Dân Chúa Âu Châu

(Lời BBT: Thời gian vừa qua, tại giáo xứ Thị Nghè, TGP Sài Gòn, đang xôn xao chuyện nhà cầm quyền đã ngang nhiên chiếm đoạt 2 cơ sở vốn là tài sản của Giáo xứ. Truyền thông Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) đã thực hiện loạt phóng sự tìm hiểu và làm rõ việc chiếm đoạt này. Mời quý vị theo dõi trong loạt phóng sự của chúng tôi.)

(GNsP – 17.11.2020) – Giáo xứ Thị Nghè, thuộc Giáo hạt Gia Định, Tổng Giáo phận Sài Gòn. Nhà thờ Thị Nghè nằm trên trục đường chính Hồng Thập Tự (nay là Xô viết Nghệ Tĩnh). Giáo xứ Thị Nghè được thành lập chính thức vào năm 1790, là một trong những Họ Đạo lâu đời nhất của Giáo phận Tây Đàng Trong. Giáo xứ hiện có khoảng trên 5.000 Giáo dân (khoảng 1.200 gia đình) trải dài trên địa bàn các phường 17, 19, và 21 quận Bình Thạnh.

Những ngày qua, bà con Giáo dân Giáo xứ Thị Nghè xôn xao, bức xúc chuyện nhà-đất thuộc quyền sở hữu-quyền sử dụng (QSH-QSD) của Giáo xứ, nay bị nhà cầm quyền cấp Giấy chứng nhận QSH-QSD cho các đơn vị nhằm hợp thức hóa hành vi chiếm đoạt nhà-đất của Giáo xứ Thị Nghè. Quyết định số 5264/QĐ-UBND, của UBND Tp.HCM, do ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 25/09/2013, và hai giấy chủ quyền được cấp cho trường Phù Đổng, GCN-QSDĐ-QSHNO số BR.453947 và BR.453948, do ông Đào Anh Kiệt ký ngày 31/12/2013.

Theo nhiều Văn bản gửi nhà cầm quyền quận Bình Thạnh, và Tp Hồ chính Minh của các Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, chánh xứ; Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Tâm, phó xứ; Linh mục Giuse Kiều Hoàng An, phó xứ; cùng với Ban thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ, Ban điều hành các Giáo khu, các Ban chuyên trách, Ban điều hành các đoàn thể Tông đồ Giáo dân thuộc giáo xứ Thị Nghè, từ khi hình thành Họ Đạo Thị Nghè, theo sự phát triển và nhu cầu mục vụ của Giáo xứ, bà con Giáo dân Thị Nghè đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng trường học trên đất nhà chung (sân nhà thờ) thuộc QSH-QSD của Giáo xứ.

Ngôi trường mang tên Phước An đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh, cống hiến nhiều nhân tài phục vụ Giáo hội, xã hội.

Sau ngày 30/4/1975, Giáo xứ Thị Nghè cho nhà nước mượn theo Văn bản số 576/VP-75, do Đức cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký ngày 07/10/1975, cùng với văn bản Thông cáo chung của Sở giáo dục Tp HCM và Ủy ban liên lạc giáo dục công giáo do ông Lương Lê Đồng và linh mục Nguyễn Thới Hòa ký ngày 15/10/1975. Trường Phước An được “bàn giao” cho nhà nước quản lý và đổi tên là Phù Đổng. Các Bên giao-nhận đều ký văn bản khẳng định “Quyền sở hữu trường vẫn thuộc về Giáo hội Công Giáo”.

Nhưng từ năm 2013, nhà cầm quyền đã cấp Giấy chứng nhận QSH-QSD cho Trường Phù Đổng (Trường Phước An của Giáo xứ Thị Nghè), bất chấp phản đối của các Linh mục, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và bà con Giáo dân. Bà con Giáo dân đã từng có “kinh nghiệm” qua việc bị nhà cầm quyền cướp đoạt hơn 17.000 m2 đất Nghĩa trang của Giáo xứ, sau đó phân lô bán nền, nên không khỏi băn khoăn về số phận ngôi trường của Giáo xứ.

Đối với Đất Nghĩa trang của Giáo xứ Thị Nghè, vào năm 1988, với lý do vệ sinh môi trường, nhà cầm quyền quận Bình Thạnh giải tỏa Nghĩa trang (Đất thánh của họ đạo Thị Nghè ở đường Dương Công Trừng, nay ở vị trí số 10 đường Ngô Tất Tố trở đi), bằng khoán số 6, lô 14, tờ 7 lập bộ năm 1951, diện tích 17.555 mét vuông. Theo Thông báo, quận sử dụng đất cho những công trình phục vụ phúc lợi xã hội. Khi ấy, quận Bình Thạnh thông báo bốc mộ thân nhân và hứa di dời hài cốt về lưu giữ để sau này trao trả lại cho thân nhân. Nhưng đây chỉ là lời hứa suông, một sự tàn ác, vô nhân đạo, khi nhà cầm quyền đã ngang nhiên san ủi, giao mặt bằng cho một Doanh nghiệp nhà nước quản lý sử dụng cho thuê xưởng gỗ. Sau đó, Xí nghiệp quản lý và phát triển quận Bình Thạnh chiếm dụng, phân lô, bán nền, mỗi lô tùy theo vị trí, với giá bao nhiêu lượng vàng, tài liệu và nhân chứng Giáo xứ còn lưu biết rất đầy đủ. Trước thực trạng đất Nhà Chung bị cướp đoạt, dùng cho mục đích kinh doanh, chia chác lợi lộc, Giáo xứ Thị Nghè đã liên tục gởi đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền từ năm 1991 đến năm 1994 nhưng không được giải quyết.

Thị Nghè là khu vực trên bến dưới thuyền, một thời nổi tiếng nhiều “yêng hùng” cùng với các tệ nạn xã hội. Các Vị Giám mục và Linh mục thời bấy giờ lo lắng cho tương lai của con trẻ trong Gx cũng như các vùng lân cận nên các ngài đã quyết định cho xây cất một ngôi trường trên khu đất Nhà Chung của Giáo xứ, vào năm 1870, đặt tên là Trường Họ Đạo. Mãi đến năm 1957, Trường Họ Đạo được đổi tên thành Trường Tư Thục Phước An. Ông Phaolô Ngô Đăng Quang, Chủ tịch HĐMVGX Thị Nghè, cho biết:

“Từ giữa thế kỷ 19, bên cạnh cử hành mục vụ, bí tích cho Họ đạo, Giáo hội đã coi trọng việc giáo dục. Năm 1870, Cha Sở Martin lập trường nam và trường nữ cho Họ đạo Thị Nghè. Năm 1893, Cha Delpech dựng lại trường họ Thị Nghè và lúc này có các sơ Dòng Phaolo giúp dạy học. Năm 1937, Cha Sở Phaolo Đào Trí Thịnh thấy số học sinh mỗi ngày đông hơn nên xây dựng thêm phòng học. Năm 1957, Cha Sở Phanxico Xavie Lê Vĩnh Khương chú trọng đến giáo dục, ngài đã kêu gọi bà con giáo dân đóng góp công sức, hiện kim để xây dựng lại trường gồm ba dãy một trệt hai lầu (hoàn thành vào năm 1960). Trường được đổi tên thành trường Phước An. Năm 1967, do nhu cầu giáo dục phát triển mạnh, Cha Sở Phanxico Phan Văn Thâm xin phép nâng trường Tiểu học Phước An lên thành trường Trung học Phước An và Cha xây dựng thêm 24 phòng học. Năm 1971 xây dựng thêm hai chi nhánh Phước An tại giáo khu 5 (hiện nay là Giáo xứ Martino) và khu Nữ Vương Hòa Bình. Lúc này, trường Phước An với 5600 học sinh và tiếp nhận một số chủng sinh thuộc chủng viện Sài Gòn. Trường chú trọng giáo dục nhân bản, kiến thức và tôn giáo cho thanh thiếu niên lương giáo cư ngụ trên địa bàn Giáo xứ. Hầu hết con em tín hữu họ Thị Nghè đều tiếp cận với nền văn minh chữ nghĩa từ trường Phước An, không ít số học sinh này thành đạt, nên người, một số đã trở thành linh mục, tu sĩ (Cha Hiền, Giám đốc trung tâm Mục vụ, là cựu học sinh trường Phước An).”

Nay, Trường Phước An đã bị biến thành “Phù Đổng” và đang bị xâm phạm quyền sở hữu bất hợp luật theo hiến pháp, luật dân sự và luật tôn giáo, tín ngưỡng của Quốc hội, của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

Phóng sự kỳ 1 qua video: https://youtu.be/6YNodrY4_x4

Pv. GNsP