Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa
TGM. Ngô Quang Kiệt
Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra câu hỏi hóc búa. Không ngờ Chúa trả lời thật khôn ngoan: “Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Chúa Giêsu minh định hai điều:
Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị tách biệt nhau. Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc bắt tôn giáo làm nô lệ. Tôn giáo cũng không thể đi vào chính trị, đánh mất bản chất của mình.
Thứ hai: Mỗi người phải chu toàn hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ đối với xã hội là “trả cho César” những gì của César. Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa: “trả cho Thiên Chúa” những gì thuộc về Thiên Chúa.
Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của hoàng đế César vì thế phải trả lại cho ông. Nhưng linh hồn con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.
Để có được đồng tiền mang hình ảnh César, người dân phải làm việc vất vả. Cũng thế, để linh mang hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải ra sức làm việc.
Nhưng hai cách làm việc thật khác xa nhau. Để chia sẻ phần nào quyền lực của vua chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách vua chúa đó là tìm chiếm hữu của cải. Để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.
Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói về bí tích Thánh Thể, lòng trí ta tự nhiên hướng về bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Qua đó ta thấy một vài khía cạnh trong tình yêu của Chúa.
Đó là tình yêu phục vụ. Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình thì yêu thương cho đến cùng. Nên trong bữa ăn tối, Người cầm lấy chậu nước và khăn rồi đi rửa chân cho từng môn đệ.
Đó là tình yêu tự hiến. Khi lập phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã nói: “Đây là Mình Thày bị nộp vì anh em; Đây là Máu Thày đổ ra cho anh em và mọi người được tha tội” (Lc 22,19).
Đó là tình yêu hiền lành khiêm nhường. Chúa Giêsu cam lòng chịu kết án oan ức, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ chịu chết mà chẳng một lời oán thán.
Đó tình yêu tha thứ. Không chỉ tha thứ mà còn cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người cũng tha thứ cho kẻ trộm lành: “Thật Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở với Ta trên thiên đàng” (Lc 23,43).
Đó là tình yêu muốn tiếp diễn mãi mãi. Nên Người truyền cho ta: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Cử hành thánh lễ, chầu Mình Thánh, kiệu Thánh Thể để Chúa ở mãi với ta, tiếp tục bày tỏ tình yêu thương với ta.
Người mong muốn kéo dài tình yêu của Người cho đến tận cùng không gian và đến tận cùng thời gian nơi cuộc đời chúng ta. Vì thế khi ta chịu lễ, ta phải kết hiệp mật thiết với Người, nên một với Người. Nên một với Người là biến đổi để ta suy nghĩ, nói năng và hành động như Người, nghĩa là sống như Người.
Sống như Chúa là hãy có tình yêu thương phục vụ. Vì Chúa đã dạy: “Như Thày đã rửa chân cho các con, các con cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Sống như Chúa là hãy có tình yêu tự hiến. Quên mình vì hạnh phúc của người khác. Dám hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền bạc vì anh em. Sống như Chúa là hãy có lòng hiền lành khiêm nhường. Vì Chúa đã dạy: “Hãy học cùng Thày, vì Thày hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Sống như Chúa là hãy tha thứ, không phải chỉ tha thứ 7 lần mà đến 70 lần 7 (x. Mt 18,21-22).
Sống như thế, ta trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa giữa trần gian. Sống như thế, ta trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Sống như thế ta tôn sùng bí tích Thánh Thể một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Sống như thế là sống nhờ Thánh Thể. Không còn sống cho những giá trị trần gian mau qua, nhưng sống cho những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy con biết sống bí tích Thánh Thể để con được kết hiệp với Chúa và càng ngày càng nên giống Chúa hơn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Ban đã phải trả cho César những gì thuộc về César. Nhưng bạn có thực sự trả cho Chúa những gì thuộc về Người không?
2- Bạn làm gì để nên giống Chúa?
3- Qua bí tích Thánh Thể, bạn có thể hiểu được gì về tình yêu Chúa đối với bạn?