Dân Chúa Âu Châu

GNsP – “Cần luật này bảo vệ chế độ này, không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.” Lời khẳng định này của Tổng Bí Thư chính là nguyên nhân sâu xa khiến 86,86% Đại biểu quốc hội đã nhấn nút thông qua Dự thảo Luật An Ninh Mạng. Thế nhưng:

1-Có phải “luật là để bảo vệ chế độ” ?

Có câu “quan nhất thời, dân vạn đại”, lịch sử cho thấy dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều chế độ, các thể chế lãnh đạo rồi cũng sẽ thay đổi, chỉ có vai trò của người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước là trường tồn. Do vậy, luật là để bảo vệ người dân. Mà muốn bảo vệ được người dân thì luật phải thuận lòng dân. Do vậy “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” là một tư duy giá trị về việc “lấy dân làm gốc” trong áng hùng thư Bình Ngô Đại Cáo của nhà chí sĩ Nguyễn Trãi viết sau khi nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống quân Minh kéo dài 10 năm (1418–1427).

Và điều kiện tiên quyết để thực hiện đường lối lãnh đạo giàu tính nhân bản này đó đất nước đó, xã hội đó phải thực thi quyền tự do dân chủ, tầng lớp lãnh đạo là những người biết lắng nghe, biết đối thoại, nguyện vọng của người dân được tôn trọng, mà một trong các hình thức thể hiện nguyện vọng của người dân đó là quyền tự do biểu đạt chính kiến, tự do ngôn luận. Đây cũng là quyền công dân được Hiến Pháp, pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế quy định.

Tuy nhiên, vì “luật pháp Việt Nam bảo vệ chế độ hơn là bảo vệ người dân” như nhận định của luật sư Võ An Đôn, nên Quốc hội đã đi ngược lại với ý muốn của người dân khi mà đã có đến hơn 65.000 công dân ký tên yêu cầu Quốc Hội không thông qua Dự thảo Luật An Ninh Mạng trong bản kiến nghị do nhóm Hate Change khởi xướng. Đồng thời, có đến 93% trong số hơn 64.000 người đã chọn “không đồng ý với Luật An Ninh Mạng” trong một cuộc trưng cầu ý kiến diễn ra trong vòng 24 giờ do trang Luật Khoa Tạp Chí tổ chức. Bên cạnh đó, vào ngày 10/6, một cuộc biểu tình đồng diễn ra khắp cả nước để phản đối Luật Đặc Khu và Luật An ninh Mạng.

“Lấy dân làm gốc” là một trong những đường lối lãnh đạo ưu việt được các vị lãnh tụ tài ba và đạo đức của các thời đại lựa chọn, nếu muốn bảo vệ giang sơn xã tắc của mình. Vâng! Bảo vệ giang sơn xã tắc chứ không phải bảo vệ chế độ. Bởi lẽ giang sơn xã tắc là của toàn dân. Chế độ là của một nhóm người đang lãnh đạo người dân theo thể chế họ muốn mà thôi.

Chúng ta đồng ý với ông Tổng Bí Thư rằng: “Trên thế giới, rất nhiều nước có luật này”. Cụ thể là 138 quốc gia đã ban hành Luật An Ninh Mạng theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc.Tuy nhiên, nội dung chính của Luật An Ninh Mạng của các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường mạng Internet, chứ không phải là công cụ để bịt miệng người dân.

Cùng là các quốc gia ban hành Luật An Ninh Mạng nhưng rõ ràng Đức, Singapore không hề giống Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống kiểm duyệt Internet chặt chẽ với mục đích ngăn chặn người sử dụng Internet ở Trung Quốc truy cập các tư liệu gây bất lợi cho chế độ , tránh “nguy cơ” người dân tự do tìm hiểu thông tin các từ khoá liên quan đến dân chủ, các sự kiện “nhạy cảm” như “Lục Tứ”, “Chiến tranh biên giới Liên Xô – Trung Quốc năm 1969”,“sự kiện thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989”, Pháp Luân Công và ngay cả từ Chân-Thiện-Mỹ vì đó chính là nguyên lý của Pháp Luân Công cũng như tin tức của nhóm bất đồng chính kiến.

Vấn đề là Luật An Ninh Mạng tại Việt Nam sẽ là bản sao của Trung Quốc. Điều này có cần thiết phải chứng minh khi mà với Luật Đặc Khu thì người Trung Quốc có thể sẽ hiện diện “đông như quân Nguyên” trên mảnh đất hình cong như chữ S này với thời gian rất ư lâu dài ?

2-Tại sao “không thể để muốn nói gì thì nói” ?

Trong một thể chế mà người dân thực sự có quyền tự do ngôn luận thì tại sao “không thể để muốn nói gì thì nói” ? Nếu họ nói sai thì chính quyền phải nói cho họ biết “họ sai ở chỗ nào”, đối thoại với họ trong tinh thần dân chủ, còn “nếu như họ nói phải thì tại sao lại cấm và nhốt họ?”. Không kể những người kém ý thức khi sử dụng trang mạng xã hội, một người dân có văn hóa và hiểu biết thì không thể “muốn chửi ai thì chửi”. Tuy nhiên, nếu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là những người tha hóa, mất đạo đức, thiếu nhân phẩm thì không thể nào “ngăn chặn hành vi gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự” của người dân đối với họ.

Vì lẽ, người giữ chức vụ cao trong xã hội được xem là người của công chúng. Do vậy mỗi khi vấp sai trái, họ phải chịu áp lực từ dư luận. Ở các nước tự do dân chủ và văn minh, người dân không đặt lãnh tụ, giới lãnh đạo vào chính sách thần thánh hóa. Vì thế, ngay cả khi người dân xúc phạm danh dự của giới cầm quyền thì điều đó cũng không có nghĩa là họ phạm luật.

Bà Park Geun-hye bị người dân tố cáo nhiều tội danh nghiêm trọng ngay trong khi bà còn giữ chức vụ Tổng Thống Hàn Quốc nhưng không một người dân Hàn Quốc nào bị cấm đoán không được “muốn nói gì thì nói”, ngược lại cựu Tổng Thống đã bị truất phế và có thể đối mặt mức án ít nhất là 10 năm tù.

Ngay sau khi lễ nhậm chức của Tổng Thống Donal Trump, có cả triệu người Mỹ xuống đường biểu tình, phản đối Tân Tổng Thống, nhưng không có đoàn biểu tình nào bị các lực lượng công vụ, cảnh sát đàn áp, bắt bớ vì người dân đã “ muốn chửi ai thì chửi ”, kể cả người bị chửi là người quyền lực nhất nước Mỹ.

Với luật An Ninh Mạng thì người dân chỉ được phép tiếp cận những thông tin mà nhà cầm quyền cho là tốt đẹp. Vì thế, mọi sự che đậy khiến tạo môi trường cho những bất đồng chính kiến ngấm ngầm phát triển như dung nham trong lòng núi lửa. Một đất nước thực sự an bình, một chế độ thực sự yên ổn là khi người dân “tâm phục, khẩu phục” đường lối lãnh đạo của chính quyền chứ không phải chỉ “ bằng mặt mà không bằng lòng” vì họ là người yếu thế trước cường quyền. Khi sự bất bình của người dân giống như những mạch ngầm đã có trong lòng đất và mọi trật tự trên bề mặt quả địa cầu giống như “trật tự xã hội” trong một chế độc tài chỉ là bề nổi, thì sự phản kháng của người dân sẽ là những trận động đất bất ngờ. Cuộc tổng biểu tình khắp nước vào ngày 10-06 vừa qua đã là một minh chứng cụ thể.

Giờ thì tuyên bố của ông Tổng Bí Thư như chẳng khác nào “ván bài đã lật ngửa” trong canh bạc vận mệnh của người dân và đất nước. Trong tay những người dân có tâm huyết với đất nước lúc này có thể là những quân bài xấu vì “quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt”, vậy “hãy để sự khôn ngoan biến họ thành người chơi giỏi”, vì đó là cách để người dân không “bị dẫn dắt trong ngu dốt và câm lặng, như bầy cừu được dẫn đến lò mổ” – George Washington.

Điền Phương Thảo

Bài sử dụng nguồn từ:
https://www.facebook.com/hatechange/…
https://nld.com.vn/…/tong-bi-thu-noi-ve-luat-an-ninh-mang-v…
https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-vo-an-d…/2566251.html
https://trithucvn.net/…/top-tu-khoa-kiem-duyet-tai-trung-qu…
http://kenh14.vn/138-quoc-gia-da-ban-hanh-luat-an-ninh-mang…