Dân Chúa Âu Châu

Các tín hữu Công giáo Indonesia đang học cách thích nghi với cách thức họ làm việc thờ phượng và giúp đỡ mọi người giữa bối cảnh đại dịch coronavirus.

Emanuel Marianus Tapu, 29 tuổi, thường đến nhà thờ để tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Tuy nhiên, trong hai ngày Chúa nhật vừa qua, anh không thể làm như vậy vì Thánh Lễ và các hoạt động khác của Giáo hội đã bị đình chỉ do đại dịch coronavirus.

Tuy nhiên, may mắn thay, các nhà thờ đã chuyển các Thánh lễ hàng ngày và Thánh lễ Chúa nhật sang internet và phát sóng trực tuyến.

Chúa nhật tuần trước, tại nhà riêng ở ngoại ô Jakarta của Parung Panjang, anh Tapu đã đặt một cây nến sáng và cây Thánh giá bên cạnh máy tính xách tay của mình và theo dõi Thánh lễ được phát trực tiếp từ Nhà thờ Chính Tòa Jakarta.

“Mặc dù thông qua YouTube, tôi vẫn cảm thấy mình đang tham dự một Thánh lễ bình thường. Tôi cảm thấy cần phải duy trì đời sống tâm linh của mình giữa bối cảnh của cuộc khủng hoảng này”, người tín hữu Công giáo sùng đạo 29 tuổi phát biểu với UCA News.

Ở Depok, Tây Java, Edel Jenarut đã làm điều tương tự với gia đình của mình. Cùng với chồng và con gái, tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng nhau tập trung tại phòng khách và theo dõi Thánh lễ được phát sóng từ Nhà thờ Giáo xứ Thánh Phaolô ở Giáo phận Bogor.

Tất cả 37 Giáo phận của Indonesia đã đình chỉ các Thánh lễ công cộng cho đến cuối tháng Tư và các tín hữu Công giáo đang được khuyến khích sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giữ đức tin và giữ sự an toàn cá nhân của mình tại một quốc gia vốn đã ghi nhận 1.677 trường hợp nhiễm Covid-19 và 157 trường hợp tử vong tính đến ngày 1 tháng Tư.

Đối với các nhà thờ ở các thành phố lớn như Jakarta, việc sử dụng internet và các phương tiện kỹ thuật số khác để phát trực tiếp Thánh lễ cho giáo dân không thực sự là một vấn đề.

Câu chuyện hoàn toàn khác đối với các nhà thờ ở vùng sâu vùng xa. Để khắc phục khó khăn này, Tổng giáo phận Jakarta đã đạt được thỏa thuận với một số đài truyền hình để phát sóng Thánh lễ Chúa nhật từ Nhà thờ Chính Tòa Jakarta.

Bắt đầu từ ngày 29 tháng 3, TVRI thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu phát sóng Thánh lễ Chúa nhật cũng như các buổi cử hành Phụng vụ Tuần Thánh.

Cha Charles Lelu Umbu Sogar Ame Talu, đến từ Giáo phận Sintang ở Tây Kalimantan, cho biết truyền hình đã lấp đầy khoảng trống cho anh chị em giáo dân của ngài, những người có quyền truy cập internet hạn chế.

“Tôi luôn cử hành Thánh lễ riêng, trong khi giáo dân của chúng tôi được khuyến khích theo dõi Thánh lễ qua truyền hình”, Cha Talu nói.

Cha Andreas Atawolo thuộc Dòng Phanxicô, giáo sư thần học tại Trường Triết học Driyarkara có trụ sở tại Jakarta, cho biết các Thánh lễ trực tuyến là một bước tiến tốt đẹp để giúp mọi người vượt qua tình huống khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Mặc dù một số người đặt câu hỏi về tính hợp lệ của các Thánh lễ như vậy, nhưng về nguyên tắc, khi cử hành Thánh lễ trực tuyến, mọi người không được xem đó như là “một bộ phim hay một video về việc cử hành Bí tích Thánh Thể, mà phải tham gia một cách tích cực”.

Cha Andreas Atawolo cho biết rằng mọi người phải nhận ra rằng có một “sự hiệp thông tâm linh” ở đó, điều đó có nghĩa là mặc dù không hiện diện về mặt thể lý, họ vẫn hiệp thông với Thân thể Chúa Kitô.

“Việc tham dự Bí tích Thánh Thể trực tuyến không nên là một lý do để xem nhẹ ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể”, vị linh mục nói. “Mặc dù chúng ta không được Rước lễ, chúng ta có thể mời Chúa Giêsu bước vào tâm hồn mình”.

Biến đức tin thành hành động

Các nhà lãnh đạo Giáo hội Indonesia mời gọi các tín hữu Công giáo biến đức tin của họ trở thành hành động trong thời gian quan trọng này.

Một số tổ chức Công giáo, hợp tác với các bệnh viện và các tổ chức khác, đang hợp tác để gây quỹ nhằm giúp đỡ các nhân viên y tế và những người nghèo khổ.

Nữ tu Maria Pauli thuộc Dòng Các Nữ Tu Thánh George Tử Đạo của Thánh Phanxicô ở Lampung, Sumatra, cho biết Sơ và các chị em Nữ tu của mình làm công việc chuẩn bị thức ăn cho người nghèo. “Một số Nữ tu cũng sản xuất khẩu trang để phân phát cho những người có nhu cầu”, Nữ tu Maria Pauli phát biểu với UCA News.

Florianus Nggagur, một giáo dân, đã mời gọi các cựu sinh viên của Tiểu Chủng viện Piô XII quyên góp 3,560 đô la Mỹ để mua dung dịch khử trùng tay và các trang thiết bị bảo vệ cá nhân để phân phát cho các bệnh viện ở Flores hiện đang thiếu thốn các vật phẩm đó.

“Tôi đã rất xúc động khi đọc được tin tức về sự khan hiếm đối với các trang thiết bị này. Tôi đã làm điều này như một hành động liên đới với các nhân viên y tế”, ông Nggagur nói.

Felix Alber, Chủ tịch của chi nhánh Sukabumi của tổ chức “Catholic Youth” ở Tây Java, cho biết anh cùng với các bạn bè đồng nghiệp của mình đã gây quỹ để giúp đỡ những người lớn tuổi tại một viện dưỡng lão. Họ đã phân phát dung dịch khử trùng tay, khẩu trang và các nhu yếu phẩm cơ bản vào ngày 29 tháng 3. Anh Felix Alber cho biết rằng hành động của họ là một biểu hiện của nguyên tắc “đức tin không có hành động là đức tin chết”.

Alber cho biết đây chính là khoảnh khắc mời gọi các tín hữu Công giáo hiện diện trong số những nhóm dễ bị tổn thương nhất. “Tôi chắc chắn Chúa Giêsu muốn chúng ta sống đức tin của mình trong bối cảnh đại dịch này”, anh Alber cho biết thêm.

Minh Tuệ (theo La Croix)