Tin Giáo Hội Việt Nam
WHĐ (26.07.2024) - Vào lúc 17g00 thứ Bảy 13.07.2024, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam, đã thông báo: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Ban Mê Thuột, làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột. Lễ tấn phong giám mục cho ngài đã được ấn định vào lúc 08g30 thứ Năm 22.08.2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, 01 Trần Hưng Đạo, Thắng Lợi, Buôn Ma Thuột.
Trong dịp đặc biệt này, Phóng viên (PV) của Ủy ban Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn Đức Giám mục tân cử Gioan Baotixita (ĐGM) về tâm tình, kinh nghiệm huấn giáo và truyền giáo, khẩu hiệu và huy hiệu giám mục, sứ vụ của ngài cùng với hành trình tiếp nối công cuộc loan báo Tin mừng của các vị tiền nhiệm tại Giáo phận Ban Mê Thuột.
PV: Kính thưa Đức Cha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột vào ngày 13.07.2024. Kính xin Đức cha chia sẻ những tâm tình và cảm nhận của Đức Cha khi đón nhận Sứ mạng này.
ĐGM: Khi đón nhận một hồng ân lớn lao nhưng cũng là một trách nhiệm nặng nề, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì Thiên Chúa qua Giáo hội đã tuyển chọn và ban cho một con người bình thường vốn bất toàn và bất xứng một hồng ân thật huyền nhiệm và lớn lao. Vì thế, tôi chỉ biết khiêm tốn dâng lời tạ ơn Chúa. Lo vì đây là một sứ mạng rất nặng nề và đầy thách đố từ nhiều mặt. Do đó, tôi chỉ biết cúi đầu đón nhận với niềm tín thác hoàn toàn vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện và nâng đỡ tôi trong sứ vụ mới.
PV: Trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của Giáo phận Ban Mê Thuột đã công bố Khẩu hiệu và Huy hiệu Giám mục của Đức Cha. Trong Huy hiệu có hình ảnh 3 ngọn núi - biểu tượng của ba tỉnh vùng Tây Nguyên, là địa bàn của Giáo phận Ban Mê Thuột, nơi có đông đảo anh em sắc tộc và di dân. Đây quả là vùng truyền giáo rộng lớn. Vậy Đức Cha có những thao thức như thế nào trước một bối cảnh loan báo Tin Mừng với sự đa dạng như thế?
ĐGM: Quả thực, Giáo phận Ban Mê Thuột là một giáo hội truyền giáo với hai đặc trưng là đông đảo anh em sắc tộc và di dân tự do. Có thể nói đây là một trong những khó khăn và thách thức không nhỏ đối với sứ mạng mục tử. Vì thế, tôi thực sự thao thức làm sao để anh em sắc tộc không những được đón nhận Tin Mừng mà còn được nuôi dưỡng và sống đức tin cách trưởng thành; di dân tự do được chăm sóc mục vụ đầy đủ nhất có thể, để họ có thể sống đạo một cách tốt đẹp. Trước những thách thức đó, tôi xác định rằng, để có thể chăm sóc mục vụ cho anh em sắc tộc và di dân một cách hiệu quả, người mục tử cần xây dựng một định hướng lâu dài và cùng với những thực hành mục vụ thiết thực và hữu hiệu, đồng thời mời gọi mọi thành phần trong gia đình Giáo phận cùng tích cực tham gia cộng tác vào chương trình mục vụ của Giáo phận.
PV: Đức Cha đã qua 10 năm làm Giám đốc Trung tâm Mục Vụ Giáo phận Ban Mê Thuột, cũng là 10 năm làm Trưởng ban Giáo lý của một Giáo phận vùng Tây Nguyên. Kính xin Đức Cha chia sẻ về kinh nghiệm Huấn giáo và Truyền Giáo của Đức Cha trong 10 năm qua và những dấu ấn đặc biệt trong thời gian này.
ĐGM: Trước hết, 10 năm làm Giám đốc Trung tâm Mục vụ Giáo phận, là cơ hội để tiếp cận trực tiếp với các sinh hoạt mục vụ của Giáo phận, nhờ đó, tôi thủ đắc được những kinh nghiệm quý báu về thực trạng cũng như nhu cầu thực tế của đời sống đức tin nơi các tu sĩ và giáo dân. Đây là những yếu tố thiết thực, hy vọng sẽ góp phần hữu ích trong việc xây dựng một định hướng lâu dài và thực hành mục vụ vừa tương thích với bối cảnh Giáo phận nhà, vừa mang lại hiệu quả thiết thực. Thứ đến, thực thi vai trò Trưởng ban Giáo lý Giáo phận là cơ hội để liên kết hai ngành học của mình một cách hiệu quả. Với châm ngôn Huấn giáo và Truyền giáo bất khả tách rời, giáo lý viên chính là nhà truyền giáo. Giáo lý viên được mời gọi thi hành sứ mạng huấn giáo trong viễn tượng loan báo Tin Mừng. Vì thế, để hiện thực hóa điều này, trước hết tôi đã khởi đầu việc khơi dậy ý thức và thao thức truyền giáo nơi giáo lý viên, đặc biệt là giáo lý viên của các xứ toàn tòng. Thứ đến, tôi đưa vào chương trình đào tạo giáo lý viên các môn học liên quan và hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo như: vai trò của giáo dân trong Hội Thánh, các tôn giáo tại Việt Nam… Chương trình này đang mang lại những hiệu quả nhất định.
PV: Khẩu hiệu “Có Chúa cùng hoạt động” đi liền với hình ảnh: Thánh Thần, Thánh Thể và Thánh Kinh, khiến chúng con cảm nhận như đây chính là một linh đạo mục vụ. Kính xin Đức Cha chia sẻ về “linh đạo” này trong sứ mạng Giám mục của Đức Cha.
ĐGM: Vâng, có thể nói đây là một “linh đạo” mục vụ mà tôi đã, đang và sẽ cố gắng theo đuổi trong hành trình sứ vụ mục tử. Càng ra khơi, càng thấy biển rộng; càng sống lâu trong đời dâng hiến, càng thấy mình bé nhỏ trước đại dương ân sủng. Đây vừa là niềm xác tín mục vụ, vừa là định hướng mục vụ cho hành trình sứ vụ.
- Là niềm xác tín mục vụ, vì Chúa Giêsu đã phán: “Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,20).
- Là định hướng mục vụ, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5); điều đó nhắc nhở và mời gọi: khi thi hành sứ vụ cần khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn và giới hạn, để không ngừng tin tưởng vào sự hiện diện năng động và hoạt động hữu hiệu của Chúa.
PV: Đức Cha là vị Giám mục Chính Toà thứ năm của một Giáo phận có bề dày hơn 50 năm tuổi. Như vậy, Đức Cha sẽ cùng với Giáo phận tiếp nối công cuộc loan báo Tin mừng của các vị tiền nhiệm. Chúng con rất ước mong được nghe Đức cha chia sẻ về hành trình tiếp nối này của Giáo phận Ban Mê Thuột.
ĐGM: Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo phận các chủ chăn nhiệt thành và hết lòng vì Giáo phận. Các ngài đã đặt nền móng, xây dựng và phát triển Giáo phận trong suốt hơn 50 năm qua. Giờ đây, tôi đang ấp ủ và cố gắng thực hiện hai thao thức căn bản: trước hết là làm sao để tiếp nối và phát huy những thành quả tốt đẹp mà các đấng bậc tiền nhiệm đã dày công thực hiện; thứ đến là lắng nghe những đóng góp của các cộng sự viên và phân định dưới tác động của Chúa Thánh Thần để xây dựng những thực hành mục vụ vừa thiết thực vừa hiệu quả, dựa trên định hướng của các đấng bậc tiền nhiệm.
PV: Nhân dịp này, xin Đức Cha gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa của Giáo phận Ban Mê Thuột và của Giáo hội Việt Nam những tâm tình mục tử của Đức Cha.
ĐGM: Trước hết, con xin cảm ơn cộng đoàn Dân Chúa của Giáo hội Việt Nam, cách riêng Giáo phận Ban Mê Thuột đã chung tâm tình tạ ơn Chúa, cầu nguyện và đón nhận con với tâm tình yêu mến. Thứ đến, từ làn gió canh tân đổi mới và trong bầu khí bừng dậy chan hòa sức sống của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp Hành, ước mong sao Giáo hội Việt Nam, cách riêng Gia đình Giáo phận cùng cất bước hiệp hành để sống đức tin và làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu, nhờ nguồn sức sống của Thánh Thể, với sự soi sáng của Thánh Kinh và trong sự tác động của Thánh Thần.
PV: Chúng con chân thành cảm ơn Đức Cha. Xin Chúa ban cho Đức Cha muôn ơn lành hồn xác.
fr.aleteia.org, Clarisse Tannhof, 2024-07-09
Marcel Nguyễn Tân Văn, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, sinh ngày 10 tháng 7 năm 1928 tại Ngăm Giáo, Bắc Ninh, Yên Bái, qua đời ngày 10 tháng 7 năm 1959, án phong chân phước được mở năm 1997. Linh mục Grégoire Corneloup vừa xuất bản quyển tiểu sử mô tả ngài là tấm gương mẫu mực cho giới trẻ.
Chân phước Marcel Văn là hình ảnh mẫu mực có thể giúp các thanh niên trẻ ngày nay phát triển đời sống nhân bản và thiêng liêng. Đó là xác quyết của linh mục Corneloup, tác giả quyển sách Marcel Văn, người có ảnh hưởng trên thiên đàng (Marcel Van, un influenceur au paradis). Linh mục Corneloup thuộc Dòng Thừa sai Tình yêu Chúa Giêsu, huynh đoàn được thành lập dựa trên linh đạo của Marcel Văn, trong nhiều năm, cha nghiên cứu hành trình nhân bản và tâm linh của Marcel Văn.
Xin cha cho biết cha đã khám phá Marcel Văn như thế nào?
Linh mục Grégoire Corneloup: Tôi biết ngài khi tôi vào chủng viện, có một bức chân dung lớn của ngài ở đây. Tôi không biết người thanh niên châu Á này là ai. Một hôm, một chủng sinh nói với tôi: “Về đời sống tâm linh, nhất định phải đọc Văn và Thánh Têrêxa.” Tôi nghe theo, tôi tìm đọc tiểu sử của ngài và tôi có cảm giác như tìm được mỏ vàng! Trước đây tôi có xin Chúa cho tôi có được người thầy tâm linh để đào sâu những gì tôi đã nhận được khi còn nhỏ. Marcel Văn đã tổng hợp và triển khai những gì tôi đã ấp ủ sâu trong lòng. Trong những năm tháng ở chủng viện, Marcel Văn là người anh cả của tôi.
Theo cha, điều gì đáng chú ý nhất ở Marcel Văn?
Marcel Văn sinh trong một gia đình công giáo. Từ nhỏ Văn đã khao khát nên thánh, muốn làm linh mục, Văn đến ở nhà đào tạo các linh mục và giáo lý viên. Trải nghiệm này hóa ra lại khắc nghiệt vì Marcel Văn phải chịu bạo lực về thể xác và tâm lý. Marcel Văn đứng vững nhờ tràng chuỗi Mân Côi và một trực giác luôn ở trong lòng anh: biến đau khổ thành hạnh phúc. Khi Marcel Văn đọc quyển Một Tâm Hồn của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đó là mặc khải của anh. Thánh Têrêxa thành người chị trong đức tin, từ thiên đàng xuống nói chuyện với anh. Chính Thánh Têrêxa dạy cho anh, Chúa có một kế hoạch khác dành cho anh ngoài kế hoạch trở thành linh mục.
Marcel Văn học cách giữ mình và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa.
Văn rất thất vọng nhưng học được bài học buông bỏ. Anh vào Dòng Chúa Cứu Thế và theo yêu cầu của người cha thiêng liêng, anh bắt đầu viết các cuộc trò chuyện của anh với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Sau khi Cộng sản chiếm miền Bắc năm 1954, Văn xin được gởi ra Bắc “để ít nhất có một linh hồn kính mến Chúa nhân lành”. Văn bị bắt, bị đưa vào trại cải tạo bốn năm và chết vì kiệt sức năm 1959, khi mới 31 tuổi. Án phong thánh của Marcel Văn đang được tiến hành.
Vì sao cha viết về Marcel Văn?
Theo tôi, phải làm nổi bật hình ảnh khiêm tốn đầy gương sáng của Marcel Văn. Tôi cảm nhận mình có nhiệm vụ truyền lại những gì tôi đã nhận được từ anh. Tôi nghĩ gương của Văn có thể chạm đến giới trẻ ngày nay, cùng đồng hành với họ trong cuộc sống và trong cơn khát thiêng liêng của họ. Nhà xuất bản có tuyển tập về cuộc đời các thánh, “Sinh ra để cho Chúa” giới thiệu các nhân vật truyền nhiệt huyết cho giới trẻ ngày nay. Ở thời đại của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chúng tôi muốn mang đến cho giới trẻ tấm gương thực sự của những người có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống, khát vọng và đức tin của họ theo nghĩa tốt nhất.
Marcel Văn sẽ nói gì với giới trẻ ngày nay?
Marcel Văn có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng trọn vẹn. Dũng cảm, tốt lành và tự tin. Marcel Văn là “thần dược ẩn giấu của tình yêu”. Với người trẻ ở thế giới ngày nay đang cố gắng sống theo những khát vọng của trái tim mình, Marcel Văn là tấm gương của người đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa, giúp những người trẻ tiến về phía trước mỗi ngày, vượt qua thử thách, tìm ra con đường của mình, không nản lòng, luôn vui vẻ… Đó là những thử thách mà mọi thiếu niên đều gặp và trước đây Marcel Văn cũng đã từng trải qua. Với tâm hồn đơn sơ, Marcel Văn vạch ra con đường nhỏ theo cách của Thánh Têrêxa. Một con đường nhỏ dựa trên niềm vui, tin tưởng và tình yêu. Một món quà thực sự để hướng dẫn thanh thiếu niên ngày nay để họ đi tìm hạnh phúc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Nguồn: phanxico.vn
Hôm nay, ngày 13 tháng 07 năm 2024, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam thông báo:
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc, thuộc linh mục đoàn giáo phận Ban Mê Thuột, làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Tiểu sử Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc
- Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1967 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐăkLăk, thuộc giáo xứ Châu Sơn, giáo phận Ban Mê Thuột
- 1993 – 1999: Tu học tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang
- Ngày 01 tháng 03 năm 2000: Được Đức Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, thuộc linh mục đoàn giáo phận Ban Mê Thuột
- 2000 – 2001: Phó xứ Phước Long, giáo hạt Phước Long
- 2001 – 2007: Quản xứ Phước Long, giáo hạt Phước Long; kiêm Quản nhiệm:
+ Giáo xứ Đức Hạnh, Nhơn Hòa và Sông Bé;
+ Giáo họ biệt Lập: Đặc Ân, Sơn Giang, Sơn Long, Phú Văn và Khắc Khoan
- 2007 - 2010: Quản xứ Phước Long; giáo hạt Phước Long; kiêm quản nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Thác Mơ
- 2010 – 2012: Du học tại Institute for Consecrated Life in Asia, Philippines; tốt nghiệp học vị thạc sĩ Truyền giáo
- 2012 – 2014: Du học tại Don Bosco Center of Studies, Philippines; tốt nghiệp học vị thạc sĩ Huấn giáo
- 2014 đến nay: Trưởng Ban Giáo lý giáo phận Ban Mê Thuột
- 2014 đến nay: Giám đốc Trung tâm Mục vụ Giáo phận Ban Mê Thuột; thành viên Ban Tư vấn Giáo phận Ban Mê Thuột
- 2017 đến nay: Trưởng ban Giáo lý giáo tỉnh Huế; Phó ban Giáo lý toàn quốc
- Ngày 13 tháng 07 năm 2024: Được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.
Nguồn: WHĐ (13.07.2024)
Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, Giáo phận Qui Nhơn và gia đình trân trọng kính báo Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, sinh ngày 15.12.1936 đã an nghỉ trong Chúa lúc 7 giờ 8 phút Thứ Hai, ngày 08.07.2024.
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu
TGPSG – Họ “đã được Thần Khí sinh ra” nên họ sẽ cùng nhau đi tới như “gió” vậy. (Ga 3,8)
Tiếng ve râm ran xóa tan bầu khí tĩnh mịch của tu viện dòng nữ Biển Đức, nơi những kẻ “mộng mơ” đang “mơ mộng” tìm gặp gỡ Đấng họ yêu mến và phụng sự.
Hành trình dài 10 năm thành lập của nhóm Ca Kịch Công Giáo (CKCGSG) đã được ghi dấu bởi 2 ngày (15-16/06) tĩnh tâm, và bữa tiệc sinh nhật. Các thành viên trong nhóm cùng nhau ngồi lại bên Chúa và bên nhau để tĩnh lặng tâm hồn, để nhìn lại hành trình 10 năm đầy ân phúc.
Đây là lúc nhóm cùng nhau nhìn lại quá khứ với niềm tri ân, trân quý những phút giây hiện tại và định hướng mới cho tương lai. Đó cũng là những tâm tình nhóm CKCGSG được Cha đồng hành gợi mở trong 2 ngày tĩnh tâm, đặc biệt là tâm tình “Dâng” và “Xin” - nền tảng trong lời Kinh Dâng Hiến của Thánh I-Nhã, Đấng sáng lập dòng Tên. Tâm tình ấy đã được nhóm dành hết tâm huyết thể hiện qua MV Kinh Dâng Hiến không lâu nữa sẽ ra mắt khán giả.
Không thể tìm dịp nào tốt hơn để cả nhóm cùng tạ ơn Chúa vì đã cho họ được gặp gỡ nhau, cùng nhau trưởng thành trong đức tin và tình yêu thương. Mỗi thành viên, với tài năng Chúa ban và nhiệt huyết của mình, đã làm nên những tiết mục ca kịch đầy ý nghĩa và một chặng đường 10 năm đáng nhớ, một chặng đường không dài nhưng cũng đủ để các thành viên có thể cảm nhận sâu sắc tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong từng bước đi, từng giai điệu và từng vở diễn
Không mạnh mẽ như những cơn vũ bão, không chấn động như những trận động đất, cũng không làm hoảng hốt lòng người như núi lửa phun trào, càng không cố tình tạo nên kỳ tích, họ chỉ như những cơn “gió”, lâu lâu thổi một lần. Cơn gió nhẹ nhàng hiu hiu, đi ngang qua khiến Êlia cảm nhận được Chúa và gặp gỡ được Ngài. (1V19, 9a. 11-13a)
Qua những vở diễn, nhóm CKCGSG đã mang vào đời những giá trị nhân bản tích cực và Tin Mừng tình yêu đã được loan đi. Những làn gió mát nhẹ nhàng hiu hiu thổi vào cuộc đời đầy bụi bặm bởi sự tục hóa, làm dịu đi cơn sốt của xã hội hiện đại đang sôi sục làm ô nhiễm tâm hồn bao con người.
Họ như là những kẻ mộng mơ bởi chỉ những con người mộng mơ mới dám liều, dám làm, dám “hết mình”. Những kẻ mộng mơ ấy đã dám mơ mộng mở rộng chân trời, nơi đó con người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong tình yêu của Đấng tự hủy, tự hiến - Đấng đã vì yêu mà đến.
Phải chăng những kẻ mộng mơ mang trong mình trái tim của những đứa trẻ, khao khát điều tốt đẹp, trong sáng, nên cứ đơn sơ chân thành thực hiện mà không tính toán thiệt hơn?
Sự mộng mơ đã không biến họ thành những kẻ vô công rồi nghề, theo đuổi những điều viển vông, không mục đích. Họ biết họ đang làm gì, làm như thế nào và làm cho ai, bởi ý thức rằng mọi sự đều là hồng ân của Chúa, là món quà Chúa tặng cho mình. Mọi hiểu biết, bao ước vọng, ký ức, sự tự do, ý chí, những điều tuyệt vời Ngài đã ban cho trong cuộc đời, ẩn sau đó là gì nếu không phải là khởi đi từ tình thương nhiệm mầu Chúa dành cho họ?
Thế nên việc cần làm lúc này là dâng lên Người tất cả mọi sự. Chỉ xin tình yêu và ân sủng, thế là đủ.
Trong giờ phút thinh lặng và cầu nguyện, mỗi người cảm nhận được sự gần gũi, thân thương của Chúa hơn bao giờ hết. Chính trong những phút giây lặng thầm ấy, các thành viên thấy rõ Chúa đã luôn đồng hành cùng nhóm, dẫn dắt và che chở từng người. Họ đã nhận ra giá trị của những việc họ làm và cuộc đời trở nên có ý nghĩa và đáng sống hơn.
Mỗi người có một cơ duyên khác nhau khi đến với nhóm, và không chỉ là các bạn trẻ Công giáo mà còn có cả các bạn không cùng tôn giáo. Nhìn chung, họ đã được Chúa dẫn lỗi đưa đường. Chính Chúa đã qui tụ họ lại để trở nên như anh em một nhà. Chính Chúa đã liên kết họ trong gia đình thánh của Ngài.Những khó khăn, thử thách khiến họ không ít lần nản lòng. Nhưng với xác tín chính Chúa đã khởi sự, Ngài sẽ hoàn thành, các anh chị kỳ cựu trong nhóm đã nỗ lực cùng nhau vượt qua khó khăn, làm nên một tập thể vững mạnh, đầy tình thương và sự đồng lòng.
Mười năm với một đời người thì không phải là dài, nhưng cũng có thể nói rằng họ đã đi bên nhau một hành trình đủ vui lúc thành công, đủ buồn khi thất bại, đủ yêu thương lúc đồng thuận ăn ý với nhau, đủ nóng nảy giận hờn khi bất đồng ý kiến. Và đọng lại nơi họ là những gì tốt đẹp đã có với nhau, để không chỉ yêu khi vui vẻ, mà tất cả những gì thuộc về nhóm, họ đều có thể yêu được. Chính vì vậy, họ mới có thể đi với nhau lâu dài đến như thế.
Mười năm đâu phải là dài,
Nếu không yêu được, một ngày cũng lâu!
Nguyện xin Chúa tiếp tục ban ơn và dẫn dắt nhóm CKCGSG trên mọi nẻo đường. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì đã trải qua và sẽ cùng nhau hướng tới. Hy vọng nhóm sẽ mãi giữ vững niềm tin, mọi thành viên tiếp tục đồng hành cùng nhau trên con đường phục vụ và lan tỏa tình yêu Chúa đến với mọi người.
Như một làn gió mát trong lành - “gió muốn thổi đâu thì thổi, ta nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến...”, họ “đã được Thần Khí sinh ra” nên họ sẽ cùng nhau đi tới như “gió” vậy. (Ga 3,8)
Maria Trần Ân Chiêm (HVCG)
Nguồn: TGP Sài Gòn
,Xem Trailer Sứ Mệnh 2: 'Tình Bạn' : https://youtu.be/s1ILxK-tz9E
WHĐ -- “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15). “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Với những lời nói trên đây, Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành bạn hữu vô cùng thân thương của Chúa. Ngài đã hy sinh mạng sống cho bạn hữu của Ngài, đã lấy chính Thịt Máu Ngài làm lương thực cho ta để ta trở nên một với Chúa, được trở thành con Thiên Chúa, được chung sống với Chúa Ba Ngôi: “Những ai đón nhận Đức Kitô, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12); “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24); “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con” (Ga 17,22).
Tình bạn này được thể hiện ngay trong mối tương quan giữa “vị mục tử” và “con chiên” trong dụ ngôn “Người mục tử nhân lành”. Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu dùng hình ảnh những “con chiên” đang cần đến “chủ chăn” để nói lên mối thân tình và sự hy sinh của vị mục tử cho “đàn chiên” của Ngài: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên… Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi…” (x. Ga 10,11-15). Chúa Giêsu còn được gọi là “Chiên Thiên Chúa” chịu sát tế để cứu “đàn chiên” (Ga 1,35). Như vậy, vị mục tử Giêsu cũng chính là “Chiên Thiên Chúa” và là bạn thân tình của từng “con chiên” trong “đàn chiên” của Ngài, đã hy sinh mạng sống để giúp cho từng “con chiên” trở thành con Thiên Chúa khi kết hiệp với Ngài.
Những tông đồ đi theo Chúa, chung chia sứ mệnh mục tử với Chúa Giêsu, chính là được mời gọi sống trong tình bạn thân thiết như thế với Chúa, với nhau và với những người Chúa trao phó cho mình chăm sóc. Tất cả đều trở thành con Thiên Chúa trong tình bạn thắm nồng. Phim ngắn “Sứ mệnh 2: Tình Bạn” - sắp được trình chiếu - muốn diễn tả tình thân hữu rất thánh thiêng và tuyệt vời ấy.
Lm. Giuse Vũ Hữu Hiền
TGPSG -- Vào ngày di dân và tị nạn quốc tế năm 2020, ĐGH Phanxico đã viết: "Như Chúa Giêsu Kitô, họ bị buộc phải chạy trốn. Cần chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di tản trong nước…"
-
TỔNG QUAN
Làn sóng di dân ngày nay trở thành một vấn đề lớn ở tầm mức quốc tế cũng như quốc nội. Nguyên nhân thì có nhiều, từ chiến tranh, biến đổi khí hậu đến đơn giản chỉ là mưu sinh, tìm đến một vũng đất dễ sống hơn.
Di dân trong nước thường là từ miền quê đổ về các thành phố lớn mà TP.HCM là một điển hình. Do tại TP.HCM có nhiều công ty, trường học nên số lượng đổ về mỗi lúc một đông, từ di dân định cư đến di dân tạm thời, lúc đầu chỉ tập trung ở các khu chế xuất hay các khu vực xung quanh trường đại học, nhưng bây giờ thì người di dân tràn ngập khắp nơi. Người ta ước tính: dân số ở TP là 13 triệu người, thì di dân có đến 5 triệu người; mà con số này dao động liên tục và có chiều hướng gia tăng.
Di dân mang theo nhiều vấn đề: nhà ở, việc làm… và nó không chỉ là vấn đề xã hội, mà cả Giáo Hội cũng chia sẻ vì nhiều sinh hoạt liên quan đến đời sống đức tin của các di dân Công Giáo.
Vậy các giáo xứ chúng ta phải làm gì để chia sẻ gánh nặng cho xã hội, cũng như giúp những người di dân Công giáo sống đức tin của mình trong một môi trường mới?
Bài viết này chỉ xin giới hạn trong việc đồng hành với anh chị em di dân Công giáo trong TP hiện nay.
-
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
Vào ngày di dân và tị nạn quốc tế năm 2020, ĐGH Phanxico đã viết: "Như Chúa Giêsu Kitô, họ bị buộc phải chạy trốn. Cần chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di tản trong nước…"
Trong phạm vi nhỏ bé của mục vụ giáo xứ, chúng ta có những việc cần phải làm trong bối cảnh di dân tại TP HCM theo gợi ý của sứ điệp này với 4 lãnh vực: chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập.
-
Chào đón
Hầu hết các nhà thờ đều có văn phòng giáo xứ để làm mục vụ, như ghi sổ sách hôn phối, xin rửa tội hay những thông tin của giáo xứ. Ngày nay, chúng ta có thể thêm vào mảng di dân, như một cuốn sổ dành cho người mới đến gồm: những người nhập cư (vĩnh viễn hay tạm thời), là học sinh hay công nhân, đi với gia đình hay một mình...
Nhưng làm sao để di dân biết đến mà đăng ký tại Văn phòng giáo xứ? Ta có thể:
- Thông báo tại nhà thờ để giáo dân biết ai là người mới đến, rồi họ sẽ dẫn người mới đến tới văn phòng giáo xứ để đăng ký. Chúng ta sẽ biết được nơi giáo xứ gốc mà họ vừa rời đi, để tạo một mối giây liên lạc giữa giáo xứ gốc và giáo xứ chúng ta. Chúng ta ghi lại số điện thoại, địa chỉ email, facebook... của họ. Điều này giúp chúng ta rất nhiều trong việc điều tra cho việc lập gia đình của các bạn trẻ di dân, cũng như thực hiện thống kê hàng năm cho giáo xứ.
- Ưu tiên khuyến khích các giáo dân có nhà trọ cho thuê: chủ nhà trọ giúp di dân tiếp cận với giáo xứ, giúp họ có điều kiện thuận tiện để sống đạo.
- Giới thiệu di dân với cộng đoàn trong một thánh lễ Chúa nhật nào đó (như Chúa nhật đầu tháng hay cuối tháng chằng hạn) để cộng đoàn biết và tiếp đón họ, vì giáo xứ cũng là một gia đình mở rộng để mọi người biết nhau.
-
Bảo vệ
Di dân thường “lạ nước, lạ cái” nên dễ bị lầm lẫn và có thể bị lợi dụng, thậm chí bị lường gạt. Không thiếu những trường hợp di dân trở thành nạn nhân của việc buôn người. Vì thế, cần giúp họ có những thông tin cần thiết về mặt xã hội, các giấy tờ cần thiết ở địa phương, bảo hiểm sức khỏe, môi trường sinh sống...
-
Thăng tiến
Việc di chuyển theo gia đình cũng sẽ khiến cho con cái bị ảnh hưởng bởi công ăn việc làm và nhất là việc học hành. Học hành gián đoạn sẽ rất dễ khiến các em bỏ học. Vì thế, cần giúp họ phát triển không chỉ đời sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần nữa.
Nhưng trên hết, trong khuôn khổ một giáo xứ, việc thăng tiến di dân Công Giáo chính là giúp họ phát triển đời sống đức tin, giúp cho con cái họ được học giáo lý phổ thông cũng như giáo lý hôn nhân.
Mục vụ giáo lý hôn nhân cho di dân là một vấn đề gây nhiều khó khăn cho họ, vì đại đa số di dân là những công nhân làm việc theo ca, nên việc theo học một lớp giáo lý theo khóa học của giáo xứ là điều khó thực hiện. Giáo xứ nên phối hợp với các dòng tu hay các giáo lý viên có kinh nghiệm, giúp họ dễ dàng theo thời gian biểu của họ, dù một đôi hôn phối cũng có thể giúp được nhờ các cộng đoàn tu viện.
-
Hội nhập
Việc quan trọng nhất là giúp họ hội nhập với các sinh hoạt của giáo xứ, để họ không còn phải là những người xa lạ hay thụ động trong những công việc của giáo xứ, nhất là việc tham gia các hội đoàn như ca đoàn, thiếu nhi, hiền mẫu, các nhóm phục vụ như giữ xe, ban trật tự, và thậm chí có thể tham gia vào Hội đồng Mục vụ Giáo Xứ, để có thể nhờ chính những di dân trong Hội đồng Giáo xứ phục vụ những anh chị em di dân của mình, bởi chính họ cũng là những tín hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta.
-
LỜI KẾT
Tóm lại, việc thiết lập một ban Mục vụ Di dân cho một giáo xứ thì thật khó về mặt nhân sự cũng như tổ chức, nhưng nếu gắn liền nó với Văn phòng giáo xứ thì sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Dĩ nhiên, chúng ta không nên coi di dân là một thành phần tách biệt, gây ra sự kỳ thị. Hãy coi họ là thành viên mới của giáo xứ, cần được đón tiếp và nâng đỡ trong đời sống, nhất là về mặt thiêng liêng. Kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy: chính di dân đã làm cho giáo xứ trở nên sinh động nhiều hơn tình trạng vốn bình lặng từ lâu nay của giáo xứ. Nhiều giáo xứ, khi dịp Tết đến, nhà thờ lại vắng người, ca đoàn và đoàn thể lại thiếu người, vì di dân đã về quê ăn Tết rồi.
Đặc biệt, nếu chúng ta quan tâm đến di dân nhiều hơn, chúng ta sẽ giúp họ trở thành những nhà truyền giáo ở khắp nơi, vì họ là những người di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tiếp xúc thường xuyên với những người ngoại giáo trong các công ty, xí nghiệp. Họ có ảnh hưởng trên nhiều người khác, rất dễ làm lây lan các giá trị Tin Mừng. Và như vậy, việc loan báo Tin Mừng đang đi theo một trong những con đường đặc thù của nhân loại: con đường di dân.
Những suy tư đơn sơ trên đây mong được là những đóng góp nhỏ bé cho việc thăng tiến anh chị em di dân trong giáo phận chúng ta.
Lm Vinh sơn Nguyễn Văn Định (TGPSG)
TGPSG -- “Lược qua cuộc đời của Cha mới, không phải là để ca tụng cha, mà là để mỗi người chúng ta hiệp lòng với Cha cảm tạ ơn Chúa đã ban cho Hội Thánh, cách riêng là cho cộng đồng gốc Hoa, có được một linh mục đã được Chúa đào luyện một cách đặc biệt…” Đó là những lời chia sẻ tâm tình của linh mục (Lm) Phaolô Nguyễn Quốc Hưng trong Thánh lễ mở tay của tân Lm Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh (古耀昇).
Thánh lễ mở tay và tạ ơn Chúa của tân Lm Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh đã được cử hành với hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Quảng Đông, vào lúc 17giờ30, ngày Chúa Nhật 09/06/2024, tại khuôn viên giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê Chợ Lớn (thường được biết đến với tên gọi là Nhà thờ Cha Tam).
Hiện diện trong Thánh lễ ngoài các tân linh mục cùng khóa, còn có sự hiện diện đặc biệt của Lm Inhaxiô Hồ Văn Xuân - Tổng đại diện TGP Sài Gòn, Lm Laurensô Hoàng Bá Quốc Huy - Giám học Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn và là Nghĩa phụ của Lm Vincent Lucia, Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng- Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn và là Cha Linh hướng của Lm Vincent Lucia, quý linh mục thân hữu trong và ngoài nước, quý linh mục trong xứ, quý tu sĩ nam nữ trong và ngoài xứ, đông đảo bà con giáo dân hai cộng đoàn Hoa và Việt, cùng với khách mời đến từ các giáo xứ cha Vincent Lucia từng giúp mục vụ.
Vào lúc 17giờ20, tiếng chuông nhà thờ từ tháp chuông (đang được trùng tu cùng với công trình trùng tu thánh đường) sau hơn 14 tháng im lặng đã được vang lên rộn ràng như báo tin mừng cho toàn khu vực Chợ Lớn “hãy chung vui với tôi”.
Đúng 17 giờ 30, các em Lễ sinh cầm Thánh giá nến cao rước quý cha từ nhà xứ lên khu vực nhà thờ tạm với bài ca nhập lễ được ca đoàn Hoa ngữ cất lên thật thánh thiêng.
Trước Thánh lễ, Lm Tôma Huỳnh Bửu Dư - cha sở họ đạo Thánh Phanxicô Xaviê Chợ Lớn - có đôi lời giới thiệu tiểu sử tân linh mục Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh với cộng đoàn Dân Chúa. “Cha Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh, sinh trong một gia đình người Hoa, thuộc giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê Chợ Lớn. Ngài lãnh nhận các Bí tích khai tâm Kitô giáo vào ngày 30/04/2000, do Cha Stêphanô Huỳnh Trụ cử hành… và đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng truyền chức linh mục vào ngày 07/06/2024 tại Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.”
Sau phần giới thiệu là Thánh lễ mở tay và tạ ơn Chúa do tân linh mục Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh chủ tế.
Trong phần giảng lễ, Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng đã dựa trên ánh sáng Lời Chúa qua các bài đọc để chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ về tình yêu của Chúa trên cuộc đời của tân Lm Vincent Lucia:“Chính tại cộng đồng giáo xứ này, Thiên Chúa đã sắp đặt, dự liệu để cộng đồng có được một linh mục là người cùng dân tộc, nói cùng một ngôn ngữ, hiểu biết tâm tư tình cảm của anh chị em người Hoa.”
Qua bài đọc 1 trích sách tiên tri Isaia (Is 49, 8-17), cha Phaolô cũng ví hình ảnh Lm Vincent Lucia luôn trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. “Từ một cậu bé ngoại đạo, Diệu Thanh nhận biết Chúa, yêu mến Chúa và tin thờ Chúa. Những gì Chúa đã làm cho cha Vincent Lucia khiến chúng ta xác tín rằng mỗi người chúng ta đều được Chúa yêu thương và quan tâm một cách đặc biệt.” Cha Phaolô cũng chia sẻ thêm về hạt giống ơn gọi của cha Vincent Lucia được khởi đi từ nỗi thao thức và lo lắng của cha Stêphanô Huỳnh Trụ về ơn gọi linh mục tu sĩ của lớp trẻ trong một buổi chia sẻ giáo lý. Cha Stêphanô sợ rằng khi ngài không còn nữa, không có ai tiếp tục chăm lo cho cộng đồng dân Chúa gốc Hoa tại vùng Chợ Lớn nói riêng cũng như tại các khu vực khác trên quê hương Việt Nam nói chung. Hành trình ơn gọi đó, dù những bước đầu đời gặp nhiều khó khăn trở ngại, hay khi đã dấn thân trên con đường dâng hiến gặp nhiều trắc trở hiểu lầm, nhưng với ánh sáng Lời Chúa nơi bài đọc 2 (1Pr 2,4-9) đã giúp tân LmVincent Lucia xác tín hơn về ơn gọi “được tuyển chọn” và quyết tâm dấn thân “để loan truyền những kỳ công của Chúa”.
Thế nhưng, để tân linh mục Vincent Lucia càng trở nên thánh thiện, ngài luôn cần lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta, để ngài luôn được gắn kết với Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói qua bài Phúc Âm (Ga 15,1-8): “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.” Để đời sống và việc mục vụ được “sinh nhiều hoa trái”, thì linh mục phải “ở lại trong Chúa”, vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”
(Bài giảng lễ của Lm Phaolô cũng được Lm Vincent Luica lược dịch sang Hoa ngữ.)
Thánh lễ được tiếp tục như thường lệ, nhưng được đan xen hài hòa giữa các phần bằng Hoa ngữ và Việt ngữ tạo nên bầu khí Thánh lễ hôm nay như một hình ảnh của lễ hiện xuống trong sách Công vụ Tông đồ.
Trước khi kết thúc Thánh Lễ, đại diện hai cộng đoàn Việt và Hoa của giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê Chợ Lớn đã có lời chúc mừng tân Lm Vincent Lucia. Dẫu bước đầu đời ơn gọi với nhiều khó khăn, nhưng với lòng kiên định của cha Vincent Lucia và sự nâng đỡ từ gia đình linh tông, mà hôm nay vùng đất Chợ Lớn lại có thêm một tân linh mục người Việt gốc Hoa. Lm Vincent Lucia là vinh quang và là hy vọng cho cộng đoàn Dân Chúa Việt và Hoa tại mảnh đất Chợ Lớn thân yêu này. Với sự tín nhiệm từ Đức TGM, cùng niềm hy vọng của Dân Chúa nơi đây, trách nhiệm của cha Vincent Lucia sẽ thêm nặng nề. Nhưng cha Vincent Lucia sẽ thực hiện được cùng với ơn Chúa luôn đồng hành với ngài, bàn tay Chúa luôn bảo vệ và nâng đỡ ngài như câu Lời Chúa đã được chọn cho sứ vụ đời linh mục của ngài “Ta đã ghi khắc con trong lòng bàn tay của Ta.” (Is 49,16)
Sau lời chúc mừng của vị đại diện cộng đoàn, Lm Vincent Lucia đã bày tỏ trước hết là lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương chọn ngài lên thiên chức linh mục. Kế đến, cha Vincent Lucia cũng ngỏ lời tri ân đến Đức TGM, Đức Giám mục phụ tá cũng là Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, quý cha trong Ban Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse, quý cha chính xứ và phụ tá giáo xứ Thánh Phanxicô Xaviê Chợ Lớn là giáo xứ nhà, quý cha chính xứ và phụ tá giáo xứ Thanh Đa là giáo xứ cha Vincent Lucia đã giúp năm Mục vụ.
Cha Vincent Lucia cũng gửi lời cám ơn đặc biệt đến cha Tổng đại diện Inhaxiô, cha nghĩa phụ Laurensô, cha linh hướng Phaolô, cha cố Stêphanô vì các cha là những người đã quan tâm và giúp đỡ cha Vincent Lucia rất nhiều trong từng bước đi trên con đường ơn gọi, nhất là trong những giai đoạn khó khăn và cam go trong hành trình ơn gọi của cha. Sau cùng, cha Vincent Lucia gửi lời cám ơn thân tình đến với cha mẹ của mình, người đã có công sinh thành và dưỡng dục cha, để cha có thể có được một ngày hồng phúc này. Cha cũng không quên cám các em và gửi gắm nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ cho các em của mình.
Trong ngày vui trọng đại này, Đức TGM Giuse cũng gửi lời chúc mừng cha Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh và nhờ Lm TĐD Inhaxiô Hồ Văn Xuân thay mặt ngài ban huấn từ cho cộng đồng người Hoa tại vùng đất Chợ Lớn này.
Cha TĐD đã chia sẻ như sau: “Cha Vincent Lucia Cổ Diệu Thanh là niềm hy vọng của cộng đoàn Dân Chúa người Việt gốc Hoa” bởi vì chủ trương của Đức TGM, của Tòa TGM, và bản thân cha Tổng đại diện là phải nâng đỡ cộng đoàn người Hoa nơi đây vì đây cũng là một nơi phải truyền giáo, và chính anh chị em người Hoa phải thực hiện việc loan báo Tin Mừng cho chính đồng bào của mình. Truyền giáo trước hết là bằng lời nói, nhưng sâu xa hơn hết là phải bằng đời sống bác ái yêu thương.
Sau phép lành trọng thể với ơn toàn xá theo sổ bộ các ân xá, thánh lễ đã kết thúc lúc tầm 19 giờ 30 với bài ca kết lễ Tán tụng hồng ân được ca đoàn và cộng đoàn cùng hát bằng Việt ngữ và Hoa ngữ. Tiếp đến, quý Cha cùng thân quyến của tân Lm đã chụp hình lưu niệm chung với nhau, và mọi người cùng chung vui với Cha mới qua buổi tiệc liên hoan ấm cúng trong khuôn viên nhà xứ.
Bài: Nhĩ Thuận (TGPSG)
Ảnh: CHATAMVN