Dân Chúa Âu Châu

 

Ngày 11/04, nhóm Tiết Kiệm tại giáo xứ Đinh Trang Hòa tổ chức buổi hội trại sinh hoạt giao lưu. Tham gia hội trại có thành viên của 13 nhóm tiết kiệm – tín dụng với khoảng 150 người, hầu hết là bà con người đồng bào dân tộc Cơ Ho. Đây là lần đầu tiên bà con tổ chức hội trại. Mục đích chính nhằm gắn kết tình thân, tạo bầu khí vui tươi đoàn kết giữa các thành viên nhóm tiết kiệm và đây cũng là cơ hội để người tham gia được giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Sau khi khởi động với các bài múa mẫu, Cha xứ thánh hóa và xin Chúa chúc lành cho hội trại được diễn ra tốt đẹp. Cha cũng nhấn mạnh: “Các nhóm tham gia hội trại phải chơi thật vui vẻ, chơi hết mình để đoàn kết và yêu thương nhau hơn chứ không phải để cạnh tranh giành giải, để gây chia rẽ lẫn nhau”.

Ban tổ chức phổ biến chương trình và thông qua luật chơi cho các tổ. Trò chơi đầu tiên là giã gạo. Gạo được ban tổ chức cung cấp cho các tổ, còn dụng cụ gồm chày và cối giã đã được các tổ chuẩn bị sẵn. Đây là những dụng cụ truyền thống vẫn được bà con đồng bào sử dụng để giã gạo từ xưa. Do thời gian chỉ có 5 phút, các đội phải giã hết sức khẩn trương, người giã, người sảy gạo hòa với tiếng nhạc rộn rã, dồn dập làm không khí buổi trại vô cùng náo nhiệt. Kết thúc, các đội cũng hoàn thành sản phẩm của mình. Riêng có 1 đội toàn đàn ông giã rất nhanh nhưng lại không có người nào biết sảy cả, cứ năn nỉ ban giám khảo cho thêm điểm rất dễ thương. Gạo này sẽ được các đội sử dụng nấu cơm.

Tiếp đó là các trò chơi ăn dưa hấu, đổ nước vào chai, thổi bột tìm ngọc và ăn chuối cũng đầy những thử thách và rất gây cấn. Trò ăn dưa hấu mỗi đội phải ăn ¼ miềng dưa hấu được đặt trên chiếc ghế nhựa ăn không được dùng tay và phải ăn hết cả vỏ. Có đội làm rớt dưa hấu xuống đất từ màu đỏ chuyển sang màu đen nhưng các đội vẫn tham gia rất hào hứng và nhiệt tình không ngại dơ, ngại bẩn. Rồi tới trò đổ nước vào chai cũng vậy, các đội chơi không được dùng tay múc nước, chỉ dùng miệng rót chuyền cho nhau đổ vào chai. Tất cả các trò chơi đều khó khăn do không được dùng tay và phải ăn cả vỏ nhưng tất cả các đội đều hoàn thành rất xuất sắc và không đội nào bỏ cuộc giữa chừng.

Sau khi giải lao giữa giờ, trò chơi cuối cùng là trò nấu cơm di động. Mỗi tổ sẽ dùng chính phần gạo lúc nãy mình giã được để nấu cơm cho đội của mình. Trò chơi này các đội vừa đi vòng quanh sân vừa hát hoặc nhảy múa, vừa phải cầm củi đi theo nồi đun cho đến khi cơm chín. Tổ của mấy bà vừa nấu cơm vừa hát những bài hát truyền thồng dễ thương. Tổ của mấy ông thì đóng khố vừa nhảy vừa nấu cơm rất ấn tượng. Trong lúc mọi người vẫn ca hát, nhảy múa và nấu cơm thì một số thành viên khác trong tổ đi nhóm lửa để nấu các món ăn truyền thống. Giờ trời đã về trưa nhưng không gian của hội trại vẫn thật sôi động và đặc sắc bởi những tiết mục độc đáo của các đội.

Kết thúc phần thi, các đội trưng bày một chén cơm cùng một món ăn truyền thống và thuyết trình về nguồn gốc cũng như cách nấu món ăn để ban giám khảo và mọi người chấm điểm. Những món ăn này đều được bà con dùng hàng ngày và được lưu giữ qua bao thế hệ, nó vừa là đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc vừa là lương thực chính cho bà con. Nguồn gốc của chúng cũng rất gần gũi với núi rừng, thôn bản: từ những quả cà chua rừng, cà đắng, đọt mây, măng, rau bép... đến những con tôm, ốc, cá, nòng nọc... được xúc ở suối, ở sông đều là những nguồn thức ăn từ tự nhiên để nuôi sống những con người nơi đây qua bao thế hệ.

Buổi chiều là phần thi trình diễn thời trang và văn nghệ. Mỗi đội phải có 3 cặp gồm 1 nam, 1 nữ với các trang phục: tắm biển, dạo phố và dự tiệc. Điều đặc biệt là các đội không được mượn người từ đội khác do có đội thì toàn các bà, có đội thì toàn các ông nên đội các bà phải hóa trang thêm để có nam và ngược lại đội của các ông cũng hóa trang trở thành các bà. Phần trình diễn thời trang của các đội khiến khán giả và ban giám khảo rất thích thú vì các cặp đôi người mẫu rất hài hước.

Tiếp đó là những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn rất đơn sơ của các đội. Từ những tiết mục đơn ca, đến những tiết mục múa được bà con tập luyện kỹ lưỡng. Tất cả là những bài hát bằng tiếng đồng bào và những điệu múa truyền thống mà bà con vẫn sử dụng trong các dịp lễ đặc biệt. Các màn trình diễn sống động và cảm tình.

Cô Ka Rem gần 50 tuổi đã có cháu chia sẻ: “Từ trước tới giờ chưa bao giờ hát múa cho ai xem cả, già rồi ngại lắm. Hôm nay là lần đầu tiên lên múa cho mọi người xem run lắm nhưng thấy vui vui trong lòng”.

Cuối chương trình, mỗi thành viên tham gia hội trại được nhận một phần quà lưu niệm từ ban tổ chức. Ngày hội trại đã khép lại với thật nhiều niềm vui mà mọi người đã mang đến cho nhau. Tin chắc rằng niềm vui, sự sẻ chia và tinh thần tương thân tương ái sẽ còn mãi trong mỗi người. Và đó cũng chính là ý nghĩa của chương trình tiết kiệm – tín dụng mà Caritas Đà Lạt đang thực hiện nơi đây.

Maria Thanh Nhàn

Nguồn: Caritas VN