Dân Chúa Âu Châu

  1. 1.NHỮNG CON SỐ TRONG ĐỜI NGƯỜI

Trong số mới nhất của một tờ báo Công giáo tại Sài Gòn, Đức giám mục GB. Bùi Tuần có viết: “Bước sang năm 2015, tôi được 89 tuổi. Trong dòng đời với nhiều chuyển biến ấy, có 60 năm là giáo sĩ mang chức linh mục, rồi mang thêm chức giám mục tới nay được 40 năm. Như vậy, quãng 60 năm qua là mảnh đời quan trọng nhất đối với tôi.”

   Đọc những hàng trên, tôi xúc động, bởi vì đời tôi cũng có những con số in dấu trong tâm khảm.

   Tôi là một giáo dân, vừa mới tạ ơn Thiên Chúa và Đức Maria khi mừng sinh nhật “60 năm cuộc đời”. Thời điểm này, tôi bâng khuâng nghĩ về chặng đường đời 60 năm của mình với những con số đơn sơ: Có 32 năm làm việc trong ngành giáo dục có những vui buồn, chứng kiến nét đẹp giáo dục và cả những bon chen, tranh chấp tự nhiên của đồng nghiệp. Có 23 năm làm công việc xã hội từ thiện một cách bộc phát, tràn ngập tình yêu thương tự nguyện với ơn của Chúa và sự tín nhiệm của thân hữu, đã mang lại cho tôi niềm vui tràn đầy không gì có thể sánh được. Có hơn 10 năm làm công việc truyền thông; một công việc dẫu phải nhìn trước, nhìn sau khi viết, không dám nói hết những suy tư trong lòng mình, không dám nói bộc tệch một sự kiện...nhưng đã đem lại cho tôi nhiều sự thú vị và các các mối quan hệ tốt lành trong cuộc sống.

   Tôi tạ ơn Chúa về đường đời nhiều thử thách và cũng nhiều ơn lành của tôi.

  1. 2.MỘT NIỀM VUI CỦA GIÁO HỘI

       Càng ngày tôi càng thấy kính mến, thương phục Đức Thánh Cha Phanxicô vì Ngài “bỏ qua” nhiều nguyên tắc, để sống “sứ vụ Giáo Hoàng” theo một cách rất giống Chúa Giêsu Kitô. Cách của Chúa là không khuôn khổ, không tây vị, thượng trí và dùng tình yêu để biến đổi rất nhiều điều tương đối thành hoàn hảo tuyệt vời.

     Bản thân tôi không thích quyền hành, vì nhiều lần tôi chứng kiến “nó” làm thay đổi bản chất tốt lành của một số người. Nhưng tôi nghĩ, nếu dùng quyền hành làm một phương tiện để vinh danh Chúa, để trở thành gạch nối cho hòa bình, để thuận tiện dẹp bỏ chênh lệch giàu nghèo...thì tuyệt vời biết bao!

Trước sự kiện của Giáo Hội Việt Nam, tôi đã thưa với Chúa trong tâm tư rằng: “Chức vị hồng y được mọi người Công giáo tán dương, yêu mến, trân trọng, nghênh đón; thậm chí vị nào có chức này có vấp váp, sai sót, cũng dễ được nhiều người bênh đỡ, chở che....Thiên Chúa bao dung “che đậy” cho mỗi con người yếu đuối mỏng giòn của chúng ta, nhưng niềm vui thật trong mỗi con người có chức quyền là niềm vui chính trực, sự chính trực được đo từ mẫu gương là Đức Giêsu.

  1. 3.CÁCH TẠ ƠN CỦA LINH MỤC

Có vị linh mục, sau khi thoát được một tai nạn xe hơi, cha liền làm nhiều việc lành để tạ ơn Chúa, (trong đó có việc cha chạm tay vào Bông Hồng Xanh của chúng tôi). Khi trao đổi email, cha thường kết thúc một hàng chữ “Xin cầu nguyện cho tôi”.

Đối với tôi, hàng chữ này nói lên nhiều ý nghĩa: người kính sợ Thiên Chúa mới mong hoàn thiện; người khiêm tốn mới xin người khác cầu nguyện cho mình; một thái độ chuẩn bị để gặp Chúa.

Nhận ra mình trước người anh em là một điều khó. Mỗi mùa xuân đi qua cuộc đời, tự nhận ra mình là dấu hiệu tốt trước mặt Chúa.

  1. 4.CỘI NGUỒN ĐIỂM TỰA

Đọc tin tức trên mạng, tôi được biết thân mẫu một linh mục quen biết vừa qua đời. Cũng từ bản tin, tôi biết được Bà Cố có bốn người con sống đời dâng hiến phục vụ, gồm hai linh mục, một nam tu sĩ và một nữ tu sĩ. Tôi thầm nghĩ, hẳn là gia đình bà cố nhận được nhiều lời khen tặng, nhất là dưới não trạng của giáo dân Việt Nam. (Thật ra, ơn gọi nào cũng có niềm hạnh phúc riêng và những ngọt ngào riêng trong phận người Thiên Chúa ban tặng.). Tôi nhắn tin chia buồn và nói rằng Bà Cố được đang hạnh phúc vì được đền đáp từ những người con tốt lành.

Chẳng bù cho một số gia đình, từng than vãn với tôi rằng, con cháu chẳng chịu tham dự thánh lễ, dâu rể cũng chẳng thờ phượng Chúa cho nên, nguội lạnh, thờ ơ...Không biết phải làm cách nào để người thân sốt sắng; cầu nguyện mãi cũng đến nản lòng. Có người cho rằng phải nhờ “Chúa cho một biến cố đau khổ” nào đó, người ta mới “quay đầu lại”.

Nghĩ như thế là nghĩ cạn! Vì tôi tin rằng, Thiên Chúa vốn là vị chúa tể mùa xuân, cội gốc của nguồn hạnh phúc, ai không “trôi dần” vào cội nguồn ấy, thì một lúc nào đó sẽ tự chơi vơi trong vũng lầy đau khổ, giới hạn của phận người mà thôi....

  1. 5.GẶP GỠ

Tôi vừa gặp lại hai bạn đồng nghiệp. Chúng tôi bằng tuổi nhau, bước vào nghề giáo ở tuổi 23, đang sống bằng lương hưu của giáo chức và cùng độc thân như nhau. Sau buổi hội ngộ “đậm đà” , tôi thấy mình hạnh phúc hơn các bạn vì “có Chúa trong cuộc đời, nỗi sướng vui tuyệt vời !”. Hai người bạn thờ cúng ông bà và lương tâm hướng dẫn đời sống của họ.

Những người được đạo lý làm người soi dẫn, lương tâm mách bảo thì xoay quanh “trục chính” nào? Có chính xác không? Do ảnh hưởng ngoại cảnh, không phải tiếng nói của lương tâm mọi người đều giống nhau hay cùng đi trên một đường chính...Rõ ràng tôi có một “trục đứng” chính xác là Tin Mừng do Đức Giêsu rao giảng và niềm hy vọng về một mùa xuân vĩnh cửu trên thiên đàng.

                                                                  Maria Vũ Loan