Hôm 15 tháng Chín vừa qua, phái đoàn của Caritas Ý đã kết thúc chuyến đi tại Syria để trợ giúp dân chúng nơi một đất nước bị tàn phá vì 12 năm chiến tranh và cuộc động đất dữ dội hồi tháng Hai năm nay.
Phái đoàn do cha giám đốc Marco Pagniello của Caritas Ý hướng dẫn, và đã viếng thăm các cộng đoàn ở thủ đô Damasco, thành Aleppo, Homs và Ghouta. Cha cho biết mục đích chuyến đi là để nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng, giữa những đau khổ và chia rẽ.
Hồi Mùa chay năm nay, Caritas Ý, nhân danh Giáo hội Công giáo tại nước này, đã tổ chức một cuộc lạc quyên để trợ giúp Syria, đặc biệt tại những vùng bị động đất, nhất là tại thành phố Aleppo. Thiên tai này làm cho tình trạng dân chúng, vốn đã khó khăn vì chiến tranh, nay càng trở nên nặng nề. Cha Pagniello nói: “Chúng tôi đã nói về những dự án trợ giúp dân chúng, những dự án phát triển, nâng đỡ các hoạt động và thăng tiến sự thiện nguyện nơi giới trẻ. Nhất là chúng tôi đã khởi sự những hành trình hòa giải tại Syria đang chịu những hậu quả sâu đậm vì chiến tranh và những mâu thuẫn”.
Cha giám đốc Pagniello nhìn nhận rằng bao nhiêu những khẩn cấp tại Trung Đông có nguy cơ bị gạt ra một bên vì những gì đang xảy ra tại Syria. Ví dụ, chiến tranh tại Ucraina chắc chắn được các cơ quan truyền thông quan tâm,
chú ý hơn. Nhưng can thiệp của Caritas tiếp tục lưu ý về tình trạng khẩn cấp của nhân dân Syria, có nguy cơ bị quên lãng. Cha nói: “Dân chúng Syria tiếp tục ngày càng rời bỏ đất nước này, bỏ gia cư đi tìm hòa bình. Bao nhiêu người Syria bây giờ sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt tại những nước, như Thổ Nhĩ Kỳ và Liban. Nhiều người muốn đi Canada và các nước Âu châu. Syria có nguy cơ bị quên lãng, và cuộc chiến tranh tại đây cũng bị quên như vậy. Hiện tượng này phải đặt câu hỏi cho chúng ta, và một lần nữa, phải làm cho chúng ta hiểu rằng trên thế giới chúng ta cần hòa bình dường nào và chiến tranh mang lại đau khổ và bao nhiêu chia rẽ”.
Cha Pagniello cho biết sự hiện diện của Caritas Ý cũng như bao nhiêu thực tại khác của Giáo hội tại địa phương, mang lại sự quan tâm, săn sóc và hy vọng cho nhân dân Syria. Nhất là Giáo hội Syria không còn cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi trong lúc bi thảm này. Những trợ giúp kinh tế cũng quan trọng, nhưng việc mang lại hy vọng cũng là điều quan trọng”.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA