Dân Chúa Âu Châu

Bắc Triều Tiên là quốc gia khép kín nhất hành tinh, nhưng có không ít hơn một chục ngàn người sinh sống ở nước ngoài. Họ không đơn giản chỉ là các nhà ngoại giao, đặc sứ của chế độ, sinh viên, người tỵ nạn hay là những người di dân bất hợp pháp, mà đó là những người được nhà nước cho phép ra khỏi nước, đi xuất khẩu lao động. Hiện tượng này, bắt đầu vào cuối thập niên 1960, nay có dấu hiệu tăng tốc kể từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền vào năm 2011.

« Bắc Triều Tiên xuất khẩu lao động ồ ạt » là hàng tựa nhận định của nhật báo Le Monde. Theo quan sát của Philippe Pons, đặc phái viên của Le Monde tại Seoul, sự hiện diện của người Bắc Triều Tiên ở nước ngoài dễ thấy nhất là ở các nhà hàng do chế độ mở ra tại các tỉnh ở vùng đông bắc Trung Quốc, tại Mông Cổ và ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là tại Cam Bốt.

Nhưng những gì người khác ít thấy nhất là các công nhân làm việc trong các nhà máy của Trung Quốc, làm nghề đốn củi trong những cánh đồng sâu thẳm ở Siberia, hay những người được gởi đến lao động trên các công trường xây dựng ở Trung Đông : Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Koweit, Libya và nhất là Qatar, nơi làm việc của hơn 2000 nhân công Bắc Triều Tiên tại các công trình phục vụ cho Cúp bóng đá Thế giới 2022.

Lương bổng bị tịch thu ?

Điều tra của Trung tâm chiến lược về Bắc Triều Tiên tại Seoul cho biết, trong năm 2012, ước tính có khoảng 60.000 lao động Bắc Triều Tiên, phân bổ tại hơn 40 quốc gia. Xuất khẩu lao động mang về cho chính phủ Bình Nhưỡng mỗi năm từ 150 đến 230 triệu đô-la. Theo nhận định của ông Ahn Myong-chul, giám đốc tổ chức NK Watch – một tổ chức chuyên thu thập các thông tin về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, số lao động xuất khẩu có lẽ đã tăng lên gấp ba trong những năm gần đây.

Từ các lời kể của khoảng 15 nhân chứng Bắc Triều Tiên, những lao động xuất khẩu đào thoát được sang Hàn Quốc, NK Watch cho biết là Đảng Lao động Triều Tiên và một số quan chức chính phủ tại Bình Nhưỡng đã tuyển dụng các lao động theo nhu cầu cần nhân công giá rẻ của nhiều quốc gia. Tiêu chí tuyển chọn được dựa vào lòng trung thành không lay chuyển đối với chế độ, ưu tiên cho các ứng viên đã có gia đình (cho phép chế độ dễ kiểm soát dễ dàng hơn do vẫn còn gia đình ở trong nước). Các ứng viên sau đó sẽ được đi đào tạo nghề ba tháng trước khi xuất cảnh.

Ở nước ngoài, tất cả các lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên sống trong các cư xá. Liên lạc với người dân bản địa hay với các công nhân nước khác rất hiếm hoi và bị giám sát chặt chẽ. Tại đây, họ bị giam hãm trong một thế giới Bắc Triều Tiên thu nhỏ cũng có các khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền, các buổi họp bồi dưỡng chính trị hàng tuần. Đặc biệt là lương bổng bị tịch thu. “Gia đình của họ ở trong nước chỉ nhận được 1/3 của số lương từ 150-250 đô-la được trả. Phần còn lại bị nộp vào công quỹ nhà nước”, ông Ahn cho biết.

Tuy điều kiện lao động khắc nghiệt, nhưng lao động ở nước ngoài được xem như là một đặc quyền tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Do đó, để được chọn, các ứng viên không ngần ngại hối lộ các quan chức phụ trách tuyển dụng. Nếu so với chuẩn quốc tế về lao động, rõ ràng số phận của những người này làm nổi rõ hiện tượng bóc lột lao động.

Thế nhưng, trong con mắt chuyên gia Andrei Lankov, trường Đại học Kookmin, tại Seoul, đi xuất khẩu lao động còn là cách để người dân cải thiện điều kiện sống hiện nay. Theo ông, số phận của những người này “vẫn còn sướng hơn so với đại đa số ở lại trong nước. Chí ít là họ còn kiếm được chút đỉnh tiền. Những ai có thể làm việc ở nước ngoài chẳng hề tự xem mình như là nô lệ cả. Họ ước tính với mức thu nhập hàng tháng từ 30-50 đô-la cho gia đình trong nước, cộng thêm với khoản thu nhập tại chỗ, một lao động có thể chắt bóp được chút ít tiền tiết kiệm, dù rằng một phần lớn tiền lương đã bị nhà nước trưng thu”.

Vào tháng Hai năm nay, NK Watch đã đệ trình một hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc, bổ sung vào bản báo cáo của Ủy ban điều tra về Nhân quyền, yêu cầu mở điều tra về những gì mà tổ chức này cáo buộc là nạn “nô lệ nhà nước”. Một cáo buộc mà Bình Nhưỡng đã phản bác lại, cho đó là một “cáo buộc gian dối nhằm lật đổ chính phủ”.

RFI Điểm báo

Trích từ VRNs