Suy niệm của ĐTGM
- Viết bởi TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa
TGM. Ngô Quang Kiệt
Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:
Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.
Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.
Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.
Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.
Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.
Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).
Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.
Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.
Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.
Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).
Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?
2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?
3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?
- Viết bởi TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Mặc áo cưới
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời.
Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.
Đó là một tình yêu nhưng không.
Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.
Đó là tình yêu chia sẻ.
Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tình loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.
Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.
Tôi phải mặc áo cưới tới dự.
Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.
Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.
Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.
Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24).
Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi tôi đến dự tiệc Thánh Thể, tôi có mau mắn đáp lời hay tôi thường từ chối?
2) Mặc áo cưới là theo Chúa quyết liệt, không nửa vời tôi theo đạo nhưng tôi có thực hành Lời Chúa không?
3) Bạn phải làm những gì để được coi là “mặc áo cưới”?
- Viết bởi TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Sám hối là khởi điểm
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.
Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.
Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.
Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người. Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.
Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.
Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Nói và làm, việc nào cần hơn và tốt hơn?
2) Có nhiều chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì không?
3) Biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Điều này đáng trọng hay đáng chê trách?
- Viết bởi TGM. Ngô Quang Kiệt
Lý lẽ của trái tim
TGM. Ngô Quang Kiệt
Khi nghe dụ ngôn này có nhiều người thắc mắc: Chúa có công bằng không khi ban thưởng cho người làm ít cũng bằng người làm nhiều? Hỏi như thế là chưa hiểu rằng đây chỉ là một dụ ngôn. Dụ ngôn không phải là một chuyện có thật. Nhưng chỉ là một câu chuyện dùng làm hình ảnh để giải nghĩa giáo lý của Chúa. Trong dụ ngôn, Chúa không có ý dạy về những kiến thức trần gian, nhưng muốn nói về những chân lý Nước Trời. Những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua dụ ngôn ‘Người thợ làm vườn nho giờ thứ mười một’ này là:
1) Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ. Vườn nho tượng trưng cho Nước Chúa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Người được thuê là người được mời gọi vào Nước Chúa. Tiền lương là sự sống trong Nước Chúa. Hình ảnh ông chủ ngày ngày ra chợ tìm thuê thợ là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải ta đi tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm ta. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Việc Chúa thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, tất cả nói lên lòng yêu thương của Chúa. Chúa muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
2) Hạnh phúc Nước Trời là ân huệ Chúa ban. Nếu Chúa không kêu gọi thì không ai có thể được vào vườn nho của Chúa, được vào Nước Chúa. Nếu Chúa không ban hạnh phúc Nước Trời thì chẳng ai có thể tự mình chiếm lấy được. Việc Chúa ban thưởng cho những người được thuê mướn cuối cùng trước những người được thuê mướn đầu tiên làm nổi bật chân lý này: Nước Trời là ân huệ Chúa ban. Ân huệ phát xuất từ tình thương của Chúa chứ không do công đức của ta. Vì thế chẳng ai có quyền đòi hỏi. Hơn nữa, ơn Chúa ban vượt quá sức, quá lòng mong ước của ta. Hiểu biết điều này, ta sẽ không ngừng tạ ơn Chúa.
3) Chúa yêu thương và mong ta biết yêu thương như Chúa. Những người thợ làm từ sáng sớm không có gì để kêu trách Chúa về tiền lương, vì đã được thỏa thuận từ trước. Họ chỉ kêu trách vì thấy người làm ít cũng được như mình. Họ kêu trách lòng nhân từ của Chúa. Đó là điều vô lý. Và Chúa đã nêu rõ điểm vô lý đó: Tại sao kêu trách vì tôi tốt bụng? Phần mình đã được rồi, tại sao không vui mừng vì những anh em kém cỏi, kém may mắn cũng được ân huệ vào phút chót. Qua điều này Chúa muốn dạy ta hãy biết yêu thương những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn. Một xã hội muốn tốt đẹp phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội chỉ thực sự văn minh khi biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp đẽ vì chan chứa tình người.
Qua dụ ngôn này ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người. Cách cư xử của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Không tìm lợi lộc cho bản thân nhưng lo tìm hạnh phúc cho người khác. Không trọng sang khinh hèn, nhưng để ý yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim, một con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người. Chúa mong con cái Chúa cũng hãy có tư tưởng của Chúa, cư xử như Chúa và yêu thương như Chúa. Như thế mới có thể làm cho Nước Chúa mau lan rộng.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu được đường lối Chúa và cho con luôn đi trong đường lối của Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Công bình tuyệt đối có làm cho con người hạnh phúc không, hay là còn cần tới bác ái nữa?
2) Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy tôi điều gì?
3) Nếu bạn là người tàn tật, yếu ớt, thất bại, bạn mong chờ điều gì nơi xã hội: công bình hay bác ái?
- Viết bởi TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Tha thứ
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Thánh Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.
Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.
Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.
Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.
Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.
Chúa Giêsu xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi. Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.
Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.
Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.
Lạy Chúa xin thương xót chúng con.
- Viết bởi TGM. Ngô Quang Kiệt
Sửa lỗi anh em
TGM. Ngô Quang Kiệt
Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.
Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.
Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?
Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.
Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.
Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.
Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.
Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?
2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?
3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?
- Viết bởi TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Hội Thánh của Chúa
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
“Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Với lời này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh. Lời Chúa cho ta thấy những đặc tính của Hội Thánh.
Đó là một Hội Thánh cho con người.
Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô. Phêrô vốn là một người yếu đuối. Đời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Thầy ba lần khi Thầy chịu khổ nạn. Nền tảng tượng trưng cho cả toà nhà. Nền tảng Phêrô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn. Những thất bại của Phêrô thường diễn ra trong bóng đêm. Đánh cả suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy trong bóng đêm. Đó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người. Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.
Đó là một Hội Thánh của Thiên Chúa.
Tuy Hội Thánh dành cho con người, gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại là Hội Thánh của Thiên Chúa. Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Chúa Giêsu xác định đây là “Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa chứ không bằng sức sống của con người. Thật vậy, Hội Thánh rất yếu đuối. Có những yếu đuối khi phải đương đầu với những khó khăn thử thách bên ngoài. Biết bao vua chúa đã muốn triệt hạ Hội Thánh khi Hội Thánh chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo hèn. Có những yếu đuối từ trong nội bộ. Biết bao lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại tưởng như khiến Hội Thánh đổ nát tan tành. Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.
Hiểu biết như thế, ta phải có thái độ thích hợp.
Vì Hội Thánh là chính chúng ta, những con người mỏng giòn, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa thánh thiện. Khiêm nhường như thánh Phêrô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.
Vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, những để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32)
Vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phêrô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà.
Lạy Chúa, xin thánh hoá Hội Thánh Chúa. Amen.
- Viết bởi TGM. Ngô Quang Kiệt
Con đường của Chúa
TGM. Ngô Quang Kiệt
Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.
Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.
Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.
Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).
Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.
Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.
Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.
Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.
Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?
2) Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?
3) Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?
- Viết bởi ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Biến Hình
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi
Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Một số bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời giờ và tiền bạc cho sắc đẹp bên ngoài. bạn nghĩ gì về tương quan giữa vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong tâm hồn?
2- Cầu nguyện có thể làm con người ‘biến hình’. Bạn có tin điều đó không? bạn có quen ai đã biến đổi sâu xa nhờ cầu nguyện không?
3- Bạn đã có kinh nghiệm về việc sống hạnh phúc với Chúa bao giờ chưa?
4- Mùa Chay này bạn có thực sự muốn ‘biến hình’ không? Bạn sẽ làm gì để thực hiện ước nguyện đó?
- Viết bởi TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Khôn ngoan tìm Nước Trới
TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay.
Những người trong bài Tin Mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.
Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.
Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quý. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.
Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.
Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.
Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn có thực sự coi Nước Trời là kho tàng quý giá nhất không?
2) Bạn đã thực sự bán hết mọi sự để mua Nước Trời chưa? Còn những gì bạn còn luyến tiếc chưa muốn bán?
3) Bạn nghĩ thế nào về sự khôn ngoan. Bạn muốn trở thành người khôn ngoan thực sự không?