Dân Chúa Âu Châu

Một giáo dân trẻ đến từ miền bắc Trung Quốc nói về những khó khăn sau khi Thỏa thuận được ký kết. Cha John hiểu được nỗi lòng của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với các Giám mục và Linh mục chính thức. Sự đàn áp đã gia tăng chống lại các nhóm tôn giáo khác, đặc biệt là Tin lành.

“Tôi kêu gọi Đức Thánh Cha đừng gia hạn Thỏa thuận với Trung Quốc, vì điều này có thể đe dọa sự tồn tại của Giáo hội ở Trung Quốc, đẩy chúng tôi vào con đường tuyệt vọng”, Benedict, một giáo dân Công giáo thuộc cộng đồng hầm trú ở miền bắc Trung Quốc viết.

Anh Benedict và Cha John, một Linh mục ở miền bắc Trung Quốc, đã góp thêm tiếng nói của họ vào cuộc điều tra của AsiaNews về tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc vài tháng trước khi thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa Thánh hết hạn.

Tiếng kêu chát đắng của anh Benedict được bổ sung bởi những suy nghĩ điềm tĩnh đúng mực của vị giáo sĩ. Cha John thổ lộ rằng ngài hiểu được động cơ đằng sau động thái của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn thể hiện lòng thương cảm của mình đối với các Linh mục và Giám mục trong Giáo hội chính thức, những người đang bị mắc kẹt giữa sự cần thiết phải thể hiện sự vâng phục đối với chế độ và lòng trung thành của họ đối với Giáo hội.

Hai yếu tố khác xuất hiện từ hai câu chuyện này. Yếu tố đầu tiên đó là sự đàn áp của nhà nước đối với Giáo hội cũng hướng đến các tôn giáo khác, đặc biệt là anh chị em tín hữu Tin lành. Yếu tố thứ hai đó là việc đàn áp không được áp dụng thống nhất trên khắp đất nước rộng lớn này. Cha John lưu ý rằng các quan chức chính phủ, theo lương tâm của họ, đã bảo vệ quyền tự do của một số cộng đồng, trước nguy cơ và sự nguy hiểm của chính họ.

AsiaNews đã công bố ba phần trước của cuộc điều tra; bấm vào đây để xem Phần I, Phần IIPhần III.

Cha John, Linh mục miền bắc Trung Quốc

Theo tôi, các cuộc đàm phán và thỏa thuận Trung-Vatican phản ánh sự bận tâm và lo lắng của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với Giáo hội tại Trung Quốc. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cố gắng bằng mọi cách có thể phá vỡ xiềng xích trói buộc cơ thể và tâm hồn của chúng tôi. Đối với một số người, điều này có ý nghĩa bởi vì họ không còn phải chịu đựng các vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm các Giám mục [hợp pháp hoặc bất hợp pháp] hoặc sự hiệp thông Bí tích do Trung Quốc gây ra.

Thông thường trong quá khứ, một số người đã lợi dụng lòng nhân từ của Đức Giáo hoàng; vì sự cứu rỗi của mọi người, Ngài đã luôn tha thứ và chưa bao giờ cố gắng để trừng phạt hay bỏ rơi họ, luôn sẵn sàng giải thoát tâm hồn họ khỏi mọi xiềng xích và gánh nặng. Nhưng sự thật của vấn đề là trái tim của những người này chưa bao giờ cảm thấy sức nặng của gánh nặng của họ. Quan trọng nhất, Đức Giáo hoàng có lẽ đã đánh giá thấp ham muốn quyền lực của một số người, sự sẵn sàng của họ để nắm giữ toàn quyền kiểm soát đối với Giáo hội.

Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng áp lực tác động lên Giáo hội ở nhiều nơi ngày càng lớn hơn và nghiêm trọng hơn, cho đến khi Giáo hội bị phá hủy hoặc ít nhất là ảnh hưởng của Giáo hội bị suy yếu, ngoại trừ nơi Giáo hội thay thế nguồn mạch đức tin của mình bằng “Lãnh tụ vĩ đại Kim il -Sung “[một biệt danh cay độc được dành cho chủ tịch Tập Cận Bình]. Ở một số nơi, sự thay thế như vậy đã được thực hiện. Theo một nghĩa nào đó, Thỏa thuận đã gần như hợp pháp hóa việc theo đuổi mục tiêu này.

Nếu như Đức Giáo hoàng một cách vô thức không bào chữa vấn đề này, điều này sẽ tiếp tục mà không do dự, sự khác biệt duy nhất là những người thúc đẩy mục tiêu này sẽ thiếu đi bức bình phong để che giấu ý định của họ. Chẳng hạn, trong một Giáo phận hoặc Giáo xứ ở Hujian [có lẽ là Phúc Kiến], các Linh mục được yêu cầu phải đăng ký tên tuổi và địa điểm của họ, nếu không, các hoạt động của họ sẽ không được phép.

Tại “Huonan” [có lẽ là Hà Nam], một Giáo phận hoặc Giáo xứ đã được đăng ký, với lệnh cấm trẻ vị thành niên đến nhà thờ, nếu không tuân thủ sẽ bị đóng cửa. Tại một Giáo xứ, trẻ vị thành niên đã không được phép đến nhà thờ; và sau đó, khi nhà thờ này dường như không tuân thủ các biện pháp hạn chế do đại dịch coronavirus, nó đã bị đóng cửa đối với công chúng.

Ở những nơi khác, nếu một quận có quá nhiều nhà thờ Tin lành, có thể có đến hàng tá nhà thờ bị yêu cầu đóng cửa, với việc các quan chức chính phủ viện dẫn bất kỳ lý do nào để làm như vậy, chẳng hạn như cộng đoàn quá nhỏ hoặc trích dẫn các vấn đề về tài chính. Trong mọi trường hợp, công việc của các quan chức luôn được thực hiện.

Điều này không xảy ra ở mọi nơi. Thậm chí ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử, một số quan chức đã hành động tận tâm và bảo vệ những người vô tội. Tuy nhiên, một số người lo sợ rằng họ cũng có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề trong một môi trường ngày càng khắc nghiệt. Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô không thể cứu chúng tôi khỏi tình huống này. Điều tốt nhất là cứ để mọi thứ như thế, hoặc có lẽ chờ đợi [cho một giải pháp] trong thế hệ tiếp theo.

Benedict, một giáo dân đến từ miền bắc Trung Quốc

So với Giáo hội ở miền Nam, tình hình của chúng tôi khá yên ổn. Trong vài năm qua, chúng tôi đã ở trong một tình huống tương đối ổn định với các Thánh lễ Chúa nhật được cử hành khá đều đặn, các Thánh lễ trọng thể và các hoạt động cầu nguyện. Tất cả điều này đã chấm dứt hoàn toàn bằng việc ký kết Thỏa thuận tạm thời Trung-Vatican vào ngày 22 tháng 9 năm 2018.

Trước Giáng sinh năm 2018, các quan chức chính phủ đã đến nói với chúng tôi rằng địa điểm tụ họp của chúng tôi sẽ bị cấm. Họ cảnh báo các Linh mục của chúng tôi không được cử hành Thánh lễ hoặc tham gia vào các hoạt động cầu nguyện khác mà họ cho là bất hợp pháp. Giờ đây, chúng tôi không có nơi nào để cầu nguyện, cử hành Thánh lễ hoặc thực hiện bất kỳ Bí tích nào khác, không kể đến các Thánh lễ Chúa nhật và Thánh lễ trọng thể. Chúng tôi hiếm khi thấy vị Linh mục của chúng tôi, người đến để cử hành Thánh lễ cứ đều đặn hai tuần một lần.

Do hậu quả của đại dịch, sự kiểm soát của chính phủ đã ngày càng được thắt chặt, do đó chúng tôi chỉ có thể cử hành Thánh lễ hai hoặc ba tháng một lần. Rome có thực sự hay biết về những đau khổ, những nỗ lực, và những tiếng kêu khóc cũng như những giọt nước mắt của chúng tôi không? Rome có nhận thấy điều này không? Giáo hội có thấu cho nỗi niềm này không?

Chúng tôi nghe nói rằng thỏa thuận có thể được gia hạn. Thay mặt tất cả các tín hữu trong Giáo hội hầm trú, tôi kêu gọi Đức Thánh Cha đừng gia hạn Thỏa thuận với Trung Quốc bởi vì điều này có thể đe dọa sự tồn tại của Giáo hội tại Trung Quốc, đẩy chúng tôi vào con đường tuyệt vọng. Tôi cầu xin Đức Thánh Cha nghiêm túc ghi nhận những gì tôi giãi bày; tôi hy vọng rằng Đức Thánh Cha sẽ cầu nguyện cho tất cả các Linh mục và tín hữu của Giáo hội tại Trung Quốc, cũng như cho Hồng Kông!

Minh Tuệ (theo Asia News)