống hàng ngày của mình. Bởi vì, nếu Chúa chỉ sống lại từ ngôi mộ đá của 20 thế kỷ về trước, mà không sống lại trong niềm tin của con người hôm nay, thì sự kiện ấy sẽ mãi là một câu chuyện của ngày xưa được kể lại; nếu Chúa chỉ trỗi dậy trong chứng từ của những người đương thời, mà không phục sinh trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thì dẫu cho ta có nhiều lần tham gia vào các cuộc cử hành mầu nhiệm trọng đại này, điều ấy cũng chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Mùa Chay là thời gian hành động. Với cha, đó thật sự là khoảng thời gian cần thiết và thuận tiện, để chúng ta lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy ngang qua các cử hành phụng vụ, hầu mang lại một sự hoán cải và đổi mới đời sống, để mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, sự hoán cải và đổi mới ấy không được dừng lại khi Mùa Chay kết thúc. Chúng ta hãy mang lấy thành quả này như một con người mới để bước vào những ngày mừng Chúa chúng ta sống lại, đồng thời, hãy kéo dài và nhân rộng nó để làm chứng cho mọi người thấy rằng Chúa cũng đã và đang sống lại trong tôi.
Ước mong rằng, niềm vui mừng Chúa Phục Sinh của chúng ta hôm nay, thúc đẩy thực hành các nhân đức Tin, Cậy và Mến cách siêng năng và sốt sắng. Các Nhân đức này sẽ trải rộng và bao trùm chúng ta trong phụng vụ Thánh lễ, trong các lời cầu nguyện, trong dấn thân phục vụ tha nhân với tâm tình bác ái yêu thương… và một ngày nào đó hy vọng rằng tất cả chúng ta cùng được chiến thắng với Chúa Kitô. Đó cũng là lời chúc mừng Phục Sinh đầy tin tưởng và yêu mến của cha dành cho từng người chúng con.
CHÚC MỪNG LỄ PHỤC SINH 2024
Vĩnh Long, ngày 25 tháng 3 năm 2024.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
Xem Phim : https://youtu.be/LjXbQ0CuMxk
WHĐ (15-3-2023) – Mẹ yêu hỡi, trong lòng con chỉ ước mong có mẹ bên mình.
Mẹ có biết con lẻ loi, cần mẹ với tiếng ru, mẹ hỡi !
Mẹ có nhớ con từng mơ: mẹ dắt tay con đi tới trường.
Hạnh phúc ấy quá xa…
Câu ca con hát về mẹ cha…
Tâm tình u buồn trên đây của một người con vắng bóng mẹ, gợi nhớ tâm tình trống vắng của những người chưa gặp được Đấng vô biên - Đấng đã hết lòng yêu thương tạo dựng nên họ, đặt vào tâm hồn họ những khát vọng vô biên. Và gợi nhớ cả nỗi lòng của chính Thiên Chúa, day dứt vì bao nhiêu người con đang tâm quay lưng lại với Chúa, để rơi vào bóng tối mịt mù của sự xa cách chia lìa…
MV phim “Cuộc Gọi” - với bài hát “Nỗi Lòng Con Thơ” - muốn trình bày những điều này, trước khi phim ngắn “Cuộc Gọi” sẽ được trình chiếu trên kênh “Phim truyện Mục vụ” vào lúc 18g30 thứ Sáu tuần sau 22-3-2024.
//www.youtube.com/@PhimTruyenMucVu" target="_blank" rel="noopener noreferrer">Kênh Phim truyện Mục vụ
của Ủy ban Truyền thông / HĐGMVN