Dân Chúa Âu Châu

Châu Sơn là địa danh của Đan viện Xitô toạ lạc trên một ngọn đồi thuộc xã Phú Sơn huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây khí hậu trong lành và không gian yên tĩnh, thật lý tưởng cho một dòng chiêm niệm như Xitô. Các tu sĩ sống theo linh đạo nghiêm nhặt của thánh Benedicto, sinh hoạt nề nếp chia thời gian 24h thành ba phần: 8 giờ cầu nguyện, 8 giờ lao động, 8 giờ nghỉ ngơi.

Ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ 02 / 02 / 2015, đan viện Châu Sơn bỗng trở nên nhộn nhịp trái với thường lệ. Đây là một ngày đặc biệt, ngày quy tụ các Cộng đoàn sống đời thánh hiến về gặp gỡ, chia sẻ trong chương trình của năm Phúc âm hoá đời sống thánh hiến do Đức Thánh Cha Phanxico ấn định. Tinh thần của Đức Thánh Cha được thể hiện rất cụ thể trong Tông thư gửi Các người tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến :“Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui” . Khoảng hơn 400 tu sĩ gồm Đan viện Châu Sơn, Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm, Tu Hội Đời Thánh Tâm Chúa Giêsu, Dòng Thừa sai Bác ái Vinh, và đặc biệt có một tu sĩ dòng Don Bosco là cha Gioan B. Dương Hoài Đức về tham dự.

Chương trình khai mạc từ 8 giờ. Các tu sĩ sẽ được nghe huấn từ, hội thảo theo nhóm vào buổi sáng, buổi chiều đúc kết hội thảo và bế mạc trong thánh lễ trọng thể. Hai đấng chủ chăn vị vọng huấn từ, đó là Đức Cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng và Đức Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Đức Cha giáo phận không thể hiện diện vì đang giảng Tĩnh tâm cho linh mục đoàn giáo phận Xuân Lộc. Ngài tín nhiệm hoàn toàn nơi Đức Tổng giám mục để nhờ Đức Tổng huấn từ cho các tu sĩ. Đức Tổng Giuse đã khởi đầu hấp dẫn từ một màn trình chiếu phim “Về những con người và về những vị thần” nói về bảy vị tử đạo tại Algérie. Phim đã được giải thưởng lớn tại liên hoan phim Cannes 2010. Trong phim mô tả các linh mục và các đan sĩ dòng khổ tu đã xây dựng tình hữu nghị và huynh đệ vững mạnh với cộng đồng dân cư xung quanh Đan viện. Đan viện sống tương đối yên bình cho tới ngày xung đột nổi lên giữa chính quyền địa phương và các nhóm Hồi giáo cực đoan có vũ trang. Cho dù các bên có liên quan đến cuộc xung đột này đã khuyên nhủ, gợi ý, báo trước cho các đan sĩ biết rằng các ngài phải rời bỏ Đan viện ngay để bảo toàn mạng sống và tránh những phức tạp không biết trước được về sau này. Từng đan sĩ một cho đến cả cộng đoàn Đan sĩ đã quyết định ở lại.

Cảm động nhất là đêm cuối cùng uống ly rượu nhắc nhớ Tiệc ly, họ đã can đảm uống cạn chén đắng cuộc đời với khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười chiến thắng hoà lẫn những dòng lệ cảm nghiệm sâu xa tình huynh đệ. Cuối cùng tất cả các linh mục và đan sĩ đã bị bắt làm con tin và bị giết chết một cách thảm khốc bởi một nhóm vũ trang Hồi giáo khác.

Sau khi xem phim, Đức Tổng đã phân tích kỹ những tình tiết đáng lưu ý, nhấn mạnh những điều cần học hỏi, đánh giá chiều sâu tâm linh trong mỗi thước phim và giải thích những gì cần giải thích và cuối cùng, câu hỏi hội thảo theo nhóm được đặt ra là:

1. Sau khi xem xong bộ phim bạn có cảm nhận gì để chia sẻ với mọi người?

2. Về đời sống cộng đoàn: Cộng đoàn là trở lực hay trợ lực. Ban thấy đời sống cộng đoàn của các đan sĩ Tibhirine thế nào? Bạn đang sống tinh thần cộng đoàn thế nào?

3. Về trách nhiệm: Đi tu có phải chỉ lo cho bản thân không? Hay còn có trách nhiệm với cộng đoàn, và đặc biệt giáo dân. Bạn nghĩ gì về thái độ của các Đan sĩ khi chọn ở lại vì dân chúng?

4. Về xét mình: Các đan sĩ để Lời Chúa, dân chúng và anh em chất vấn mình. Nhờ đó họ tìm lại được căn tính. Bạn có để Lời Chúa và tha nhân chất vấn mình? Bạn có thường duyệt xét đời tu, tìm về căn tính của mình không?

Các nhóm thảo luận sôi nổi và đều cảm nhận bộ phim giàu cảm xúc, phản ánh đúng thực tế. Cách giải quyết vấn đề của cộng đoàn đan sĩ trong phim đặt nền tảng trên cầu nguyện và sự hy sinh từ bỏ ý riêng, cuối cùng họ đã đạt tới một tình yêu lớn nhất và chứng minh tình yêu trong Đức Kitô làm nên tất cả. Nhờ để Lời Chúa và dân chúng chất vấn mà đời tu tìm về căn tính của mình rõ nét hơn.

Bữa tiệc buffe ban trưa đủ chất đạm, chất béo cả tinh thần, vật chất dành cho mọi thành phần tham dự, vì có đan xen văn nghệ chào mừng gồm ca múa của Dòng Mến Thánh Giá, thơ của Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu, hát solo của các thầy Dòng Châu Sơn, và thật bất ngờ, chính Đức Tổng hát bài khai mạc vừa trang trọng lại vừa mang bầu khí huynh đệ thân thiện, vui tươi.

Buổi chiều, cha bề trên Daminh Savio Nguyễn Tuấn Hào đúc kết hội thảo. Ngài khen ngợi tinh thần hội thảo nghiêm túc, đi vào trọng tâm của các nhóm hội thảo. Khởi đi từ Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “Ở đâu có tu sĩ, ở đấy có niềm vui…Tu sĩ sẽ đánh thức thế giới vì đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ” cha bề trên nhìn nhận cộng đoàn đan sĩ trong phim đã vượt qua chính mình trong bối cảnh giữa sự chết và sự sống để tìm thấy một niềm vui giữa cộng đoàn. Đã đánh thức thế giới bằng một thông điệp tình yêu cộng đoàn gắn bó với cộng đồng dân cư. Từ đó đòi hỏi mỗi người trở về trong ưu tư áp dụng cho mình một lối sống phù hợp, một cuộc đi ra theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha.

Thánh lễ ban chiều được cử hành long trọng do Đức Tổng Giuse chủ tế cùng 14 cha, các cha trong giáo hạt sở tại Vô Hốt cùng về đồng tế với Đức Tổng. Ngay đầu lễ, Đức Tổng đã kêu gọi đời thánh hiến phải bừng lên ánh sáng của Chúa Kitô để chiếu soi vào thế giới hôm nay có quá nhiều bóng tối. Trong thánh lễ Đức Tổng khẳng định Chúa Giêsu là ánh sáng sự sống, Ngài đến cho thế gian được sống, ngài là ánh sáng chiếu lên niềm hy vọng cho con người. Từ đó đời thánh hiến cũng phải chiếu toả ánh sáng của mình giữa thế giới hôm nay. Đức Tổng nhận định: “Thế giới hôm nay đang thiếu niềm hy vọng. Hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. Hết chiến tranh lạnh đến chiến tranh khủng bố. Hết đế quốc đến độc tài. Hết độc tài đến mỵ dân. Hết nạn đói lại đến ô nhiễm. Hết nghèo khổ lại đến khủng hoảng kinh tế. Những người bé nhỏ nghèo hèn bị bỏ rơi, bị lợi dụng, bị áp bức bóc lột. Giữa bóng tối thất vọng đó đời sống thánh hiến chiếu lên ánh sáng hy vọng. Vì sống đời thánh hiến là quan tâm đến người khác. Là quên mình phục vụ. Giữa bóng tối của sự vô cảm dửng dưng, người sống đời thánh hiến chiếu lên đời ánh sáng hy vọng khi đi đến những nơi xa xôi, phục vụ những người nghèo khổ bị bỏ rơi”.

Kết thúc bài giảng Đức Tổng kêu gọi: “Hãy tiến lên hỡi anh chị em sống đời thánh hiến. Khi đến với tha nhân anh chị em hãy đem ánh sáng niềm vui. Khi tự hiến thân, anh chị em đem lại sự sống. Khi quan tâm đến người nghèo khổ anh chị em đem lại hy vọng. Khi mặc lấy Chúa Giêsu anh chị em tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng của anh chị em sẽ chiếu vào đêm tối trần gian. Xin ánh sáng của Chúa Giêsu ở cùng anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em”.

Bữa tiệc Agappe kết thúc một ngày gặp mặt thật ý nghĩa và lắng đọng nhiều bài học. Các Thầy Đan viện lại thể hiện sự tận tình chu đáo và tính tổ chức cao để lại nhiều ấn tượng cho các tu sĩ về tham dự.

Bóng chiều miền núi sớm về, theo gió lạnh bao trùm khắp vùng núi đồi yên tĩnh. Ánh sáng Đan viện Châu Sơn dần toả sáng, và ánh sáng rạng rỡ trên mỗi gương mặt tu sĩ ra về như đang góp phần xua tan giá lạnh và thắng vượt trên bóng đêm.

Lm Hồng Phúc

Bài giảng của Đức Tổng Giusse Ngô Quang Kiệt, Châu Sơn 02 / 02 / 2015

Lễ dâng Chúa trong Đền thờ

ÁNH SÁNG CHIẾU SOI TRẦN GIAN

Mt 3, 1-4; Lc 2, 22-40

Ngày đời sống Thánh hiến

Đức Mẹ và thánh Giuse mang Chúa Giêsu vào Đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo luật Môsê. Chẳng sai chú ý tới các ngài. Vì các ngài là những người bé nhỏ nghèo hèn. Nhưng hai cụ già Simeon và Anna lại nhận ra trẻ thơ Giêsu chính là Đấng Cứu Thế và xưng tụng Người là ánh sáng chiếu soi trần gian.

Chúa Giêsu là ánh sáng niềm vui. Hai cụ già tượng trưng cho Cựu Ước. Bao năm sống trong tăm tối đợi chờ. Nay gặp Chúa Giêsu các ngài thấy bừng lên ánh sáng. Thiên Chúa đến viếng thăm Dân Người. Thân phận nghèo hèn bé nhỏ được quan tâm. Phẩm giá con người được phục hồi. Các ngài đã nhìn thấy ánh sáng không chỉ cho bản thân, nhưng chiếu soi muôn dân muôn nước. Ánh sáng vui tươi vì đem lại sự sống.

Chúa Giêsu là ánh sáng sự sống. Hài nhi bé nhỏ là mầm sự sống. Thiên Chúa hạ mình để trở nên bé nhỏ để con người được lớn lên. Thiên Chúa trở nên yếu ớt để con người được mạnh mẽ. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa sẽ chịu chết cho con người được sống. Cụ già Simeon đã nhìn thấy trước cuộc khổ nạn và Phục sinh. Con trẻ trở nên cớ cho nhiều người vấp phạm. Nhưng chính cái chết của Thiên Chúa làm người đem lại sự sống cho con người. Vì thế Chúa Giêsu là ánh sáng hy vọng.

Chúa Giêsu là ánh sáng hy vọng, bị tội lỗi giam cầm con người không còn hy vọng thoát ra. Nhưng Thiên Chúa xuống thế giải thoát con người khỏi nô lệ ràng buộc, khỏi xiềng xích tù đày. Bị thần chết canh giữ con người, bị chôn vùi trong nấm mồ sự chết. Nhưng Thiên Chúa đến chịu chết để chiến thắng tử thần. Để đưa con người đến sự sống. Chúa Giêsu chính là ánh sáng chiếu lên niềm hy vọng cho con người.

Đặt lễ Dâng Chúa trong Đền thờ làm ngày đời sống thánh hiến, Đức thánh giáo Hoàng Gioan Phaolo II mong ước người sống đời thánh hiến nên giống Chúa Giêsu. Trở thành ánh sáng cho trần gian. Thế giới đang chìm trong bóng tối buồn sầu phiền não. Càng tân tiến thì con người càng nhiều lo âu. Số người tự tử không ngừng gia tăng. Số người bệnh tim mạch, trầm cảm, tự kỷ ngày càng nhiều. Trong thế giới buồn thảm ấy, anh chị em sống đời thánh hiến phải chiếu sáng niềm vui. Ai có Chúa thì chiếu tỏ niềm vui. Chúng ta vừa xem bộ phim Bảy Đan sĩ Xitô tử đạo tại Algérie dân làng bị phiến quân đe dọa nhưng vẫn vui, vì các cha các thầy là niềm vui của họ. Bóng tối sự chết đang đe dọa thế giới. giết người trực tiếp trong phá thai, khủng bố. Giết người gián tiếp trong vu cáo, chụp mũ. Trong cảnh tranh thương mại thiếu lành mạnh. Trong đàn áp bất công. Con người hủy diệt lẫn nhau. Trong bóng tối sự chết đó anh chị em sống đời thánh hiến phải chiếu tỏa ánh sáng sự sống. Sự sống đến từ sự quên mình. Hiến dâng thân mình. Sẵn sàng chịu chết vì tha nhân. Đó chính là cổ võ nền văn hóa sự sống. Và xây dựng nền văn minh tình thương. Thế giới hôm nay đang thiếu niềm hy vọng. Hết chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. Hết chiến tranh lạnh đến chiến tranh khủng bố. Hết Đế quốc đến độc tài. Hết độc tài đến mỵ dân. Hết nạn đói lại đến ô nhiễm. Hết nghèo khổ lại đến khủng hoảng kinh tế. Những người bé nhỏ nghèo hèn bị bỏ rơi, bị lợi dụng, bị áp bức bóc lột. Giữa bóng tối thất vọng đó đời sống thánh hiến chiếu lên ánh sáng hy vọng. Vì sống đời thánh hiến là quan tâm đến người khác. Là quên mình phục vụ. Giữa bóng tối của sự vô cảm dửng dưng, người sống đời thánh hiến chiếu lên đời ánh sáng hy vọng khi đi đến những nơi xa xôi. Phục vụ những người nghèo khổ bị bỏ rơi.

Lôgô của năm đời sống thánh hiến thật ý nghĩa. Chim bồ câu tung cánh trên sóng nước nói lên đời sống theo Thần khí sẽ biến đổi thế giới. Cánh chim nâng đỡ địa cầu là đời sống thánh hiến vực dậy thế giới. Ba Ngôi sao là sống kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng giữ ba lời khuyên Phúc Âm.

Ba châm ngôn cho biết khi sống đúng lý tưởng, đời sống thánh hiến trở thành Tin Mừng chiếu sáng niềm vui. Khi hiến dâng thân mình đến dám chấp nhận cái chết, người sống đời thánh hiến trở thành ngôn sứ, tố cáo bất công, chiếu lên ánh sáng sự sống. Khi quan tâm phục vụ tha nhân, người sống đời thánh hiến trở thành hy vọng cho thế giới.

Anh chị em sống đời thánh hiến thân mến, tôi mời gọi anh chị em hãy chiêm ngắm khuôn mặt rạng rỡ niềm vui của hai cụ già Simeeon và Anna biết bao người dân khiêm tốn, bé nhỏ, thiệt thòi đang mong chờ anh chị em.

Hãy tiến lên hỡi anh chị em sống đời thánh hiến. Khi đến với tha nhân anh chị em hãy đem ánh sáng niềm vui. Khi tự hiến thân, anh chị em đem lại sự sống. Khi quan tâm đến người nghèo khổ anh chị em đem lại hy vọng. Khi mặc lấy Chúa Giêsu anh chị em tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng của anh chị em sẽ chiếu vào đêm tối trần gian. Xin ánh sáng của Chúa Giêsu ở cùng anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Lm. Hồng Phúc