Sống Lời Chúa Hôm Nay
- Viết bởi Lc 21,29-33
29/11/2024 – THỨ SÁU TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
DẤU HIỆU HY VỌNG
“Khi cây vả đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều ấy xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến.” (Lc 21,30-31)
Suy niệm: Có quá nhiều điểm khác nhau khi so sánh giữa hai vế: Một bên là trước hiện tượng cây vả mọc ra những mầm xanh mát mắt, người ta có thể tính được chính xác tháng ngày bao lâu nữa mùa hè sẽ tới. Còn bên kia là “những điều ấy” – mà toàn là những điều khủng khiếp – có xảy ra báo hiệu Triều Đại của Thiên Chúa thì chẳng ai nói chắc được sẽ đến khi nào và ở đâu. Trong phép so sánh ấy, duy có một điều giống nhau, đó là Triều Đại của Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến, chắc chắn đúng y như qui luật vận hành của thời tiết. Nếu như dấu hiệu xuất hiện của một đoàn quân cứu viện là điều làm cho quân địch phải hoảng sợ, thì ngược lại một dấu hiệu, dù nhỏ nhoi, tiên báo ngày cứu độ đã gần đến, lại là dấu hiệu hy vọng mang lại niềm vui tràn bờ cho những ai phục vụ cho Nước Chúa.
- Viết bởi Lc 21,20-28
28/11/2024 – THỨ NĂM TUẦN 34 TN
Lc 21,20-28
SỐNG ĐỨC HY VỌNG MỖI NGÀY
“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Lc 9,7)
Suy niệm: Lời tiên báo của Đức Giê-su bao gồm hai sự kiện: ngày Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và ngày Chúa quang lâm. Khoảng bốn mươi năm sau, vào năm 70, tướng Titus của Rô-ma đã đem tám vạn quân thiện chiến san phẳng Đền thờ, dẹp tan cuộc khởi nghĩa của người Do Thái với hơn một vạn quân, cố thủ qua ba lũy tường thành. Nhớ lời Đức Giê-su tiên báo, các Ki-tô hữu thời ấy chạy sang Pella, bên kia sông Gio-đan lánh nạn. Còn với ngày giờ Chúa quang lâm, ta sẽ không thể biết đích xác. Nhưng để được cứu độ, ta phải ghi nhớ lời Ngài hôm nay: “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.” Đứng thẳng là tư thế của người sống ngay lành, tốt đẹp, không bị còng lưng vì gánh nặng thù hận, thói hư tật xấu, lòng tham lam của cải. Ngẩng đầu là hướng lên cao, nơi Thiên Chúa ngự trị, chứ không mải mê cúi nhìn mặt đất, tưởng đó là đích điểm đời mình.
- Viết bởi Lc 24,13-35
12/04/2023 – THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PS
Lc 24,13-35
THÊM “LỬA”
Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,30-32)
- Viết bởi Lc 21,5-11
26/11/2024 – THỨ BA TUẦN 34 TN
Lc 21,5-11
SẴN SÀNG ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6)
Suy niệm: Đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su được Hê-rô-đê khởi công tái thiết khoảng năm 20/19 trCN suốt 46 năm mới hoàn thành những phần chính yếu – khoảng năm 26/27 sCN (x. Ga 2,20). Đối với người Do Thái, đền thờ không chỉ là niềm hãnh diện vì là công trình kiến trúc đồ sộ, tráng lệ, mà còn là biểu tượng của niềm tin, vinh quang, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Vì vậy, lời Chúa Giê-su cảnh báo rằng đền thờ “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” thực sự gây sốc với thính giả. Ngài tiên báo Đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ sụp đổ – điều thực sự đã xảy ra vào năm 70 – đồng thời nhắn gởi một sứ điệp về sự tạm bợ của cuộc sống này. Đừng bám víu vào chúng vì mọi sự rồi sẽ hư hoại và qua đi. Trái lại Chúa mời gọi tìm kiếm những giá trị trường cửu, là sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa. Đền thờ đích thực ta cần xây dựng không phải là bằng gỗ đá, nhưng là đền thờ trong tâm hồn, nơi Thiên Chúa thực sự hiện diện (x. Ga 4,23).
- Viết bởi Lc 9,23-26
25/11/2024 – THỨ HAI TUẦN 34 TN
Thánh An-rê Dũng Lạc và các bạn tử đạo
Lc 9,23-26
DÁM CHỌN THẬP GIÁ!
“Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Suy niệm: Đứng trước thập giá, khuynh hướng chung là tránh né hay chối từ, bởi mấy ai muốn chọn đau khổ, từ bỏ mình, nhất là mấy ai dám chấp nhận cái chết. Thế nhưng, cũng có những người dám đổi cả hạnh phúc, tài sản, sự nghiệp, và dám từ bỏ cả những người thân, để chọn lấy thập giá và cái chết, đó là các anh hùng Tử đạo Việt Nam, được Giáo hội tuyên dương trong ngày hôm nay. Các ngài được tôn phong là anh hùng, vì dám sống hết mình cho niềm tin vào Thiên Chúa; cũng có người cho rằng các ngài điên dại, nhưng là ‘điên dại có cơ sở’ vì đức tin và tình yêu đối với Đức Ki-tô, như thánh Phao-lô đã từng nói đến (x. 1Cr 4,10). Đức tin và tình yêu ấy định hình đời sống và chọn lựa, để giữa làn ranh sinh-tử, các ngài quyết chọn lấy thập giá, hầu trở nên môn đệ chính danh của Đức Ki-tô.
- Viết bởi Ga 18,33b-37
24/11/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 34 TN – B
Chúa Ki-tô, Vua Vũ Trụ
Ga 18,33b-37
LÀ CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI
Đức Giê-su nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.” (Ga 18,37)
Suy niệm: “Trước đây chúng ta tuân theo lệnh vua và quỳ mọp trước các hoàng đế. Thế nhưng ngày hôm nay chúng ta chỉ quỳ trước sự thật, chạy theo vẻ đẹp và vâng theo tình yêu” (K Gibran). Đức Giê-su tuyên bố với Phi-la-tô rằng Ngài là vua của một Nước. Tuy nhiên, Nước hay Vương Quốc ấy không thuộc trần gian này như những quốc gia thông thường, nhưng là một Nước đặc biệt độc nhất vô nhị. Đặc biệt vì đó là Nước của Sự Thật. Trong Nước Sự Thật của Ngài, người ta sẽ không còn dùng những thủ đoạn chính trị giả dối, nhưng dựa trên nền tảng là sự thật. Các công dân của Nước này can đảm sống cho sự thật, chết cho sự thật. Đó cũng là Nước của Tình Yêu vì địa vị cao trọng của mỗi công dân dựa trên yêu thương: yêu thương là luật lệ chi phối mọi sinh hoạt, càng yêu nhiều, càng cao trọng.
- Viết bởi Lc 20,27-40
23/11/2024 – THỨ BẢY TUẦN 33 TN
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 20,27-40
CHÚNG TA SẼ SỐNG LẠI
“Vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38)
Suy niệm: Nhóm Xa-đốc kể câu chuyện người đàn bà khi sống lại làm sao có thể đồng thời có bảy người chồng để biện minh cho việc họ chối bỏ sự sống đời sau. Đức Giê-su phá cái bẫy của họ bằng cách trích dẫn Thánh Kinh để chứng minh sự sống lại hay sự sống đời sau là điều có thật. Qua đời sau, không còn chuyện dựng vợ gả chồng như các mối quan hệ đời này, mà con người lúc ấy tựa các thiên thần. Họ được hưởng kiến Thiên Chúa trực tiếp ‘diện đối diện’, được tham dự vào sự sống Thiên Chúa, chung hưởng vinh quang của Ngài. Thánh Phao-lô giải thích: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,42-44).
- Viết bởi Lc 19,45-48
22/11/2024 – THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,45-48
NHÀ THỜ LÀ NHÀ CẦU NGUYỆN
“Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện.”(Lc 19,46)
Suy niệm: Đành rằng ta có thể cầu nguyện với Chúa bất cứ lúc nào và ở đâu, nhưng nhà thờ vẫn là nơi xứng hợp nhất cho việc thờ phượng này. Đền thờ Giê-ru-sa-lem lộng lẫy hay bất cứ nhà thờ nào, dù bằng tranh tre nứa lá, vẫn là nơi được thánh hóa, điểm qui tụ con cái Chúa đến phụng thờ Ngài. Vì thế, những gì không liên quan hoặc đối nghịch đến việc phụng thờ ấy đều bị Chúa lên án. Nhà thờ là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, ta đến nhà thờ để thật sự gặp gỡ Chúa, chứ không vì một ai khác. Thiên Chúa quy tụ người tín hữu thành cộng đoàn phụng vụ quanh hai bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, để cùng với Chúa Ki-tô, hiệp thông với Ngài, chia sẻ ước mơ về Nước Trời trên trần thế, cũng như cảm nếm sự sống của Ngài ngay trong cuộc sống hôm nay. Nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa ấy, ta được sai đi cuối Thánh lễ, trở thành người làm chứng, giới thiệu Tin Mừng cho con người thời đại.
Mời Bạn: Tiền có thể mua được máu, nhưng không mua được sự sống. Tiền có thể làm nên những đền thờ nguy nga tráng lệ, song không thể mua được Thiên Chúa ngự trong đền thờ. Đền thờ tâm hồn bạn vẫn là đền thờ được Thiên Chúa ưa chuộng hơn cả, bạn hãy lo tô điểm, trang hoàng cho đền thờ ấy.
Sống Lời Chúa: Chỉ có lời cầu nguyện bằng đôi tay giơ lên với tâm hồn trong sạch mới mong đẹp lòng Thiên Chúa. Tôi sẽ chú ý đến lời cầu nguyện kèm theo đời sống tốt lành này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thờ lạy Chúa ngự trong đền thờ tâm hồn con. Xin biến đổi tâm hồn con để ngày càng trở nên cung điện xứng đáng cho Chúa ngự. Amen.
- Viết bởi Mt 12,46-50
Thứ Năm Tuần 33 Tn
Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ
Mt 12,46-50
Biết Làm Theo Lời Chúa
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy niệm: Là người thân của người nổi tiếng là một vinh dự. Với ta, được là người thân của Chúa là vinh dự còn lớn lao hơn; nhưng điều kiện để trở thành người thân ấy – làm theo ý Chúa – thì ta chưa sẵn lòng chấp nhận. Điều này khác xa với Đức Mẹ, đấng được xưng tụng có phúc vì là mẹ Chúa Giê-su hai lần. Một lần là mẹ theo nghĩa thể lý, mang thai, sinh ra con mình. Lần khác như Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay, trở thành người nhà, mẹ của Ngài, do hơn ai hết, Mẹ đã hoàn toàn vâng phục, thực thi thánh ý Chúa trong đời mình. Tiếng Fiat (Xin vâng) không chỉ được thốt ra trong ngày Truyền tin, nhưng còn được lặp lại mọi ngày trong đời Mẹ, ngay thời ấu thơ khi dâng mình cho Chúa trong Đền thờ, và cách đặc biệt dưới chân thập giá.
- Viết bởi Lc 19,11-28
20/11/2024 – THỨ TƯ TUẦN 33 TN
Lc 19,11-28
VINH DỰ ĐƯỢC CHÚA TÍN NHIỆM
“Người quí tộc gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười yến bạc và nói với họ : Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” (Lc 19,13)
Suy niệm: Cha Thomas H. Green trong cuốn “Cỏ Dại Giữa Lúa Đồng” nhận xét nhiều người quan niệm Thiên Chúa đối với con người giống như ông thợ sản xuất đồng hồ, sau khi làm ra thế giới không còn mối liên hệ nào với những gì mình đã tạo ra nữa. Có những người khác lại coi Thiên Chúa như người điều khiển con rối: con người phải tuân thủ theo một định mệnh khe khắt giống như những quân cờ di động hoàn toàn theo ý định độc đoán của người chơi cờ, không có chỗ cho những nhận định và chọn lựa tự do nữa. Tất cả những suy nghĩ đó đều không đúng với Thiên Chúa. Đức Giê-su kể dụ ngôn người chủ trao cho các đầy tớ tài sản của mình là những yến bạc để sinh lợi trong khi ông đi vắng, nghĩa là Ngài không coi chúng ta là những ‘thiên lôi chỉ đâu đánh đó’, mà muốn coi chúng ta như những người tôi trung, năng động đầy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm đối với Nước của Ngài.