Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Ga 13,21-33.36-38
22/03/2016 - THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38
TỈNH THỨC ĐỂ NHẬN RA
Đức Giê-su nói với Phê-rô: "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần." (Mt 16,15)
Suy niệm: Thật đúng như lời Chúa Giê-su đã nói: "Tinh thần thì mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối" (Mt 26,41). Phê-rô đã không bao giờ nghĩ rằng mình trở thành kẻ phản bội cho đến 'đêm hôm ấy' ông nghe được tiếng gà gáy. Đối với nhiều người, tiếng gà gáy chẳng mấy liên hệ, nhưng với Phê-rô, tiếng gà trở nên tiếng gọi để thức tỉnh. Nếu trước đó ông vênh vang, tự đắc, hăm hở tìm xem ai là kẻ phản bội (c.24) thì sau khi chối Thầy, Phê-rô đã khiêm tốn khóc lóc ăn năn trước cái nhìn yêu thương và cảnh tỉnh của Chúa Giê-su.
Mời Bạn: Thói thường, truy tìm và hạch tội người khác thì dễ hơn nhận biết tội lỗi của chính mình. Vì thế, vấn đề nơi mỗi chúng ta không cần phải tìm xem ai là kẻ có tội, mà cần sự thức tỉnh để nhận ra mình chính là tội nhân. Để giúp chúng ta làm được công việc khẩn thiết đó, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta phương thế: đó là "tỉnh thức và cầu nguyện" để khỏi sa chước cám dỗ.
Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn được thức tỉnh bởi Lời Chúa.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trong Tuần Thánh này, bạn dành thời gian tạo bầu khí lắng đọng, bình tâm để lắng nghe tiếng Chúa vang vọng từ đáy lòng, có thể một tiếng gà gáy không đụng đến ai nhưng nó lại làm ta thức tỉnh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa dạy chúng con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, bởi tinh thần thường mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối. Xin cho chúng con học được bài học thất bại của các Tông Đồ trong cuộc Vượt Qua với Chúa, để không ai chểnh mảng vì tưởng rằng mình đứng vững.
- Viết bởi Ga 12,1-11
21/03/2016 - THỨ HAI TUẦN THÁNH
Ga 12,1-11
HÀNH ĐỘNG NGÔN SỨ
"Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy." (Ga 12,7)
Suy niệm: Ngày ba nhà đạo sĩ Đông Phương đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, ba lễ vật vàng, nhũ hương, mộc dược mà họ dâng lên, đã ngầm nói lên phẩm tính hoàng vương của Hài Nhi mới sinh, đồng thời tiên báo cái chết của Ngài. Ngày hôm nay, hành động của cô Ma-ri-a lấy dầu thơm xức chân Chúa Giê-su, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: "Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy." Dù trước mặt mọi người, hành động của Ma-ri-a có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Ki-tô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.
Mời Bạn: Albert Nolan viết: "Ta sẽ không thể nào đánh giá cách đầy đủ về Chúa Giê-su trong những lao lung của đời sống hiện tại nếu ta không đi sâu vào linh đạo của Ngài", nói cách khác, ta phải ngụm lặn vào tâm trạng của Chúa trong những giây phút cận kề với cái chết, ta mới hiểu được Ngài muốn điều gì nơi ta. Hành động của chúng ta sẽ mang tính ngôn sứ khi chúng được thúc đẩy bởi động lực tình yêu.
Sống Lời Chúa: Dành những phút thinh lặng, đặt mình vào vị trí của Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô, Giu-đa... để chiêm ngắm Chúa Giê-su những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình... và xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được những ưu tư khắc khoải của Chúa và của anh chị em để con biết an ủi, giúp đỡ.
- Viết bởi Lc 22,14-23,56
20/03/2016 - CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Lc 22,14-23,56
ĐỪNG KẾT ÁN
Họ hô lên: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!" (Lc 19,38)
Suy niệm: Dân chúng Giê-ru-sa-lem vừa reo hò tung hô Đức Giê-su: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!" trong ngày Ngài vào thành thánh cách trọng thể, thì ít ngày sau, cũng chính họ lại nhao nhao tố cáo và đòi lên án tử cho Ngài. Nghi thức kiệu lá và bài Thương Khó trong phụng vụ thánh lễ ngày Lễ Lá nêu bật tính cách mâu thuẫn ấy. Lòng người thay đổi thật nhanh nhưng đồng thời cũng thật dễ bị giật dây, bị tác động. Họ dễ dàng hoà mình vào cái hào khí của đám đông để hoan hô, chúc tụng Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a mà họ đang đợi trông. Trái lại họ cũng thật vô ý thức và hèn nhát hùa theo đám đông để đả đảo, đòi lên án tử hình cho người vô tội.
Mời Bạn: Chúng ta vừa chứng kiến một sự sai lầm ghê gớm dẫn đến hậu quả là kết án và giết chết Đấng Cứu Thế. Lắm khi chúng ta cũng áp dụng cung cách sống đó như khuôn vàng thước ngọc để khỏi chuốc lấy bao sự rắc rối: Phán đoán theo chiều gió của dư luận, hành xử theo kiểu 'ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo'. Chính vì vậy mà chúng ta không dám tuyên xưng đức tin, không dám bênh vực cho lẽ phải, trái lại, về hùa với số đông, kết án đối xử tệ bạc với những anh chị em thấp bé, nghèo hèn.
Sống Lời Chúa: Đừng kết án để khỏi bị kết án. Không vô cảm, không a dua nhưng có hành động để đồng cảm và bênh vực người chịu cảnh bất công.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, bản tính con người yếu đuối của con hay xúi giục con lên án, đổ lỗi cho người khác. Xin đừng để con lên án một ai nữa, để ngay bây giờ con đáng được Chúa thứ tha. Amen.
- Viết bởi Mt 1,16.18-21.24a
19/03/2016 - THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Th. Giu-se, bạn trăm năm Đức Ma-ri-a
Mt 1,16.18-21.24a
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
"Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà." (Mt 1,24a)
Suy niệm: Từ khi được chọn làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, thánh Giu-se bước vào cuộc hành trình mịt mù của đức tin. Một hài nhi nhỏ bé mong manh chạy trốn vua Hê-rô-đê lại là một vị Thiên Chúa tối cao. Một phụ nữ đơn sơ nghèo hèn lại là Mẹ của Đấng Cứu Thế. Chúa làm người trọn vẹn quá đến nỗi Giu-se không thể hiểu điều gì đang diễn ra. Nhưng thay vì nghi ngờ, hoang mang, Giu-se chọn thái độ thinh lặng chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa. Giu-se tiếp tục "xin vâng," mặc dù thánh ý Chúa không luôn luôn rõ ràng mà nhiều khi chỉ là những tiếng vọng mơ hồ giữa giấc chiêm bao.
Mời Bạn: Hành trình bước theo Chúa Ki-tô của chúng ta nhiều khi cũng tăm tối mịt mù như những gì thánh Giu-se đã trải nghiệm. Trong gia đình và ngoài xã hội, nhiều khi chúng ta cố gắng sống tốt và làm điều tốt nhưng lại phải đối diện với những ganh tỵ, hiểu lầm, gièm pha, vu khống và chống đối. Nhiều khi chúng ta bước đi trong bóng đêm của đức tin với nhiều suy nghĩ hoang mang: Đâu là sự thật, đâu là chân lý và công bằng, Thiên Chúa ở đâu?
Chia sẻ: Khi gặp thử thách trong đời: Bạn đã ứng xử ra sao? Bạn có lấy đức tin làm ánh sáng dẫn đường không?
Sống Lời Chúa: Không suy diễn và quyết định theo ý mình, nhưng luôn tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy thánh Giu-se, xin giúp con học lấy đời sống thinh lặng và đức tin kiên vững như ngài, để giữa những bóng đêm thử thách trong đời, con luôn bình tĩnh đón nhận ý Chúa với niềm xác tín rằng có Chúa luôn đồng hành với con. Amen.
- Viết bởi Ga 10,37-38
18/03/2016 - THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Th. Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT Ga 10,32-42
DẤU CHỨNG ĐÁNG TIN
"Nếu Tôi không làm các việc của Cha Tôi, thì các ông đừng tin Tôi. Còn nếu Tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó." (Ga 10,37-38)
Suy niệm: Ngày 25/02/2006, việc phục vụ của các nữ tu Công giáo – cụ thể là các chị em tu hội Nữ Tử Bác Ái – tại trại phong Di Linh đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị Mậu. Việc tuyên dương đó không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ tu, và xác nhận tính chất "tử tế" của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh chị em bệnh phong. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ lâu vì họ được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời mình: Cùng với Đức Giê-su "làm các việc của Thiên Chúa" để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng cảm nhận được Ngài qua những "việc-của-Thiên-Chúa" đó.
Mời Bạn: Hẳn bạn đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho bạn câu hỏi đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ "hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên". Bạn chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi bạn làm "việc-của-Thiên-Chúa" theo cũng một tiêu chí đó.
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ mà bạn thấy giúp bạn nên giống Chúa Giê-su nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.
- Viết bởi Ga 8,51-59
17/03/2016 - THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Th. Pát-rích, giám mục
Ga 8,51-59
LỜI CHÚA LÀ SỨC SỐNG
"Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." (Ga 8,51)
Suy niệm: Đã đến lúc Đức Giê-su nói rõ sự thật về Người, dù sự thật này có dẫn đến thập giá. Thật vậy, người Do thái thấy những lời Đức Giê-su nói chứa đầy nghịch lý: - chưa được năm mươi tuổi mà lại "có trước Áp-ra-ham"; - ai tuân giữ Lời Chúa thì được sống thế mà "Áp-ra-ham đã chết, và các ngôn sứ cũng vậy"; - và còn cả gan xưng mình là "Đấng Hằng Hữu" nữa chứ! Đúng là 'cái miệng hại cái thân!': tuyên bố mình có Lời ban sự sống mà chính mình lại bị đóng đinh thập giá! Thế nhưng nghịch lý của thập giá chỉ được giải mã khi được đẩy đến tận cùng: khi chính Đấng chịu đóng đinh đã từ cõi chết sống lại.
Mời Bạn: "Cánh cửa để đi vào hạnh phúc không chỉ là những suy nghĩ tích cực, mà phải là năng lực chấp nhận thực tế" (J.Cazapinxki). Thiên Chúa mời gọi chúng ta giũ bỏ các định kiến để mở lòng đón nhận thực tế của Ngài, một thực tế bất ngờ thậm chí còn phi lý nữa. Ta cần trở nên khác – suy nghĩ khác, hành động khác. Chỉ khi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh, ta mới cảm nghiệm được Lời Chúa là sức sống cho mình.
Mời bạn chia sẻ một lần cảm nghiệm Lời Chúa đem lại sức sống cho bạn.
Sống Lời Chúa: Trong những ngày chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, ta dành thêm thời giờ cho việc hồi tâm, tĩnh tâm; bớt những cuộc vui chơi giải trí sa đà, để hiệp thông với Chúa Giê-su trong cuộc khổ nạn và để cảm nghiệm hơn tình Chúa yêu ta.
Cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin cho con biết đón nhận thập giá trong đời con để nhờ đó con cũng nhận được sức sống của Ngài."
- Viết bởi Ga 8,31-42
16/03/2016 - THỨ TƯ TUẦN 5 MC
Ga 8,31-42
TỰ DO ĐÍCH THỰC
Chúa Giê-su nói: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội thì nô lệ cho tội, còn tên nô lệ không ở mãi trong nhà, người con mới ở vĩnh viễn trong nhà." (Ga 8,34-35)
Suy niệm: Nhiều người quan niệm tự do là phóng túng, muốn làm gì thì làm. Người không thể kiềm chế lòng tham lam, tính nóng giận của mình, là mất làm chủ bản thân, và trên thực tế, họ đang nô lệ cho lòng tham và tính nóng giận đó. Kinh nghiệm của những người nghiện xì ke ma tuý cho thấy họ càng lúc càng trở nên nô lệ cho chất bột trắng này thế nào. Họ tưởng mình đang tự do trong khi họ càng ngày càng trở thành nô lệ. Chúa Giê-su bị bắt, bị sỉ nhục, chịu treo trên thập giá và chịu chết, nhưng Ngài hoàn toàn tự do: Ngài chấp nhận cuộc khổ nạn một cách tự nguyện vì yêu mến. Tự do của Ngài là tự do tuân hành thánh ý Chúa Cha.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô tông đồ đã có một cảm nghiệm sâu sắc về sự nô lệ tội lỗi: "Điều tôi muốn thì tôi không làm. Điều tôi không muốn thì tôi lại làm." Bạn nghĩ sao, có đúng với bạn không?
Chia sẻ: Khi con người đang sống buông thả để hưởng thụ thì lúc đó con người đang bị lôi cuốn vào sự lệ thuộc. Để được hoàn toàn tự do, chỉ có một cách duy nhất là tỉnh thức và tìm ý Chúa và tuân hành.
Sống Lời Chúa: Là con người, không ai không có tội. Bạn cũng như tôi, mỗi người đều có thể có một thói quen xấu và một đam mê không tốt nào đó. Bạn hãy gọi rõ tên nó và tìm cách loại trừ nó ra khỏi đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, để được ở trong nhà Chúa mãi mãi, xin Chúa cho chúng con luôn biết thắng vượt tội lỗi, giải thoát con khỏi tất cả mọi ràng buộc hay lệ thuộc ngoài Chúa.
- Viết bởi Ga 8,21-30
15/03/2016 - THỨ BA TUẦN 5 MC
Ga 8,21-30
BẠN ƠI! ĐỪNG CHẾT TRONG TỘI!
"Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết." (Ga 8,24)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu đang tức lồng lộn lên vì bẽ mặt sau khi thất bại trong vụ xử người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy Chúa Giê-su. Giờ đây, họ xoay ra tố cáo Chúa đã đưa ra một lời chứng không thật. Chúa cho biết Chúa Cha đã sai Ngài và làm chứng cho Ngài. "Thuộc về thượng giới," nhưng Chúa đã mang thân phận con người hạ giới để nâng nhân loại lên thượng giới. Thế nhưng lời Chúa nói với người Pha-ri-sêu chẳng khác nào nước đổ lá môn. Họ không hiểu, không tin vì họ đã tự hạn chế tầm nhìn nơi hạ giới, giải thích mọi sự theo cái nhìn hạ giới đó. Chúa nói: muốn hiểu và tin lời Chúa thì phải ngước tầm nhìn lên cao: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông mới biết là Tôi Hằng Hữu." Và chỉ khi nào tin Chúa Giêsu Hằng Hữu, lúc đó mới khỏi "mang tội lỗi mình mà chết."
Mời Bạn: Nhiều lúc cuộc đời chúng ta giống như chiếc xe bị lún xuống vũng lầy: càng gầm rú lại càng bị lún sâu. Mải mê làm ăn, mong có một cuộc sống thoải mái. Nhưng khổ nỗi, đã có rồi lại muốn hưởng thụ thêm, có khi lại vướng mắc vào những đam mê tội lỗi, muốn tháo gỡ ra thì lại bị đắm sâu hơn. Bạn ơi, nếu cứ để mình bị sa đà trong việc hưởng thụ, thì không bao giờ bạn thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những sự hạ giới. Đừng để mình phải chết trong tội như thế, nhưng hãy ngước nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá để Chúa nâng bạn lên với Ngài.
Sống Lời Chúa: Xét mình về một tội hay tái phạm, chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh và xin ơn ăn năn chừa tội.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn năn tội một cách chậm rãi và sốt sắng
- Viết bởi Ga 8,12-20
14/03/2016 - THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,12-20
ÁNH SÁNG LÒNG THƯƠNG XÓT
"Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống." (Ga 8,12)
Suy niệm: Có đặt mình vào vị trí của người thợ mỏ bị kẹt trong hầm sâu dưới lòng đất, khi bốn bề chung quanh đều chìm trong màn tối dầy đặc, mới thấy rằng chỉ cần một tia sáng le lói loé lên ở cuối đường hầm cũng có nghĩa là được sống, được giải cứu. Chúa Ki-tô tuyên bố Ngài là ánh sáng đó, ánh sáng phát xuất từ nguồn sáng là lòng thương xót của Chúa Cha, ánh sáng duy nhất có khả năng cứu độ con người. Quả thật, trong Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót", thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: "Đối với nhân loại ngày nay, không còn niềm hy vọng được cứu rỗi nào khác, ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa." Và cũng từ niềm xác tín mãnh liệt vào mầu nhiệm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (x. Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 11).
Mời Bạn: Giữa bến mê cuộc sống hôm nay, đâu là ánh sáng đích thực cho đời ta? Tôi có ý thức mình đang bước đi trong bóng tối không? Ai và cái gì có thể giải thoát tôi? Bạn ơi, "việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương xót... là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an..., cũng chính là điều kiện đối với ơn cứu độ của chúng ta" (số 02). Vậy, còn chần chừ gì nữa! Hãy để cho Chúa thương xót và cứu độ ta...!
Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự các cử hành sám hối và lãnh nhận bí tích Giao hòa Trong Mùa Chay của Năm Thánh này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là những người tội lỗi. Chúng con tín thác vào Chúa.
- Viết bởi Ga 8,1-11
13/03/16 CHÚA NHẬT TUẦN 5 MC – C Ga 8,1-11
Suy niệm: Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rằng tha thứ không phải là việc dễ dàng, nhất là khi chính mình là người bị xúc phạm nặng nề đến danh dự, đến nhân phẩm, và khi sự xúc phạm đó cứ tái đi tái lại. Những kinh sư và Pha-ri-sêu toan tính "ném một hòn đá trúng hai con chim" khi gài bẫy Chúa Giê-su kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Thế nhưng họ lại rút lui hết khi nghe Chúa bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội thì hãy ném đá chị này đi." Điều này không có nghĩa là họ thật lòng tha thứ cho chị. Trong khi đó, Chúa Giê-su nói với chị ta: "Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị." Chúa nói vậy, nhưng không chỉ có vậy: Ngài tha thứ thật tình và muốn chị làm lại cuộc đời của mình. Ngài rao giảng và thực thi quyền năng của Thiên Chúa "trước hết bằng lòng thương xót và thứ tha" khi chính Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại và chịu chết trên thập giá để đền bù và để tội nhân được nên công chính.
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta nói mình "tha thứ", nhưng vẫn nhớ hoài sự lỗi của người khác. Chúa muốn chúng ta tha thứ cho nhau vô điều kiện, và đó là điều kiện để Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta.
Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày để nhận ra lỗi lầm của mình, nhờ đó cảm nhận tình yêu tha thứ của Chúa và biết bao dung đối với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con phải nhân từ như Chúa Cha là Đấng nhân từ. Xin Chúa ngự trị tâm hồn con và làm cho trái tim con tràn đầy tâm tình khoan nhân ái của Chúa, không còn chỗ cho những ghen ghét nhỏ nhen, những oán thù ti tiện.