Dân Chúa Âu Châu

Tuy rằng rồng là một con vật không có thật nhưng người ta đã cùng nhau nhận rằng rồng có hình dạng như vậy … đó. Con vật nào có cái đầu, cái thân, mấy cái chân, với cái đuôi như vậy đó thì gọi là con rồng. Có một loại … rồng có thật, gọi là rồng lá (leafy seadragon), có tên khoa học là Phycodurus eques. Đây không phải là rồng phun lửa trong thần thoại mà là một loại cá, giống như con rồng và có kích thước nhỏ hơn, được tìm thấy trong vùng biển Tây Victoria và vùng biển phía nam của Tây Úc. Rồng lá được xem như là kỳ quan của biển cả.
namthin

Năm Thìn nói chuyện Rồng

Con Rồng cháu Tiên

Năm âm lịch được tính theo mười hai con “giáp” (thập nhị chi): Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi lần con giáp được lặp lại thì kể như là đã 12 năm. Tên của năm âm lịch lại còn được kèm một tên trong “thập can”: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Do đó, năm âm lịch có tên được ghép bởi một can với một chi. Năm nay, 2012, là năm Nhâm Thìn. Chu kỳ của năm âm lịch là 60 năm, nghĩa là Nhâm Thìn trước là năm 1952, thì Nhâm Thìn này là 2012. Ai sinh năm Nhâm Thìn trước (1952) thì đến Nhâm Thìn này (2012) sẽ tròn 60 năm, nghĩa là 60 tuổi, nhưng thật ra lại không phải vậy, người Việt tính là 61 tuổi chớ không phải 60!

Tính theo thập nhị chi thì Rồng đứng vào hàng thứ năm, nhưng tính theo “tứ linh” (bốn con vật linh): long, lân, qui, phụng thì Rồng lại đứng hàng đầu. Trong thập nhị chi tính từ Tí cho đến Hợi (ứng với: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo) thì tất cả đều được con người biết, duy chỉ có Thìn-Rồng thì chịu, do người ta tưởng tượng ra. Rồng là một linh vật được huyền thoại hóa mang đầy tính siêu nhiên. Có thể nói, rồng là một biểu tượng của sự linh thiêng, cương trực, mạnh mẽ, sự vươn lên. Theo truyền thuyết, chuyện cá chép hóa rồng là một hình ảnh của sự vươn lên.

Đối với người Việt Nam, truyền thuyết kể lại rằng vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi rồng lấy Âu Cơ thuộc dòng dõi tiên sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra 100 con, nửa theo mẹ lên núi vì mẹ là giống Tiên, nửa theo cha xuống biển, vì cha là giống Rồng; và từ đó sinh ra một dòng Việt Nam. Người Việt Nam đã tự hào mình là con Rồng cháu Tiên.

Rồng trong sử Việt

Chưa hề có ai tận mắt thấy rồng, tuy nhiên kinh Thư có đoạn nói vua Vũ (nhà Hạ) ngồi trên thuyền nơi giữa sông Hoàng Hà bỗng sóng gió nổi lên dữ dội thì một con rồng vàng bơi đến, đội thuyền của vua lên, nhờ vậy thuyền không bị chìm. Trong lịch sử Việt Nam, có những chuyện về rồng:
- Năm 549, Triệu Việt Vương trốn ở trong đầm Dạ Trạch để tránh quân nhà Lương. Lâu ngày, quân Lương không lui, Triệu Việt Vương mới lập đàn cầu khẩn thần linh. Truyền thuyết nói rằng vị thần trong đầm là Chử đồng Tử đã cưởi rồng vàng từ trên trời xuống, rút móng rồng trao cho ông, bảo gài lên mũ đâu mâu mà đánh giặc. Nhờ đó, Triệu Việt Vương đã đánh đâu thắng đó.
- Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ thường hay chơi trò đánh trận với các bạn. Một hôm, Đinh Bộ Lĩnh đã mổ trâu của chú làm thịt khao quân, bị ông chú rượt theo đuổi đánh, tới bờ sông, cùng đường, vừa may một con rồng vàng nổi lên trên mặt nước, ghé sát, thế là “vua cờ lau nhảy” vọt cưỡi lên lưng rồng khiến ông chú phải thất kinh, quỳ xuống vái lạy (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
- Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ thành Hoa Lư ra thành Đại La, lúc thuyền rồng sắp sửa cập bến thì trên trời mây vàng tụ thành hình con rồng đang bay lên, nhân đó vua Lý đã đổi tên thành Đại La ra là thành Thăng Long.

Những tên có chữ rồng (long)

Không có thật nhưng con rồng vẫn cứ được sùng bái tôn vinh. Trong tâm linh, trong trí tương tượng của con người phương Đông, rồng là biểu tượng, là tượng trưng của sức mạnh, quyền uy, là biến hóa, là linh thiêng. và tượng trưng cho những gì cao quý. Ngoài việc con rồng là một biểu trưng cho nguồn cội của giống nòi, rồng lại được dùng để hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: ông vua. Những gì thuộc về vua được gọi với chữ long đứng kèm.

- long bào: áo vua mặc
- long xa: xe để vua đi
- long sàng: giường vua nằm
- long thể: thân thể vua
- long nhan: mặt vua
- long mạch: chỗ đất thạnh vượng, có chôn ai xuống đó, thì con cháu nếu không làm vua thì cũng sẽ được giàu sang
- long đình: sân rồng nhà vua (anh em bái tạ, long đình đều lui - Lục Vân Tiên)
- long cổn: áo lễ có thêu rồng để vua mặc khi làm lễ tế trời
- …

Những địa danh có tên rồng (long)

Ngoài Thăng Long là tên thủ đô xưa, Việt Nam có nhiều địa danh mang tên Rồng hay Long từ Bắc chí Nam:

- Long Biên, nơi Lý Nam Đế đóng đô và đặt tên nước là Vạn Xuân.

- cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng, được xây trong những năm (1899-1902), được đặt tên Paul Doumer, tên của vị Toàn quyền Đông Dương thời đó, ngày nay được gọi là cầu Long Biên.

- cầu Hàm Rồng, bắc qua sông Mã, gần Thanh Hóa, đã có từ năm 1904.

- Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh của Việt Nam, nơi thu hút nhiều du khách. Truyền thuyết kể lại xưa kia khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ. 

- Cửu Long (được gọi là con rồng xuyên Việt), con sông vào đến miền Nam chia thành hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang, cuối cùng thoát ra bằng 9 cửa sông, cho nên có tên gọi là sông Cửu Long (tức 9 con Rồng).

- Kim Long, một địa danh ở Huế, được gắn liền với vua Thành Thái trong thời gian kháng Pháp.

Rồi đi lần về phía Nam, người ta sẽ gặp những nơi như: tỉnh Long Khánh, tỉnh Phước Long, tỉnh Long An (còn có tên là Tân An), tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Long Xuyên và những nơi như Long Bình, Long Định, … kể không hết.

Những hình tượng rồng

Những tác phẩm nghệ thuật về rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang phục vua chúa. Hình tượng con rồng cũng thay đổi theo dòng lịch sử qua các triều đại. Việc xác định phong cách thể hiện con rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến trúc nào đó.

Rồng đời Lý

Đó là nhưng con rồng thân tròn lẳng, khá dài, không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, rất nhẹ nhàng, có bốn chân, mỗi chân có ba ngón phía trước, không có ngón chân sau và có hình dạng của một con rắn. Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng thì há to. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng giống chân loài chim.

Rồng đời Trần

Thân rồng thời Trần vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Chân rồng thường ngắn hơn, và có sự xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi tai.

Rồng đời Lê

Đến thời Lê, rồng có sự thay đổi hẳn, rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía trên. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa lên đỡ râu, tư thế thướng thấy ở các con rồng đời sau. Cổ rồng thường nhỏ hơn thân, một hiện tượng ít thấy ở những con rồng trước đó, nhưng vẫn còn mang dáng dấp truyền thống của loài rắn.

Rồng đời Nguyễn

Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vảy trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.

Rồng quay đầu lại

Đặc biệt, trong vùng Mê Linh, người ta kiêng cử không làm “tượng rồng quay đầu lại” vì đó là biểu tượng hai bà Trưng quay đầu lại nhìn quê hương lần cuối trước khi nhảy xuống tự tử ở sông Hát. Ngoài Mê Linh, tưởng nhớ đến hai bà, người ta cũng nhớ đến “dòng sông Hát” nơi hai bà đã gieo mình xuống. Sông Hát là một nhánh của sông Đáy. Dọc theo dòng sông Hát có một nơi tên là Hát Môn, nơi còn giữ nhiều kỷ vật của hai bà, như đôi hài có thêu “tiên rồng hậu phượng”. 

Rồng trong văn chương

Qua ca dao, người bình dân Việt Nam quan niệm con rồng như là một hình ảnh đẹp, có giá trị về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó cũng thuộc về loài vật, nhưng là loài vật cao cấp nhất. Có nhiều câu ca dao đã sử dụng hình tượng con rồng để nói bóng về một con người cao sang hay một cái gì đáng quí:

Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài


Có bạn đến thăm, chủ nhà khiêm nhường nói: Rồng đến nhà Tôm. Đi học, viết chữ đẹp thì được khen là viết chữ như rồng bay phượng múa, còn viết chữ xấu thì bị chê là viết như cua bò. Lắm điều lắm chuyện, người đời chê bai là “vẽ chân cho rắn, vẽ râu cho rồng”!

Bởi rồng không có thật nên dân gian lại mượn rồng để nói chuyện không có

Anh đây lục trí thần thông
Bẻ mây đón gió, bắt rồng đi chơi


hay như:

Cần câu sắt, sợi nhợ bạc, uốn lưỡi câu đồng 
Móc mồi loan phụng câu rồng trên mây.


Mà bởi không có thật nên chính rồng cũng là hình tượng được dùng để trách móc những kẻ ..

Trách ai ăn ở hai lòng
Đang chơi với phụng, thấy rồng bay theo


Nhưng chuyện “rồng với mây” là chuyện tình đời thắm thiết:

Tình cờ bắt gặp mình đây
Như cá gặp nước như mây gặp rồng.


Rồng … có thiệt

Tuy rằng rồng là một con vật không có thật nhưng người ta đã cùng nhau nhận rằng rồng có hình dạng như vậy … đó. Con vật nào có cái đầu, cái thân, mấy cái chân, với cái đuôi như vậy đó thì gọi là con rồng. Có một loại … rồng có thật, gọi là rồng lá (leafy seadragon), có tên khoa học là Phycodurus eques. Đây không phải là rồng phun lửa trong thần thoại mà là một loại cá, giống như con rồng và có kích thước nhỏ hơn, được tìm thấy trong vùng biển Tây Victoria và vùng biển phía nam của Tây Úc. Rồng lá được xem như là kỳ quan của biển cả.

 
-----------------------
Nguyễn Ngọc Sáng

Nguồn tin: http://vietcatholic.com