Dân Chúa Âu Châu

GNsP (21.11.2020) – Đây là nội dung khẳng định “quan điểm” của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn được ghi nhận tại Biên Bản Phiên họp Hội Đồng Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn ngày 26/6/2001.

Sau 1975, các Trường học Công Giáo thuộc Giáo phận Sài Gòn buộc phải “giao” cho nhà cầm quyền quản lý. Tại “Thông cáo chung của Sở Giáo dục TP.HCM và Ủy Ban liên lạc Giáo dục Công giáo về việc công lập hóa các tư thục Công giáo” được ký kết giữa Lm Nguyễn Thới Hòa (Chủ tịch Ủy Ban liên lạc Giáo dục Công giáo) và ông Lương Lê Đồng (Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM) cam kết: Chiếu văn thư số 576/VP-75 ngày 07/10/1975 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình với ông Chủ tịch chánh phủ lâm thời, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về “việc công lập hóa tư thục”:

  • “1. Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc giáo phận kể từ niên khóa 1975-1976 này, để phục vụ cho mục tiêu giáo dục.”
  • “2. Quyền sở hữu các trường nói trên vẫn thuộc về Giáo hội Công giáo”. Trong trường hợp muốn dành cơ sở phục vụ cho một mục tiêu khác ngoài mục tiêu giáo dục, cần phải có sự thỏa thuận của đôi bên.

Trong cuộc họp Hội Đồng Mục Vụ TGP Sài Gòn vào ngày 26/06/2001, có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục, 23 linh mục, gồm 2 đại diện Giám mục về linh mục và tu sĩ; đại diện 15 Giáo hạt, Văn phòng TGM và các Ban Mục vụ như Gia Đình, Giới Trẻ, Thiếu Nhi, Giáo Lý và Truyền Giáo, khẳng định rõ lập trường “về cơ sở vật chất của giáo phận” như sau:

“Trong cuộc gặp gỡ Đức Tổng Giám mục ngày 06/06 tại TGM, các cấp lãnh đạo thành phố cho biết: đối với các Cơ sở Tôn giáo đã cho Nhà nước mượn, thành phố sẽ lên lịch và trả dần…

Quan điểm của Tòa Giám Mục là:

  • TGM chưa hiến một cơ sở nào cho Nhà nước theo nghĩa nhượng quyền sở hữu mà chỉ nhượng quyền sử dụng với một vài điều kiện kèm theo, như Đức cố TGM Nguyễn Văn Bình đã làm trước đây khi giao các trường Công giáo cho Nhà nước.
  • Kinh nghiệm này cho thấy nội dung của các văn bản ký kết rất quan trọng: chúng có thể để lại những hậu quả lâu dài và không lường trước được, do đó cần có sự khôn ngoan và cẩn trọng trong khi ký kết một điều gì.
  • TGM mới là chủ quản thực sự của các cơ sở Tôn giáo; do đó, các linh mục hay người quản lý không đủ tư cách pháp lý để giao hiến các tài sản trên. Hơn nữa, để được gọi là “hiến” thì người hiến phải có tự do chứ không bị ép buộc hay áp lực.
  • TGM xin quý Cha, nơi nào chưa lập bản kê khai nhà đất thuộc giáo xứ, tiếp tục thực hiện và gửi về TGM với đầy đủ những chứng từ liên hệ có được; đồng thời báo cáo tình hình nhà đất thuộc quyền quản lý của mình của TGM để có thể đưa ra một hướng giải quyết chung trong vấn đề này.
  • Xin quý Cha trong hạt, bàn thảo với nhau và cho TGM biết ý kiến về những phương thức đã và đang được áp dụng trong các giáo xứ liên quan đến việc bảo quản nhà đất; trước đó, các Cha cũng nên tham khảo ý kiến của giáo dân qua hội đồng mục vụ giáo xứ vì giáo dân quan tâm nhiều đến vấn đề này, bởi nó có liên quan đến quyền lợi của con cháu họ sau này. Họ thường nghĩ đến chuyện lâu dài chứ không nhìn thấy những quyền lợi trước mắt.
  • TGM đứng ra trực tiếp giải quyết những vấn đề chung của giáo phận tương tự như trường hợp tiểu chủng viện, còn những trường hợp tại giáo xứ TGM ủy nhiệm cho quý Cha giải quyết theo hướng chung của Giáo phận.

Lập trường trên được Tòa TGM Gp Sài Gòn công bố rộng rãi cho bà con Giáo dân tại các Giáo xứ trong Giáo phận Sài Gòn, “Thông cáo” do Linh Mục GB. Huỳnh Công Minh, Tổng đại Diện Giáo Phận ký vào ngày ngày 31/08/2001, với nội dung:

“A. VỀ QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ TƯ THỤC CỦA GIÁO HỘI ĐÃ TRAO CHO NHÀ NƯỚC SỬ DỤNG.

–       Căn cứ Văn thư số 576/VP-75 của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký ngày 07.10.1975.

–       Căn cứ  bản Thông cáo chung ngày 15.10.1975 được ký giữa ông Lương Lê Đồng, Giám Đốc Sở giáo dục TP.HCM và Linh Mục Nguyễn Thới Hòa, Chủ Tịch Ủy ban Liên Lạc Giáo Dục Công Giáo.

Bằng vào hai văn bản trên mà các trường Tư Thục Công Giáo đã được đặt dưới sự sử dụng của Nhà Nước và cho đến nay không có văn bản pháp lý nào thay đổi bất cứ điều nào trong hai Văn bản này. Như vậy quyền sở hữu đối với các cơ sở Tư Thục Công Giáo mà Giáo Phận đã trao cho Nhà Nước sử dụng vẫn thuộc Giáo Hội Công Giáo Giáo Phận TP.HCM.

Những văn bản đơn phương do các cá nhân “hiến” cơ sở Tư Thục Công Giáo đều trái với quy định của hai Văn bản này và không có giá trị, vì cá nhân không có quyền sở hữu các cơ sở Tư Thục Công Giáo, nên không thể “hiến” cho ai một cách hợp pháp.”

Dựa trên quan điểm của Tòa Tổng Giám mục và hồ sơ, tài liệu đang có, Giáo xứ Thị Nghè khẳng định vẫn là chủ sở hữu Trường Phước An (Phù Đổng hiện nay).

Tại các Biên bản bàn giao Trường Phước An đều căn cứ các Văn Thư của Tòa Tổng Giám mục và Thông cáo chung, theo đó khẳng định Quyền sở hữu Trường Phước An chỉ “bàn giao” cho nhà nước sử dụng vào mục tiêu giáo dục. Quyền sở hữu tài sản (Trường Phước An) vẫn thuộc Giáo xứ Thị Nghè.

Vào ngày 13/08/1996, theo Bằng khoán sử dụng đất của nhà thờ Thị Nghè từ trước năm 1975 và theo tờ kê khai sử dụng tài sản của Giáo phận liên quan đến đất nhà thờ, nhà xứ, trong cả các khu vực trường Phước An (Phù đổng) do Đức Giám mục Phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm, Tòa Giám Mục Giáo phận Sài Gòn, ký xác nhận Giáo xứ Thị Nghè vẫn là chủ sở hữu hai khu nhà-đất của trường Phước An (Trường Tiểu học Phù Đổng hiện nay).

Chính vì lẽ đó, các Linh mục Quản xứ và phụ trách Giáo xứ Thị Nghè khẳng định sẽ luôn giữ đúng lập trường của Tòa Tòa Giám Mục là bảo vệ tài sản của Giáo hội và Giáo xứ cho đến cùng.

Ông Phaolô Ngô Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Thị Nghè, khẳng định: “Từ năm 1975, Đức tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình có thái độ rất rõ ràng về việc bảo vệ tài sản của Giáo hội gửi đến các Giáo xứ trong Giáo phận. Sau đó, Cha sở Danh khai “tờ sử dụng đất” rất rõ ràng trường Phù Đổng thuộc về nhà thờ và nhà thờ cho mượn hai dãy trường, trường và đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Giáo phận và Giáo xứ. Văn bản này đã được Đức cha Louis Phạm Văn Nẫm, Giám mục Phụ tá Giáo phận Saigon lúc bấy giờ, ký xác nhận. Sau này, Đức Cha Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng cũng xác định vẫn đi theo chủ trương của Đức tổng Bình và không có gì thay đổi và Đức Cha nói sẽ đưa ra ban tư vấn về vấn đề đất đai của Thị Nghè. Nhưng sau đó, chúng tôi không nghe ban tư vấn nói gì cả. Sau đó, chúng tôi hân hạnh được Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tòa Giám mục Giáo phận Sài Gòn, tiếp và ngài hướng dẫn chúng tôi tiếp tục đối thoại trong ôn hòa, tiếp tục làm đơn. Chúng tôi ước ao được thăm Đức tổng Giuse một lần nữa để trình bày kỹ cho ngài hiểu rõ đất sân nhà thờ bị chiếm dụng bất hợp pháp và có nguy cơ bị bán đi để xây dựng cái gì đó trên sân nhà thờ. Chúng tôi ước ao được Đức Tổng ký xác nhận đất đai của Giáo xứ vẫn tiếp tục đi theo đường hướng của Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng như xác nhận hai dãy trường Phù Đổng là tài sản của Giáo hội và là của Giáo xứ.”

Pv. GNsP