Tin Giáo Hội Việt Nam
Tại đầu Đường Giữa, hướng vào nhà thờ Chính tòa, cha Đại diện Antôn Phan Văn Tự, quý cha hạt trưởng, quý cha trong giáo phận, quý tu sĩ nam nữ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa, đã xếp hàng đón chờ vị mục tử mới. Sau khi trao vòng hoa chào mừng Đức Cha mới và Đức TGM Giuse, đoàn rước tiến vào khuôn viên nhà thờ Chính tòa, vòng theo đường Ao hồ, theo cổng phía đông.
Tại sân mặt tiền Nhà thờ Chính tòa, Đức Cha mới đã hôn đất Giáo phận và tiến vào nhà thờ hôn kính Thánh Giá Chúa. Ngài rảy nước phép trên cộng đoàn, thinh lặng cầu nguyện trong giây lát và tiến lên cung thánh trong niềm hân hoan xúc động của cộng đoàn dân Chúa.
Sau những giây phút cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Đức TGM Giuse đã giới thiệu với cộng đoàn vị chủ chăn mới của giáo phận. Đức TGM cho biết tiến trình để tìm một mục tử cho một giáo phận là điều không hề dễ dàng và phải trải qua nhiều giai đoạn. Đức Cha Phêrô đến với giáo phận trong tư cách là vị mục tử được Chúa sai đến, cộng đoàn dân Chúa đón nhận Ngài trong tinh thần đức tin. Đồng thời Đức Tổng Giuse cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Đức Cha Phêrô và cộng tác với Ngài để xây dựng đời sống Giáo hội ngày càng thăng tiến hơn.
Đáp từ, Đức Cha mới đã ngỏ lời chào thân tình đến mọi thành phần dân Chúa và khai mở những tâm tình đầu tiên của vị chủ chăn đối với đoàn chiên Phát Diệm.
Ngài bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn tới Đức TGM Giuse, quý cha, quý tu sĩ và mọi thành phần dân Chúa đã tổ chức đón tiếp Ngài cách trang trọng và đón nhận Ngài như một thành viên mới trong đại gia đình giáo phận. Khi nhắc lại bài Tin Mừng ngày thứ Năm tuần IV Phục Sinh hôm qua, trong đó Chúa Giêsu nói: “Người được sai đi thì không lớn hơn Người sai đi”, Đức Cha Phêrô chia sẻ rằng mỗi người dù được sai đi đâu, ở sứ vụ nào, cương vị nào đều do Chúa thực hiện. Đối với Ngài, sự đón tiếp thịnh tình của cộng đoàn chính là đón nhận kế hoạch và Thánh ý Chúa. Chỉ khi nào có Chúa hiện diện thì niềm vui mới trọn vẹn. Ngài cũng mời gọi mỗi người cùng đồng lòng tìm kiếm Ý Chúa, để cho Lời Chúa hướng dẫn, Thánh Thần của Chúa soi sáng như câu khẩu hiệu và huy hiệu Ngài đã chọn: “Spiritu Ambulemus”, “Cùng đi trong Thần Khí”. Cuối cùng, Đức Cha mới ước mong cộng đoàn sống tinh thần hiệp hành mà Giáo hội đang mời gọi cùng gặp gỡ, lắng nghe, phân định để tìm Ý Chúa, xây dựng giáo phận trở nên một cộng đoàn yêu thương phục vụ và loan báo Tin Mừng.
Sau đó, toàn thể cộng đoàn đã dâng lời cầu nguyện cho vị chủ chăn của mình. Và sau khi ban phép lành trên cộng đoàn, Đức Cha mới đã tiến vào Nhà Truyền thống, cùng với Đức TGM Giuse, dâng hương tôn kính các bậc tổ tiên.
Niềm vui trong ngày đón vị chủ chăn mới đã khép lại cùng với tâm tình tạ ơn, đồng thời mở ra một hành trình mới “Cùng đi trong Thần Khí” của Đức Giám mục Tân cử Phêrô Kiều Công Tùng với giáo phận Phát Diệm.
Ban Truyền thông Giáo phận Phát Diệm
Nguồn: phatdiem.org
(Cập nhật lúc 08:20 ngày 06.05.2023)
TGPSG -- “Một trăm năm qua là một trăm năm ân huệ và tình yêu của Chúa dành cho Tỉnh Dòng, cho từng lớp thế hệ nữ tu Phaolô…”
Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Bùi Công Trác đã nói như thế khi ngài khởi sự Thánh lễ tạ ơn mừng 100 năm Thành lập Nhà hưu dưỡng Dòng Phaolô – được ngài chủ tế vào lúc 9g30 ngày 1-5-2023 tại Nhà nguyện của Tỉnh Dòng Phaolô Sài Gòn.
Đồng tế với ngài có các linh mục (Lm) Phanxicô Xavie Bảo Lộc - Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP SG, các linh mục thân nhân và ân nhân của cộng đoàn Hưu Dưỡng.
Nhìn về quá khứ
Thánh lễ này là dịp để nhìn lại quá khứ mà tạ ơn Hồng ân Bách Chu niên Nhà Hưu dưỡng, nằm trong lịch sử hiện diện lâu dài của Hội dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam.
Vào năm 1860, với 2 nữ tu được sai đến từ Hồng Kông, Hội dòng Thánh Phaolô đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam theo lời mời gọi của ĐGM Dominique Lefèbvre - Giám mục Giáo phận Tông tòa Tây Đàng Trong.
Năm 1861, Nữ tu Benjamin được bổ nhiệm làm bề trên chính của Dòng tại miền Viễn Đông (1861-1884), đặt trụ sở tại Sài Gòn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nữ tu Benjamin đã liên tiếp thành lập 15 cơ sở xã hội và y tế ngay tại những nơi đang diễn ra chiến sự, để chăm sóc cho người bị thương và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, trong đó có cả một trung tâm phục hồi nhân phẩm cho các thiếu nữ lỡ lầm. Đặc biệt, bà đã cho xây dựng ngôi nguyện đường Tu viện Dòng thánh Phaolô thành Chartres Sài Gòn.
Các nữ tu trẻ dâng mình cho Chúa từ thuở ban đầu trong ơn gọi Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, sau 63 năm loan báo Tin mừng và phục vụ tha nhân, đã trở thành những nữ tu cao niên, đau yếu, cần có một nơi nghỉ ngơi để sống trọn cuộc đời thánh hiến.
Trước nhu cầu cấp bách này, Mẹ Thérèse Verdier, trong cương vị Bề Trên Giám Tỉnh khi ấy, đã khởi công xây dựng Nhà Hưu Dưỡng vào năm 1923, đặt trong khuôn viên Nhà Giám tỉnh, phía sau nguyện đường chính và có lối đi liên thông đến nhà nguyện để tiện cho các nữ tu đau yếu có thể đến nhà nguyện dễ dàng. Nhiều thế hệ nữ tu cao niên đã an tâm sống tuổi già nơi Nhà Hưu Dưỡng này. Từ đó cho đến nay, một thế kỷ qua đi, đã có 524 nữ tu được gọi về với Chúa từ ngôi nhà ấy.
Thánh lễ Tạ ơn
Thánh lễ tạ ơn hồng ân Bách Chu Niên Nhà Hưu Dưỡng đã khởi sự cử hành với đoàn rước đồng tế.
Đi đầu đoàn rước là Thánh giá nến cao, tiếp đến là hình ảnh của 4 nữ tu tiên khởi, tiếp theo là các nữ tu cao niên ngồi xe lăn được các nữ tu trẻ đẩy vào nguyện đường, cùng với nữ tu Maria Nguyễn Thị Thơm - Bề trên Giám tỉnh, Nữ tu Maria de Saint Jean - cựu Bề trên Giám tỉnh, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phụ trách cộng đoàn Hưu Dưỡng, các linh mục đồng tế và Đức giám mục chủ tế; tất cả đã nghiêm trang tiến vào nguyện đường trong lời hát thánh thiêng của ca đoàn các nữ tu học viện liên tỉnh dòng Phaolô Việt Nam.
Sau lời chào của Đức Giám mục chủ tế là Lời tạ ơn Chúa và cảm ơn các ân nhân, thân thân đã giúp cộng đoàn nhà Hưu Dưỡng; cảm ơn các linh mục tuyên úy đã thăm hỏi, cử hành phụng vụ, ban bí tích cần thiết; cảm ơn các y, bác sĩ, điều dưỡng đã điều trị, chăm sóc; cảm ơn các tu sĩ Dòng Camillô đã đến hỗ trợ trong đại dịch Covid...
Tiếp đến là Nghi thức dâng hương kính nhớ các bậc tiền nhân.
Trong phần giảng lễ, ĐGM Giuse cho thấy chính Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho Hội Dòng, từ một cộng đoàn với cơ sở nhỏ bé, nay trở thành một cộng đoàn lớn với một quần thể kiến trúc rất đẹp tại Sài Gòn. Tất cả là nhờ sự âm thầm phục vụ của biết bao thế hệ nữ tu.
Đặc biệt, ĐGM nói về niềm tạ ơn của các nữ tu hưu dưỡng: “Khi đi gần hết đời người, ‘quý ngoại’ tạ ơn Chúa bằng đời sống yêu thương, âm thầm chờ đợi Chúa trong lời cầu nguyện. Hội dòng được Chúa ban ân phúc nhờ công phúc và lời nguyện cầu của ‘quý ngoại’ dâng lên Thiên Chúa, cầu cho các nữ tu, cho thế giới, cho tất cả mọi người”.
Kết thúc bài chia sẻ, ĐGM Giuse xin ‘các ngoại’ tiếp tục cầu nguyện cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và tất cả mọi người: “Chúc ‘quý ngoại’ sống đời yêu thương, cậy tin, giúp người người nên thánh.”
Cuối Thánh lễ, nữ tu Maria Nguyễn Thị Thơm đã đại diện Tỉnh dòng gửi lời tri ân đến mọi người.
Đáp từ, ĐGM Giuse đã đọc các câu thơ thật dí dỏm do ngài sáng tác để thay mặt ‘các ngoại’ cảm ơn các cha, các nữ tu theo từng thế hệ và cuối cùng là lời chúc của Đức cha dành cho công đoàn nhà Hưu dưỡng.
Sau phép lành trọng thể từ ĐGM Giuse, Thánh lễ khép lại lúc 10g45 khi đoàn đồng tế chụp hình lưu niệm với ‘quý ngoại’ và các nữ tu.
Lịch sử Hội Dòng
Trong dịp đặc biệt này, nhiều người cũng muốn biết lịch sử của toàn thể Hội dòng Thánh Phaolô Thành Chartres, trong đó có sự phát triển của Hội dòng tại Việt Nam.
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres được thành lập năm1696 do cha Louis Chauvet - cha sở của giáo xứ Levesville la Chenard, một họ đạo nhỏ vùng Beauce nước Pháp, cách Chartres 40km.
Cùng cộng tác với cha Louis để nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của dân làng ở đây có cô Marie Anne de Tilly.
Trước hết, cha Louis Chauvet đã mở trường để mọi trẻ em trong họ đạo được đi học. Nhóm tiên khởi giúp cho việc giáo dục gồm cô Marie Michaux và cô Barbe Foucault. Khi tập họp và dạy các trẻ em học giáo lý, học chữ và học đan sợi, cùng với đời sống cầu nguyện, nhóm các cô này đã trở thành cộng đoàn tiên khởi của một Hội dòng mới.
Năm 1708, Đức cha Paul Godet des Marais đã công nhận Hội dòng và chuyển cộng đoàn tiên khởi này về Chartres, lấy thánh hiệu của ngài để đặt tên cho Hội dòng mới ấy. Dòng đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong giáo phận Chartres.
Năm 1727, Hội dòng được mời gọi đi truyền giáo ở Cayenne. Qua cuộc ra đi đầu tiên đến Nam Mỹ này, dòng nhận thêm ơn gọi thừa sai, và cho đến bây giờ, Dòng vẫn trung thành hiện diện tại đó.
Năm 1848, Dòng đến Hồng Kông. Năm 1860, theo yêu cầu của Đức cha Dominique Lefèbvre, hai nữ tu dòng Thánh Phaolô đặt chân lên đất Việt Nam với nhiệm vụ săn sóc trẻ em mồ côi tại Viện Thánh Nhi ở Sài Gòn.
Năm 1861, Mẹ Benjamin được bổ nhiệm làm bề trên chính miền Viễn Đông. Ngay trong năm 1861, Dòng đến phục vụ tại bệnh viện Biên Hoà và Mỹ Tho. Năm 1862, Dòng tới Bà Rịa.
Năm 1866, Mẹ Benjamin mở Tập viện tại Sài Gòn để huấn luyện các nữ tu Á Đông. Dòng đến miền Bắc năm 1883 và miền Trung năm 1889.
Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 1000 nữ tu phục vụ trong 4 tỉnh dòng: Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Nẵng và Hà Nội, chuyên lo loan báo Tin Mừng của Chúa qua việc giáo dục, chăm sóc bệnh nhân và những công việc xã hội, vì hạnh phúc tha nhân, để thực hiện lời Chúa Giêsu: “Những gì các con đã làm cho một trong những anh em hèn mọn nhất của Thầy, là các con làm cho chính Thầy” (Mt 25,40).
Trong tinh thần phục vụ ấy, Hội dòng đã xác định mục đích, hoạt động chính yếu và điều kiện tuyển chọn ơn gọi như sau:
Mục đích: Trở thành Nữ tu tông đồ với sứ mạng bác ái, sống trong tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, dũng cảm và được nuôi dưỡng bằng linh đạo quy về Chúa Kitô và Mầu nhiệm Vượt Qua.
Hoạt động:
- Giáo dục trẻ em;
- Chăm sóc bệnh nhân;
- Giúp đỡ những người bất hạnh, đặc biệt những người bị lãng quên hơn hết với tấm lòng ưu ái.
Điều kiện tuyển chọn Ơn gọi:
- Thiếu nữ từ 18 đến 22 tuổi, đã tốt nghiệp phổ thông cấp III. Nếu lớn hơn, phải học xong đại học;
- Có ý hướng ngay lành và trưởng thành tâm linh;
- Thuộc gia đình Công giáo tốt;
- Có trí phán đoán lành mạnh;
- Có đủ sức khoẻ.
Bổn mạng: Hội dòng mừng Bổn mạng vào lễ Thánh Phaolô trở lại (25-1) và lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô (29-6) hằng năm.
Bài: Sơn Nữ, SPC (TGPSG)
Ảnh: Phạm Bảo
TGPSG – Cảm nhận về buổi canh thức và cầu nguyện cho Ơn Gọi tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn…
Từ năm 1964, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã chỉ định Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành làm “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi”. Hằng năm, các Đức Thánh Cha đều có sứ điệp cho ngày này. Trong Sứ điệp năm nay, vị Cha chung của chúng ta mời gọi “suy nghĩ và cầu nguyện” dưới sự dẫn dắt của chủ đề “Ơn gọi: ân sủng và sứ vụ”, nhằm tái khám phá ơn gọi là “một ân sủng, một hồng ân nhưng không, và đồng thời là một sự dấn thân ra đi” loan báo Tin Mừng.
Để đáp lại lời mời gọi thân thương ấy, Đại Chủng viện Thánh Giuse đã tổ chức buổi canh thức và cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 60, để rồi từ đó hy vọng rằng mỗi người tham dự sẽ trở thành “một sứ vụ trên mặt đất này” như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Tôi là một sứ vụ trên trái đất này; đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây trên thế giới này” (Evangelii Gaudium, 273).
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14), chính Tình Yêu đã thúc bách vị Tông đồ dân ngoại tới mức ngài phải thốt lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Và cũng chính Tình Yêu ấy đã thúc bách hơn 100 anh em dự tu và chủng sinh dự bị Thánh Phaolô Lộc đang tuổi thanh xuân đã không ngần ngại bỏ lại niềm vui của những ngày nghỉ lễ để bước vào hành trình tìm Chúa nơi tâm hồn.
Hành trình của anh em bắt đầu diễn ra từ 17g00 ngày 29/04/2023 tại khuôn viên Đại Chủng viện Thánh Giuse. Anh em đến chủng viện với sự tiếp đón niềm nở và chan chứa tình thương của quý Thầy và quý Cha giáo. Ở nơi đây, anh em thấy mình được sống đúng với con người của mình và trở về với chính mình trong sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu, như lời của ngôn sứ Isaia thầm thĩ với Chúa rằng: “Lạy Chúa, ngày tháng đời con là của Chúa, sự sống linh hồn con thuộc về Ngài” (Is 38,16). Thời gian này, anh em nhận được sự ưu đãi của thiên nhiên, bởi vì ở miền Nam vào độ cuối tháng 4 hằng năm là thời điểm bước vào mùa mưa, nhưng hôm nay thiên nhiên đổi thay chút ít với cái nắng nhẹ nhàng, cộng thêm làn gió hiu hiu càng làm cho tâm hồn anh em thêm lắng đọng và bình an hơn.
Để lại sau lưng những bộn bề, lo toan, những ồn ào, náo động… đi vào “sa mạc tâm hồn”, anh em đã có nhiều thời gian dành cho Chúa để nhìn nhận lại con người thật của mình với những yếu đuối bất toàn. Sống trong một xã hội hưởng thụ với nhiều cạm bẫy, cám dỗ luôn rình chờ, những tiện nghi vật chất làm cho anh em biết bao lần xa rời Chúa, xa rời vòng tay yêu thương của Người và có nhiều khi anh em làm ngơ trước lời mời gọi dấn thân tha thiết của Chúa, một anh em đã tự nhủ: “Tôi sống gần Chúa đấy mà sao lòng tôi lại xa Chúa quá vậy?”
Bầu khí thánh thiêng của Đại Chủng viện làm sao anh em có thể quên được? Qua những giờ hồi tâm bên Chúa, qua những lời ca vịnh của giờ Kinh Chiều I, những kinh nghiệm trong đời sống cộng đoàn của quý Thầy đi trước và đặc biệt qua giờ Chầu Thánh Thể đã phần nào kéo anh em lại được gần tới Chúa, kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Tất cả như gợi mở ra cho anh em một sự lựa chọn chín chắn hơn về những bước đi tiếp theo của mình. Giữa cuộc sống ồn ào náo nhiệt bên ngoài cùng với sự tấp nập và chuyển biến lớn lao của xã hội, nhiều khi anh em dự tu bị cuốn vào vòng xoáy đó. Đôi khi anh em không có thời gian, hay đúng hơn không dành đủ thời gian để nhìn nhận lại bản thân. Sau buổi canh thức cầu nguyện vừa qua, anh em cảm thấy mình cần phải thay đổi con người mình nhiều hơn nữa, cố gắng hoàn thiện nó một cách từ từ. Phải cố gắng trong nhiều chuyện, như việc học hành, tu dưỡng bản thân và luôn luôn nhớ đến Chúa trong mọi việc. Anh em tự nhủ phải cố gắng hằng ngày, vì không cố gắng tức là đang dừng lại.
Bạn thân mến, lời mời gọi của Chúa cách đây hơn hai ngàn năm vẫn còn ngân vang: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9,38). Đồng lúa thật bao la và mênh mông mà thợ gặt lại thiếu. Ngay đất nước Việt Nam chúng ta cũng cần rất nhiều thợ gặt - bao nhiêu tỉnh thành, làng mạc, vùng sâu vùng xa còn vắng bóng linh mục và tu sĩ. Không chỉ bạn và tôi, mà hầu hết những người được Chúa chọn - gọi đều thấy “bối rối”: Lạy Chúa, con còn quá trẻ, con đã quá già, con ăn nói không được lưu loát… và nhiều lý do khác nữa. Nếu bạn có ước mơ và hoài bão muốn dấn thân theo Chúa Giêsu để thực hiện các mục tiêu cao cả của đời mình, bạn đang được các giá trị Tin Mừng hấp dẫn, bạn hãy mạnh dạn đáp lời. Bạn có biết, Giáo Hội dành ngày Chúa nhật thứ IV Phục Sinh để cầu nguyện cho những ai có tâm hồn sẵn sàng như bạn. Mong bạn hãy can đảm đến gõ cửa để tìm hiểu và ở lại với Đức Giêsu trong các Chủng viện, các Dòng tu nam nữ, rồi bạn sẽ được Người sai đi.
Hãy sống mau mắn và sẵn sàng cho lời mời gọi lên đường với Đức Kitô vì: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời...” (Trích Thép đã tôi thế đấy!).
Hãy luôn tin cậy vào Lời Chúa hứa: “Ai tìm sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ được mở cho.” Chẳng phải người ta tiến tới tình yêu khởi đầu bằng “thích” rồi tìm mọi cách để “hợp” đó sao? Mong bạn hãy một lần lưu tâm, tìm hiểu, và chuẩn bị chu đáo cho hành trình của mình. Biết đâu Chúa đang gọi bạn như đã từng gọi Samuel đấy!
Giuse M. Nguyễn Phúc Nhật Minh - Dự tu năm 2019 (TGPSG)
Nguồn: TGP Sài Gòn
TÒA GIÁM MỤC QUI NHƠN
116 Trần Hưng Đạo, Tp. Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam
Tel: 0256-3824360; Email:
THƯ NGỎ
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA GIÁO PHẬN QUI NHƠN
Qui Nhơn, ngày 01 tháng 05 năm 2023
Kính thưa Cha Tổng Đại diện. Quý Cha Hạt trưởng, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và Quý Anh Chị Em giáo dân rất thân mến,
Hôm nay, ngày 01 tháng 05 năm 2023, Tòa Thánh dã chính thức công bố Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, thuộc hàng giáo sĩ Giáo phận Qui Nhơn làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang.
Mặc dù việc bổ nhiệm ngài để lại một sự mất mát lớn lao về phương diện nhân sự cho Giáo phận Qui Nhơn chúng ta, tuy nhiên trong tinh thần hiệp thông và hiệp hành của Giáo Hội thì đây vừa là một niềm vui vừa là niềm vinh dự rất lớn cho giáo phận chúng là, vì một linh mục thuộc giáo phận chúng ta được Tòa Thánh tuyển chọn và bổ nhiệm làm Giám mục cai quản một giáo phận khác, đó là Giáo phận Nha Trang vốn được tách ra từ Giáo phận Qui Nhơn từ năm 1957.
Ngày lễ tấn phong Giám mục của ngài sẽ được Tòa Giám mục Nha Trang thông báo sau. Chúng ta hãy cùng nhau dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho ngài được đầy tràn Thần Khí Thủ lãnh và các ơn cần thiết, giúp ngài chu toàn nhiệm vụ cao cả một cách tuyệt hao để làm vinh danh Chúa và sinh ích cho các linh hồn.
Thân ái trong Chúa Kitô
(đã ấn ký)
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
Nguồn: gpquinhon.org (01.05.2023)
Huế 17g30 ngày 01/05/2023
Kính thưa Cha Tổng Đại Diện Gioakim Phạm công Văn,
Và toàn thể mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Nha Trang.
Tôi xin hân hạnh loan báo một tin trọng đại:
Lúc 17g (giờ Việt nam) ngày 01/05/2023, Toà Thánh đã chính thức công bố bổ nhiệm Tân Giám mục Chính Tòa Giáo phận Nha Trang: cha GIUSE HUỲNH VĂN SỸ, 61 tuổi, linh mục giáo phận Qui Nhơn, hiện là Giám đốc Tiểu chủng viện Qui Nhơn và Giáo sư Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang.
Để biểu lộ niềm vui và tỏ dấu hiệp thông, tôi xin tất cả các nhà thờ và cộng đoàn trong giáo phận đổ chuông và tuỳ nghi hát kinh Magnificat vào lúc 12g trưa ngày thứ tư 03/05/2023.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa, từ ngàn xưa vẫn luôn quan phòng đưa dẫn Giáo Phận chúng ta đến ngày hôm nay và cuối cùng, trong những ngày hồng phúc này, đã sai đến cho chúng ta một vị chủ chăn như chúng ta hằng mong đợi. Chúng ta xin Chúa trả công bội hậu cho các vị chủ chăn tiền nhiệm, đặc biệt là Đức cha Giuse Võ Đức Minh, đã coi sóc Giáo Phận suốt 17 năm qua.
Để tỏ tình con thảo của đại gia đình giáo phận ngay từ đầu, ngày Chủ Nhật 07/05/2023, tôi sẽ dẫn phái đoàn đại diện Giáo phận Nha Trang ra Qui Nhơn để bái kiến Đức Cha Tân cử và để lắng nghe những chỉ thị đầu tiên của ngài đối với giáo phận.
Trong những ngày tới đây, xin anh chị em tiếp tục theo dõi thông báo của các cha xứ và của truyền thông giáo phận về những gì sắp diễn ra: ngày Đức Cha về Toà Giám mục Nha Trang; lễ tấn phong giám mục, cũng là ngày ngài chính thức nhận sứ vụ chủ chăn giáo phận Nha trang theo quy định của giáo luật.
Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần sống tinh thần hiệp hành cách triệt để và tận tình nhất, để nói lên tình tri ân đối với Chúa và Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội Bổn Mạng Giáo phận. Đó cũng là món quà tinh thần hợp thời nhất để chúng ta dâng lên Đức Cha mới của chúng ta.
Tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho chính tôi. Tôi sẽ rất hài lòng khi được đồng hành với anh chị em trong thời điểm đặc biệt này.
Tôi gửi phép lành của Chúa đến từng người trong anh chị em.
Thân ái trong Chúa Kitô.
(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn chí Linh
Tổng Giám mục Huế
Giám quản Tông Tòa Nha Trang
WHĐ (01.05.2023) – Hôm nay, ngày 01 tháng 05 năm 2023, Lễ Thánh Giuse Thợ, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm:
Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Qui Nhơn, làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
***
TIỂU SỬ
Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ
- Sinh ngày 17.07.1963 tại Tuy Phước, Bình Định, thuộc giáo xứ Gò Thị, giáo phận Qui Nhơn
- 1974 – 1975: Học Tiểu Chủng viện Qui Nhơn
- 1975 – 1981: Học trung học tại Qui Nhơn
- 1981 – 1985: Học Đại học Sư phạm Qui Nhơn. Tốt nghiệp cử nhân khoa Vật lý- Kỹ thuật năm 1985
- 1992 – 1997: Tu học Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang
- Ngày 12.05.1999: Được Đức Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các truyền chức linh mục, thuộc linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn
- 1999 – 2001: Đặc trách Văn phòng Tòa Giám mục Qui Nhơn
- 2001 – 2006: Du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma; tốt nghiệp với học vị tiến sĩ Giáo luật
- 2006 – 2009: Thư ký của Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
- 2008 đến nay: Giáo sư thỉnh giảng Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang
- 2009 đến nay: Giám đốc Chủng viện Thánh Giuse Qui Nhơn
- 2011 đến nay: Đại diện Tư pháp giáo phận Qui Nhơn
- 2010 đến nay: Thành viên Ban tư vấn, và Ban Thường huấn linh mục của Giáo phận Qui Nhơn
- Ngày 01.05.2023: Được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Nha Trang.
HUY HIỆU
- Huy hiệu có nền chủ đạo màu đỏ, tượng trưng máu các Thánh tử đạo Việt Nam, trong đó có 11 vị tử đạo tại Phát Diệm, là hạt giống để cây đức tin của Giáo Hội Việt Nam không ngừng phát triển và trổ sinh hoa trái trong suốt dòng lịch sử hơn bốn thế kỷ qua.
- Hình ảnh trung tâm mô phỏng đoàn người (lấy từ logo Mục vụ năm 2023 của HĐGMVN) tượng trưng cho cộng đoàn Dân Chúa hiệp thông tại giáo phận Phát Diệm.
- Hình ảnh mô phỏng cuốn sách tượng trưng cho Lời Chúa và hình ảnh mô phỏng chim câu với đôi cánh như ngọn lửa tượng trưng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Ý nghĩa Huy hiệu: Với sứ vụ chủ chăn tại giáo hội địa phương, giám mục luôn ở giữa và sát cánh bên đàn chiên gồm nhiều thành phần, cùng nhau bước đi trong ánh sáng Lời Chúa và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để xây dựng và phát triển Nhiệm Thể Chúa Kitô trong tinh thần hiệp hành, sẵn sàng đi ra vùng ngoại biên thực thi sứ mạng loan báo niềm vui Tin mừng.
KHẨU HIỆU
Khẩu hiệu giám mục: “Spiritu ambulemus – Cùng đi trong Thần Khí”. Đây vừa là quyết tâm của chính giám mục vừa là lời mời gọi gửi đến cộng đoàn Dân Chúa, định hướng cho cả hành trình sứ vụ trong và cho Giáo hội, với tinh thần hiệp hành.
Chính Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ được Chúa Cha trao phó trong sự hướng dẫn và nhờ quyền năng của Thần Khí (x. Lc 4,1-2.14). Ngài hứa ban Thánh Thần để giúp các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Ngài trong tình yêu và sự thật (x. Ga 14,26; 16,13).
Thánh Phaolô luôn xác tín sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống và sứ vụ của người môn đệ (x. Rm 5,5). Và thánh nhân đã khuyên dạy các tín hữu bằng chính kinh nghiệm của mình:
Anh em hãy sống theo Thần Khí…
Hoa quả của Thần Khí là bác ái, vui mừng,
bình an, nhẫn nại, nhân từ, hảo tâm,
trung tín, dịu hiền, tiết độ…
Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, chúng ta hãy bước đi trong Thần Khí”
(Gl 5,16.22-23.25).
Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện, thêm sức và dẫn dắt các kitô hữu trên hành trình đức tin hôm nay, tùy theo ơn gọi và sứ vụ của từng người. Mục tiêu Chúa Thánh Thần muốn tất cả cộng đoàn dân Chúa hướng đến là xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô – một Hội thánh hiệp hành.
Trong sứ vụ Giám mục, Đức Cha Tân cử Phêrô mong muốn quy tụ và luôn cùng với đàn chiên bước đi trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nguồn: phatdiem.org (27.4.2023)
WHĐ (29.4.2023) – Sau khi đã hoàn thành bản dịch Kinh Thánh Tân ước và được Hội Đồng Giám mục phê chuẩn, Ủy ban Kinh Thánh đã tiếp tục công việc hiệu đính và phiên dịch bản văn Cựu ước, bắt đầu từ phần Ngũ Thư, bao gồm các sách: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật.
Sau những tháng ngày làm việc nghiêm túc của các thành viên, bản văn Ngũ Thư đã được hoàn thành để trình cho Hội Đồng Giám Mục và đã được phê chuẩn trong Hội Nghị thường niên Kỳ I năm 2023 diễn ra tại Tòa Giám Mục Giáo phận Vinh từ ngày 17-21/04/2023 vừa qua.
Đây là niềm vui và cũng là sự khích lệ lớn lao cho toàn thể anh chị em trong Ủy ban Kinh Thánh. Chính vì thế, trong kỳ họp ngày 29/04/2023 tại Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 72/12 Trần Quốc Toản, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM, Ủy Ban Kinh Thánh đã đề ra những mục tiêu kế tiếp, cố gắng hoàn thành từng phần sách còn lại của Cựu ước theo từng giai đoạn, bao gồm: Các sách Lịch sử, Các sách Ngôn sứ và các sách Khôn ngoan, trong kế hoạch tổng thể 5 năm như đã định, từ 2020-2025.
Ủy Ban Kinh Thánh hiện nay có tất cả 36 thành viên, là các chuyên viên Kinh Thánh và ngôn ngữ học, bao gồm quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân của nhiều Giáo phận và các Dòng tu khác nhau trên khắp cả nước, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Chủ tịch Vincent Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Hải Phòng, cùng với sự đồng hành của Đức cha Chủ tịch Ủy Ban Phụng tự, Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Giáo phận Bà Rịa.
Chúng ta cùng cám ơn những hy sinh thầm lặng của các thành viên Ủy ban Kinh Thánh, và cùng cầu nguyện cho các vị được thêm nhiều ơn khôn ngoan và lòng quảng đại, để tiếp tục dấn thân cho công việc chung của Giáo hội, là sớm hoàn thành bản dịch trọn bộ Kinh Thánh, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam chúng ta.
Lm. Giuse Ngô Đức Tài, MF
Thư ký Ủy ban Kinh Thánh / HĐGMVN
Bạn yêu thương Mẹ của mình?
Bạn muốn có những phút giây thật hạnh phúc để thể hiện lòng hiếu với Mẹ?
Bạn muốn cùng Mẹ tham dự một sự kiện Công giáo?
Ngày 14/5 này chính là cơ hội để Bạn hiện thực hóa những điều trên
--------------------------
Hàng năm, cứ đến Chúa nhật tuần thứ hai trong tháng Năm, chúng ta lại hân hoan dành một ngày đặc biệt để thể hiện lòng biết ơn, hiếu kính và tôn vinh những người Mẹ - người đã dành trọn cả cuộc đời để cho chúng ta có một tương lai và cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Ngày của mẹ” năm nay, Bạn dự định sẽ làm gì để dành tặng món quà đặc biệt cho người Mẹ kính yêu của mình?
Chương trình Chuyên đề Giáo dục - Ban Mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn trân trọng kính mời Bạn cùng với gia đình và đặc biệt là người Mẹ kính yêu của Bạn đến tham dự sự kiện Ngày của Mẹ 2023 với chủ đề: “ƯỚC MƠ CỦA MẸ”.
Đây là một chương trình được tổ chức công phu với sự đan xen nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị nhằm giúp cho các Bạn cùng với Mẹ có được những cung bậc cảm xúc tuyệt vời và ấn tượng nhất.
Đến với chương trình, các Bạn sẽ được lắng nghe những chia sẻ sâu sắc và những trao đổi thực tế của vị diễn giả đầy tâm huyết và tâm lý, dày dạn kinh nghiệm trong mục vụ - Đức Cha Giuse Bùi Công Trác – Giám mục Phụ tá TGP Sài Gòn.
Bên cạnh đó, các Bạn còn có những giây phút thật thánh thiêng để cung nghinh và dâng hoa kính Đức Mẹ. Trong đó, đỉnh cao là Thánh lễ Chúa nhật VI Phục sinh.
Sau những giây phút linh thiêng ấy, các Bạn sẽ mặc sức tham gia các hoạt động “NHỚ VỀ MẸ” được diễn ra ở các khu vực khác nhau:
+ Khu triển lãm: KÍ ỨC VỀ MẸ - trưng bày và trình chiếu những bức ảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Trần Thế Phong; cùng những bức tranh nghệ thuật của họa sĩ – tu sĩ Công giáo; song song đó là những video từ cuộc thi. Các Bạn cũng sẽ rất thú vị với những góc cực “chill” để “sống ảo”. Đặc biệt, các Bạn còn được vẽ ký họa chân dung cực nhanh & cực chất bởi họa sĩ tài ba Lê Phú.
+ Khu ẩm thực: BẾP CỦA MẸ - với những món ăn sạch ngon từ tấm lòng, ý vị từ sự tận tâm của Mẹ.
+ Khu ấn phẩm: ĐỌC SÁCH VỚI MẸ - với những ấn phẩm phong phú, đẹp mắt, hấp dẫn và hữu ích của Chuyên đề Giáo dục.
+ Khu làm quà handmade tặng Mẹ: TRAO LÒNG HIẾU - TẶNG MẸ YÊU: gồm có 2 gian hàng:
* ĐAN VÒNG TAY - DỆT YÊU THƯƠNG: làm vòng tay thổ cẩm mang đậm nét văn hóa dân tộc với sự hướng dẫn của các Bạn đồng bào Châu Mạ.
* VẼ ƯỚC MƠ TẶNG MẸ: gian hàng vẽ tranh lên Túi tote / túi vải canvas những hình ảnh thật đẹp và ý nghĩa để dành tặng mẹ do nhóm Catholic Design - Thiết kế Đồ họa Công giáo hướng dẫn.
Sau cùng, các Bạn sẽ đến với phần hấp dẫn nhất của chương trình; đó là trao giải cuộc thi “Thước Phim về Mẹ” và những tiết mục văn nghệ được thiết kế - dàn dựng hết sức công phu qua sự sáng tạo của đạo diễn Ân Phạm, Biên tập Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Thanh nhạc Hoài Nam và đặc biệt là sự góp mặt của những ca sĩ đang rất được yêu mến hiện nay như: Hiền Thục, Nguyễn Phi Hùng, Tuyết Mai, Phạm Khánh Ngọc, Bé Tuyết Sương… Quý Soeurs Dòng Đa Minh Tam Hiệp.
Đến với sự kiện “Ngày của Mẹ” với chủ đề ƯỚC MƠ CỦA MẸ, chắc chắn các Bạn sẽ có được những món quà thực sự ý nghĩa dành cho Mẹ, cụ thể qua việc các Bạn sẽ hiểu hơn “Ước Mơ Của Mẹ” là gì? Và sẽ giúp Mẹ hiện thực hóa những ước mơ đó.
Vậy, còn chần chờ gì nữa mà không đăng ký ngay những vé tham dự sự kiện này dành cho Bạn, những người thân và đặc biệt là Mẹ của Bạn?
--------------------
Thời gian: Từ 13g30 – 21g00, Chúa Nhật ngày 14 tháng 5 năm 2023
Địa điểm: Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn.
6 bis Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q. 1, Tp. HCM
Giá vé: 250.000 VND
Link đăng ký: https://chuyendegiaoduc.com/event/uoc-mo-cua-me/
-------------------
Ban Mục vụ Gia Đình - TGP Sài Gòn
Vào lúc 10 giờ 30 phút, sáng Chúa nhật, ngày 23 tháng Tư năm 2023, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, đã đến thăm và chủ sự thánh lễ tại nhà thờ Thánh Đa Minh-Ba Chuông, Tổng giáo phận Sài Gòn. Đây cũng là thánh lễ bằng Anh ngữ thường kỳ mỗi Chúa nhật của giáo xứ thánh Đa Minh-Ba Chuông dành cho anh chị em người nước ngoài và những ai quan tâm.
Đồng tế với Đức Tổng giám mục Marek, có linh mục Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, O.P., Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, linh mục Giuse Ngô Mạnh Cường, O.P., Bề trên tu viện Alberto Cả, kiêm Chánh xứ Giáo xứ Thánh Đa Minh-Ba Chuông, quý linh mục trong tu viện, cùng khoảng 300 anh chị em tín hữu, người Việt và người nước ngoài cùng hiệp nguyện trong thánh lễ.
Trước thánh lễ, linh mục Bề trên-Chánh xứ thánh Đa Minh-Ba Chuông đã thay lời cho tu viện và giáo xứ hân hoan chào đón và cám ơn vị Đại diện Đức Thánh cha Phanxicô đến thăm và cử hành thánh lễ tại giáo xứ.
Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào trình thuật Tin mừng theo thánh Luca (Lc 24,13-35) của Chúa nhật III Phục sinh Năm A, kể về trình thuật Chúa Phục Sinh hiện ra, đồng hành, giải thích Kinh thánh và cử hành bẻ bánh với hai môn đệ trên đường về làng Emmaus, Đức Tổng giám mục Marek nói về sức mạnh của Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể, hai yếu tố hình thành nên thánh lễ tạ ơn của Giáo hội Công giáo.
Từ câu chuyện đẹp của hai môn đệ trên đường về làng Emmaus, Đức Tổng giám mục Đại diện Đức Thánh cha tại Việt Nam hỏi cộng đoàn phụng vụ rằng: “làm cách nào để chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta?”, và ngài lấy chính văn bản Tin mừng theo thánh Luca để giải thích, đó là cộng đoàn: từ cộng đoàn, trong cộng đoàn mỗi cá nhân có thể gặp Chúa. Đức Tổng nói: “Khi cộng đoàn quy tụ lại với nhau, quy tụ nhau trong thánh lễ, là chúng ta nhận ra nhau một cách chân thực nhất. Dù phải đối diện với những đau khổ, hoang mang, thử thách, sợ hãi,…trong cuộc sống hằng ngày, nhưng mỗi khi chúng ta tụ họp nhau trong thánh lễ, Hy tế tạ ơn, chúng ta tìm lại được sức mạnh và sự nhạy bén,… như hai môn đệ Emmaus ngày xưa, được Chúa soi sáng, biến đổi để rồi lập tức lên đường loan báo tin vui Chúa đã phục sinh”.
Sau phần hiệp lễ, một lần nữa cha Bề trên-Chánh xứ của tu viện và Giáo xứ thánh Đa Minh-Ba Chuông ngỏ lời tri ân Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, đồng thời cầu chúc Đức Tổng giám mục nhiều sức khỏe và ơn lành của Chúa để thi hành sứ vụ Giáo hội trao phó.
Với niềm vui mừng, trong phần đáp từ, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski đã cám ơn cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, cha Bề trên-Chánh xứ, quý cha quý thầy trong tu viện cùng anh chị em tín hữu hiện diện, đã cùng ngài dâng thánh lễ tạ ơn thật trang nghiêm, với những lời ca tiếng hát thật sốt sắng.
Đức Tổng giám mục Marek cũng ngỏ lời khen ngợi và cám ơn ca đoàn phụ trách trong thánh lễ, không những hát hay mà còn sốt sắng nữa để giúp cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện và ca tụng Chúa.
Sau hết, cộng đoàn cùng kết thúc thánh lễ với thánh ca Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tôn kính Đức Maria.
Duy Thủy – Đình Thắng
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu