Dân Chúa Âu Châu

Sáng thứ Tư, ngày 24 tháng Năm vừa qua, hơn 15.000 tín hữu hành hương từ nhiều nước đã đến tham dự buổi tiếp kiến chung hằng tuần của Đức Thánh cha Phanxicô, từ lúc gần 9 giờ.

Sau khi Đức Thánh cha tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, như thường lệ, buổi tiếp kiến được bắt đầu với phần lắng nghe lời Chúa, qua một đoạn ngắn trích từ chương 10 của Tin mừng theo thánh Matthêu (10,24-25.26):

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beelzebul, huống chi là người nhà. Vậy, anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ mười bốn này mang tựa đề: “Các chứng nhân: Thánh Anrê Kim Taegon (Kim Đại Kiến)”, người Hàn Quốc.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong loạt bài giáo lý này, chúng ta theo học tại trường của một số vị thánh nam nữ, như những chứng nhân gương mẫu, dạy chúng ta về lòng nhiệt thành tông đồ.

Một tấm gương lớn về lòng say mê loan báo Tin mừng, hôm nay chúng ta đi tìm tại một nước rất cách xa đây, tức là trong Giáo hội Hàn Quốc. Chúng ta hãy nhìn vị linh mục tử đạo đầu tiên người Hàn, thánh Anrê Kim Taegon, hay Kim Đại Kiến. Cuộc sống của thánh nhân đã và còn là một chứng tá hùng hồn về lòng nhiệt thành loan báo Tin mừng.

Cách đây khoảng 200 năm, Hàn Quốc là nơi diễn ra cuộc bách hại rất nghiêm ngặt chống đức tin Kitô. Tại Hàn Quốc hồi ấy, tin nơi Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa là sẵn sàng làm chứng cho đến chết. Đặc biệt, từ gương của thánh Anrê Kim, chúng ta có thể rút ra từ hai khía cạnh cụ thể trong cuộc sống của ngài.

Trước tiên là cách thức ngài dùng để gặp gỡ các tín hữu. Do tình trạng bị đe dọa nặng nề lúc ấy, thánh nhân buộc lòng phải đến gần các tín hữu Kitô một cách kín đáo, và luôn có sự hiện diện của những người khác. Khi ấy, để nhận ra căn tính Kitô của người đối thoại, thánh Anrê làm cách này: trước hết, có một dấu hiệu nhận diện đã thỏa thuận trước; sau đó, ngài kín đáo đặt câu hỏi: bạn có phải là môn đệ Đức Kitô không? Vì những người khác cũng tham dự cuộc nói chuyện, thánh nhân phải nói nhỏ, chỉ nói ít lời, những lời thiết yếu nhất. Vì thế, đối với thánh Anrê Kim, thành ngữ tóm tắt trọn vẹn căn tính của Kitô hữu là “môn đệ Đức Giêsu”.

Thực vậy, là môn đệ của Chúa có nghĩa là theo Chúa, theo con đường của Chúa, và điều này bao hàm việc hiến mạng cho Tin mừng. Vì thế, Kitô hữu, tự bản chất là thừa sai và là chứng nhân, như Chúa Giêsu đã là thừa sai và chứng nhân của Chúa Cha. Mỗi cộng đoàn Kitô nhận được từ Chúa Thánh Linh căn tính ấy, và toàn thể Giáo hội cũng vậy, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống (Xc Ad Gentes, 2). Khi Tin mừng được sống trọn vẹn, thì con người không có co cụm vào mình, nhưng làm chứng đức tin, làm cho đức tin, qua cách thức đó, trở thành đức tin lan tỏa. Chính từ đó nảy sinh lòng say mê đối với việc loan báo Tin mừng. Và cho dù trong bối cảnh xung quanh không thuận lợi, đức tin vẫn không thay đổi, hơn nữa đức tin càng có giá trị hơn nữa. Thánh Anrê Kim và các tín hữu Hàn Quốc khác đã chứng tỏ rằng chứng tá Tin mừng trong thời bách hại có thể mang lại nhiều hoa trái cho đức tin.

Bây giờ chúng ta xem một tấm gương cụ thể. Khi còn là một chủng sinh, thánh Anrê Kim phải tìm cách bí mật đón tiếp các linh mục thừa sai từ nước ngoài. Điều này không phải là một công tác dễ dàng, vì chế độ thời đó nghiêm cấm mọi người ngoại quốc không được nhập nội. Một lần, ngài đi dưới trời tuyết, mà không ăn, đi lâu đến độ ngã xỉu xuống đất, có nguy cơ bất tỉnh và bị băng giá. Khi ấy, bất chợt Anrê Kim nghe thấy tiếng nói: “Hãy trỗi dậy, và bước đi”. Nghe tiếng ấy, Anrê Kim tỉnh dậy, nhận thấy như có một bóng người đang hướng dẫn.

Kinh nghiệm này của vị đại chứng nhân Hàn Quốc làm cho chúng ta hiểu một khía cạnh rất quan trọng của lòng nhiệt thành tông đồ. Nghĩa là sự can đảm trỗi dậy khi chúng ta ngã. Dù tình trạng có khó khăn đến đâu đi nữa, nhiều khi có vẻ không thể có chỗ cho sứ điệp Tin mừng, nhưng chúng ta không được thối lui và từ bỏ thực hành điều thiết yếu trong đời sống Kitô, nghĩa là loan báo Tin mừng. Có lẽ vài lần chúng ta nản chí, vì những chướng ngại bên ngoài và sự kiện làm chứng cho Tin mừng có thể làm chúng ta bị hiểu lầm hoặc bị khinh rẻ. Nhưng đồng thời chúng ta luôn có thể trỗi dậy, vì Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở gần, khuyến khích và cầm tay chúng ta. Và Chúa luôn lập lại với chúng ta; hãy trỗi dậy và bước đi! Chính Chúa là Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết. Cuộc phục sinh của Ngài chính là mầu nhiệm, trong đó có căn cội giúp chúng ta có thể trỗi dậy sau mỗi lần ngã; là nguồn sức mạnh giúp chúng ta tiến bước.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em, chúng ta đừng nản chí, đừng để mình bị cướp mất niềm vui dịu dàng của việc loan báo Tin mừng (Xc Phaolô 6), và với sức mạnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, chúng ta hãy tiến bước.”

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến các bạn trẻ đến từ Pháp và những tín hữu hành hương từ Vương quốc Bỉ. Ngài nói: “Anh chị em, để trở thành các thừa sai và chứng nhân của Chúa, chúng ta hãy xin Thánh Thần sức mạnh luôn giúp đỡ chúng ta kiên trì trong thử thách và trỗi dậy mỗi khi sa ngã”.

Với các tín hữu dùng tiếng Anh, Đức Thánh cha đặc biệt chào các nhóm đến từ Anh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Canada và Mỹ. Đức Thánh cha nói: “Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp đến gần, tôi cầu xin dồi dào các ơn của Chúa Thánh Linh được ban xuống trên anh chị em và gia đình”.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Hôm nay chúng ta kính nhớ Đức Mẹ Maria Phù Hộ. Người là Mẹ an ủi, xin Mẹ ban cho Giáo hội tại Ba Lan, các mục tử và tín hữu, nhất là các gia đình, những người cao tuổi và bệnh nhân, ơn được sẵn sàng làm chứng cho đức tin. Anh chị em hãy sống làm sao để những người khác có thể nhận ra anh chị em là môn đệ của Chúa Kitô”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm cách riêng các nữ tu Thừa sai bác ái, Ủy ban tổ chức các biến cố đặc biệt ở Roma, nhóm bệnh ung bướu nhi đồng thuộc bệnh viện đa khoa ở Bari, và trường Chúa Quan Phòng ở Roma. Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Sau cùng như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi cũng như các đôi tân hôn. Hôm nay là lễ Đức Mẹ được tôn kính dưới tước hiệu Đức Maria Phù Hộ. Xin Mẹ giúp đỡ những người trẻ các con củng cố lòng trung thành hằng ngày đối với Chúa Kitô. Và hỡi anh chị em cao niên và bệnh nhân, xin Mẹ ban ơn an ủi và sự thanh thản cho anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em tân hôn hãy diễn tả giới răn yêu thương trong đời sống hằng ngày”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA