Dân Chúa Âu Châu

TynanMở rộng vòng tay, mở rộng con tim, để đón tiếp anh chị em tỵ nạn

Từ nhiều năm qua, hàng trăm ngàn dân tỵ nạn từ các nước Nam Phi, vượt biển Địa Trung Hải, trên các con thuyền mong manh, cập bến các đảo nước Hy Lạp và nước Ý. Bao ngàn thuyền nhân cũng đã phải vùi thây trong lòng biển cả! Các trại tiếp cư tạm thời tại các đảo Lampedusa (nam Ý) hay các đảo của Hy Lạp càng ngày càng chật cứng... những tháng ngày chờ đợi được một nước tiếp nhận càng ngày càng lâu hơn, vì danh sách đơn xin tỵ nạn chồng chất, mà các nước tiếp cư chưa sẵn sàng nhận!

Theo những con số thống kê chưa đầy đủ 340.000 người tị nạn đã di dân bất hợp pháp vào Âu Châu trong 6 tháng đầu năm nay. Chỉ riêng trong tháng 7, con số người tị nạn tràn vào Âu Châu đã tăng vọt lên tới 107.500 người. Trong khi đó xác những người vượt biên bằng đường biển trôi bập bềnh vào bờ biển của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính có ít nhất 2800 người đã chết trong vùng biển Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay.

Từ mấy tháng qua, làn sóng tỵ nạn nóng hẳn lên vì mỗi ngày hàng chục ngàn dân "tỵ nạn đường bộ" khởi từ các trại tỵ nạn Trung Đông, đa số là dân tỵ nạn Syria, vượt qua hàng bao ngàn cây số từ Thổ Nhĩ Kỳ, băng qua Hy lạp, Serbie, Hung gia lợi, Áo....và đích nhắm của đại đa số là nước Đức, hoặc Thụy Điển...

Làn sóng tỵ nạn như nước vỡ bờ, dồn dập khiến các nước bị tràn ngập không xoay xở kịp thời, nên nhiều nước bó buộc phải đóng cửa biên giới, rào kẽm gai cao mấy thước để ngăn cản dân tỵ nạn đổ vào...Nhưng cũng chỉ là những giải pháp tạm thời!!!

Hôm thứ sáu 4.9.2015, Hội Đồng Giám Mục Pháp đã công bố một bản thông cáo, mang chữ ký của Đức Giám Mục Renauld de Dinechin, giám mục phụ tá Paris, đặc trách mục vụ cho người di dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Pháp, bày tỏ “nỗi buồn rất sâu sắc” khi được tin “tìm thấy xác cháu bé Aylan, 3 tuổi, trốn chạy khỏi Syria, tại một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thông cáo viết: “Hình ảnh cháu bé này đã gây nên một cảm xúc mạnh mẽ, tự nhiên và đau xót” và cho biết thêm “anh của Aylan (5 tuổi) và mẹ của hai cháu cũng đã chết và xác của họ cũng đã được tìm thấy trên bãi biển trong số 11 người tử nạn trong vụ đắm tầu này. Ðây cũng là cảm xúc về hàng ngàn người nam, nữ và trẻ em đã chết trong cuộc xuất hành, đi tìm một thế giới tốt đẹp hơn chính quê hương của họ”.

Đức Cha Dinechin nhấn mạnh: “Vào tháng Bảy năm 2013, trước thảm cảnh Lampedusa, ĐTC Phanxicô đã tới đây 'để thức tỉnh lương tâm chúng ta hầu cho điều đã xảy ra không còn tái diễn nữa'. Và Ngài cảm thấy ngao ngán: “Thế mà hôm nay, điều đó lại tái diễn...”. Hội Đồng Giám Mục Pháp bày tỏ hy vọng “Mong sao cái chết của Aylan thức tỉnh lương tâm chúng ta”.

Vì thế, Hội Đồng Giám Mục Pháp tha thiết “kêu gọi tất cả mọi người Công Giáo và người thiện chí trợ giúp và mở lòng trước những người anh em của mình để cuộc phiêu bạt của họ đi tìm một cuộc sống tốt hơn không còn dẫn họ tới cái chết”.

Ðối với Đức Cha Dinechin, “hình ảnh cháu bé Aylan cho chúng ta thêm ý thức về thực tại của các thảm kịch những người di dân đã phải trải qua” và “Thiên Chúa đang nói với chúng ta qua các biến cố này và thức tỉnh lương tâm chúng ta”.

Đức Giám Mục phụ tá Paris bày tỏ mong muốn rằng: “Trong khi biến cố đau buồn này bộc lộ cho chính xã hội của chúng ta thấy những sự ích kỷ, những rối loạn chức năng và tính mỏng manh của nó... thì cũng sẽ làm mỗi người và tập thể phải giật mình”. Ngài nhấn mạnh: “Chính việc tiếp nhận con người mong manh dễ bị tổn thương, những người nghèo khổ nhất, người di dân, sẽ cứu xã hội chúng ta”.

Chúng ta, những thuyền nhân Việt Nam, vượt biển (Boat people) cách đây trên dưới 40 năm, tỵ nạn cộng sản, đã liều chết ra đi tìm tự do...Với giá máu và nước mắt, đau lòng phải từ bỏ Quê Hương Đất Tổ, từ bỏ làng xóm, từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, để ra đi với hai bàn tay trắng....Hàng triệu thuyền nhân đã cập bến an lành và đã được các nước tiếp cư mở rộng vòng tay nhân ái đón tiếp, nâng đỡ và giúp đỡ chúng ta từ những ngày chân ướt chân ráo...giúp chúng ta học tiếng, tìm nhà cửa, tìm công ăn việc làm...con cháu chúng ta giờ đây đã thành công trên con đường hội nhập và đại đa số chúng ta được "an cư lạc nghiệp"...

Trước biến cố hàng triệu dân tỵ nạn đang dồn dập đổ vào Âu Châu, nơi chính chúng ta mấy thập niên trước đã được đón tiếp với lòng nhân ái: chúng ta nghĩ gì? Chúng ta phải làm gì? Nhắc lại trang lịch sử tỵ nạn cộng sản vượt biên, để :

1) Cùng hiệp thông tạ ơn Chúa đã phù trì cứu vớt hàng triệu đồng bào tỵ nạn cho chúng ta được cập bến bình an. Cầu nguyện cho hàng trăm đồng bào đã bỏ mình trên đường vượt biên tìm tự do.

2) Cầu xin Chúa soi sáng cho các nhà cầm quyền trên thế giới, nhất là các phe phái liên hệ, biết ngồi lại đối thoại, hòa giải và tìm ra các giải pháp đại tới đình chiến và hòa hợp hòa giải dân tộc...tại Trung Đông, để bao triệu dân di cư có thể trở về quê hương bắt đầu xây dựng cuộc sống.

3) Chúng ta thương cảm và mở lòng chia sẻ với anh chị em tỵ nạn Trung Đông và các nước Phi Châu. Chúng ta muốn đáp lời kêu gọi của ĐTC Phanxico trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6.9 tại quảng trường Thánh Phêrô trước hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương, kêu gọi các giáo xứ và các tổ chức Công Giáo trên toàn Âu Châu đón nhận người tị nạn: "Đứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành “những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Đền thánh ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Đó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Rôma của tôi.
Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: ‘Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy’ (Mt 25,40).

4) Chúng ta có thể góp công góp của để cùng với các cơ quan thiện nguyện, cùng với các giáo phận, các giáo xứ, các dòng tu tại địa phương đón tiếp anh chị em tỵ nạn: giúp họ học tiếng, giúp họ tìm nhà cửa, giúp họ đi chợ, giúp họ quần áo và các đồ dùng cần thiết trong gia đình...giúp góp tiền trong các cuộc lạc quyên ở nhà thờ, trong các cộng đoàn, giúp chuyển tiền vào các cơ quan Caritas...

Riêng trang mạng thông tin Dân Chúa cũng tha thiết kêu gọi lòng từ tâm của tất cả quý độc giả trong chiến dịch "Một trái tim cho người tỵ nạn". Xin tích cực góp chuyển tiền cứu trợ vào Trương Mục Tình Thương Dân Chúa:

Konto của Dân Chúa: BW/Bank Stuttgart, Konto Nr. 126 19 10, BLZ 600 501 01, IBAN: DE28 6005 0101 0001 2619 10; BIC: SOLADEST600. Xin ghi "Một trái tim cho người tỵ nạn"

(Hội thiện: Franz Xaver e. V. : quý vị nào muốn nhận Spendequittung để khai thuế, xin liên lạc về địa chỉ: Dan Chua, Pfizerstr. 5, 70184 Stuttgart)

Chân thành ghi ân và nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa trên tất cả mọi tấm lòng nhân ái.

Xin đọc thêm: Dân Chúa Online tháng 10-2015

Linh mục chủ nhiệm