Dân Chúa Âu Châu

Tên của cô có thể xa lạ với chúng ta nhưng tất cả chúng ta đều biết cô bé gào khóc trong đau đớn sau trận bom napalm dội xuống chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh làm cô bất tử ngày hôm đó bây giờ tròn năm mươi năm. Cơ hội để “cô gái nhỏ trong ảnh”, người có một quá trình phi thường tâm sự cùng trang La Croix.

la-croix.com, Marie Boeton, 2022-06-08

Kim Phúc ngày 5 tháng 5 năm 2022, trước bức ảnh chụp cô sau vụ tấn công bằng bom napalm vào làng của cô ở Việt Nam. Pier Marco Tacca / Hình ảnh Getty

La Croix: Ngày 8 tháng 6 năm 1972, đúng 50 năm trước, bà là nạn nhân của vụ ném bom của Mỹ vào Việt Nam. Bà sống “ngày kỷ niệm” này như thế nào?

Kim Phúc: Tất nhiên tôi vẫn tiếp tục mang quá khứ của tôi nhưng theo một cách khác. Khi đó tôi là đứa trẻ vô tội, trong nỗi đau đớn tột cùng về thể xác và sau đó là tình cảm. Hôm nay, tôi không còn thấy mình là nạn nhân nữa, mà là người sống sót. Tôi đã không chọn chịu đựng chiến tranh, cũng như không chọn xuất hiện trên bức ảnh nổi tiếng này – điều mà từ lâu tôi rất ghét! -, nhưng rồi tôi chọn cuộc đời tôi. Tôi đã thành vợ, thành mẹ, thành bà và là nhà hoạt động, v.v. Tôi đã cận kề cái chết ngày hôm đó, một ngày tháng 6 năm 1972, nhưng việc tôi sống sót phải mang một ý nghĩa.

Ý nghĩa nào?

Đó là làm chứng. Để làm chứng rằng, ngay cả sau những chuyện này, hòa bình vẫn có thể được tìm thấy. Tôi là người có lòng tin sâu đậm, tôi theo đạo tin lành baptiste. Với tôi, mình không thể thay đổi được gì quá khứ, nhưng mình có thể thay đổi tương lai bằng tình yêu và tha thứ.

Vì sao bà ghét bức ảnh này?

Hồi đó tôi xấu hổ vì bức ảnh này. Phơi bày trước thế giới như thế này, la hét, trần truồng… Nhưng sau đó nó liên tục đưa tôi trở về với khoảnh khắc đau đớn nhất đời tôi: khi đó tôi 9 tuổi và chỉ trong một tích tắc, tuổi thơ của tôi dừng lại. Trong bức ảnh này, tôi hét lên “Nóng quá! Nóng quá!” Nhưng không có từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác của tôi. Napalm cháy ở 3.000 độ C và tôi cảm thấy như bị nấu chín. Nấu chín tới xương. Ngay sau đó, tôi bất tỉnh. Tuy nhiên, như tôi đã nói với bà, tôi đã làm hòa với bức ảnh này. Với thời gian, bằng cách nhìn nó thì cuối cùng nó là một ân phúc.  Nó làm cho tôi nổi tiếng để tôi có thể cổ động cho hòa bình.

Bây giờ bà còn bị di chứng về thể chất không?

Hoàn toàn còn! Tóm tắt, một phần ba cơ thể tôi bị cháy tận xương, vì thế tôi đã phải ghép da 17 lần, tôi vẫn còn đau khi nhiệt độ thay đổi và trong một vài cử động. May mắn trong những năm gần đây, đời tôi đã hoàn toàn thay đổi nhờ điều trị bằng laser. Trước đây, trên thang điểm từ 1 đến 10, cơn đau hàng ngày của tôi là khoảng 8 hoặc 9, bây giờ nó chỉ còn 3 hoặc 4. Vì vậy, không có gì để nói. Bây giờ tôi “quản lý” được cơn đau, như họ nói! (Cười.)

Bà có nghĩ tuổi thơ của bà bị hy sinh không?

Có. Sau khi bất tỉnh, người ta đưa tôi vào bệnh viện: họ băng bó vết thương cho tôi nhưng tình trạng của tôi càng lúc càng tệ, họ đưa tôi đến nhà xác. Nạn nhân phỏng chiến tranh hiếm khi sống sót, và bỏng nặng như vậy… Sau hai, ba ngày, cha mẹ tìm ra tôi và tôi mới được chăm sóc thực sự. Y tá bắt tôi phải tắm hàng ngày để vết thương bỏng ở lưng, cổ và cánh tay trái không bị nhiễm trùng – toàn những vết thương nóng bỏng! Và những lần tắm này là địa ngục trần gian! Đau đến nỗi lần nào tôi cũng xỉu; các cô y tá đã phải giữ đầu tôi ra khỏi nước để tôi khỏi bị trượt và chết đuối. Quá đau đớn. Sau này tôi mới biết, có lúc mẹ tôi cầu nguyện cho tôi chết, như thế tôi sẽ hết đau càng sớm càng tốt.

Trong quyển sách Được cứu từ địa ngục, Sauvée de l’enfer bà xuất bản năm 2017, bà giải thích khi còn là sinh viên, bà đã muốn “từ giã cuộc đời”. Vì sao?

Vì tôi ghét đời sống của tôi! Tôi đau đớn triền miên và với những vết sẹo gớm ghiếc này, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có được tình yêu. Tất cả những năm này, tôi chỉ nuôi một hy vọng duy nhất: làm bác sĩ nhi khoa để đến lượt tôi, tôi có thể giúp các em bé. Nhưng một lần ở trường đại học, tôi thấy tôi bị chính quyền Việt Nam đem ra làm công cụ, họ có ý định dùng tôi cho mục đích tuyên truyền để tôi nói tất cả những xấu xa về những người đã phá hủy tuổi thơ của tôi. Tôi phải lên tiếng hết lần này qua lần khác, các can thiệp trước công chúng, các phỏng vấn trên truyền thông. Trước các nhà báo nước ngoài, những người phiên dịch bị chính phủ bắt phải sửa đổi những lời nói của tôi để phù với những gì họ mong chờ ở tôi. Sự sách nhiễu liên tục này đã làm cho tôi không thể tiếp tục học hành. Đúng, vào thời điểm đó, tôi ở dưới đáy vực thẳm. Tôi ở bờ tự tử.

Chính trong thời gian này, tình cờ bà gặp quyển Kinh thánh và điều này đã làm thay đổi đời sống của bà như thế nào?

Đó là kế hoạch của Chúa! (Cười) Năm 1982, tôi tình cờ bắt gặp quyển Kinh thánh trong một thư viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đọc lướt qua và dừng lại ở Tân Ước. Ở đó, tôi khám phá Chúa Giêsu đã đau khổ vì sứ điệp ngài loan báo. Tôi cũng khám phá ra, chúng ta có thể được Chúa yêu thương vô điều kiện. Và sự xoa dịu đó trên một trái tim bầm tím như trái tim của tôi thì thật phi thường!

Sau đó tôi trở lại. Cha mẹ tôi xem đây là sự phản bội. Cha mẹ tôi theo đạo cao đài và với họ, tôi là kẻ phản bội. Và từ đó mẹ tôi không cho tôi tiền, tôi là sinh viên không một xu dính túi. Bà nói: “Con tin vào Chúa thì Chúa của con sẽ lo cho con!” Tôi nghiến răng chịu đựng nhưng tôi khóc rất nhiều. Nhưng sau đó cha mẹ tôi trở lại, nhưng 15 năm sau.

Về cơ bản, tôi có thể nói đức tin vào Tin Mừng đã giúp tôi tìm được bình an. Niềm vui cũng vậy. Tôi dần dần học được cách không sợ hãi về tương lai, về nỗi đau, về bản thân nữa! Như thể Chúa đã đặt một khoảng cách nào đó giữa tôi và nỗi đau của tôi.

Nó có giúp bà không còn sống trong quá khứ không?

Chắc chắn. Tự nhốt mình trong quá khứ là một cái bẫy. Mình có thể chết chìm trong đó, không nên nhắc đi nhắc lại mà phải dùng nó để nâng mình lên. Sau đó, thành thật mà nói, tha thứ mà Kinh thánh đã nói đến rất nhiều, tôi không chắc mình có thể làm được! (Cười.)

Có nghĩa là?

“Yêu kẻ thù của mình”, làm thế nào để nói…? Phải đặt nó lại trong bối cảnh. Vào thời điểm đó tôi có rất nhiều kẻ thù: những phi công ném bom vào làng, cán bộ nhà nước dùng tôi để tuyên truyền. Tôi chưa sẵn sàng tha thứ. Sau đó, theo thời gian, tôi hiểu mình không thể làm một mình. Chúa phải giúp, Chúa phải cho chúng ta sức mạnh. Thêm nữa, tôi hay nói với Chúa: “Chúa làm phần Chúa, con làm phần con.” Năm mươi năm mươi! (Cười.)

Bà vừa nói bà không còn sợ chính bà, có nghĩa là?

Tôi không còn sợ bề ngoài của tôi nữa, nhưng tôi phải mất nhiều năm. Trước đây, tôi luôn che cánh tay và vai để khỏi thấy các vết sẹo của tôi. Và rồi, một ngày nọ tôi bừng tĩnh, trong một buổi lễ kỷ niệm Nữ hoàng Anh mời tôi. Tôi trang điểm công phu, tôi mặc chiếc áo rất đẹp có đính ngọc trai. Vào ngày trọng đại, Nữ hoàng đến chào tôi, bà nhìn tôi từ đầu đến chân và nói: “Cô gái nhỏ trong bức ảnh, có phải là bà không? Có thật không? Nếu thực sự là bà, tôi không thể tin được.” Chắc chắn là bà biết đó là tôi, nhưng đó là cách để nói tôi đã thay đổi rất nhiều. Và tôi suýt xắn tay áo để bà thấy vết bỏng của tôi, một điều hoàn toàn không thể được theo nghi thức! Nhưng câu chuyện này đã tác động mạnh đến tôi, tôi tự nhủ: “Những vết sẹo này là của tôi, tại sao tôi phải giấu?” Kể từ đó, tôi không còn cảm thấy ngại khi tôi thích mặc áo tay ngắn. Tôi không còn quan tâm đến những gì người khác nghĩ. Tôi đã học cách buông bỏ tất cả.

Khi bắt đầu cuộc trò chuyện, bà nói đã có lúc bà nghĩ bà sẽ không tìm được tình yêu, không thể có gia đình. Sai phải không?

Đúng, tôi đã sai. Đúng là khi còn trẻ, tôi thường so sánh mình với các  cô gái khác, với làn da sần sùi như da trâu của tôi, tôi nghĩ chẳng ai thích tôi. Cuối cùng tôi tim được tình yêu. Trong hơn ba mươi năm, Toàn chia sẻ cuộc sống với tôi. Anh chấp nhận hoàn toàn con người của tôi, không điều kiện.

Còn với việc làm mẹ, suốt tuổi trẻ của tôi, các bác sĩ đều nói cơ thể của tôi đã phải chịu đựng quá nhiều để có thể sinh nở, bây giờ lại phải chịu thêm khó khăn để sinh con. Và họ đã nhầm. Chúng tôi có hai đứa con trai, Thomas và Stephen, và ba đứa cháu!

Năm 1986, bà xin chính phủ Việt Nam di cư ra nước ngoài để sống ẩn danh. Sau đó, bà được định cư ở Cuba, một “chế độ thân thiện”. Nhưng dưới thời Fidel Castro với chính sách kiểm soát đè nặng, bà đã quyết định đi trốn. Làm thế nào?

Từ nhiều năm tôi đã mơ đi trốn mà không bao giờ thực hiện được. Trên đảo, mọi hành vi cử chỉ của mọi người đều bị kiểm soát rất chặt chẽ. Năm 1992, tôi kết hôn với Toàn – người đã sống ở Cuba – và không phải là không khó khăn, chúng tôi được đi hưởng tuần trăng mật. Chỉ một nơi duy nhất được đến: Mátxcơva. Đi Mátxcơva. Trên đường về Havana, máy bay dừng ở Canada để lấy thêm nhiên liệu. Và tôi nghĩ: bây giờ hoặc không bao giờ. Tôi nói với Toàn chuyện này, anh cho đây là chuyện điên rồ. Nhưng tôi không biết điều gì đã làm cho anh đồng ý – tình yêu hay hoàn toàn điên rồ – nhưng anh đã đồng ý! (Cười.) Máy bay hạ cánh, chúng tôi chỉ có vài phút trước mắt. Tôi vẫn còn nhớ mãi trong đầu tôi sân ga lúc đó, hành lang này ở cuối hành lang, mình có thể nộp đơn xin tị nạn. Tự do ở đó, trong tầm tay. Nó rất đơn giản và đồng thời…

 Và đồng thời?

Chúng tôi không có gì trong tay! Chúng tôi không quen ai ở Canada, chúng tôi không có việc làm, không tiền bạc, không gì cả. Thậm chí chúng tôi không có một đồ đạc nào, va-li ở trong bụng máy bay!

Việc hội nhập có khó khăn không?

Khởi đầu thật khó khăn, rất khó. Chúng tôi rất đơn độc. Chúng tôi không có chỗ ở cố định. Lúc đầu, chúng tôi đến nhà truyền giáo cơ đốc, nơi phục vụ bữa ăn cho người nghèo. Và sau đó những vết sẹo hành hạ tôi, tôi hoàn toàn không lường trước được khí hậu ở Canada.

Khi đã định cư, bà có thể có cuộc sống bình thường. Vì sao bà chọn dấn thân, làm chứng, vận động và thành lập một tổ chức phi chính phủ ủng hộ hòa bình?

Tôi hoàn toàn không dự trù kế hoạch này. Có một chuyện đã xảy ra:  năm 1995, khi tôi đang đi dạo trên đường phố Toronto với một cô bạn, một nhà báo chụp hình tôi, ngày hôm sau bức hình đăng trên trang nhất báo Toronto Sun, chú thích “cô bé trong ảnh” như người ta vẫn thường gọi tôi, hiện sống ở Canada. Sau đó tin nhắn dồn dập đến, cả một cuộc sống của tôi đảo lộn. Chung quanh tôi, ai cũng hỏi tôi: “Bà có phải là cô gái nhỏ bị phỏng vì bom napalm không?”

Vài ngày sau tôi có một cú clik. Tôi vẫn còn nhớ như in lúc này, khi tôi vừa ôm đứa con đầu lòng trên tay trong phòng khách vừa xem trang bìa Toronto Sun và tôi nghĩ: không có chuyện con trai tôi phải chịu cảnh chiến tranh như tôi đã chịu, điều này là không thể. Và, rộng hơn, không thể chấp nhận được việc có những em bé khác, như tôi, phải trả giá bằng chiến tranh. Sau đó mọi thứ diễn ra nhanh chóng. Tôi đã tham gia, mới đầu đơn giản chỉ là làm chứng. Bằng cách giải thích sự ghê tởm của chiến tranh, bằng cách ủng hộ hòa bình. Nhưng cũng có thể tha thứ và hy vọng. Chúng ta luôn phải bám lấy hy vọng.

Có phải từ đó mà bà làm hòa, như bà nói, với bức ảnh nổi tiếng năm 1972 này không?

Theo một cách nào đó, có. Dù sao lúc đó tôi nghĩ, dù tôi làm gì, dù tôi ở đâu bức ảnh này cũng đi theo tôi… và việc chống lại sự thật này là vô ích. Đúng hơn, cần phải làm gì đó.

Năm 1996, trong một lễ kỷ niệm liên quan đến Việt Nam, bà gặp người trách nhiệm các cuộc bắn phá vào làng của bà. Bà đã nói gì với chính bà?

(Im lặng.) Ông đã lặp đi lặp lại: “Tôi rất xin lỗi. Tôi thật tình xin lỗi. Thật tình xin lỗi…” Ông khóc như đứa con nít. Ông hỏi tôi có tha thứ cho ông không, và tôi nói có. Trong suốt tất cả những năm này, tôi đã cố gắng làm việc mỗi ngày với tha thứ, và lúc đó tôi đã sẵn sàng. Tôi nghĩ thậm chí tôi có thể nói tôi rất biết ơn khi có thể nói tha thứ cho người đàn ông này.

Sau cuộc gặp này, bà quyết định thành lập The Kim Foundation International. Thiên chức của nó là gì?

Là một tổ chức phi chính phủ cam kết hỗ trợ trẻ em bị thương hoặc tàn tật nghiêm trọng do hậu quả chiến tranh. Chúng tôi gây quỹ hợp tác với các tổ chức khác để mở phòng khám, trường học, thư viện. Ý tưởng là để sửa chữa các hậu quả của chiến tranh trên các em bé này, dĩ nhiên, trong chừng mực chúng tôi có thể.

Hiện nay bà là đại sứ thiện chí của UNESCO. Bà mang thông điệp gì?

Tôi cố gắng, theo kinh nghiệm của tôi, nhắc lại sự ghê tởm của chiến tranh. Bà biết đó, chúng ta thường xem hòa bình như là chuyện hiển nhiên. Không. Nó không không hiển nhiên, nó như vậy (Bà búng tay.). Hòa bình, chúng ta phải nỗ lực liên tục, liên tục, liên tục. Chúng ta hãy nhìn những gì đang xảy ra ở Ukraine. Ai có thể tưởng tượng nó đã xảy ra vài tháng trước đây?

Một số phương tiện truyền thông từ chối đăng những bức ảnh gây “sốc” nào đó. Thường là vì luân lý. Bà nghĩ sao?

Tôi có thể hiểu rngười ta có thể đặt câu hỏi, nhưng tôi nghĩ phải đăng. Mình phải cho thấy điều tồi tệ nhất để có thể chống lại nó. Một số hình ảnh nói hiệu quả hơn là lời nói. Một bức ảnh là không khoan nhượng. Tôi hiểu, để trở lại bức ảnh nhiếp ảnh gia Nick Ut chụp tôi ngày 8 tháng 6 năm 1972, bức ảnh này đã làm cho nước Mỹ đối diện với những gì họ đang làm ở Việt Nam. Và chắc chắn sau đó nó đã đẩy nhanh việc Mỹ rút quân.

Tương quan của bà với nhiếp ảnh gia như thế nào? Bà có giận vì ông chụp bức hình này không?

Không, không bao giờ. Thứ nhất, vì chính ông cũng chịu rủi ro rất rất lớn khi làm phóng viên chiến trường, ở gần chiến trường nhất: ông rất có thể đã bị bỏng nặng vì bom napalm vào ngày hôm đó. Còn đối với tôi, ông là anh hùng của báo chí. Thêm nữa, một năm sau ông nhận giải thưởng Pulitzer cho bức ảnh này và ông hoàn toàn xứng đáng. Ngày đó, ông đã cứu mạng tôi theo đúng nghĩa đen. Vì sau khi chụp ảnh, ông lấy khăn quấn tôi và đưa tôi đến bệnh viện gần nhất. Tôi nợ ông mạng sống của tôi. Chúng tôi không bao giờ mất dấu nhau; chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Ông trở thành người bạn, một người của gia đình. Tôi gọi ông là “chú Út!” (Cười.)

Kim, chúng tôi không nghĩ bà sẽ cười nhiều như vậy khi bà trải qua một hành trình đau khổ như bà đã trải qua. Từ đâu bà được như vậy?

Có thể khi bà, cũng như tôi, đã phải chịu đựng những thử thách khủng khiếp – khủng bố của chiến tranh, lưu đày, nghèo đói, đau đớn liên tục – thì mình phải tương đối hóa nhiều chuyện. Và mình quý cuộc sống với đúng giá trị của nó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxico.vn