Dân Chúa Âu Châu

henri benoit denis int 1543497843Sáng thứ Sáu, ngày 10 tháng Năm vừa qua, giai đoạn điều tra cấp giáo phận về án phong chân phước cho cha Cố Thuận, vị sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam, đã được kết thúc tại Tòa Giám quản Roma, do Đức cha Baldassare Reina, Phó Giám quản Roma, chủ tọa.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Cố Benoît Thuận, tục danh là Henri Francois Denis, sinh ngày 17 tháng Tám năm 1880, tại Boulogne-sur-Mère bên Pháp và gia nhập Hội thừa sai Paris năm 21 tuổi (1901), thụ phong linh mục hai năm sau đó, năm 1903 và được gửi sang Việt Nam, làm việc truyền giáo tại Huế. Cha lấy tên Việt là Thuận, có nghĩa là “vâng phục”, theo mẫu gương Fiat-Xin vâng của Mẹ Maria.

Cha Thuận dạy tại Tiểu chủng viện, và năm 1908 được gửi tới Nước Mặn, và sau đó, cha đạt được mộng ước là sống đời chiêm niệm vào năm 1918. Cha cùng với một môn đệ là Taddeo, thiết lập nhà đầu tiên. Năm 1920 được sắc lệnh thành lập và đón nhận các thỉnh sinh đầu tiên.

Cha qua đời ngày 24 tháng Bảy năm 1933 tại Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, lúc mới 53 tuổi. Ngày 21 tháng Ba năm 1935, tất cả các đan sĩ đã khấn đều lập lại lời khấn thành lời khấn trọng thể và được sáp nhập vào Dòng Xitô. Kỳ đó, Dòng Phước Sơn đã có 93 đan sĩ. Theo Niên giám 2023 của Tòa Thánh (trang 1391), Hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam có 11 Đan viện với 773 Đan sĩ, trên tổng số 1.607 Đan sĩ toàn dòng.

Hiện diện tại buổi lễ kết thúc giai đoạn kết thúc điều tra cấp giáo phận, cũng có cha Mauro Giuseppe Lepori, người Thụy Sĩ, Viện Phụ tổng quyền. Ngoài ra, có sự tham dự của một số đan sĩ Xitô nam nữ Việt Nam và nước ngoài, cùng với các giáo dân.

Cuối buổi lễ, toàn bộ hồ sơ thu thập được đã được bỏ vào thùng, đóng triện để gửi về Bộ Phong thánh cứu xét.

Tại đây, Bộ sẽ cứu xét và ban sắc lệnh xác nhận giá trị cuộc điều tra cấp giáo phận, trước khi chỉ định vị tường trình viên án phong (relatore), để cùng với vị thỉnh nguyện viên soạn tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, về cuộc đời, hoạt động và việc thực hành các nhân đức Kitô giáo của vị tôi tớ Chúa Henri Francois Denis Thuận. Hồ sơ sẽ được 9 vị cố vấn của Bộ cứu xét và bỏ phiếu. Sau đó, Hội đồng các hồng y, giám mục thành viên của Bộ bỏ phiếu, và nếu qua lọt giai đoạn này, hồ sơ sẽ được đệ lên Đức Thánh cha để xin ngài phê chuẩn, trước khi Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong thánh công bố nhìn nhận vị tôi tớ Chúa đã thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng và vị tôi tớ Chúa sẽ được gọi là Đấng Đáng kính. Tiếp đến sẽ là giai đoạn cứu xét phép lạ, và nếu được phê chuẩn, thì sẽ được phong chân phước.

(Tổng hợp 11-5-2024)