Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, cầu mong hòa bình sớm trở lại tại Israel, đồng thời kêu gọi Hamas trả tự do cho các con tin Israel. Ngài cũng lên án: khủng bố không phải là giải pháp cho các cuộc xung đột. Đức Tổng giám mục cũng bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với “sự đáp trả quân sự ‘nặng nề’ của Israel tại Gaza.”
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Tổng giám mục đã được mời lên tiếng hôm mùng 06 tháng Sáu vừa qua, tại buổi kỷ niệm 76 năm độc lập của Israel, tổ chức tại Sứ quán của nước này cạnh Tòa Thánh. Ngài gợi lại vắn tắt 30 năm về tương quan ngoại giao giữa Tòa Thánh và Israel, và tái cầu mong hòa bình trở lại Thánh địa, một nhu cầu rất lớn.
Đức Tổng giám mục Gallagher nhắc đến cuộc tấn công khủng bố kinh khủng ngày 07 tháng Mười năm ngoái của Hamas và các dân quân khác chống lại nhân dân Israel, khiến cho hàng trăm người, phần lớn là Do thái, bị giết tàn bạo, hãm hiếp và bị bắt làm con tin một cách dã man. Ngài bày tỏ sự cảm thông và đau buồn vì những gì đã xảy ra và trưng dẫn lời Đức Thánh cha nói với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh hồi tháng Giêng năm nay: “Khủng bố không phải là giải pháp cho một cuộc xung đột nào; đó là một hành vi hoàn toàn coi rẻ mạng sống con người và không có lý do nào, dù là chính trị hay tôn giáo, có thể biện minh cho nó”.
Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng lấy làm tiếc vì tất cả những cố gắng của Đức Giáo hoàng để yêu cầu trả tự do tức khắc cho những người bị bắt cóc, để gặp gỡ gia đình các nạn nhân, cũng như thư gửi các cộng đoàn Do thái ở Israel, là điều duy nhất chưa từng có, tất cả đều không mang lại thành quả tích cực.
Dưới ánh sáng những biện pháp đáp trả nặng nề bằng quân sự của Israel ở Gaza, khơi lên những cuộc tấn công khác chống Israel từ phía nhiều tác nhân khác, không phải là nhà nước, đến từ Liban, Yemen và các nơi khác, Đức Tổng giám mục Gallagher nhắc lại rằng Tòa Thánh, tuy theo nguyên tắc trung lập đối với các cuộc xung đột, nhưng không thể “dửng dưng về mặt luân lý. Tòa Thánh không khép cửa đối với một ai và cố gắng hiểu những lý do cũng như viễn tượng của mỗi người.
Đức Tổng giám mục Gallagher nói thêm rằng “Không bao giờ được bỏ qua hoặc coi nhẹ nguyên tắc nhân đạo cơ bản, chẳng vậy các nguyên tắc về sự cần thiết và tương ứng chắc chắn sẽ bị thương tổn”.
Trong diễn văn, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh, cũng lên án những hành vi cực đoan của Do thái và trào lưu bài Do thái. Ngài nêu bật những cố gắng hiện nay để đáp ứng những lo lắng của Giáo hội Công giáo tại Israel: từ thái độ ngày càng gây hấn của một số nhà chức trách hành chánh, nhất là ở các thành thị, cho tới sự cần thiết phải có sự cộng tác nhiều hơn để tố giác và phòng ngừa những hành vi đáng lên án do những thành phần Do thái cực đoan chống các tín hữu Kitô. Đức Tổng giám mục bày tỏ hy vọng các cộng đoàn Công giáo tại Israel có thể tiếp tục góp phần, trong tư cách là thành phần của xã hội Israel, trong lãnh vực giáo dục và an sinh, cũng như trong sự thăng tiến đối thoại liên tôn và đại kết”.
Đức Tổng giám mục Gallagher nói: “Đồng thời, tôi hy vọng rằng các nơi thánh sớm được đón tiếp các tín hữu hành hương đến từ các nơi trên thế giới”.
Sau cùng, đứng trước tai ương của nạn bài Do thái đang gia tăng trong những tháng gần đây, Đức Tổng giám mục Ngoại trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải bài trừ tệ nạn này dưới mọi hình thức”. Và ngài nhắc đến kỷ niệm cuộc gặp gỡ cầu nguyện cách đây 10 năm giữa Đức Thánh cha, Tổng thống Perez của Israel và Tổng thống Palestine, vào ngày 07 tháng Sáu khi ấy, đồng thời mời gọi mọi người hy vọng. Đức Tổng giám mục nói: “Đối thoại và cảm thông là điều có thể. Có một nhu cầu lớn về hòa bình và tôi hy vọng hòa bình sớm trở về với Israel!”
(Vatican News 6-6-2024)