Dân Chúa Âu Châu

“Chúng con cảm tạ Chúa đã thương chúng con cách lạ lùng. Chúa không ngừng bày tỏ lòng nhân hậu của Chúa cho mỗi người chúng con. Nhìn lại cuộc đời mình, chúng con cảm thấy rõ ràng có bàn tay kì diệu của Chúa luôn chở che và mời gọi chúng con tin nhận Chúa Thật. Và hôm nay, mười lăm người chúng con, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chính thức được làm con Chúa qua bí tích Rửa tội. Chúng con không thể diễn tả hết niềm vui của mình lúc này”. Đó là xác tín và tâm tình đầy xúc động của ông đại diện cho các tân tòng sau Thánh lễ ban các Bí tích Khai tâm Kitô giáo vừa được diễn ra sốt sắng và nhiều cảm xúc tại nhà nguyện Trụ sở Giáo Phận Vinh, 32 – Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đakao – Q.1 – Sài Gòn, chiều Chúa Nhật IV Mùa Vọng, 21/12/2014.

Phải! mười lăm người, mỗi người một hoàn cảnh độc đáo. Đọc lại những dòng tâm sự các dự tòng khi chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, ta không khỏi kinh ngạc về những nẻo đường đưa họ đến cùng Chúa.

Xem Hình

Ông Nguyễn Ngọc Giao (65 tuổi, quê gốc Ninh Bình, hiện ở P.12, Q. Tân Bình) vốn là cựu chiến binh, tâm sự: “Năm 1972, con chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Đồng đội của con hầu như chết hết, còn lại 5 người. Hoãng loạn, chúng con mỗi người chạy một hướng. Con và một người bạn quyết định chạy về La-vang. Chạy liên tục 14 cây số mới đến La vang. Đến đó, con kêu cùng Mẹ: “Xin Bà cứu con”. Đi thêm một đoạn, đêm đã khuya, mệt quá, chúng con ngủ bên đường. Đang ngủ, con như cảm thấy có ai vỗ vai mình và nói “Hãy tránh sang nơi khác!”. Tỉnh dậy, chúng con chạy khỏi đó khoảng 100 mét. Chừng 10 phút sau, một toán lính của giặc đi qua ngay chổ chúng con vừa tránh. Con kinh hồn kinh vía, đội ơn Đức Mẹ đã cứu con thoát chết. Sau này nhiều lần trong đời, con luôn cảm nghiệm có Chúa thật, có Mẹ thật. Con xin điều gì, Chúa và Mẹ đều nhậm lời. Con cứ muốn theo Đạo. Kết hôn với vợ, gia đình bên Vợ theo Phật giáo nhưng không ngờ bà cũng thường xuyên cầu nguyện cùng Đức Mẹ”.

Vợ ông Giao, bà Nguyễn Thị Giang (47 tuổi, quê gốc Quảng Nam) tâm sự: “Khi có thai đứa đầu, nằm ngủ, con thường xuyên thấy một người đàn bà mặc áo xanh, bồng đứa con, trông bà rất hiền và đẹp lắm. Nhiều lần như thế, con đem tâm sự với mự của con (người Công Giáo). Mự bảo, thế là cháu được thấy Đức Mẹ rồi. Từ đó, con hay đi Trà Kiệu để cầu xin Đức Mẹ. Sau này khi gia đình có chuyện gì khó tháo gỡ, con đều cầu xin Đức Mẹ. Chúa và Mẹ thương con lắm. Trong nhà con luôn có thuốc Đức Mẹ La-vang”.

Vợ chồng ông Giao, bà Giang hiện có hai người con là Bảo Vân (nữ, 14 tuổi) và Bảo Phúc (nam, 10 tuổi). Trước khi học lớp Giáo lý Dự tòng, cả gia đình đã thuộc nhiều kinh, bổn và thường xuyên đi lễ tại Giáo xứ Vân Côi – Hạt Tân Sơn Nhì – TGP Sài Gòn. Riêng Bảo Phúc, em hiểu biết nhiều về Kinh Thánh và tiểu sử các Thánh, có thể nói không nhiều trẻ em Công Giáo cùng trang lứa biết được như em.

Các chị Hoàng Thị Oanh (SN 1987, quê Hà Giang), Lê Thị Vinh (SN 1975, quê Hà Tĩnh) và chị Trần Thị Hương Lan (SN 1979, ở Q.9 – Sài Gòn), có hoàn cảnh tương tự nhau. Lấy chồng Công Giáo, ngày xưa, các anh chị về ở cùng nhau, chưa có thủ tục đạo – đời nào. Tâm sự cùng chúng tôi, anh Phaolô Dương Văn Hùng (chồng chị Vinh) kể: “Nói thật, hai mươi năm nay con không xưng tội, rước lễ gì. Hai vợ chồng chưa thống nhất theo Đạo nào nên con cứ để vậy. Con cứ tưởng là mọi chuyện xuôi chèo, mát mái. Ai ngờ, khi đứa con đầu của con lớn (nay đã 17 tuổi), nó không chịu nghe bố mẹ, nhưng cho nó đi nhà thờ học Giáo Lý với các Sơ thì nó lại ngoan ngoãn nghe theo. Con nghĩ, rồi thằng thứ hai cũng vậy thôi. Nay gặp dịp thuận lợi, hai vợ chồng con quyết định cả nhà cùng một Tôn giáo”.

Chị Huỳnh Thị Mến (SN 1990, quê Gia lai), chị Trịnh Thị Bình (SN 1990, quê Bến Tre) và chị Trần Thị Thảo (SN 1991, quê Nghệ An) sắp kết hôn với người Công Giáo. Chị Mến kể: “Thời học sinh, con có người bạn thân theo Đạo. Các dịp lễ lớn như No-en con hay đến nhà bạn chơi và cùng đi nhà thờ. Con thích lắm. Bốn năm học đại học ở Sài Gòn, trọ gần nhà thờ nên con đi lễ thường xuyên hơn. Hai năm qua, con gặp và yêu anh Gio-an Trần Minh Dương (quê Yên Lý – Gp Vinh). Con cảm thấy có sức mạnh lôi cuốn thực sự để học Lớp dự tòng và theo Đạo Chúa”.

Giảng trong Thánh lễ, Cha Phêrô Nguyễn Đoài – Giám đốc Trung tâm Mục vụ Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam, nhấn mạnh: “Nếu chúng ta cộng tác, kế hoạch của Chúa sẽ được thực hiện, nhưng phải đến thời đến buổi. Vua Đa-vít muốn xây nhà cho Chúa, đó là điều tốt. Nhưng không, Chúa chưa muốn ông làm điều đó mà là con của ông. Cũng vậy, bác Giao muốn đi Đạo bốn mươi năm rồi, nhưng bây giờ ước mơ đó mới thành hiện thực. Không những riêng bản thân bác mà nay được cả vợ, cả con nữa. Chúa luôn mời gọi con người đến với Người nhưng Người cũng tôn trọng tuyệt đối tự do của chúng ta. Người kiên nhẫn để chờ đợi. Trường hợp gia đình anh Hùng, anh Phát, anh Điệp là một ví dụ. Hai mươi năm, mười ba năm, tám năm qua, trong nhà các anh chị, ai giữ đạo nấy, nay mới thống nhất theo Chúa. Chúa vẫn luôn sẵn sàng giang rộng vòng tay đón các anh chị”.

Trong mười lăm tân tòng có mười người được ban bí tích Thêm sức. Dịp này, cha Phêrô Nguyễn Đoài cử hành bí tích Hôn phối cho ba đôi vợ chồng. Chứng kiến cảnh các con quấn quýt bên bố mẹ lúc trao nhẫn cưới cho nhau, cả nhà nguyện chật kín người lặng thinh: vui mừng, xúc động.

“Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125,3)

Với những người tân tòng, trải qua Mùa Vọng dài: ước mong, thao thức, đấu tranh, chờ đợi, nay Chúa đã thực sự đến với họ. Từ đây, cuộc đời của họ bước sang trang mới. Chuyện đời họ là một xác tín: trên mọi nẻo đường, Chúa vẫn luôn chăm sóc đồng hành cùng ta và không ngừng mời gọi ta nhận biết và yêu mến Người, vì Người là Cha Yêu Thương, “ muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết Chân lý” (1Tm 2,4)

Antôn Hùng Mạnh