Dân Chúa Âu Châu

Trong một phỏng vấn với nhật báo La Nación, hồng y người Mỹ gốc Ai-len, Kevin Farrel, bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống và là một trong những người có ảnh hưởng nhất giáo triều, ngài bác bỏ tin đồn Đức Phanxicô từ chức: “Có lẽ, đó là biểu hiện mong muốn của phía đối lập.”

lanacion.com.ar, Elizabeth Piqué, đặc phái viên tại Ý, 2022-06-20

Đức Phanxicô và hồng y Kevin Farrell / Twitter @obispofarrell

Hồng y người Mỹ Kevin Joseph Farrell, bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống chắc chắn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong Giáo triều Rôma.

Gần với Đức Phanxicô, hồng y Kevin Farrell được hồng y Argentina, Eduardo Pironio phong linh mục tháng 12 năm 1978. Hồng y Pironio đã để lại dấu ấn của ngài ở Vatican, ngài đang trên tiến trình phong thánh. Năm 2016, ngài được Đức Phanxicô đưa về Rôma, hồng y là giám mục giáo phận Dallas và Giám mục phụ tá giáo phận Washington, ngài có nhiều sứ mệnh và quyền lực. Hồng y Farrell, 74 tuổi có quốc tịch Mỹ, ngài không chỉ cách mạng hóa “mục vụ” Vatican, ngài đã thành công khi đưa hai phụ nữ (các bà mẹ gia đình và không có quan hệ nào trước đó với Vatican) vào đứng đầu hai phân bộ, một chuyện chưa từng có và ngài cũng thành công trong việc thành lập nhóm của ngài gồm hầu hết là giáo dân, không giống như trước đây.

Một phản ánh trung thực về sự tin tưởng to lớn mà Đức Phanxicô dành cho hồng y Farrell trong những năm gần đây là hồng y được chỉ định là “hồng y nhiếp chính” khi trống tòa, giai đoạn xảy ra khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức; ngài còn là chủ tịch Ủy ban Đầu tư được thành lập gần đây để đề phòng các hành động đen tối; và chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Bảo lưu, được thành lập để không còn các hoạt động gian lận bí mật ở Vatican, như việc mua tòa nhà ở London. Ngài cũng là thành viên của hội đồng APSA, Cơ quan quản lý Di sản Tông tòa và của Chính quyền.

Trong một phỏng vấn với nhật báo La Nación, Hồng y Farrell, người tổ chức Cuộc gặp Gia đình Thế giới lần thứ X sẽ bắt đầu vào ngày thứ tư tuần này tại Rôma – đây là lần đầu tiên có một mô thức thu hẹp và sẽ lan rộng ra thế giới-, ngài dứt khoát bác bỏ các tin đồn đang lan truyền ở Vatican do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Kể từ đầu tháng 5, Đức Phanxicô đã phải ngồi xe lăn vì đau đầu gối phải; ngài triệu tập công nghị các hồng y vào cuối tháng 8 và gần đây ngài hoãn chuyến đi châu Phi, dự kiến vào đầu tháng 7 để không ảnh hưởng đến việc điều trị chân của ngài, và có vẻ như việc điều trị này đang tiến triển tốt.

Hồng y Farrell nói bằng tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo, ngài nhắc lại tổng thống Hoa Kỳ Frankin Delano Roosevelt (1882-1945) đã được bầu bốn lần khi ngồi trên xe lăn.

“Xin cha cho biết bầu khí ở Vatican như thế nào?” Có một bầu khí của cuối triều giáo hoàng không?

Hồng y Kevin Farrell: Tôi không nghĩ có bầu khí của cuối triều giáo hoàng. Tôi nghĩ tất cả những điều này là quá phóng đại, không có sự kiện cụ thể. Tôi chỉ biết tin đồn dấy lên vì ngài xin tất cả các hồng y trên thế giới về Rôma vào cuối tháng 8, khi ngài mở công nghị lập các hồng y mới. Nhưng thành thật mà nói, tôi chưa nói chuyện với bất kỳ ai ở Vatican về sự kết thúc triều giáo hoàng…

Nhưng có thảo luận về mật nghị sẽ bầu người kế nhiệm Đức Phanxicô  hay không?

Không. Không ai nói với tôi về một mật nghị và tôi trong tư cách là hồng y nhiếp chính, tôi không thể nói về một mật nghị…

Không có những bữa ăn tối, những cuộc họp của các hồng y, như người ta biết thường có trước cuộc bầu chọn Đức Phanxicô và như chính ngài đã nói là có sau lần ngài mổ ruột năm ngoái?

Có thể có, nhưng họ không mời tôi (cười)…

Tại sao họ không mời cha?

Vì tôi là hồng y nhiếp chính và tôi không thể nói bất cứ điều gì liên quan đến mật nghị, vì tôi đứng về phía Đức Phanxicô và những người ở phe đối lập không cần tôi nói về những điều đó…

Chính xác những tin đồn về việc từ chức (cũng vì chuyến thăm vào cuối tháng 8 tới thành phố Aquila, nơi giáo hoàng Celestin V từ nhiệm năm 1294), cha là hồng y nhiếp chính, cha sẽ nắm quyền trong trường hợp trống tòa, Cha thấy giáo hoàng như thế nào?

Ngài luôn nói đùa với tôi, ngài pha trò, và lần cuối cùng tôi ở bên ngài, ngài cho biết ngài sẽ cử hành thánh lễ bế mạc cuộc họp Ngày Thế Giới Gia đình vào thứ bảy tuần này. Ngài nói, để trở thành giáo hoàng và điều hành bạn cần cái đầu chứ không phải đôi chân. Ở Hoa Kỳ chúng ta có ví dụ về tổng thống Franklin Delano Roosevelt, ông được bầu làm tổng thống bốn lần liên tiếp trên xe lăn… Đó là một thời khác, bây giờ ở Mỹ không ai được bầu nhiều hơn hai lần.

Từ đầu tháng 5, Đức Phanxicô đã dùng xe lăn, nó có làm cho ngài bất tiện và ảnh hưởng đến tâm lý không?

Không, hoàn toàn không. Đức Gioan-Phaolô II đã dùng xe đẩy hoặc dùng sàn di động bao nhiêu năm ở Đền thờ Thánh Phêrô và ở Quảng trường Thánh Phêrô đó sao? Có lẽ, tất cả những tin đồn về việc từ nhiệm là thể hiện mong muốn của những người không muốn ngài…

Việc cải tổ Giáo triều, có nghĩa là tân Hiến chế Tông đồ “Rao giảng Tin Mừng” đã được đón nhận như thế nào ở Vatican?

Tôi nghĩ có nhiều người nhìn thấy sự cần thiết có cuộc cải cách này, những người làm việc ở Vatican và biết những gì đang xảy ra, đã nhận ra, kể từ mật nghị cuối cùng, rằng tất cả các hồng y trên thế giới đã yêu cầu cải tổ Giáo triều. Và điều duy nhất mà Đức Phanxicô đã làm là thực hiện điều mà tất cả các hồng y trên thế giới đã yêu cầu theo cách mà tôi cho là rất mạnh. Mục tiêu của ngài là có được sự minh bạch hơn trong Giáo triều. Chắc chắn sẽ luôn có những chỉ trích và những người chỉ trích, nhưng thực sự tôi không nhìn thấy và cũng chưa nghe những lời chỉ trích mạnh mẽ từ ai. Trong quá trình cải cách Giáo triều kéo dài 9 năm này, các cuộc tham vấn đã được tổ chức, mọi người nói và viết, và mọi người đều có cơ hội nói những gì họ nghĩ…

Đức Phanxicô đã triệu tập tất cả các hồng y trên thế giới về họp ngày 29 và 30 tháng 8, để phản ánh về cuộc cải cách đã hoàn toàn thay đổi Giáo hội: Có những mong chờ nào cho những gì ngài có thể nói trong những ngày này không?

Đúng, có hai ngày học tập và suy ngẫm về “Rao giảng Tin Mừng” và tôi nghĩ Đức Phanxicô sẽ nói một cái gì đó về chuyện này…

Nhiều hồng y nghĩ rằng, vấn đề từ nhiệm của các giáo hoàng, về giáo hoàng danh dự nên được quy định… Cha nghĩ sao?

Tôi không thể nói về điều này.

Thứ tư này bắt đầu cuộc họp Ngày Thế Giới Gia đình tại Rôma và sẽ kết thúc vào ngày chúa nhật, Đức Phanxicô luôn nói, gia đình đang gặp khủng hoảng: theo cha, thách thức lớn nhất của Giáo Hội ngày nay là gì?

Thách thức lớn nhất đối với Giáo hội ngày nay, liên quan đến gia đình, là làm sao giải thích đầy đủ hơn tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình đối với tương lai của nhân loại.

Và bên ngoài phạm vi gia đình, thách thức lớn nhất là gì?

Tôi nghĩ Giáo hội trong những năm hậu Công đồng Vatican II (1962-65) đã ngủ quên đôi chút. Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng để có một bầu khí mới len vào qua các cửa sổ và tôi nghĩ chúng ta đã không áp dụng những lời dạy của Công đồng vào thực tế cuộc sống ngày nay. Điều này đã không được thực hiện và tôi tin đây là vấn đề lớn nhất và nghiêm trọng nhất của Giáo hội hiện nay. Gần đây, Đức Phanxicô đã sử dụng một từ, “chủ nghĩa khôi phục” (trong cuộc phỏng vấn với giám đốc các tạp chí văn hóa Dòng Tên châu Âu) và đó là vấn đề, bởi vì những gì các giám mục và hồng y nói tại Công đồng đã không được giảng dạy. Vì vậy, có một “khoảng trống” mà chúng ta không làm gì cả. Tôi thấy và có thể nói về tình hình ở Hoa Kỳ: ví dụ, chúng ta bị bỏ lại với các chương trình truyền giáo của những năm 1950… Tôi muốn nói, vấn đề lớn là chính chúng ta đã trở nên không phù hợp với thế giới ngày nay vì đã không đáp ứng được với nhiều câu hỏi và vấn đề liên quan đến việc giảng dạy đức tin. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thay đổi giáo lý, nhưng có nghĩa là chúng ta phải tìm ra những cách thức mới để truyền đạt thông điệp Phúc Âm cho người thời nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn