Dân Chúa Âu Châu

“Ngày nay, không thể có chuyện chúng ta sản xuất đủ lương thực cho toàn thế giới nhưng lại có hàng triệu người chết đói hàng năm – nhiều hơn số người chết vì coronavirus, sốt rét và sốt xuất huyết cộng lại”, một quan chức của Vatican bày tỏ sự thất vọng.

“Nền kinh tế có nhiều lỗ hổng và do đó cần nhiều biện pháp chữa trị”

Linh mục Augusto Zampini, đồng Tổng thư ký Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã đưa ra báo động trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 18 tháng 11 với Vatican News.

“Tổ chức của Ngôi nhà chung, nền kinh tế, đang có nhiều lỗ hổng và do đó cần nhiều biện pháp chữa trị”, Linh mục Zampini lên án.

Quan chức Vatican – người cũng là một phần không thể thiếu của Ủy ban COVID-19 của Đức Giáo hoàng Phanxicô – đã phát biểu trước thềm khai mạc sự kiện ‘Nền Kinh tế Francesco’ hôm thứ Năm tuần này.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã triệu tập sự kiện này vào tháng 5 năm 2019 khi Ngài mời gọi những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới – cùng với một số nhà kinh tế và các doanh nhân nổi tiếng nhất thế giới – cùng Ngài đến Assisi để lập kế hoạch cho “một loại nền kinh tế khác: một nền kinh tế mang lại sự sống chứ không phải sự chết chóc, một nền kinh tế bao gồm chứ không độc quyền, nhân đạo chứ không phi nhân, một nền kinh tế quan tâm đến môi trường chứ không hủy hoại nó”.

Do đại dịch coronavirus, sự kiện này đã bị hoãn lại so với thời điểm ban đầu dự kiến tổ chức vào tháng 3, nhưng cuối cùng vào thứ Năm tuần này, sự kiện này cuối cùng cũng đã được tiến hành trực tuyến cho đến thứ Bảy ngày 21 tháng 11.

“Chúng ta khai thác tận diệt và bòn rút trái đất và con người nhưng không mang lại bất cứ điều gì để bù lại”

Phát biểu với Vatican News, chuyên gia của Vatican đã chỉ trích rằng “não trạng khai thác tận diệt và giải pháp công nghệ” của chúng ta chính là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn về xã hội, kinh tế và môi trường mà thế giới chúng ta đang trải qua ngày nay.

“Thông qua não trạng này, chúng ta khai thác tận diệt trái đất và con người mà không mang lại bất cứ điều gì để bù lại: chúng ta không khai thác một cách có trách nhiệm, chúng ta không hiểu và cảm thông với trái đất hoặc con người và chúng ta tạo ra một nền văn hóa tiêu thụ và lãng phí, với sự toàn cầu hóa kinh tế song hành với sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ, với tiếng kêu gào của trái đất, với tiếng kêu gào của người nghèo, với sự đau khổ”, Linh mục Zampini cảnh báo.

Để chữa lành thế giới của chúng ta, quan chức Vatican đã đưa ra một loạt năm đề xuất cụ thể, tất cả đều được ngài cho biết là dựa trên sự chuyển đổi sang não trạng tập trung vào “văn hóa quan tâm chăm sóc” thay vì điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi là “nền văn hóa thải loại” của chúng ta, và ý tưởng về “tinh thần liên đới toàn cầu”.

Năm ý tưởng của Linh mục Zampini về một nền kinh tế nhân văn hơn bao gồm “nền nông nghiệp của sự quan tâm chăm sóc và công bằng”, thương mại và phân phối hàng hóa và dịch vụ công bằng hơn, đặc quyền của “tập thể” chứ không chỉ lợi ích cá nhân trong kinh doanh, khuyến khích và áp dụng những thói quen tiêu dùng bền vững và, cuối cùng, các khoản đầu tư có trách nhiệm dẫn đến sự phát triển con người toàn diện.

Linh mục Zampini đã tổng kết tất cả những khái niệm đó dưới ý tưởng chung về việc chuyển từ “nền kinh tế của các cổ đông” sang “nền kinh tế của các bên liên quan”, trong đó lợi ích của tất cả mọi người và Ngôi nhà chung của chúng ta được tính đến chứ không chỉ lợi ích của những người giàu có và những kẻ quyền lực.

Linh mục Augusto Zampini, đồng Tổng thư ký Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, cũng nhắc lại rằng một nền kinh tế toàn diện hơn, bền vững và bình đẳng hơn cũng phải nhất thiết phải dựa trên năng lượng sạch và tái tạo, bởi vì như Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Thông điệp mang tính bước ngoặt năm 2015 của Ngài, Laudato si’, về việc Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta:

“Đối diện với quá nhiều thay đổi không còn khả năng để tìm cách giải quyết đặc biệt và độc lập cho mỗi phần vấn đề. Điều quyết định chính là phải tìm những cách giải quyết trọn vẹn, phải chú ý đến hậu quả thay đổi giữa nhau của hệ thống tự nhiên và cả hệ thống xã hội. Không phải có hai cơn khủng hoảng cận kề nhau, một của mội trường và một của xã hội, nhưng thực ra chỉ có một cơn khủng hoảng duy nhất mang tính xã hội-môi trường. Những cách giải quyết đòi hỏi một lối đi trọn vẹn để chiến đấu với nghèo đói, trả lại phẩm giá cho những người bị loại ra khỏi xã hội và đồng thời phải chú tâm đến thiên nhiên” (số 139).

Minh Tuệ

Nguồn: dcctvn.org