Dân Chúa Âu Châu

Một hiệu trưởng một trường tiểu học tại Sixian đã kết nối lễ Giáng Sinh với sự xâm lấn của các cường quốc phương Tây trong cuộc Chiến tranh nha phiến và sau Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn. Các học sinh trung học thề sẽ chiến đấu chống lại “cuộc xâm lăng của các đảng phái phương Tây”, vốn chính là một “hành động xâm lăng chống lại văn hóa Trung Quốc”. Các cuộc biểu tình trên các ngả đường phố để “từ chối lễ Giáng Sinh” và thay vào đó là để tưởng nhớ Mao Trạch Đông.

Bắc Kinh (AsiaNews) – Đối với người dân Trung Quốc, việc mừng lễ Giáng Sinh chính là “một sự xấu hổ rát mặt” và “một sự xâm lăng chống lại văn hóa Trung Quốc”; thay vì kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu vào ngày 25 tháng 12, tốt hơn hết là phải tưởng nhớ ngày sinh của Mao Trạch Đông vào ngày 26 tháng 12. Đó chính là một số khẩu hiệu được hô vang trên khắp một số thành phố ở Trung Quốc trong tuần này, theo sau lệnh cấm trưng bày các vật dụng trang trí lễ Giáng Sinh và việc ngăn cấm các cuộc tụ họp về chủ đề lễ Giáng Sinh.

Trong nhiều năm, đã có những nỗ lực nhằm giảm thiểu những tác động cũng như “sự ô nhiễm tinh thần” mà lễ Giáng Sinh gây ra đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là trong thế giới các trường đại học.

Năm nay, lệnh cấm bao gồm việc trao cho nhau những lời chúc mừng lễ Giáng Sinh, việc trang trí tại các trung tâm mua sắm, các bài Thánh Ca Giáng sinh và việc mua bán các vật dụng trang trí lễ Giáng Sinh.

Vào đêm Giáng sinh, tại quận Sixian (An Huy), Dong Xuefeng, hiệu trưởng trường tiểu học của thành phố, đã tập hợp các học sinh và phát biểu rằng lễ Giáng Sinh là một sự ô nhục đối với người dân Trung Quốc vì những sự sỉ nhục trong quá khứ từ các cường quốc phương Tây, tất cả đều là Kitô giáo.

Ông Dong đã đề cập đến các cuộc chiến tranh thuốc phiện và cuộc xâm lược Anh-Pháp năm 1860, vốn đã phá hủy cung điện mùa hè của đế quốc ở Bắc Kinh (cố cung Viên Minh Viên – Yuanmingyuan, trong số những thứ khác, được thiết kế bởi Dòng Tên Châu Âu). Và ông tiếp tục nói về tội ác của các cường quốc xâm chiếm Trung Quốc vào năm 1900 (Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga, Áo, Hoa Kỳ và Ý), sau cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn. “Ngoài người Nhật – ông xác định – tất cả họ đều là những người Kitô hữu. Những tội ác mà họ đã thấm nhuộm ở Trung Quốc là quá nhiều đến nỗi không thể liệt kê hết được”.

Sau đó, một học sinh cũng đã trình bày một bài phát biểu, mà trong đó nhắc lại rằng ngày sau Giáng sinh là ngày kỷ niệm ngày sinh của Mao Trạch Đông. “Đối với người dân Trung Quốc – em học sinh nói – đây mới chính là ngày lễ phải ăn mừng”.

Vào ngày lễ Giáng Sinh, tại quận Gushi (Hà Nam), tại trường trung học Taohuawu, các giáo viên đã tổ chức một buổi lễ tuyên thệ đặc biệt (xem video 1). Lặp đi lặp lại những lời của giáo viên, các sinh viên tuyên bố: “Sự xâm lấn của các lễ hội phương Tây thực sự là một sự xâm lược đối với văn hóa Trung Quốc. Là hậu duệ của Hoàng Đế [tổ tiên huyền thoại của chủng tộc Trung Quốc] Tôi thề, bắt đầu từ hôm nay, ủng hộ ý thức tự giác về văn hóa tự tin và di sản của nền văn minh của chúng ta. Tôi muốn tuân giữ những ngày lễ của Trung Quốc!”.

Vào những ngày trước, tại một số thành phố của Nội Mông đã có những cuộc biểu tình của các nhóm trên đường phố và trước các doanh nghiệp hô to các khẩu hiệu như “Chúng tôi từ chối ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ và lễ Giáng sinh!”; “Chúng tôi luôn tưởng nhớ Chủ tịch Mao Trạch Đông!”.

Ở những nơi khác, các cuộc hội đàm đã được tổ chức về lễ Giáng Sinh, mối liên hệ của nó với các cường quốc phương Tây vốn đã làm bẽ mặt Trung Quốc, việc từ chối mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 và ca ngợi ký ức về chủ tịch Mao Trạch Đông (video 2). Sự thực rằng các vấn đề tương tự xuất hiện ở những nơi khác nhau cho thấy tất cả các sự kiện đều đã được tổ chức bởi Văn phòng Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn công khai bảo vệ “cuộc chiến chống lại sự ô nhiễm tinh thần” này, bởi vì nó giúp giới trẻ “điều chỉnh tầm nhìn của họ đối với cuộc sống và các giá trị “.

Minh Tuệ chuyển ngữ