Tin Giáo Hội Việt Nam
Tin Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo việc mở Công nghị đặt Hồng Y lần thứ hai với danh tính 20 vị được chọn vào giờ đọc Kinh Truyền tin ngày Chúa Nhật 04/01/2015 đem lại niềm vui cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt cho
Giáo Hội Việt Nam vì trong lần này có Đức Tổng giám mục Hà Nội. Ngày sau đó, vào ngày 05/01 Đức Cha Antôn Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã gửi thư cho toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong Giáo phận để tạ ơn và cầu nguyện cho vị tân Hồng Y đã có 72 năm gắn liền với Đà Lạt. Trong Thư, Đức Cha Antôn viết: “Giáo phận Đà Lạt, nằm trong địa bàn tỉnh Lâm Đồng, rất vinh dự và vui mừng hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức tân Hồng Y Phêrô… Cụ thể tại các nhà thờ nhà nguyện trong giáo phận Đà Lạt, vào ngày Chúa Nhật 11-01-2015, chúng ta hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các tân Hồng Y, cách riêng cho Đức tân Hồng Y Phêrô kính yêu “của chúng ta”.
Và chính Đức Cha Antôn cùng với 4 linh mục trong giáo phận đã lên đường sang Rôma để hiện diện hiệp thông và cầu nguyện cho Đức tân Hồng Y trong dịp Công nghị trao mũ Hồng Y được Đức Thánh Cha cử hành vào thứ bảy 14-02-2015 tại Đền thờ Thánh Phêrô cũng như tham dự thánh lễ đồng tế của các tân Hồng Y với Đức Thánh Cha trong Chúa Nhật hôm sau 15-02-2015.
Hôm nay, cũng như các năm qua, sau những ngày đầu Xuân, Đức Tổng giám mục Hà Nội “về quê” chúc tuổi mọi người, có điều lần này với “áo mới, mũ mới” vừa lãnh nhận được tròn nửa tháng, Đức Hồng Y Phêrô đã được mọi người đón tiếp cách long trọng hơn. Từ Sàigòn đáp chuyến bay sáng sớm, Đức tân Hồng Y đã đến phi trường Liên Khương lúc 7g45 và được Đức Cha Antôn cùng các cha các tu sĩ và đại diện giáo dân vui mừng đón chào.
Thánh lễ tạ ơn đầu tiên được Đức Hồng Y cử hành tại nhà thờ Chính tòa vào ban chiều với sự hiện diện của Đức Cha Antôn cùng các cha, các tu sĩ và dân Chúa trong giáo hạt Đà Lạt.
(Nguồn: simonhoadalat.com)
HƯNG HÓA - Ngày 02.3.2015, trong khung cuộc hành hương “theo bước chân thánh tử đạo Jean-Charles Cornay Tân”, một phái đoàn từ giáo phận Poitiers (Pháp), quê hương của thánh Cornay Tân, gồm đức tổng giám mục Pascal Wintzer, 3 linh mục và 11 giáo dân, do cha Hà Quang Minh hướng dẫn, đã đến giáo phận Hưng Hóa.
Trước hết, đoàn đến thăm giáo xứ Chiêu Ứng, nơi an táng thi hài thánh tử đạo, và hiện lưu giữ hài cốt của ngài.
Ngược giòng lịch sử, thánh Cornay Tân sinh ngày 28.02.1809 tại Loudun, nước Pháp. Ngài gia nhập hội Thừa Sai Paris và được sai đến Việt Nam, làm phó xứ Bầu Nọ (Nỗ Lực). Ngài bị bắt ngày 20.6.1837 khi còn rất trẻ, mới 28 tuổi. Ngày 20 tháng 9 năm 1837, tại pháp trường Năm Mẫu (Sơn Tây), thánh Cornay Tân đã anh dũng hy sinh vì đức tin bằng hình khổ dã man lăng trì (chém đầu và phân thây làm 4 phần).
Thánh lễ được đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long cử hành với đức tổng giám mục, 3 linh mục trong đoàn, và 5 linh mục thuộc giáo hạt Đông Nam Phú Thọ. Dù ban trưa, nhưng giáo hữu tham dự chật nhà thờ, lan cả ra bên ngoài vì nhà thờ không đủ chỗ. Thánh lễ diễn ra sốt sắng, với tiếng đàn hát bổng trầm và lời kinh đối đáp nhịp nhàng, khiến cho đoàn hành hương rất xúc động và phấn khởi. (Hình 3, 4, 5, 6, 7, 8).
Sau thánh lễ, đoàn chụp hình lưu niệm. Giáo dân nô nức đến xin các đức cha đặt tay chúc lành. Họ cũng tỏ tình thân thiện với đoàn hành hương, dù không hiểu ngôn ngữ của nhau.
Sau thánh lễ, giáo xứ đã khoản đãi một bữa cơm rất ngon. Do quá bữa, nên ai nấy đều thấy ngon miệng. (Hình 15)
Trước khi rời giáo xứ Chiêu Ứng, đoàn thăm cộng đoàn Mến Thánh Giá Hưng Hóa, nơi an táng thi hài thánh Cornay Tân.
Trên đường trở về, đoàn ghé thăm Trung Tâm Mục Vụ tại Hà Thạch. Đoàn tỏ vẻ vui thích khi thấy công trình mang nét kiến trúc Pháp rất hài hòa và xinh đẹp.
Trên đường trở về, đoàn ghé thăm Tòa Giám Mục và được đức cha Gioan Maria Vũ Tất tiếp đón. Ngài đã giới thiệu khái quát về giáo phận Hưng Hóa cho đoàn. Khi biết giáo phận có rất nhiều ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, đoàn hành hương rất cảm kích.
Sau cùng, đoàn đến viếng đài tưởng niệm các thánh tử đạo tại pháp trường Năm Mẫu xưa. Đoàn đã niệm hương tỏ lòng tôn kính, và xin các thánh tử đạo cầu bầu cho hai Giáo Hội Việt Nam và Pháp.
Cuộc hành hương hôm nay chắc hẳn để lại trong tâm khảm của phái đoàn những tình cảm quý mến, và nối kết mối thân tình giữa hai giáo hội Việt Nam và Pháp, cũng như giữa giáo phận Hưng Hóa và Poitiers.
WGPSG -- “Hãy tạ ơn Chúa đã cho chúng ta làm người Công giáo Việt Nam. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta sống trên một đất nước còn nhiều thử thách, còn đầy Thánh giá nhưng là Thánh giá đưa chúng ta đến sự sống vinh quang”.
Đó là lời nhắn nhủ của Đức Tân Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trong Thánh lễ Tạ ơn tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, lúc 18g30 Chúa nhật 01.03.2015.
Với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Giáo Hội tại Việt Nam có thêm vị hồng y thứ sáu, Đức Tân Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (ĐTHY) đã đồng tế với Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Cha Tổng Đại diện Inhaxio Hồ Văn Xuân, quý cha giáo Đại Chủng viện Thánh Giuse, quý cha Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, quý cha Hạt trưởng, quý cha trong giáo phận. Đông đảo quý nam nữ tu sĩ và giáo dân cùng đến tham dự Thánh lễ trong một bầu khí long trọng của phụng vụ Chúa nhật II mùa Chay.
Trước Thánh lễ, Cha phụ tá Nhà thờ Chính tòa Phêrô Đỗ Duy Khánh đã gợi lên cho cộng đoàn những tâm tình tạ ơn của Thánh lễ hôm nay, đồng thời trình bày sơ lược tiểu sử của ĐTHY Phêrô.
Sau khi đoàn rước tiến vào cung thánh, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã đại diện các thành phần Dân Chúa trong TGP Sài Gòn chúc mừng ĐTHY Phêrô. Trong bài diễn văn chúc mừng, ĐTGM Phaolô đặc biệt nhắc đến một vài nét “vàng son” của cuộc đời người mục tử nhân lành nơi ĐTHY Phêrô: “Là con người của sự quan phòng, là tấm gương về tinh thần vâng phục, và là người mục tử khiêm nhường luôn biết lắng nghe…” Ngay sau đó, đại diện cộng đoàn đã dâng tặng ĐTHY một món quà cùng bó hoa tươi như gói trọn tâm tình kính yêu của toàn thể Dân Chúa TGP Sài Gòn. Để thể hiện tinh thần hiệp thông và trân quý, hai vị TGM đã áp má nhau trước mặt cộng đoàn, một hình ảnh thật xúc động, thắm tình huynh đệ giữa các đấng chủ chăn.
Trong phần đáp từ, ĐTHY Phêrô đã chia sẻ với cộng đoàn mối dây liên hệ thân tình giữa ngài với ĐTGM Phaolô trong suốt 70 năm qua. Ngài cũng giới thiệu với cộng đoàn người anh ruột của ngài chính là cha đỡ đầu của ĐTGM Phaolô và ngài cám ơn ĐTGM Phaolô, một người anh em luôn chia sẻ với ngài trong mọi biến cố thăng trầm. ĐTHY cũng bày tỏ niềm vui khi được dâng Lễ tạ ơn trong ngôi Nhà thờ Chính tòa của TGP Sài Gòn, nơi mà cách đây 24 năm, ngài đã từng dâng Lễ tạ ơn khi lãnh nhận sứ vụ Giám mục. Và Ngài đã đơn sơ tâm sự với cộng đoàn về những phản ứng và cảm xúc rất thực của ngài khi nhận được tin báo của Đức Khâm sứ Girelli về việc ngài sẽ được nhận tước vị Hồng y. ĐTHY xin cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện cho ngài, để ngài có thể thi hành sứ vụ trong tinh thần phục vụ Giáo hội, phục vụ quê hương và đồng bào thân yêu.
Dưới ánh sáng của các bài đọc Chúa nhật II mùa Chay, trong phần bài giảng, ĐTHY đã gợi lên những hành động cụ thể mà mỗi Kitô hữu cần thực hiện, đặc biệt là trong mùa Chay Thánh này. Ngài cũng chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ cảm nhận của bản thân khi được nhận mũ hồng y tại Rôma. Các hồng y khác đã đến nói với ngài những lời chúc mừng không chỉ cho ngài mà còn cho Giáo hội Việt Nam, một Giáo hội còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã luôn can trường sống và tuyên xưng niềm tin của mình. Trong giây phút ấy, ngài đã cảm nghiệm sâu sắc hơn hồng ân lớn lao khi được làm người Công giáo Việt Nam. Và ngài đã kết thúc bài giảng trong tâm tình tạ ơn về những điều ấy cùng với lời mời gọi cộng đoàn phụng vụ: “Hãy tạ ơn Chúa đã cho chúng ta làm người Công giáo Việt Nam. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta sống trên một đất nước còn nhiều thử thách, còn đầy Thánh giá nhưng là Thánh giá đưa chúng ta đến sự sống vinh quang”.
Thánh lễ tiếp tục trong bầu khí phụng vụ nghiêm trang, thánh thiêng. Đặc biệt, trước khi kết thúc Thánh lễ, ĐTHY Phêrô cùng ĐTGM Phaolô đã long trọng ban phép lành cho cộng đoàn phụng vụ đang hiện diện trong Thánh lễ tạ ơn hôm nay.
Cùng với tâm tình tạ ơn của bài hát kết lễ, Thánh lễ đã kết thúc lúc 19g45, cộng đoàn ra về mang theo lời nhắn nhủ chân tình và ý nghĩa của ĐTHY Phêrô: “Hãy tạ ơn Chúa vì được làm người Công giáo Việt Nam”.
Nguồn: TGP SàiGòn
9 g 30, sáng hôm nay 1 – 3, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đến dâng Thánh lễ tạ ơn tại Đan Viện Cát Minh Sài Gòn. Cùng đồng tế với Đức Hồng Y Phêrô có Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích – Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế cùng một số cha thân quen với Đan Viện.
Trước khi bước vào Thánh lễ, Cha Giuse Đỗ Quang Khang đại diện cộng đoàn có đôi lời hân hoan chúc mừng Đức Hồng Y Phêrô. Cộng đoàn cùng dâng lên Đức Hồng Y lẵng hoa tươi thắm.
Kèm theo lời chúc mừng và lẵng hoa, Cha Giuse gợi lại những hình ảnh, những kỷ niệm thân thương của Đức Hồng Y Phêrô với Đan Viện Cát Minh Sài Gòn.
Đáp lời cha Giuse, Đức Hồng Y Phêrô có đôi lời cảm ơn Đan Viện cùng cộng đoàn.
Trong bài chia sẻ, Đức Hồng Y chia sẻ về tâm tình của 3 môn đệ ngày hôm nay trên núi. 3 môn đệ thấy vinh quang của Chúa và 3 môn đệ muốn sống, muốn kéo dài giây phút này. Chúa Cha nói: « Đây là người con yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người ». Người Con sẽ bị đóng đinh vào thập giá. Chúa để cho 3 môn đệ chiêm ngưỡng vinh quang nhưng rồi phải trở lại cuộc sống, phải chấp nhận cái thế gian tội lỗi. Vì thế gian tội lỗi mà Con Chúa đã đến thế gian …
Thánh Têrêsa Avila đã trải nghiệm qua những kinh nghiệm này. Thánh Têrêsa được mang danh hiệu là người nữ kiên cường, danh hiệu người nữ chiêm niệm, người nữ cải cách … Danh hiệu nào mà Têrêsa thích nhất ? Người ta tìm lại, một hôm Ngài gặp một cậu bé rất dể thương. Ngài hỏi cậu bé tên gì ? Têrêsa không ngần ngại trải lời: « Tôi là Têrêsa của Giêsu » và cậu bé trả lời « Tôi là Giêsu của Têrêsa ».
Thánh Têrêsa sống đời sống chiêm niệm, khắc khổ một cách triệt để … để Ngài kêu gọi chị em sống vào trong đời sống đó. Và chúng ta biết Mẹ gặp vô vàn khó khăn, giông tố. Đến lúc gần như chịu không nổi Mẹ đã than thở: « Lạy Chúa ! Chúa đối xử với những người trung thành với Chúa như vậy sao ? ». Chúa Giêsu trả lời: « Đó là cách mà Ta đối xử với những người mà Ta thương mến ».
Điều đó cho chúng ta thấy những người lữ hành khao khát kết hợp thánh thiện kết hiệp với Chúa, khao khát quay lại linh đạo của hội dòng. Điều đó phải trả một cái giá. Ta thấy Mẹ đi đến xây dựng hội dòng mới. Điều này tôi muốn nói sức mạnh nơi chị Thánh Têrêsa chính là sự kết hợp mật thiết với Chúa. Kết hợp mật thiết với Chúa như Thánh Phaolô nói: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi … Mẹ cảm nghiệm được điều đó để rồi Mẹ tung cánh đi khắp nơi, vượt qua mọi thử thách để trở thành Têrêsa của Giê su. Nghĩa là mình thuộc về Chúa.
Cho nên nói về chị thánh Têrêsa chúng ta nhìn 2 khía cạnh: chiêm niệm, cầu nguyện và khía cạnh hoạt động canh tân hội dòng và hội thánh.
Với những điều đó, năm 1970, thánh Têrêsa là vị thánh đầu tiên được đặt là Trinh Nữ Tiến Sĩ đầu tiên của Hội Thánh. Điều đó nói với chúng ta hãy tin tưởng, cầu nguyện. Con đường đó là con đường mà tất cả chúng ta từ hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân … trước hết là kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Điều quan trọng là hãy nghe lời Người. Khi chúng ta nghe lời Chúa để chúng ta được biến đổi để chúng ta trở nên môn đệ của Chúa nhưng đàng khác chúng ta được thúc đẩy để mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.
Hôm nay tôi đến với quý sơ, trước giờ Lễ, tôi nghe hát và tôi hỏi ca đoàn nào ? « Thưa ca đoàn Trùng Dương ». Không cần hỏi thì cũng biết là ca đoàn Trùng Dương. Ca đoàn Trùng Dương không ngần ngại hát nhiều ở những Thánh Lễ, ở những trại cùi, ở những nơi nghèo khó. Đó là cách thức của những người kết hiệp mật thiết với Chúa đem tình thương của Chúa bằng lời ca tiếng hát.
Hội Thánh không chờ đợi ca đoàn Trùng Dương xây dựng nhà thờ, Hội Thánh không chờ đợi ca đoàn Trùng Dương làm những chuyện lạ lùng nhưng Hội Thành muốn ca đoàn Trùng Dương dùng tiếng hát của mình, dùng nghệ thuật của mình để tôn kính Chúa và để giúp những người khác yêu mến Chúa. Tất cả mỗi người chúng ta được mời gọi lên núi để nghe lời Chúa, để Chúa biến đổi mình và xuống núi để chia sẻ Chúa cho mọi người. Tôi nghĩ đó là ơn huệ quý báu mà Chúa đã trao ban cho mỗi người.
Tất cả chúng ta hãy trở nên muối, men … đó là điều chúng ta sẽ cố gắng thực hiện khi Chúa kêu gọi chúng ta.
Sau khi nhận phép lành cuối Lễ, Đức Hồng Y Phêrô cùng chụp hình lưu niệm với quý cha và cộng đoàn.
Micae Bùi Thành Châu
WGPSG -- "Tất cả vì Giáo Hội, tất cả vì quê hương". Khi dâng Thánh lễ Tạ Ơn lúc 17g00 thứ Bảy 28.2.2015 tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (ĐHY) đã nhắc lại lời trấn an trên của Đức Tổng Giám mục Girelli, một lời nói đã giúp ĐHY cảm thấy bình an mà đón nhận tước Hồng y.
Trước Thánh lễ, sau khi đoàn rước đồng tế đã tiến vào cung thánh, cha Giám đốc ĐCV Gioakim Trần Văn Hương bước lên chúc mừng ĐHY Phêrô trong suốt quá trình làm linh mục của ngài đã sống đúng theo câu khẩu hiệu ngài đã chọn: "Đức Giêsu Kitô, Người phải lớn lên". Nhận một bó hoa chúc mừng trên tay, ĐHY Phêrô đã diễn tả niềm vui khi được trở lại nơi mà ngài đã có chín năm học tập, nhất là được cùng với lớp đàn em dâng lên lời tạ ơn Hồng ân bao la của Thiên Chúa.
Trong bài giảng, ĐHY Phêrô đã kể lại: Trong Công nghị Hồng y tại Roma, trong khi lần lượt ôm hôn chúc mừng tân Hồng y, cả trăm vị đều chúc mừng ngài là người Việt Nam, mừng một đất nước có nhiều Thánh Tử Đạo, có tính kiên cường... làm ngài tự hỏi ai cũng mừng cho tôi mà tại sao tôi lại không hạnh phúc. Như trong bài Phúc Âm có mười người phong được Chúa chữa lành mà chỉ có một người ngoại giáo biết trở lại cám ơn. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã rất buồn. Hiện nay, tôi sống giữa một xã hội luôn nghe than phiền. Tôi tự hỏi Chúa đã làm gì cho tôi mà tôi lại trách móc. Tôi không phê phán, nhưng tôi chia sẻ kinh nghiệm sống động, gần gũi. Tôi có thể nói tôi hãnh diện là người Công giáo, là người Việt Nam vì Chúa đã yêu thương tôi, giờ này tôi có thể đáp trả. Xin anh em hãy cùng đồng hành với xã hội, với Giáo Hội, có trách thì chỉ trách bản thân mà thôi.
Như tiên tri Giêrêmia không dám nhận lời mời gọi của Chúa, nhưng Chúa nói đã kêu gọi ngài từ khi còn trong dạ mẹ. Như Thánh Phaolô đã cảm nhận: Trong Chúa Kitô, Chúa Cha ban cho chúng ta nhiều hồng ân. Hãy đón nhận mọi sự với tình yêu thương. Tất cả đều không quan trọng. Quan trọng là Chúa đã gọi chúng ta, và Ngài nói sẽ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Thánh lễ tiếp tục trong bầu khí nghiêm trang linh thánh.
Kết thúc Thánh lễ lúc 18g00, ĐHY Phêrô đã chụp hình lưu niệm cùng quý cha đồng tế. Nhìn phong thái an nhiên tự tại của ĐHY, mọi người đều nhận ra sự bình an mà ngài đã cảm nhận từ khi nhận được lời khích lệ của Đức TGM Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam: "Tất cả vì Giáo Hội; Tất cả vì quê hương".
Nghe audio:
Đức Tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn dâng Thánh lễ tạ ơn tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
ĐHY Phêrô: Lễ tạ ơn tại ĐCV Sài Gòn
Xin"click" lên hình để xem các hình trong album này
Nguồn: TgpSaigon
WGPSG -- Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã nhận mũ và nhẫn hồng y vào ngày 14-2-2015. Nhận lời mời của Hội Thừa Sai Paris (MEP), Ngài đã tới Paris từ ngày 19-2 và chủ tế thánh lễ tạ ơn tại nhà nguyện Épiphanie của MEP vào ngày 22-02. Sáng ngày 24-2, ngài về đến sân bay Nội Bài. Ngày 26-2, ngài dâng Thánh lễ tạ ơn tại Nhà thờ chính toà Hà Nội. Sáng 28-2, ngài vào Sài Gòn và sau đó dâng lễ tại tu viện Thánh Phaolô Thành Chartres lúc 10g, rồi dâng lễ tại Đại chủng viện Thánh Giuse lúc 17g. Ngày 1-3, ngài sẽ dâng lễ tại Đan viện Cát Minh lúc 9g30 và dâng lễ tại Nhà thờ Chính toà Sài Gòn lúc 18g30.
Chủ sự Thánh lễ tạ ơn vào lúc 10g ngày 28-2-2015 tại tu viện Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, tỉnh Dòng Sài Gòn, Đức Tân Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (ĐTHY) đã đồng tế với Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Cha Giuse Nguyễn Văn Sinh và Cha Antôn Phạm Văn Dũng, thư ký riêng của ĐTHY. Tham dự Thánh Lễ có các chị thanh tuyển và các nữ tu trong tu viện.
Mở đầu Thánh lễ, ĐTHY nói lý do tại sao ngài dâng lễ này tại đây: Gia đình của ngài đã gắn bó với nhà dòng từ rất lâu đời. Tất cả anh em trong gia đình ngài ở thời tiểu học đều qua tay dạy dỗ và huấn luyện của các nữ tu Dòng Saint Paul.
Trong phần bài giảng, ĐTHY chia sẻ tâm tình tạ ơn. Ngài nói: Chỉ có những con người thật sự biết cám ơn mới sống đúng chân tính của mình. Khi con người không biết cám ơn thì tình thương của Chúa không đem lại kết quả cho họ. Ngài kể, khi nhận mũ hồng y, ngài được các hồng y khác nói lên lời chúc mừng cho Giáo hội Việt Nam: một giáo hội can đảm, có đức tin rất mạnh mẽ, hăng say truyền giáo, cống hiến nhiều ơn gọi. Đấy là những lý do trong vô vàn lý do để tạ ơn Chúa. Hãy tạ ơn Chúa không phải chỉ bằng lời nói, mà bằng việc tuân giữ Lời Ngài, bằng cả cuộc đời tận hiến của chúng ta.
Nghe audio:
Tân Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn dâng Thánh lễ tạ ơn tại Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn
ĐHY Phêrô tạ ơn tại Dòng Thánh Phaolô
Xin"click" lên hình để xem các hình trong album này
Sau lời nguyện hiệp lễ, Soeur Bề trên Giám tỉnh Maria Ngô Thị Mai Anh đã nói lên lời tri ân ĐTHY và các vị đồng tế. Soeur phát biểu: Gia đình của ĐTHY có một tương quan gắn bó với Hội dòng Thánh Phaolô từ hơn 100 năm qua. Đặc biệt, ĐTHY còn có một người chị là Bà nhất Marie de Sainte Claire của dòng Thánh Phaolô. Bà đã qua đời (12/10/1992). Chắc chắn khi thấy các nữ tu ở đây, ĐTHY như thấy lại hình ảnh người chị thân yêu của mình.
Đáp từ, ĐTHY chia sẻ tâm tình ngạc nhiên vào ngày 4-1 khi được ĐTGM Girelli báo tin về về việc đón nhận tước Hồng y. "C'est pour l'Église, c'est pour pays: Đó là vì Giáo Hội và vì quê hương", lời nói này của ĐTGM Girelli khiến ĐTHY cảm thấy bình an để, trong cương vị mới, ngài sẽ phục vụ Giáo hội và Quê hương một cách hữu hiệu hơn.
Thánh lễ tạ ơn đã kết thúc vào lúc 11g10 trong niềm hân hoan thật bình an và thánh thiện.
Sơn Nữ SPC
Nguồn: TGPSAIGON
Sáng ngày 24/2/2015, tức ngày mồng 6 tết, ban Mục vụ Ơn gọi Giáo phận đã tổ chức gặp mặt các em dự tu. Đây là một sinh hoạt theo định kỳ của Ban Mục vụ Ơn gọi nhằm cổ vũ, định hướng cho các em đang muốn dấn thân theo con đường tu trì. Chủ đề chính của ngày hôm nay là “Hãy đi loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15) với mục tiêu giúp các bạn trẻ khám phá lời mời gọi của Thiên Chúa, biết quảng đại đáp trả lời mời và dấn thân trên cánh đồng truyền giáo. Ngày gặp mặt tổ chức tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh thu hút trên 500 em, phần lớn vừa hoàn thành kỳ giúp xứ và số ít hơn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Đúng 8h sáng, chương trình chính thức khai mạc tại hội trường Đại Chủng Viện. Hiện diện tại lễ khai mạc có đông đảo quý cha trong Ban Mục vụ Ơn gọi Giáo phận. Trong lời mở đầu, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng Viện Vinh Thanh đã hân hoan chào mừng các bạn trẻ. Đồng thời, Ngài bày tỏ niềm vui mừng khi chứng kiến việc ngày càng có nhiều tâm hồn nhạy bén lắng nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa, quảng đại tiếp bước dù cuộc sống đầy những lối rẽ hấp dẫn mời mọc.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ ân cần từ quý cha trong Ban, các em tiếp tục lắng mình trong những gợi ý suy niệm của linh mục GB. Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Tiền Chủng Viện Xã Đoài tại nguyện đường. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến những khía cạnh lớn của đời sống ơn gọi thông qua các chủ đề lớn đã sinh hoạt là “Người chọn những kẻ người muốn”, “Họ ở lại với Người”, “Đức Giêsu cùng đi với các môn đệ” và “Hãy đi loan báo Tin Mừng”.
Cha phụ trách công tác đào tạo tiền chủng sinh cũng mời gọi mỗi anh em cần gắn bó mật thiết với Đức Kitô thông qua đời sống cầu nguyện, hiệp thông trong sứ vụ, nới rộng tương quan huynh đệ hợp tác; cẩn thận trong việc sử dụng vật chất. Anh em dự tu được hướng dẫn cộng tác với cha xứ, giáo xứ và với nhau để có được đời sống nhân bản, nhiệt tình trong các sinh hoạt.
Một điểm khác cha Giám đốc Tiền Chủng Viện không quên nhắc đến đó là sứ vụ của người được sai đi. Trong thế giới hôm nay, khi người chưa nhận biết Chúa vẫn còn rất nhiều, đặc biệt ngay trên chính quê hương mình, mỗi anh em dự tu được huấn luyện và sẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Cha Gioan Baotixita không quên căn dặn anh em điểm cốt yếu chí tử là khi ra đi làm việc cho Chúa thì “đừng có quên Chúa” mà phải kết hợp với Ngài trong lời nói, hành động để thăng tiến đời sống tâm linh chính mình.
Để kết thúc cho phần gợi ý của mình, cha Đồng đưa ra ba vấn đề đó là quan hệ của tôi với Chúa lúc này như thế nào; tôi có khả năng cộng tác với người khác hay không và đâu là những hành trang cần thiết của người môn đệ Chúa Kitô?
Sau giờ cơm và nghỉ trưa, các bạn dự tu bước vào phần thảo luận sôi nổi. Các câu trả lời xoay quanh chủ để ơn gọi và cuộc sống đã giúp các bạn nắm vững thêm những kiến thức bổ ích trên hành trình đời mình; thêm tri thức để biết và nhận định đâu là tiếng mời gọi tha thiết của Thiên Chúa; đào luyện thêm động lực ơn gọi hướng về Chúa và tha nhân.
Cao điểm của ngày gặp mặt, tĩnh tâm là thánh lễ do Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Đại Chủng Viện Vinh Thanh chủ tế. Ngoài quý cha hiện diện từ buổi sáng còn có thêm hai cha ngoại quốc và một số vị khách.
Trong lời huấn từ cuối thánh lễ, Đức cha Phêrô vui mừng vì số lượng ơn gọi dồi dào, phong phú tại giáo phận nhà. Ngài nhắc đến con số trên 700 ứng sinh với niềm tự hào. Ngài cũng đề cập đến mối ưu tư, trăn trở là cố gắng làm tất cả những gì có thể để thu nhận số lượng nhiều hơn nữa ví như việc nâng cấp, mở rộng chủng viện; việc hợp tác với các giáo phận và giáo hội tại các quốc gia khác nhằm bắc những nhịp cầu ơn gọi từ giáo phận Vinh đi các nơi.
Đức cha Phêrô chủ tế cũng ân cần căn dặn các bạn dự tu cần cố gắng trong những bước đi chập chững đầu tiên của hành trình và động viên các em tiếp tục quảng đại hy sinh trên bước đường dâng hiến, phục vụ.
Để kết thúc cho một ngày giao lưu, gặp mặt vui vẻ; các em dự tu đã có trận giao hữu bóng đá Nghệ An – Hà Tĩnh + Quảng Bình tại sân bóng Chủng Viện. Kết thúc trận đấu, đội dự tu Nghệ An thất thủ với tỷ số 0 – 2.
Hà Hiệp Anh
Vào ngày 20.2.2015 (mùng hai tết Ất Mùi), giáo dân Giáo xứ Cái Thia (Gx) đã được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm- Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đến thăm, và dâng thánh lễ đầu năm Kính nhớ Ông bà Tổ tiên.
Đồng tế với Đức Cha Phêrô trong thánh lễ có Cha sở Tôma Nguyễn Văn Phong. Tham dự thánh lễ có quý sơ, quý ân nhân gần xa, giáo dân, cùng gần 250 bà con cư ngụ ở địa bàn xung quanh Gx
Thánh lễ bắt đầu lúc 8g00 với Phần Chúc thọ cho những bậc cao niên trong Gx. Đuợc chúc thọ trong lần này bao gồm: 1/ 3 cụ trên 80 tuổi được Chúc Đại Thọ, và 2/ 9 cụ từ 70 tới 80 tuổi được chúc Thượng Thọ. Sau đó các cụ cũng được con cháu mừng quà tết. Thánh lễ diễn ra hết sức trang nghiêm và long trọng, đặc biệt với sự tham gia của bà con ngoài Công giáo.
Trong Bài giảng lễ, Đức Cha khen rằng: “Ở tại Giáo xứ Cái Thia hôm nay, có nghi thức Chúc thọ cho các bậc cao niên trong Giáo xứ. Nghi thức này đẹp quá,…” và ngài hứa sẽ giới thiệu cho các giáo xứ trong Giáo phận để bắt chước Gx Cái Thia. Và ngài còn thân mật hỏi các cụ: “Các cụ có vui không, không những các cụ vui mà tui cũng vui nữa. Cả họ đạo ai cũng vui hết.” Đức Cha nhấn mạnh: “Nếu mà sau này có những ai thắc mắc là theo đạo Công giáo thì phải bỏ ông bà tổ tiên. Chắc tui phải mời người ta tới Cái Thia quá. Mời đến Cái Thia đúng ngày Mồng 2 Tết nè. Để xem bà con giáo dân chúc thọ các cụ cao niên trong Giáo xứ đẹp như thế này nè. Sao nói đạo Công giáo bỏ ông bà tổ tiên. Đâu có bỏ đâu…”
Sau đó, Thánh lễ diễn ra như thường lệ và kết thúc bằng nghi thức thắp hương kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên. Kế đến là nghi thức chúc Tết Đức Cha Phêrô, trình diễn 02 vũ điệu múa và phần đáp từ của Đức Cha.
Thánh lễ kết thúc lúc 10g05, Đức Cha, Cha sở, các cụ và giáo dân chụp một số tấm ảnh để kỷ niệm. Sau thánh lễ Cha sở đã chuẩn bị một buổi tiệc nhỏ, những phần quà Tết, và bao lì xì Tết cho bà con ngoài Công Giáo.
Hoa Cát Tường, WGP.Mỹ Tho 21.02.2015
Thư gửi các cộng đoàn thánh hiến trong giáo phận Bắc Ninh
Anh chị em sống đời tận hiến quý mến
Cùng với Hội Thánh toàn cầu, giáo phận chúng ta vừa qua đã khai mạc năm Đời Sống Thánh Hiến và cử hành ngày Đời Sống Thánh Hiến. Hôm nay nhân dịp Tết Ất Mùi đồng thời bước vào Mùa Chay, tôi xin ngỏ lời với anh chị em, không chỉ với tư cách giám mục giáo phận mà cả với tư cách một người sống đời thánh hiến như anh chị em, để nhờ ơn Chúa chúng ta cùng nhau vững bước và tiến bước trong tình hình cụ thể với ước nguyện ‘Đất chúng ta trổ sinh hoa trái’ (Tv 84/85,11).
1. Chúng ta cảm tạ Chúa cho giáo phận được sinh ra và lớn lên với hai gia đình tận hiến là Dòng Tên như người trồng và Dòng Đaminh như người tưới. Đó là những vị thừa sai đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, rời bỏ quê hương yên vui, xông pha giữa bao khó khăn và nguy hiểm, chỉ vì muốn Tin Mừng cứu độ đến được với mọi người. Dấu ấn của những người tận hiến rất đậm nét trong lich sử giáo phận. Hiện nay, số người tận hiến trong giáo phận đông nhất trong suốt gần 400 năm qua và gồm đủ thành phần: nam và nữ, giáo sĩ và những người không chức thánh, chiêm niệm và tông đồ, dòng và tu hội đời, trực thuộc Tòa Thánh và thuộc quyền giáo phận. Những người tận hiến là quà tặng quý báu của Thiên Chúa cho Hội Thánh nói chung và giáo phận nói riêng. Đời sống và hoạt động của những người tận hiến đang góp phần đáng trân trọng vào chương trình mục vụ và truyền giáo của giáo phận. Với lòng biết ơn chân thành và sâu xa, mỗi người chúng ta đừng bao giờ quên Thiên Chúa ‘đã làm cho tôi những điều cao cả’ (Lc 1,49), như mẫu mực của mọi người tận hiến là Mẹ Maria hân hoan diễn tả trong kinh Ngợi Khen mà Hội Thánh không ngừng nhắc lại suốt 20 thế kỷ. Trong tinh thần ấy, chúng ta hãy hăng say tiếp bước những bậc tiền nhân trở nên thực sự là ‘hương thơm của Đức Kitô’ như thánh Phaolô nói (2 Cr 2,15), giữa Hội Thánh cũng như trong xã hội.
2. Để cử hành Năm Đời Sống Thánh Hiến theo đúng ý của Hội Thánh, chúng ta có thể dựa vào 3 tài liệu: (1) Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 21.11.2014 công bố Năm Đời Sống Thánh Hiến, (2) Bài tường thuật dưới tựa đề “Hãy đánh thức thế giới”của Antonio Spadaro về buổi gặp gỡ thân mật giữa Đức Thánh Cha và bề trên Tổng Quyền các dòng nam vào tháng 11 năm 2013, (3) Thư luân lưu “Hãy vui lên” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ ngày 2.2.2014. Chúng ta cũng nên học hỏi lại những giáo huấn của Công Đồng Vaticano II trong hiến chế Ánh sáng muôn dân và sắc lệnh Đức ái trọn hảo, tông huấn Đời sống thánh hiến của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và tông huấn Niềm vui của Tin Mừng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Những cử hành bên ngoài dù tổ chức chu đáo và long trọng đến đâu cũng chỉ có ý nghĩa và hoa trái khi chúng ta thực sự đào sâu và đổi mới bản thân cũng như các cộng đoàn theo sự hướng dẫn của Hội Thánh. Ngoài ra, mỗi gia đình thánh hiến cũng nên ôn lại lịch sử của mình, từ giai đoạn sáng lập đến những thăng trầm, nhất là gương mẫu các vị thánh, để nhận ra Chúa đã dẫn dắt các thế hệ trước thế nào và vào thời điểm này phải tiếp bước các bậc tiền nhân thế nào.
3. Khởi từ những gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể đặc biệt nhấn mạnh đến 3 điểm: niềm vui của Tin Mừng, ơn gọi ngôn sứ và đánh thức thế giới. Nhân loại mọi thời mọi nơi nói chung và những người trong xã hội chúng ta nói riêng luôn luôn khao khát niềm vui. Trong thế giới hiện nay, niềm vui đôi khi rất mong manh vì nhiều người chỉ dựa trên hưởng thụ vật chất hay những tương quan nhân văn, trong khi bầu khí hận thù, bạo động, chiến tranh, khủng bố thường xuyên đe dọa. Hội Thánh được hưởng niềm vui của Đức Kitô: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20); “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22); “Niềm vui của anh em sẽ trọn vẹn” (Ga 16,24). Trong niềm tin ấy, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên” (Pl 4,4). Đó là niềm vui của những người biết mình được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Niềm vui của Chúa chính là điều thế gian cần đến và những người tận hiến được mời gọi cách đặc biệt để bày tỏ và chuyển đến cho xã hội, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ở đâu có người tận hiến, ở đấy có niềm vui.”
4. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tính cách triệt để của Tin Mừng không chỉ dành cho tu sĩ, nhưng chung cho mọi người. Riêng tu sĩ theo Chúa Giêsu bằng một cách thức đặc biệt, cách thức ngôn sứ.” Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy theo tôi” (Mt 9,9). Các tín hữu không theo một học thuyết, một lý tưởng, một đảng phái, hay theo một ai khác, nhưng theo Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa nhưng sống như con người, đồng thời là con người nhưng sống như Con Thiên Chúa. Đó là điều mới không chỉ cách đây 20 thế kỷ nhưng là mới đối với mọi nơi mọi thời. Người thiết lập một thực tại mới được gọi là Nước Thiên Chúa hay Nước Trời. Bài giảng trên núi (Mt 5-7) được coi như bản hiến chương của Nước Trời. Trong Cựu Ước, giữa dân Do Thái xuất hiện những khuôn mặt đặc biệt được gọi là ngôn sứ. Đó là những người không thuộc về cơ cấu pháp lý hay hành chính của dân, nhưng nhận sứ mệnh trực tiếp từ Thiên Chúa. Qua đời sống và lời nói, họ mời gọi hàng lãnh đạo cũng như dân chúng trung thành với Giao Ước. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các tu sĩ đóng vai trò ngôn sứ trong hoàn cảnh xã hội và thế giới hiện nay. Với đời sống cầu nguyện, chúng ta là người của Thiên Chúa, được sai đến giúp con người sống như con cái Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu. Với đời sống huynh đệ, đặc biệt trong cộng đoàn, chúng ta là anh chị em của nhau và của mọi người. Với đời sống phục vụ, chúng ta làm mọi việc vì yêu mến, khiêm tốn như một người tôi tớ. Với đời sống theo ba lời khuyên Phúc Âm, chúng ta mời gọi mọi người thay đổi lối sống theo Hiến chương Nước Trời, để hướng đến một Trời Mới Đất Mới. Chúng ta sống khác người đời không phải vì lập dị, nhưng vì là người của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu mà phần nào các ngôn sứ đã phác họa trong Cựu Ước.
5. “Hãy đánh thức thế giới”: đó là lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi đặc biệt những người tận hiến. Thánh Phaolô đã ghi lại bài hát trong nghi thức Thánh Tẩy thời các thánh tông đồ: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5,14). Sau khi nguyên tổ phạm tội, cả loài người đã chìm vào giấc ngủ kiêu căng và ích kỷ, vô cảm và gian ác, từ đó phát sinh mọi tội lỗi và đau khổ. Các bậc hiền nhân và thánh nhân đã cố gắng thắp lên những ngọn nến để nhân loại khỏi chìm trong bóng tối. “Hãy nâng tâm hồn lên” (Tv 24/25,1; 65/86,4): đó là lời mời gọi từ trời cao, vì trên mặt đất chỉ con người mới có khả năng nâng tâm hồn lên. Phải làm gì để đánh thức thế giới? Trước hết chính chúng ta phải để cho Lời Chúa đánh thức hằng ngày, để cho Mình Máu Đức Kitô biến đổi liên tục, nhờ đó được Đấng là ánh sáng dùng làm những tia sáng soi chiếu thế gian. Được sống trong Nước Thiên Chúa là ‘công chính, bình an và hoan lạc của Chúa Thánh Thần’ (Rm 14,17), chúng ta được trao sứ mệnh giới thiệu và dẫn đưa từng người và mọi người đến với Chúa Giêsu, lấy tám mối phúc thật của Chúa thay thế cho bảy mối tội đầu của thế gian. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta vững tin Chúa Giêsu phục sinh đang hướng dẫn lịch sử nhân loại và Trời Mới Đất Mới không chỉ là ảo tưởng. Đức Thánh Cha Phanxicô nêu một thí dụ trong ngôn sứ Dacaria: “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dc 8,23). Ngôn sứ Isaia cũng tiên báo: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3).
6. Ngoài đời sống, các ngôn sứ cũng loan báo sứ điệp của Chúa bằng việc làm. Hiện nay, đa số công việc của chúng ta là giáo dục, y tế, mục vụ, chăm sóc những người kém may mắn… Tinh thần phục vụ và hi sinh của những người tận hiến thường là âm thầm nhưng đã nên gương sáng cho các thành phần Dân Chúa cũng như những người chưa biết Chúa. Các linh mục dòng phục vụ ở những nơi nhỏ bé và khó khăn đã mở ra những chiều kích mới cho sứ vụ của giáo phận. Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc nhở về vùng ngoại vi, về một Hội Thánh chân tay lấm láp, mình mẩy bầm dập, về những người bé nhỏ chung quanh chúng ta… Đó là lời mời gọi Thiên Chúa gửi đến cho toàn thể Hội Thánh qua vị mục tử Chúa đã chọn. Là những người tận hiến, ước gì chúng ta cũng là những chiến sĩ tiên phong. Khởi hứng từ năm Đời Sống Thánh Hiến này, từng gia đình tận hiến và ngay cả từng người chúng ta có thể nghe được điều Chúa đã tỏ bày với ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Chúng ta hãy lấy tất cả lòng nhiệt thành của vị ngôn sứ mà đáp lại: “Dạ, con đây, xin sai con đi!” (Is 6,8).
Mỗi sáng đọc kinh Chúc Tụng, đến câu “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1,76), chúng ta hãy tâm niệm Chúa đang nói với chính mỗi người tận hiến chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, các thánh từng sống đời thánh hiến và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin Chúa cho chúng ta luôn được hưởng niềm vui của những người tận hiến cho Chúa, và chia sẻ niềm vui ấy cho mọi người.
Bắc Ninh Tết Ất Mùi 2015
+Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
Giám mục Bắc Ninh