Dân Chúa Âu Châu

Số liệu năm 2019 của tổ chức ‘Open Doors’ cho thấy 50 quốc gia hàng đầu nơi mà việc trở thành Kitô hữu trở thành một mối đe dọa.

Khoảng 260 triệu Kitô hữu đã bị “đàn áp nghiêm trọng” vì đức tin của họ vào năm 2019.

Tuyên bố trên được đưa ra theo danh sách ‘World Watch List’ được công bố mỗi năm kể từ năm 2012 bởi tổ chức phi chính phủ mang tên ‘Open Doors’ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Danh sách này xếp hạng 50 quốc gia nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu.

Trong năm 2018, khoảng 245 triệu Kitô hữu đã bị tra tấn, báo cáo cho biết.

Sự gia tăng này là do “sự suy giảm tự do tôn giáo tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự lây lan của chủ nghĩa thánh chiến ở châu Phi hạ Sahara”, Patrick Victor, giám đốc của tổ chức ‘Open Door’ Pháp, cho biết.

“Chúng ta không thể để điều này xảy ra”, David Curry, chủ tịch của tổ chức ‘Open Doors’ Hoa Kỳ, tuyên bố trong khi tiết lộ dữ liệu tại Washington hôm 15 tháng 1. “Mọi người đang lên tiếng và chúng ta có nghĩa vụ phải lắng nghe tiếng kêu gào của họ”, ông Curry nhấn mạnh.

8 Kitô hữu bị giết hại mỗi ngày

Mặt khác, số vụ giết hại các Kitô hữu đã giảm từ con số 4.305 vụ vào năm 2018 xuống còn 2.983 vụ vào năm 2019, đồng nghĩa với mức giảm 31%.

Nhưng điều này có nghĩa là vẫn còn 8 Kitô hữu bị sát hại mỗi ngày, ông Victor nói.

Sự sụt giảm đã kéo theo xu hướng trong vài năm qua và chủ yếu là do sự suy giảm số lượng các Kitô hữu bị sát hại ở Nigeria.

Rõ ràng, những người Fulani chăn nuôi gia súc, vốn là các phiến quân Hồi giáo ở quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã thay đổi chiến thuật. Thay vì hành hạ các Kitô hữu, họ đã bắt đầu bắt cóc họ để đòi tiền chuộc.

Tuy nhiên, Nigeria vẫn là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu. Khoảng 1.350 Kitô hữu đã bị giết hại ở đó vào năm ngoái.

Xếp hạng tiếp theo là Cộng hòa Trung Phi (924 vụ), Cộng hòa Dân chủ Congo (152 vụ), Nam Sudan (100 vụ), Burkina Faso (50 vụ) và Ai Cập (23 vụ).

Vấn đề hóc búa của Trung Quốc

So với năm ngoái, số lượng các nhà thờ và các tài sản của Giáo hội bị nhắm mục tiêu (bị phá họa, thiêu hủy, tấn công, tịch thu, bị hư hại và bị niêm phong) đã tăng gấp 5 lần trên toàn thế giới, từ 1.847 trường hợp vào năm 2018 lên 9,488 trường hợp vào năm 2019.

Trung Quốc là thủ phạm hàng đầu về vấn đề này.

“Chỉ riêng tại Trung Quốc, 5.576 nhà thờ (chiếm 59% tổng số) đã bị phá hủy và bị đóng cửa”, ông Victor lưu ý.

Đơn cử một ví dụ, ông Victor đã đề cập đến trường hợp của Mục sư Wang Yi, người mà Nhà thờ Tin lành ‘Early Rain Covenant Evangelical Church’ của ông đã bị đóng cửa vào tháng 12 năm 2018. Vị Mục sư bị kết án 9 năm tù vì tội danh “kích động bạo loạn chống lại nhà nước Trung Quốc”.

Số lượng các Kitô hữu bị giam giữ tùy tiện cũng tăng từ 3.150 người vào năm 2018 lên 3.711 người vào năm ngoái.

Trung Quốc, Eritrea, Ấn Độ và Iran ráo riết theo đuổi một chương trình nghị sự nhằm đẩy các Kitô hữu vào sau các song sắt nhà tù.

11 quốc gia nơi mà các Kitô hữu bị đàn áp hầu hết đã thay đổi rất ít trong những năm gần đây, theo tổ chức ‘Open Doors’.

Triều Tiên là quốc gia đứng đầu danh sách.

“Tất cả mọi Kitô hữu ở đó đều bị bắt giữ, bị thẩm vấn và bị đưa đến các trại lao động hoặc bị giết hại”, tổ chức phi chính phủ cho biết.

Afghanistan, Somalia, Libya, Pakistan, Eritrea, Sudan, Yemen và Iran đứng ngay sau đất nước Cộng sản.

Những quốc gia mới lọt danh sách

Cũng như năm ngoái, Ấn Độ đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng. Nhưng theo tổ chức ‘Open Doors’, quốc gia đông dân thứ hai thế giới này hiện đang “trên bờ vực chuyển từ một quốc gia cộng hòa thế tục sang một quốc gia Ấn giáo thần quyền”.

Các Kitô hữu hiện đang phải đối mặt với “những khó khăn thử thách ngày càng gia tăng trong đời sống dân sự ở đó”, tổ chức này cho biết thêm.

Ba quốc gia mới lọt vào danh sách những nơi nguy hiểm nhất đối với các Kitô hữu: Burkina Faso (vị trí thứ 28), Cameroon (vị trí thứ 48) và Nigeria (vị trí thứ 50).

Các Kitô hữu tại hai quốc gia sau này hầu hết là những nạn nhân của tổ chức Boko Haram, một tổ chức khủng bố thánh chiến có trụ sở ở phía đông bắc Nigeria đang tìm cách thành lập một nhà nước Hồi giáo.

Minh Tuệ (theo La Croix)