Dân Chúa Âu Châu

 Lá thư của Đức Thánh Cha ĐTC Phanxicô

Gửi Hiền huynh đáng kính,

Hồng y Angelo De Donatis

Hiệu trưởng Đại Học Giáo Hoàng Lateran

 

1. Sự khao khát đối với hòa bình, vốn phát sinh từ gia đình nhân loại, luôn được nhận thấy qua việc Giáo hội dành hết sức mình nhằm nỗ lực góp phần giải phóng tất cả mọi người, bất kể nam nữ, khỏi những thảm họa chiến tranh và đồng thời giảm thiểu những hậu quả nguy hiểm của nó. Cũng trong thời điểm hiện tại, trong đó có nhu cầu ngày càng gia tăng đối với việc ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột, Giáo Hội cảm thấy bị thách thức, dưới ánh sáng của Tin Mừng, để truyền cảm hứng và ủng hộ mọi sáng kiến nhằm đảm bảo cho các dân tộc và các quốc gia khác nhau một con đường hòa bình, thành quả của cuộc đối thoại chân thực có khả năng dập tắt hận thù, từ bỏ thói ích kỉ nhỏ nhen và tự cho mình là điểm tham chiếu, vượt qua những ham muốn quyền lực và sự áp bức đối với kẻ yếu thế nhất và nhỏ bé nhất.

Nỗ lực này trước hết ngụ ý muốn nói đến nỗ lực của việc lắng nghe và thông cảm, nhưng đồng thời cũng là những kiến thức và nghiên cứu về di sản kế thừa các giá trị, các quan niệm cũng như các công cụ có khả năng phá vỡ khuynh hướng cô lập, khép kín và logic của quyền lực, vốn là những yếu tố dẫn đến tình trạng bạo lực và sự hủy diệt.

Các phương tiện của sự hòa giải, các hình thức công lý của thời kì chuyển tiếp, bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ và coi sóc công trình Sáng tạo là một số công cụ ngày nay có thể mở đường cho các hình thức giải quyết ôn hòa đối với các cuộc xung đột, phá vỡ chủ nghĩa tham lam danh vọng và các vị trí cốt yếu, và do đó hình thành nên những con người cống hiến toàn tâm toàn ý cho việc phục vụ chính nghĩa của con người.

Để trở thành một trung gian hòa giải đáng tin cậy khi đối mặt với dư luận công chúng, Giáo Hội được mời gọi thúc đẩy “giải pháp đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, sự hòa hợp, môi trường, bảo vệ sự sống, bảo vệ nhân quyền và dân quyền” (Tông Huấn ‘Evangelii Gaudium’, số 65). Một nhiệm vụ được thực hiện thông qua các hoạt động Tòa Thánh tiến hành trong cộng đồng quốc tế và trong các tổ chức của Giáo hội, phối hợp làm việc cùng với các công cụ ngoại giao nhằm khắc phục các cuộc xung đột bằng các phương tiện và việc trung gian hòa giải, thúc đẩy và tôn trọng nhân quyền cơ bản, và sự phát triển toàn diện của các dân tộc và các quốc gia.

2. Trong việc theo đuổi một mục tiêu như vậy, lĩnh vực giáo dục đại học có một vai trò trung tâm, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn không thể tách rời cần phải liên tục được đổi mới và làm cho trở nên phong phú, để có thể tạo ra sự đổi mới văn hóa can đảm mà thời điểm hiện tại kêu gọi. Thách thức này cũng đặt ra cho Giáo Hội, với mạng lưới các trường Đại học toàn cầu thuộc quyền quản lý của Giáo hội, có thể tạo ra “những đóng góp mang tính quyết định qua việc trở nên muối men và ánh sáng của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và Truyền Thống sống động của Giáo Hội, luôn mở ra với những viễn tượng mới và những đề xuất mới” như tôi đã nhắc lại gần đây trong việc cải cách quy định đối với các nghiên cứu học thuật trong các Tổ chức Giáo hội (xem Tông Hiến ‘Veritatis Gaudium’, số 2). Điều này chắc chắn không đồng nghĩa với việc thay đổi ý nghĩa của các thể chế và truyền thống vững chắc đối với thực tiễn về học thuật của chúng ta, mà là một sự định hướng chức năng của chúng theo quan điểm của một Giáo Hội “đi ra” và mang tính truyền giáo rõ rệt hơn. Trên thực tế, có thể giải quyết những thách thức của thế giới đương đại với khả năng đáp ứng đầy đủ các nội dung và tương thích trong ngôn ngữ, chú tâm trước hết đến tất cả các thế hệ mới. Kế đến, điều này chính là nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta: trở nên hiện thân của Lời Chúa cho Giáo Hội và cho nhân loại trong Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Và khi làm như vậy, điều quan trọng chính là các sinh viên và các giảng viên đại học tự nhận thấy mình được mời gọi để trở nên những người rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người, không lo sợ trước bất kì sự rủi ro nào và mơ ước hòa bình cho tất cả mọi người cũng như tất cả mọi quốc gia.

3. Do đó, được cổ võ bởi mong muốn chuyển đổi trong môi trường học thuật, và để trang bị với một phương pháp khoa học di sản của các giá trị và các hoạt động, tôi đã thiết lập tại Đại học Giáo Hoàng này, vốn cùng tham gia đặc biệt trong sứ mạng của vị Giám mục Roma, một loạt các nghiên cứu trong ‘Khoa học vì Hòa bình’, như một khóa học học thuật, mà trong đó tất cả các lĩnh vực thần học, triết học, pháp lý, kinh tế và xã hội được kết hợp lại theo tiêu chí xuyên môn và liên ngành (xem Tông Hiến ‘Veritatis Gaudium’, số 4, c). Do đó, cấu trúc khóa học sẽ rút ra từ quá trình giảng dạy do các Phân Khoa và Học Viện của Đại học Lateran truyền đạt, để trao các bằng cấp Tú tài và Cử nhân vào cuối khóa học theo kết quả tương ứng kéo dài trong ba năm đầu tiên và một loạt chuyên môn hai năm một lần.

4. Thông qua Hiền huynh, Hồng y Angelo De Donatis đáng kính, tôi giao phó khóa nghiên cứu mới này cho Đại học Giáo Hoàng Lateran, chỉ định Hồng y Hiệu trưởng nhiệm vụ định hướng, ngõ hầu việc đào tạo kiến thức khoa học cụ thể cho các linh mục, những người sống đời thánh hiến và giáo dân được đảm bảo. Các Giám mục Địa phận, Tuyên úy Quân đội, các Hội đồng Giám mục, các vị Bề trên của các Dòng Tu Nam và Nữ, và những người phụ trách các Hiệp hội và Phong trào giáo dân, cũng như tất cả những ai khao khát, sẽ có thể tìm đến khóa nghiên cứu ‘Khoa học vì Hòa bình’ nhằm thúc đẩy một sự chuẩn bị thích hợp cho các nhân tố hòa bình trong hiện tại và tương lai.

Đứng trước nhiệm vụ này, tôi hy vọng rằng, qua công việc phục vụ hàng ngày đối với Ngài tòa Phêrô, toàn bộ cộng đồng Đại học Lateran – tất cả các giảng sư, các sinh viên và nhân viên – sẽ cảm thấy như được tham gia vào việc gieo rắc hạt giống của nền văn hóa hòa bình. Một công việc bắt đầu với việc lắng nghe, tính chuyên nghiệp và sự cống hiến, luôn luôn đi kèm với tinh thần khiêm nhường, hiền hòa và ý chí làm tất cả vì mọi người.

Tôi đặt những sứ giả hòa bình đích thực và chân chính trên thế giới dưới sự bảo vệ của hai vị tiền nhiệm của tôi, Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI, những người đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Huấn quyền của Giáo hội trong lĩnh vực này, đồng thời trao phó những thành quả của những ưu tư của Giáo Hội cho Nữ Vương Hòa Bình, xin Mẹ giúp chúng ta nhận thức và sống tinh thần huynh đệ mà Thánh Tâm của Con Chí Ái của Mẹ đã mời gọi và rồi từ đó một nền hòa bình đích thực sự sẽ phát sinh.

Từ Vatican, ngày 12 tháng 11 năm 2018

Lễ nhớ Chân Phước Gioan Hòa Bình

Giáo Hoàng Phanxicô

 

Minh Tuệ (theo Zenit)


 

 
 

Facebook

 

Tin mới