Dân Chúa Âu Châu

la-croix.com, Monique Baujard, thành viên ban điều hành Hiệp hội Lời hứa của Giáo hội, 2023-03-14

Theo bà Monique Baujard, các thảo luận sôi nổi của người công giáo Đức trong “con đường đồng nghị” của họ không phải là bằng chứng cho thấy một ly giáo đang diễn ra, mà là sức sống mới của một tranh luận trong Giáo hội và về việc áp dụng công bằng “tinh thần hiệp hành” như Đức Phanxicô mong muốn.

Cây thánh giá được đặt trên bục trong cuộc họp ở Frankfurt, ngày 9 tháng 3 năm 2023. “Con đường đồng nghị” của Đức là bằng chứng về sức sống mới của cuộc tranh luận trong Giáo hội. ARNE DEDERT/DPA/MAXPPP

Ở Pháp khi nhắc đến con đường đồng nghị của Đức thì không thể không dấy lên bóng ma của một ly giáo giả định. Như thể không ai có thể phát hiện ra những điểm tích cực của phương pháp này. Tuy nhiên, nó đang đập vào mắt.

Trước hết, đó là nhận thức đáng mừng của các giám mục Đức, sau công bố báo cáo chi tiết về lạm dụng tình dục trong Giáo hội năm 2018, họ nhận thấy cần có một cuộc cải cách và điều này không thể được thảo luận sau cánh cửa đóng kín giữa các giám mục nhưng cần sự tham dự của toàn thể dân Chúa. Chính xác những gì Đức Phanxicô đã yêu cầu trong Thư gởi Dân Chúa năm 2018.

Sau đó họ thiết lập một khuôn khổ để có thể đối thoại một cách xây dựng. Mọi thứ phải có sáng kiến từ cấp độ này. Tất cả các giám mục Đức đều tham gia vào con đường đồng nghị, nhưng phải mất một thời gian dài để họ suy nghĩ về việc đại diện các thành phần khác của dân Chúa, về thể thức đưa ra quyết định và bỏ phiếu. Các quy định chi phối con đường hiệp hành không chỉ phản ánh sự nghiêm khắc nổi tiếng của Đức mà còn cả tinh thần sáng tạo của họ.

Vì không thể tự lừa dối mình, nếu không có một quy trình rõ ràng, các cuộc trao đổi có thể nhanh chóng biến thành cuộc nói chuyện ở quán cà phê hoặc thành những lời công kích. Tại đây, việc cùng nhau lắng nghe, đối thoại và xây dựng sự đồng thuận đã được thực hiện. Không phải chính giáo hoàng đã thiết lập các điều kiện cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng trong Thượng hội đồng giám mục khi ngài lập ra các nhóm ngôn ngữ đó sao?

Những cuộc thảo luận sôi nổi

Cuối cùng, có những chủ đề được giải quyết bằng con đường đồng nghị. Đạo đức tình dục, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, tình trạng độc thân và lối sống của các linh mục hoặc việc thực thi quyền lực đã được thảo luận. Và những người cảm thấy bị xúc phạm, họ đã tạo những cuộc thảo luận sôi nổi, thậm chí còn đi đến bất đồng. Nhưng nó có thể khác đi không? Tất nhiên, không phải tất cả chúng ta đều đồng ý ngay lập tức về tất cả các chủ đề này.

Thượng hội đồng Đức xin Đức Phanxicô ‘xem xét lại’ tình trạng độc thân của linh mục

Điều đáng chú ý trong cách tiếp cận của Đức là những vấn đề này được thảo luận sâu đậm, các quan điểm khác nhau được hình thành và trong một số trường hợp, có thể đạt được đồng thuận thực sự, và có những vấn đề cần còn bất đồng. Ghi nhận một bất đồng không phải là ve vãn với ly giáo! Chúng ta phải đọc lại lịch sử của Công đồng Vatican II để nhớ lại những đấu tranh dữ dội vào thời đó, giữa đa số ủng hộ cập nhật, aggiornamento và thiểu số miễn cưỡng trước bất kỳ sự tiến hóa nào. Vì Giáo hội đồng nghị như Đức Phanxicô chủ trương không hơn không kém những gì Công đồng Vatican II thực hiện, nên không có gì ngạc nhiên khi những chia rẽ tương tự lại có sau sáu mươi năm.

Một tầm nhìn duy nhất… hay đa nguyên

Trong Giáo hội, hoặc có một tầm nhìn duy nhất, được áp đặt từ trên lên tất cả mọi người, khi đó chúng ta đang ở trong sự đồng nhất mà Đức Phanxicô mô tả như một khối cầu. Hoặc chúng ta chấp nhận trong Giáo hội có một hình thức đa nguyên nhất định, một thống nhất trong đa dạng như Đức Phanxicô mô tả bằng khối đa diện. Ngài xin Giáo hội chuyển từ khối cầu sang khối đa diện. Điều này là mới và rõ ràng đã làm cho một số người khó chịu. Nhưng công lao của Giáo hội ở Đức là đã khởi xướng cấu hình mới này của Giáo hội, cấu hình này chắc chắn vẫn đang được hoàn thiện.

Con đường đồng nghị: Vatican thận trọng trước một Giáo hội Đức giàu có

Vì thế nước Đức dường như là hình ảnh của người học sinh giỏi nhất lớp đồng nghị. Con đường đồng nghị của họ trả lời đúng nhiều điểm Đức Phanxicô mong chờ. Tuy nhiên điều này có vẻ không thực sự tạo nhiệt tình. Theo một trong những cộng tác viên thân cận của Đức Phanxicô, ngài không thích con đường đồng nghị của Đức vì ngài cho rằng nó phản ánh quan điểm của giới thượng lưu chứ không phải quan điểm của người dân. Sự trách cứ phải được xét một cách nghiêm túc, dù khi giáo hoàng dường như không chính ngài bày tỏ điều này. Có phải ngài cho rằng hành trình đồng nghị đã không dành chỗ cho lời nói của người nghèo không? Có thể, vì thiếu tiếng nói của người nghèo được đưa ra trong tiến trình đồng nghị ở Pháp cũng như ở giai đoạn lục địa.

Các nhóm áp lực

Nhưng nếu đó là vấn đề, người Đức có thể sửa chữa. Hay là lời trách cứ của Đức Phanxicô nhắm đến các nhóm áp lực muốn đưa các vấn đề cụ thể vào chương trình nghị sự? Dù sao đi nữa, những phản đối của các cơ quan Giáo triều Rôma đưa ra không nằm trên cơ sở này. Họ bày tỏ sự sợ hãi khi thấy thẩm quyền của các giám mục bị suy giảm vì thể chế đồng nghị. Một nỗi sợ hoàn toàn chính đáng.

Hoa Kỳ, Đức, Ý: những khó khăn của Đức Phanxicô

Ngày nay, Giáo hội tiếp tục hoạt động theo mô hình quân chủ, trong đó giám mục là chủ nhân duy nhất trên con thuyền sau Chúa. Tính đồng nghị được đề xuất không chuyển sang một hệ thống dân chủ, mà chuyển sang một phương thức hoạt động có sự tham gia nhiều hơn. Cải cách một chế độ quân chủ không bao giờ là một vấn đề đơn giản. Nước Pháp biết một cái gì về vấn đề này. Trong biến động lớn này, con đường đồng nghị của Đức bằng lòng với vai trò làm cho Giáo hội phát triển hướng tới một chế độ quân chủ lập hiến. Bằng cách phớt lờ những dấu hiệu tích cực của tiến trình, có phải Giáo hội có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc cách mạng kiểu Pháp không?

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn