Dân Chúa Âu Châu

Kính thưa quý Đức Cha, quý cha và quý tu sĩ nam nữ

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Nhân Mùa Chay thánh 2023, xin được chân thành nguyện chúc Mùa Chay thánh đức và sốt sắng với lòng TIN CẬY MẾN chuẩn bị đón mừng đại lễ Phục Sinh, lãnh nhận Hồng Ân Cứu Độ và ơn bình an của Chúa Phục Sinh cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và giáo xứ chúng ta.

Xin được thân ái gửi đến tất cả quý vị dự án « Nhà Mẹ Lavang-Fatima » mới được chỉnh sửa dưới đây để kính tường Đức Cha  D. José Ornelas CarvalhoS.C.I., Chủ chăn của giáo phận Leiria-Fatima, và cũng là Chủ tich Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, đồng thời cũng để kính tường Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch HĐGM Việt Nam…

Kính mong được tất cả quý vị tìm hiểu, góp ý cho dự án được hoàn thành và mong nhận được những góp công góp sức, tích cực góp những « viên gạch » để hoàn thành dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima.

1.- Ba lý do chính yếu hình thành dự án Nhà Mẹ LaVang-Fatima:

Trong những năm sống ở Fatima vào thời điểm đại dịch bùng phát, đã là thời gian ân phúc và thời gian cảm nghiệm sâu xa hơn ba mối liên hệ vô cùng sâu sắc giữa Giáo hội Bồ Đào Nha và Giáo hội Việt Nam: Lịch sử truyền giáo trong những thế kỷ XVI-XVII của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Những bước khai phá khởi đầu và công cuộc đóng góp hình thành ra chữ Quốc Ngữ của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha. Sau cùng là lòng sùng kính Đức Mẹ Fatima của giáo dân Việt Nam… Những cảm nghiệm sâu xa này cũng chính là động lực và lý do để hình thành dự án và thành lập Nhà Mẹ La Vang-Fatima ở Bồ Đào Nha.

1.1. Lý do thứ nhất: Lịch sử truyền giáo trong những thế kỷ XVI-XVII của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha:  

Dựa theo tài liệu  “SỬ LƯỢC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM (1533 - 2000) “Những mốc lịch sử quan trọng của GHCGVN” trong trang mạng của HĐGM, đã ghi lại vài nét chính yếu về nguồn lịch sử truyền giáo tại VN như sau:

 „Non sông gấm vóc đất nước Ðại việt đón nhận Tin Mừng cứu độ Ðức Kitô từ những ngày đầu thế kỷ XVI . "Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục " ghi nhận sự kiện: "Năm Nguyên Hoà nguyên niên(1533), tháng ba, đời vua Lê trang Tôn, có người Tây Dương tên I-Nê-Khu lén vào xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân, và xã Trà Lũ huyện Giao Thuỷ, âm thầm truyền bá Da Tô tả đạo (1) .

„Thời phôi thai của Giáo Hội Việt Nam ghi dấu bước chân rao giảng Tin Mừng tại Hà Tiên của các giáo sĩ dòng Ða Minh đến từ quần đảo Malacca như Luis de Foncesca, Grégroire de la Motte và Gaspar de Santa Cruz vào năm 1550. Tại Ðàng Ngoài, các giáo sĩ Diego Doropesa, Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montila và bốn trợ sĩ đến từ tỉnh dòng Ða Minh Phi luật tân, truyền đạo tại vùng An Quảng (Quảng Yên), năm 1583 .
            „Tại Ðàng Trong, mùa xuân 1615, hai giáo sĩ Francesco Buzomi, Diego Carvalho và ba trợ sĩ Dòng Tên cập bến Cửa Hàn, Quảng Nam để rao truyền Tin Mừng, dưới quyền Chúa Nguyễn cát cứ. Những thế hệ tiếp nối như Francois de Pina, Christopho Bori; nhất là Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ), khuôn mặt nổi bật trong việc sáng tạo chữ "quốc ngữ " dựa theo mẫu tự latinh và thiết lập đoàn "thầy giảng " .
            „Tháng 2 năm 1626, tại kinh đô Ðàng Ngoài, Chúa Trịnh Tráng tiếp kiến giáo sĩ Julien Baldinotti, nhưng công việc truyền giảng Tin Mừng chỉ đạt kết quả khả quan với sự cập bến Cửa Bạng (thanh Hoá ) vào ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627, của hai giáo sĩ dòng Tên : Ðắc Lộ và Pierre Marquez.

 

1.2. Lý do thứ hai: Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã góp phần khai sáng và phát triển chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự Latinh như công cụ rao giảng Tin Mừng và hội nhập văn hóa:  

Nổi tiếng nhất là linh mục Dòng Tên Francisco de Pina (1585-1625) đến Hội An năm 1617. Địa bàn hoạt động truyền giáo của Ngài trải dài từ Thuận Hóa đến Quy Nhơn .Cha được coi là một trong những người đi tiên phong trong tiến trình hình thành Chữ Hán Nôm xưa sang chữ Quốc-ngữ hiện nay.

Là một trong những ông tổ đã góp công sáng lập ra chữ quốc ngữ Việt Nam, vì vừa là bề trên và thầy dậy tiếng Việt của lm. Alexandre de Rhodes ( Ðắc Lộ (1593-1660), khuôn mặt nổi bật trong việc sáng tạo chữ "quốc ngữ " dựa theo mẫu tự latinh và thiết lập đoàn "thầy giảng " ).. Quả thật các cha Dòng Tên người Bồ Đào Nha đã có công đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam: Các ngài đã góp phần khai sáng, hình thành và hoàn thiện chữ viết quốc ngữ theo mẫu tự Latinh… một phương tiện văn hóa hữu hiệu để loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.

Nói tóm lại, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVI –XVII đã góp công góp sức rao giảng Tin Mừng cứu độ cho tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta. Giáo Hội Công Giáo Bồ Đào Nha đã góp phần khai sinh Giáo Hội Công Giáo trên mảnh đất Quê Hương Việt Nam. Hơn nữa, trong tiến trình hội nhập loan báo TIN MỪNG vào văn hóa Việt Nam, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha cũng đã góp phần vào việc hình thành và phát triển chữ quốc ngữ mà chúng ta có ngày nay…

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây… Sức sống của Giáo hội Việt Nam hôm nay là thành quả của gần 500 năm hạt giống Tin Mừng được gieo trồng (từ năm 1533), cũng là thành quả của 400 năm cây đức tin được vun xới và đặt nền móng (năm 1615).  Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam gồm 27 giáo phận trong 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn với gần bẩy triệu tín hữu trong tổng số 96 triệu dân. Chắc hẳn, chúng ta không thể quên được cội nguồn, và ghi ơn công lao của các vị truyền giáo Bồ Đào Nha,

Đây là một trong những lý do chính yếu để hình thành dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima, như một dấu chấm nhỏ cùng với Giáo Hội Mẹ Việt Nam ghi ơn và ước mong Nhà Mẹ Lavang- Fatima như một nhịp cầu nhỏ bé nối kết giữa hai Giáo Hội Việt-Bồ …

 

1.3. Lý do thứ ba: Lòng mến Đức Mẹ La Vang và Fatima là nhịp cầu dẫn các tín hữu Việt Nam đến với Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Fatima. Không một người Công giáo Việt Nam nào không thuộc lòng bài thánh ca Đức Mẹ “Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi…”. Đức Mẹ Fatima được người Công giáo Việt Nam đặc biệt tôn kính. Trong các cộng đoàn, nhiều nhà thờ, nhà nguyện và tượng đài được cung hiến cho Mẹ Fatima. Hàng năm có nhiều đoàn hành hương từ quê hương đến Fatima để kính Đức Mẹ.

Đức Mẹ Lavang - Đức Mẹ Fatima còn là nhịp cầu nối kết đoàn con Việt Nam hải ngoại.

Đây cũng là ước nguyện sâu xa nhất của Đấng Đáng Kính ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận... trong thời gian phục vụ Tòa Thánh ở Roma sau 13 năm bị cầm từ ở Việt Nam. Đức Cố HY đã bầy tỏ ước mong Đức Mẹ Lavang sẽ hiện diện và đồng hành với con cái Mẹ đang định cư tản mác khắp các lục địa Âu, Á, Mỹ và Úc Châu…  Hiện nay Đức Mẹ Lavang đã hiện diện trong nhiều tiểu bang trên Hoa Kỳ, nhất là tại nguyện đường Đức Mẹ Lavang tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tại Linh Đài Đức Mẹ Lavang trong khuôn viên Nhà Thờ chính tòa kiếng tại Orange County. Đức Mẹ Lavang cũng hiện diện với đoàn con bên Úc Châu và đặc biệt Đức Mẹ Lavang đã hiện diện tại khuôn viên Nhà thờ Hòm Giao Ước trên đồi Kyriat Yearim ….gần Giêrusalem bên Thánh Địa.

Giờ đây, Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima cũng mong được góp phần nhỏ bé thực hiện ước nguyện sâu xa nhất của Đấng Đáng Kính ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận...Đức Mẹ Lavang sẽ hiện diện với đoàn con rải rắc trên các nước châu Âu tại công viên Nhà Mẹ Lavang- Fatima…

 

2.- Đối tượng – Mục tiêu của dự án

 

2.1. Dự án đã chọn tên Nhà Mẹ Lavang- Fatima, như một nối kết tinh thần giữa hai Trung Tâm Thánh Mẫu Việt- Bồ.

 

2.2. Nhà Mẹ Lavang-Fatima ước mong là một nhịp cầu và móc xích nhỏ bé nối kết Giáo Hội Mẹ Bồ Đào Nha và Giáo Hội Việt Nam. Ước mong giai đoạn lịch sử truyền giáo thế kỷ XVI và XVII tại Việt Nam của các Nhà Truyền Giáo Bồ Đào Nha được quan tâm và tiếp tục nghiên cứu học hỏi, chuẩn bị cho lịch sử 500 năm truyền giáo tại Việt Nam. Kho tài liệu quý giá về thời kỳ truyền giáo của các giáo sĩ Bồ Đào Nha này vẫn còn phân tán trong các thư viện khác nhau của các Giáo phận Bồ Đào Nha.

 

2.3. Nhà Mẹ Lavang-Fatima là nhịp cầu nối kết các cộng đồng CGVN hải ngoại: căn nhà mong được chào đón và đồng hành với khách hành hương đến từ các giáo phận Việt Nam và các cộng đồng Công Giáo VN tại hải ngoại

 

2.4. Nhà Mẹ Lavang-Fatima dự định tổ chức các khóa tĩnh tâm linh thao hàng năm, các khóa học Kinh thánh để đào sâu đức tin và thúc đẩy đời sống tôn giáo, với sự hợp tác của các linh mục và giáo dân chuyên môn…

2.5. Nhà Mẹ Lavang-Fatima ước mong đón tiếp các linh mục và tu sĩ Việt Nam đến hành hương và tu học bên Bồ Đào  Nha.

 

2.6. Nhà Mẹ Lavang-Fatima sẽ là địa điểm tạm trú cho những người cao niên, đến từ các nước Bắc Âu trong tiết đông lạnh giá: để nghỉ ngơi dưỡng sức, nhất là về tinh thần bên Mẹ Fatima.

 

3.- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện:

 

3.1. Tậu mua căn nhà:  Vào tháng 6 năm 2021, với sự giúp đỡ của các ân nhân ẩn danh, các cộng đoàn CGVN tại Đức, Pháp và Nauy, một căn nhà hưu dưỡng cũ, tọa lạc tại Estrada da Moita do Martinho N. 25, Cova da Iria, 2495-406 FATIMA, trong khu vườn rộng gần 5.000 m2 được bao quanh bởi rừng thông và khuynh diệp, cách trung tâm Thánh Mẫu Fatima chỉ khoảng 1 km, đã được tậu mua.

 

3.2. Kế hoạch tân trang: Ngôi nhà đã được xây dựng khoảng 30 năm, nên cần được tân trang và tu bổ, nhất là hệ thống sưởi và nước nóng hợp với việc bảo vệ môi sinh qua các tấm điện solar.

 

3.3. Tìm hãng thầu lo việc trùng tu: Sau một thời gian tham khảo và so giá giữa một vài hãng thầu, ban điều hành Nhà Mẹ Lavang-Fatima đã ký hợp đồng với hãng DVR ở Fatima. Hãng này chuyên giúp các nhà dòng ở Fatima tu sửa các cơ sở của các dòng tu. Thời gian trùng tu được hoạch định là 6-8 tháng, tùy theo ngân quỹ của hội.

 

3.4. Dựng đài tưởng niệm Mẹ La Vang trong khuôn viên, bên phải cổng vào. Để thể hiện ước nguyện sâu xa của Đấng Đáng Kính, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ước mong Đức Mẹ Lavang bảo trợ và đồng hành với các cộng đồng CGVN tại hải ngoại. Cùng hiệp tác với ban giám đốc Vietcatholic, Nhà Mẹ Lavang-Fatima xây tượng đài Đức Mẹ Lavang trong khuôn viên, để Đức Mẹ Lavang hiện diện với các cộng đoàn CGVN tại các nước Âu châu, và đồng hành với các đoàn hành hương của các tín hữu Việt Nam đến Fatima.

 

3.5. Xây dựng Đường Thánh Giá dọc theo khuôn viên khu vườn phía sau, phía bên trái và dọc theo khuôn viên Tượng Đài Đức Mẹ Lavang.

 

4.- Kinh phí dự án:

 

4.1. Hiệp Hội phi lợi nhuận với tên gọi „Associacao  LaVang-Fatima“  được thành lập để gây quỹ tiến hành trùng tu ngôi nhà. Sau khi hoàn thành dự án, mục đích của quỹ là đóng góp cho việc vận hành và bảo trì trung tâm trong tương lai.

  Địa chỉ của Hội: Estrada da Moita do Martinho N. 25, Cova da Iria, 2495-406 FATIMA, Portugal. Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

4.2 Tổng chi phí trùng tu: Ước tính theo đối tác hợp đồng của hãng DVR vào tháng 5.2022: Tổng cộng là 439.000 euro (+23% VAT) = 540.187 euro

 

4.3 Tài trợ: do các ân nhân của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam (CGVN) giáo Phận Rottenburg-Stuttgart, giáo phận Frankfurt-Mainz và Limburg, và giáo phận Paderborn và Essen: 300.000 euro - Quyên góp của các ân nhân Việt Nam định cư ở nước Âu châu, Mỹ châu, Úc Châu: 150.000 euro – Đơn xin trợ giúp tại Cơ quan Trợ giúp các Giáo Hội Đau Khổ (KIN) 40.000 euro - Đơn xin trợ giúp gửi tới  Tổng giáo phận Cologne 30.000 euro - Kêu gọi quyên góp trong 2023; €20,187.

Tổng cộng: €540,187

 

4.4. Kinh phí với giá cả tăng vọt vì cuộc chiến tại Ucraine:  Vì cuộc chiến tranh xâm lược ở  Ucraine, nên tổng kinh phí trùng tu dự án, chắc chắn sẽ tăng khoảng 30%... nên ban điều hành hiệp hôi Lavang-Fatima cũng phải quan tâm hơn đến các phương pháp vận động và quảng bá dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima qua các phương tiện truyền thông. Hiện hội đã thực hiện một video giới thiệu ngắn để gửi đến các tổ chức và các cộng đoàn. Hội cũng sẽ giới thiệu dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima vào dịp Đại Hội CGVN tại Đức dịp đại lễ Chúa Thánh Thần 2023.

 

  1. Điều Hành Nhà Mẹ Lavang-Fatima:

 

5.1. Hiện tại: Hiệp Hội phi lợi nhuận với tên gọi „Associacao  LaVang-Fatima“  với sự giúp đỡ của các hội viên: một luật sư Bồ Đào Nha hướng dẫn về luật dân sự, một kiến trúc sư Bồ Đào Nha giúp hoàn thành công cuộc tái thiết, một số giáo dân Việt Nam ở Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Vietcatholic cộng tác vào các vấn đề marketing, quảng bá dự án, giúp kêu gọi góp viên gạch xây dựng… Thông báo dự án này qua các phương tiện truyền thông (Internet, Facabook…) để xin cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại các nước Âu Châu và hải ngoại chung tay tài trợ, đóng góp cho việc trùng tu nhà Đức Mẹ. Ngoài ra, Nhà Mẹ Lavang cũng nộp đơn xin  hỗ trợ tài chính tại Tổng giáo phận KOLN và Tổ chức KIN (Kirche in Not) ở Đức. Hy vọng dự án trùng tu sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2023.

 

5.2. Tương lai: Nếu được sự chấp thuận của giáo quyền địa phương, Hiệp Hội phi lợi nhuận với tên gọi „Associacao  LaVang-Fatima“ sẽ được hợp thức hóa thành hội thiện tôn giáo.

 

5.3. Khánh thành và thánh hiến tượng đài Đức Mẹ Lavang trong khuôn viên Nhà Mẹ Lavang-Fatima được dự tính vào ngày 13.10.2023 và 14.10.2023  với sự tham dự của các đoàn hành hương của một số cộng đoàn CGVN tại hải ngoại và ban giám đốc Vietcatholic cũng như các ân nhân góp công góp của xây dựng tương đài và dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima. Hy vọng sẽ có đại diện của giáo quyền địa phương và Việt Nam.

 

5.4. Thiết lập một nhà nguyện nhỏ có nhà tạm (có Mình Thánh Chúa) để cử hành Thánh Thể cho các nhóm khách hành hương hoặc cho các nhóm tĩnh tâm. Hy vọng rằng nhà nguyện sau khi hoàn tất, sẽ đệ đơn xin giáo quyền địa phương và sau chuyến viếng thăm của đức cha hoặc vị đại diện chính thức của giáo hội  địa phương theo đúng giáo luật (Can. 1224 - § 1.) nhà Mẹ Lavang-Fatima sẽ được phúc thiết lập Nhà Tạm Thánh Thể và dâng lễ cũng như tổ chức các buổi cầu nguyện cho các đoàn hành hương và các khóa tĩnh tâm linh thao…

 

5.5. Nhân sự điều hành:  Trong tương lai, nếu dự án được chấp thuận theo đúng luật đạo đời, ngôi nhà sẽ được trao lại cho một tổ chức hoặc dòng tu Việt Nam tiếp tục điều hành và duy trì. Trong trường hợp này, cần có sự chấp thuận của giáo quyền địa phương và Việt Nam…

 

6)Mỗi người một viên gạch đóng góp cho dự án

Công cuộc trùng tu Nhà Mẹ Lavang-Fatima đã được khởi công từ tháng Hoa Đức Mẹ 2022. Như vậy đã trải qua 9 tháng trùng tu… Hiện tại, tầng mái nhà đã được trùng tu hoàn toàn mới : với mái ngói hiện đại có sẵn chất liệu cách nhiệt giúp các phòng bên dưới mái nhà không bị nóng quá trong những tháng hè và giữ độ ấm trong tiết đông. Mái nhà mới đã được nâng cao, nên có thể xây dựng thêm hai phòng ngủ, hai phòng họp rộng rãi, với nhà bếp khang trang, nhất là nhà nguyện rộng rãi. Trên mái nhà đã gắn 21 tấm nạp điện mặt trời để nấu nước nóng đủ cho nhu cầu toàn thể căn nhà. Các phòng dưới mái nhà cũng được gắn các máy hệ thống điều hòa không khí mùa nóng nực và sưởi ấm mùa đông.

18 phòng dưới lầu một và tầng trệt đang được tân trang : tất cả các nhà tắm và nhà vệ sinh mỗi phòng đều được sửa chữa và hoàn thiện. Các sàn nhà sẽ được tái tạo với chất „laminat“ bền tốt. Bên trong và toàn thể căn nhà sẽ được sơn sửa lại mới. Sau đó sẽ đặt giường nệm, tủ, bàn ghế…

Tầng hầm với phòng cơm rộng lớn, nhà bếp, phòng lạnh và kho chứa thực phẩm, phòng khách, phòng bán ảnh tượng, và một căn phòng dành cho nhân viên cũng như phòng giặt ủi cũng đang được tân trang.

 

Thưa Quý ông bà anh chị em, qua những dòng giới thiệu và trình bầy tổng quát dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima, ước mong được quý Obace nắm bắt được những lý do và mục đích của dự án này. Ước mong quý Obace chung tay góp sức hiệp lời cầu nguyện, góp ý kiến và góp những viên gạch vàng cho công cuộc trùng tu Nhà Mẹ Lavang-Fatima được hoàn thành mỹ mãn. Nhất là vì cuộc chiến tại Ucraine bùng nổ từ 24.02.2022, khiến cho tình hình kinh tế, chính trị thế giới bị đảo lộn, vật giá leo thang chóng mặt, do đó, dự án trùng tu Nhà Mẹ Lavang đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. 

Tên của quý ân nhân góp những viên gạch vàng sẽ được công bố chính thức khi thuận lợi trên trang mạng Danchua.eu và sẽ được đặt dưới chân Mẹ Lavang và Fatima. Mỗi tháng vào ngày 13 sẽ dâng thánh lễ dưới chân Mẹ Fatima cầu cho tất cả quý ân nhân…

 

Mọi đóng góp xin gửi vào trương mục của hội :

 

  • Trương mục đồng EURO (€)

Người nhận: ASSOCIACAO LAVANG FATIMA

Địa chỉ: Estrada da Moita do Martinho N. 25, Cova da Iria, 2495-406 FATIMA, Portugal. IBAN: PT50 0007 0000 0056 1233 0772 3

SWIFT / BIC: BESCPTPL

 

  • Trương mục đồng Dollar ($)

Người nhận: ASSOCIACAO LAVANG FATIMA

Địa chỉ: Estrada da Moita do Martinho N. 25, Cova da Iria, 2495-406 FATIMA, Portugal. IBAN: PT50 0007 0000 0056 3213 6232 3

SWIFT / BIC: BESCPTPL

 

Xin hết lòng ghi ơn sự quan tâm và những đóng góp tự nguyện cho Nhà Mẹ Lavang – Fatima. 

Xin phúc lành của Chúa Phục Sinh tràn đổ trên tất cả quý vị, quý ân nhân và hội viên.

 

 

Trân trọng

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu

(Thay mặt cho Hội Thiện Lavang-Fatima)