Dân Chúa Âu Châu

5 năm kể từ khi Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, “tai họa của tình trạng nghèo đói tiếp tục thống trị trường quốc tế và hiện vẫn là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất của thời đại chúng ta”, Tòa Thánh cảnh báo.

Số người nghèo trên khắp thế giới vẫn ở mức “cao không thể chấp nhận được”

“Bất chấp những tiến bộ đáng kể” trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững, “số người sống trong cảnh nghèo đói trên toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức cao không thể chấp nhận được và nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của thách thức vẫn còn ở phía trước”, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ tại New York, Đức Tổng Giám mục Gabriele Giordano Caccia, đã lên án  trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào ngày 13 tháng 10 về việc xóa đói giảm nghèo và các vấn đề phát triển khác.

“Các tác động kinh tế xã hội của đại dịch hiện nay làm cho tình hình càng trở nên cấp bách hơn”, Sứ thần Vatican cảnh báo, nhắc lại rằng vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán rằng COVID-19 “có thể đẩy khoảng 100 triệu người vào cảnh nghèo khổ cùng cực trong năm nay, dẫn đến việc gia tăng tỷ lệ nghèo trên toàn cầu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ”.

“Hơn 200 triệu người đã mất việc làm do hậu quả của đại dịch”, Đức TGM Caccia nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “những người đã ở trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương – bao gồm cả người thất nghiệp, những người làm công việc ‘phi chính thức’ hoặc bấp bênh, những người lao động thời vụ và những người lao động nhập cư – có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói”.

“Mất việc làm, thiếu cơ hội, và bảo trợ xã hội không đầy đủ – nếu không muốn nói là không tồn tại – là những yếu tố chủ yếu góp phần dẫn đến tình trạng nghèo đói, sự bất bình đẳng lớn hơn và bị loại trừ”, Sứ thần Tòa Thánh tiếp tục.

Thiếu giáo dục, không được tiếp cận với thuốc men khiến người nghèo “càng trở nên vô hình hơn”

Cùng với ảnh hưởng của thị trường lao động toàn thế giới, Đức TGM Caccia cũng than phiền về sự tàn phá của đại dịch đã phá hủy cơ hội tiếp cận giáo dục, và tương tự như vậy, về điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tố cáo là “tình trạng thiếu thốn về dược phẩm thuốc men”.

“Ở nhiều khu vực trên thế giới, cả ở các nước phát triển và đang phát triển, người nghèo thường bị từ chối tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thuốc men thiết yếu”, nhà ngoại giao Vatican chỉ trích.

Đức TGM Caccia cho biết thêm – lặp lại Thông điệp video vào ngày 25 tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Liên Hợp Quốc – rằng “dấu hiệu hữu hình của việc hoàn toàn thiếu sự bảo vệ mà nhiều anh chị em của chúng ta trải qua hàng ngày càng làm trầm trọng thêm vòng xoáy của sự loại trừ và bất bình đẳng luôn diễn ra song hành với tình trạng nghèo đói và làm cho người nghèo thậm chí ngày càng trở nên vô hình”.

Tiếp tục trích dẫn Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Người nghèo sắp diễn ra vào ngày 15 tháng 11, Đức TGM Caccia cho biết “tình trạng nghèo đói cũng nói về các nguồn lực tài chính mà mọi người dựa vào đó để tồn tại”.

“Nó xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và do đó, việc loại bỏ nó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hợp nhất các biện pháp tiền tệ với các chính sách toàn diện giải quyết những thiếu thốn phi tiền tệ mà hàng triệu người phải đối mặt ở các cấp độ giáo dục, xã hội, chính trị, văn hóa và tinh thần”, Sứ thần Tòa Thánh nhấn mạnh.

Xóa bỏ bất bình đẳng “cần thiết hơn là sự tăng trưởng kinh tế”

Như là một phần của “cách tiếp cận toàn diện” để chống đói nghèo, Sứ thần Tòa Thánh kêu gọi các chính sách phát triển “ưu tiên những người khó khăn nhất và thúc đẩy một nền kinh tế và một mô hình phát triển nơi con người, đặc biệt là người nghèo, là trung tâm” .

Một lần nữa trích dẫn Tông huấn ‘Evangelii Gaudium’ năm 2013 của Đức Thánh Cha Phanxicô, quan chức Vatican nhấn mạnh “việc xóa đói giảm nghèo cần thiết hơn là sự tăng trưởng kinh tế. […] Nó đòi hỏi các quyết định, chương trình, cơ chế và quy trình đặc biệt hướng tới việc phân phối thu nhập tốt hơn, tạo ra nguồn việc làm và sự thăng tiến toàn diện của người nghèo vốn vượt xa khỏi tâm lý phúc lợi đơn thuần”.

Trích dẫn Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi tới LHQ, Đức TGM Caccia nhấn mạnh rằng “xóa đói giảm nghèo có nghĩa là, trước hết, cho phép tất cả nam giới, phụ nữ và trẻ em trở thành những người bảo vệ số phận của chính họ và cung cấp quyền tiếp cận với các điều kiện và nguồn lực cho phép họ phát triển đầy đủ tiềm năng của họ”.

“Chỉ thông qua các biện pháp cụ thể vốn đảm bảo việc tính đến những người bị loại trừ, thúc đẩy những người thấp kém nhất và thiện ích chung, hàng trăm triệu người vẫn đang thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, bao gồm thực phẩm, chăm sóc y tế và giáo dục, mới được loại bỏ được tình trạng nghèo đói và đạt được sự phát triển toàn diện của con người”, Sứ thần Tòa Thánh kết luận

Minh Tuệ (theo Novena)

Nguồn: dcctvn.org