Dân Chúa Âu Châu

Chính quyền cộng sản tại Trung Quốc đang tận dụng các nỗ lực nhằm kiểm soát đại dịch coronavirus để đẩy mạnh hành động thực thi chống lại các Kitô hữu thờ phượng trong các Giáo hội tại gia, các quan chức trong chính phủ đã phát biểu với ấn phẩm tự do tôn giáo và nhân quyền Bitter Winter.

Trung Quốc đã chiến đấu với coronavirus kể từ cuối năm 2019, và chủng virus này được cho là xuất hiện từ một “khu chợ trời”, vừa bán cả động vật tươi sống và thịt bị giết mổ, tại thành phố Vũ Hán. Kể từ đó, nhiều thành phố của Trung Quốc đã bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Theo nhà báo An Xin, viết trên ấn phẩm Bitter Winter hôm thứ Tư 1/4, thành phố Nộn Giangg, ở phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, đã khuyến khích người dân báo cáo những người hàng xóm của họ nếu họ biết hoặc nghi ngờ tổ chức các dịch vụ tôn giáo tại tư gia của họ.

Vào ngày 20 tháng 2, nhóm kiểm soát coronavirus của thành phố, do chính phủ Trung Quốc thành phố, đã ban hành một chỉ thị đặc biệt cấm cung cấp một địa điểm cho “các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”.

Nhóm kiểm soát coronavirus cho biết rằng điều này được đưa ra nhằm ngăn chặn việc có thêm nhiều trường hợp tiếp tục lây nhiễm COVID-19. Nếu một Giáo hội tại gia bị phát hiện, nó sẽ “bị đóng cửa một cách kiên quyết”, theo báo cáo trên tờ Bitter Winter.

Các cư dân tại thành phố Nộn Giang đã được trao phần thưởng trị giá 5.000 RMB (khoảng 700 đô la Mỹ) nếu họ báo cáo các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp nghi ngờ cho chính quyền.

Vào tháng 1, người đứng đầu một Giáo hội tại gia tại thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị các quan chức Trung Quốc chụp ảnh, và buộc phải viết và ký cam kết ngừng tổ chức các nghi lễ tôn giáo.

“Kể từ năm 2018, các quan chức cộng đồng đã đến để quay phim tôi và tư gia của tôi”, vị lãnh đạo nhà thờ tại gia này phát biểu với Bitter Winter.

“Họ luôn biết rõ tôi đi đâu”, bà phát biểu với ấn phẩm. “Mỗi lần tôi đến thăm anh chị em giáo dân của mình, họ lại theo dõi và sách nhiễu tôi. Tôi bị theo dõi bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến”.

Các quan chức chính quyền địa phương đã tăng cường truy tố các nhà thờ tại gia trong 6 tháng qua và đã đóng cửa ít nhất 12 nhà thờ này kể từ cuối tháng 10.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh “Hán hóa” đối với tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, một động thái mà Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ gọi là “chiến lược sâu rộng để kiểm soát, cai trị và thao túng mọi khía cạnh của niềm tin tôn giáo vào một khuôn mẫu của xã hội chủ nghĩa thấm nhuần ‘các đặc tính Trung Quốc’”.

Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện “kế hoạch Hán hóa” 5 năm đối với Hồi giáo, một tôn giáo đã phải đối mặt với cuộc đàn áp gia tăng ở nước này với ít nhất 800.000 người Hồi giáo Uyghur bị giam giữ trong các trại giam giữ tập trung.

Sự thích nghi của Vatican đối với chương trình “Hán hóa” là một chủ đề được thảo luận rộng rãi trong quá trình chính thức hóa một thỏa thuận vào năm 2018 giữa Vatican và Trung Quốc, vốn hợp thức hóa các Giám mục được chính phủ nước này bổ nhiệm với Tòa Thánh.

Trước đây, các Giám mục liên kết với “Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc” (CCPA) đã được bổ nhiệm bất hợp pháp và trước đây bị rút phép thông công với Rome.

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc là nơi có hơn 10 triệu người Công giáo, với 6 triệu người đăng ký là thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc được chính phủ phê chuẩn. Hàng triệu người Công giáo thuộc về Giáo hội hầm trú, không giống như Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc, không chịu sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc và luôn luôn hiệp thông với Tòa Thánh.

Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc, đạt được vào tháng 9 năm 2018, nhằm đưa CCPA vào hiệp thông với Rome và thống nhất Giáo hội tại Trung Quốc. Theo một số báo cáo, cuộc đàn áp của Chính phủ đối với cộng đồng Giáo hội hầm trú đã gia tăng sau khi thỏa thuận được ký kết.

Một báo cáo vào hồi tháng Giêng của Ủy ban về Trung Quốc của Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng các tín hữu Công giáo Trung Quốc phải chịu đựng “cuộc đàn áp ngày càng gia tăng sau khi thỏa thuận được ký kết, trong đó chính phủ đã phá hủy các nhà thờ, gỡ bỏ Thánh giá và tiếp tục giam giữ các giáo sĩ thuộc cộng đồng hầm trú”. Các Linh mục và Giám mục đã bị giam giữ hoặc đã tìm cách ẩn trốn.

Vào tháng 11 năm ngoái, người đứng đầu CCPA do nhà nước bảo trợ, Đức Giám mục Gioan Phòng Hưng Diệu (John Fang Xingyao), cho biết rằng các tín hữu Công giáo ở nước này phải đặt lòng trung thành của họ đối với chính phủ lên trước đức tin.

“Tình yêu đối với quê hương đất nước phải lớn hơn tình yêu đối với Giáo hội và luật pháp quốc gia phải được đặt trên Giáo luật”, theo Đức Cha Fang.

Hoàng Thịnh (theo CNA)