Dân Chúa Âu Châu

MỘT BIẾN CỐ GIẾT NGƯỜI DÃ MAN CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI:QUÂN KHỦNG BỐ GIẾT HÀNG TRĂM TRẺ EM!

 

BY: ĐỖ ĐỨC THỐNG

 

I- BIẾN CỐ HÃI HÙNG !


Sáng thứ tư, 1.9.2004, cả ngàn phụ huynh và học sinh đang vui vẻ tập trung tại sân trường Beslan để dự lễ khai giảng, bất ngờ bị toán khủng bố xâm nhập và bắt làm con tin. Trường Beslan nằm trên lãnh thổ Bắc Ossetia, thuộc miền Nam nước Nga. Dân chúng nơi đây phần đông theo Chính Thống giáo và thân thiết với Nga Sô. 


Để quí độc giả có thể theo dõi nội vụ, chúng tôi xin tường thuật một cách chi tiết diễn biến vừa qua. Theo tin tổng hợp thì có khoảng một ngàn hai trăm con tin bị bắt và đa số bị nhốt trong phòng thể thao chật hẹp giữa mùa hè oi ả. Vì thế, nhiều em bé phải cởi trần truồng cho đỡ nóng. Đó là hình ảnh mà chúng ta đã được chứng kiến tỏ tường trên màn ảnh truyền hình.
Nhằm giải thoát các con tin, ba nhân vật quan trọng nhất được gửi tới trường học để điều đình với quân khủng bố:
-Ngày 1.9.2004, ông Mufti Ruslan Valgatov, thủ lãnh dân Muslim của miền Bắc Ossetia đã đến gặp quân khủng bố để yêu cầu chúng thả các trẻ em; nhưng bị từ chối.


-Ngày 2.9.2004, bác sĩ Leonid Roshal, người mà hai năm trước đây đã tiếp xúc với quân khủng bố chiếm hí viện Mạc Tư Khoa để xin thả phụ nữ và trẻ em; nay lại tình nguyện đến thương lượng với quân khủng bố cho phép mang thức ăn và đồ uống cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em; nhưng không thành công.


-Ngày 2.9.2004, Tổng thống Nga Sô, Vladimir Putin, biệt phái Tướng Ruslan Aushev, một danh Tướng được coi là anh hùng tại chiến trường A Phú Hãn và có uy tín khắp vùng Bắc Causasus, tới điều đình với quân khủng bố. Kết quả Tướng Aushev đã giải cứu được 26 nạn nhân. Lúc này người ta được biết yêu sách của quân khủng bố là:
-Thả các tù nhân của Chechnya đang bị giam ở nước láng giềng Ingushetia - và quân lính Nga phải rút khỏi Chechnya.
-Nếu một đồng bọn của quân khủng bố bị bắn chết, chúng sẽ giết 50 con tin; nếu một tên bị thương, chúng sẽ bắn chết 20 trẻ em. 
Khoảng 22 giờ, một tên khủng bố tiết lộ là chúng thuộc tổ chức chiến đấu Riyadh al-Salihin do Shamil Basayev chỉ huy. 
Trong khi cuộc thương lượng còn đang tiếp diễn thì hai sự kiện làm hỏng toàn bộ chương trình giải cứu con tin bằng điều đình ôn hòa và có kế hoạch tấn công giảm thiểu tổn thất về nhân mạng:
1- Những gói chứa chất nổ của quân khủng bố treo bên trên và bên cạnh lưới bóng rổ (hình 1) trong phòng thể thao bị nổ bất ngờ. Lý do có thể vì kỹ thuật gài cẩu thả hoặc vì bọn khủng bố sơ ý làm nổ.
 
Như một phép lạ! Bé trai (hình 2) trên đây sống sót sau đợt bom đầu tiên nổ bay nóc nhà (hình 1). Bé bị miểng lựu đạn găm vào cánh tay nhưng cố chạy thoát thân. Sau đó bé cùng nhiều học sinh khác được chở về thủ đô Mạc Tư Khoa điều trị, Hai mẹ con bé gái ngồi bên cạnh bé trai đều bị chết.


2- Sau khi thấy một số con tin được thả mà không thấy con cháu mình, một số phụ huynh đứng bên ngoài sẵn có súng trong tay đã nổi nóng bắn vào quân khủng bố tại trường học. Hành động vô ý thức này khiến cho chúng tưởng lầm là lực lượng đặc biệt của Nga bắt đầu tấn công giải cứu con tin.
Sự kiện thứ nhất: bom nổ làm tung mái nhà gây cho một số chết tại chỗ. Số đông còn lại hoảng hốt bỏ chạy ra khỏi phòng thể thao. Thấy vậy quân khủng bố bắn bừa bãi vào những người đang tẩu thoát.
Sự kiện thứ hai: khi nghe súng bắn vào trường học, quân khủng bố biết chắc là yêu sách của chúng không được thỏa mãn. Bị tấn công bất ngờ, quân khủng bố trả đũa một cách mù quáng, bắn bừa bãi vào đám đông, bất kể người lớn hay con nít.
Đêm thứ sáu, 3.9.2004, cuộc giải cứu con tin đến hồi quyết liệt. Để thanh toán bọn khủng bố,  lực lượng an ninh Nga bắt đầu tấn công vào trường học. Khi không còn kiểm soát đượïc tình hình, bọn chúng bỏ chạy lẫn lộn theo các nạn nhân. Theo tin tức thì tên thủ lãnh toán khủng bố bị bắn chết lúc 14 giờ 45. Hàng loạt xe cứu thương và xe dân sự được điều động chở hàng trăm nạn nhân bị thương vào bệnh viện cấp cứu. Khoảng 15 giờ 25, một vài tên khủng bố phá lỗ hổng chui vào nhà địa phương; nhưng bị xe thiết giáp bắn tan tành. Khoảng nửa giờ sau thì tình hình lắng dịu.
Tin tức của các phóng viên và đài truyền hình ngoại quốc đưa ra có sự sai biệt về số lượng tổn thất của cả hai bên. Chúng tôi tạm dựa vào tin tức của công tố viên, Tướng Vladimir Ustinov tuyên bố hôm thứ tư 8.9.2004 và giám đốc Sở An ninh Liên bang Nga, ông Valery Andreyev. Theo nguồn tin này thì hàng chục xác chết tìm thấy nằm rải rác quanh trường học và khoảng 100 xác trong phòng thể thao, nơi quân khủng bố tập trung tất cả con tin. 26 tên khủng bố bị giết, trong đó có 10 tên Ả rập. Về số tử vong và thương vong của con tin thì  khoảng 335 kể cả 156 trẻ em bị giết và 727 bị thương. Khoảng 200 xác chưa nhận diện được, vì xác bị cháy hoặc thân hình không còn nguyên vẹn phải chờ thử nghiệm DNA. 
Sự hiện diện của các tên khủng bố gốc Ả Rập cho phép người ta tin tưởng là tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda đã nhúng tay vào cuộc xung đột Chechnya và toàn vùng Caucasus.
Để truy lùng các thủ lãnh khủng bố, chính quyền Nga đã treo giải thưởng  10.000.000 US Đô-la (300 triệu Nga-kim: roubles)  cho ai cung cấp tin tức để bắt hai lãnh tụ Chechnya là cựu tổng thống Aslan Mashadov, được bầu 1997 và Shamil Basayev, Tư lệnh chiến trường của kháng chiến quân chechnya. Shamil Basayev đã từng chủ mưu trong vụ bắt con tin lần đầu tiên tại thành phố Budyonnovsk phía Nam của Nga vào năm 1995 và vụ chiếm hí viện tại thủ đô Mạc Tư Khoa năm 2002, khiến cho 130 bị chết. Nếu tính từ tháng 6.1995 cho tới nay, quân khủng bố đã thực hiện được 21 cuộc khủng bố lớn nhỏ nhắm vào thường dân, hệ thống giao thông và các cơ sở của Nga Sô.
Ngoài ra, dựa vào hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền tự vệ của một quốc gia và áp dụng theo chính sách chống khủng bố của Hoa Kỳ, chính phủ Nga, qua Tướng Tham Mưu trưởng Bộ Tham Mưu, Yuri Baluevsky, đã tuyên bố là Nga Sô sẽ tấn công các căn cứ của quân khủng bố ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Lời tuyên bố trên chứng tỏ cuộc chiến tranh truy lùng quân khủng bố sẽ lan sang nhiều quốc gia và lãnh thổ tự trị quanh Nga Sô trong những ngày tới.


Lời tuyên bố trên cũng chứng tỏ là các điệp viên Nga có quyền hành động tìm kiếm quân khủng bố và ám sát chúng ở bất cứ quốc gia nào. Một trong các mục tiêu có thể là Ahmed Sakayev một nhân vật quan trọng của Chechnya hiện đang tỵ nạn chính trị tại Anh Quốc. Năm 2002 Sakayev tới tham dự hội nghị do dân Chechnya tổ chức tại thủ đô Đan Mạch nhằm vận động quốc tế yểm trợ Chechnya. Chính quyền Nga kết tội Sakayev có nhúng tay trong vụ khủng bố tại hí viện Mạc Tư Khoa cũng như tại Chechnya và yêu cầu chính phủ Đan Mạch trao trả cho Nga Sô. Tòa án Copenhagen không có bằng chứng kết tội Sakayev nên tha bổng và Sakayev di chuyển qua Anh Quốc. Chính phủ Nga tiếp tục đòi chính phủ Anh giải giao Sakayev, nhưng bị tòa án Anh quốc từ chối. Theo Ahmed Sakayev và Usman Ferzauli, người tự xưng là đại diện của Chechnya tại Đan Mạch, thì họ lo sợ có thể bị thủ tiêu như điệp viên Nga đã thanh toán một thủ lãnh của quân khủng bố tại Qatar.
Lời tuyên bố trên cùng cường điệu với sự chỉ trích của Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergej Lavrov, nhắm vào Anh quốc và Hoa Kỳ đã không tôn trọng "luân lý hai chiều", đã cho Sakayev, phát ngôn viên của Aslan mashadov và Shamil Basayev tỵ nạn chính trị, thì làm sao chống khủng bố thể giới được?


Lời tuyên bố trên cùng tần số căng thẳng cực độ của Tổng thống Putin chỉ trích Tây phương và Hoa Kỳ là: "những yêu cầu điều đình với những người Chechen ly khai có khác gì Tòa Bạch Ốc bắt đầu một cuộc đối thoại với trùm khủng bố Osama bin-Laden!" 
Để "đáp lễ" tiền thưởng 10.000.000 Mỹ-kim của chính phủ Nga dành cho ai cung cấp tin tức bắt được TT. Aslan Mashadov và thủ lãnh Shamil Basayev; quân khủng bố Chechnya qua hệ thống Internet cũng treo giải thưởng 20.000.000 Mỹ-kim cho các quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào bắt được tổng thống Nga Vladimir Putin.


II- TẠI SAO CÁC CUỘC KHỦNG BỐ NHẰM VÀO DÂN NGA VẪN TIẾP DIỄN?


Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi mời quí độc giả ngược giòng lịch sử cận đại.


Cộng Hòa Chechnya thuộc Liên bang Nga, có số dân khoảng một triệu người, thủ đô là Grozny, ngôn ngữ thông dụng là tiếng Chechen và Nga. Đa số dân theo đạo Islam và Chính Thống. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất là dầu hỏa. 
Dân Chechnya và Nga Sô đã từng xung đột trong nhiều thế kỷ trước đây. Lấy mốc điểm cận đại, năm 1858, cuộc cách mạng đòi độc lập của Imam Shamil bị thất bại và vùng này được đặt dưới quyền cai trị của Đế quốc Nga. Sau cuộc cách mạng tháng 10 Nga vào năm 1917-1918, do Lenin lãnh đạo, dân Chechnya được tự trị. Nhưng đến năm 1922, Cộng Hòa Chechnya bị sát nhập vào lãnh thổ Sô-viết. Trong Đệ II Thế Chiến dân Chechnya ủng hộ Hitler chống lại Sô-viết. Vì thế, sau chiến tranh, nhà độc tài Stalin tố cáo dân Chechnya làm tay sai cho Phát-xít Đức và đày dân này lên vùng Tây Bá Lợi Á (Siberia) và vùng Trung Á. Mãi tới năm 1957, thủ tướng Khrushchev, một lãnh tụ cộng sản đầu tiên có tư tưởng xét lại, đã cho phép dân Chechnya trở về quê quán của mình.


Năm 1991, Đế quốc cộng sản Sô-viết tan rã. Tướng Không quân Dzhokhar Dudayev, nguyên là sĩ quan của Sô-viết, trở về tuyên bố Chechnya độc lập, tách khỏi Liên Bang Nga-sô. Tổng thống Boris Yersin không chấp nhận nền độc lập của Chechnya. Năm 1994, Nga Sô đưa quân tới Chechnya và các cuộc xung đột đẫm máu bắt đầu xẩy ra kể từ thời điểm này. Không làm chủ được tình hình, năm 1996, Nga-Sô lại rút quân về. Thỏa hiệp hòa bình có được là do sáng kiến của Tướng Alexander Lebed và thiện chí của quân kháng chiến Chechnya. Tuy nhiên, thỏa hiệp chỉ công nhận cho Chechnya được tự trị về hành chánh chứ không được độc lập tách khỏi Liên bang Nga Sô.

  
Tham Mưu trưởng của Chechnya là Tướng Aslan Maskhadov sau đó đươc bầu làm tổng thống. Chính phủ Nga không nhiệt thành tái thiết Chechnya sau chiến tranh và phục hồi nền kinh tế khu vực này.Vấn đề an sinh xã hội quá tồi tệ là nguyên nhân đưa tới các cuộc cướp bóc, bắt cóc tống tiền và khủng bố. Năm 1999, quân khủng bố Chechnya vượt biên giới qua Dagestan bắt con tin Nga và trợ giúp vùng này thành lập lực lượng đấu tranh dành độc lập. Kế hoạch của chúng là hình hành một nước Islam, tổ chức thành đơn vị có vũ trang và mở màn cuộc thánh chiến chống lại Nga Sô. Lúc đó Thủ tướng Vladimir Putin không chấp nhận yêu sách của Chechnya và lên án các cuộc khủng bố tại Chechnya và Dagestan. Năm 2003, hiến pháp mới của Nga cho phép Chechnya được quyền tự trị rộng rãi hơn, nhưng vẫn nằm trong Liên bang Nga, Akhmad Kadyrov, một nhân vật thân Nga đắc cử tổng thống. Năm 2004, tổng thống thứ ba của Chechnya là Akhmad Kadyrov bị bọn khủng bố giết chết bằng bom nổ tại một sân bóng đá khi ông chủ tọa đại lễ. Sau biến cố này, Nga Sô tiếp tục ủng hộ Alu Alkhanov thắng cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 8 năm 2004 vừa qua. Tuy vậy, các nhóm khủng bố không công nhận kết quả bầu cử.


III- TẠI SAO NGA SÔ KHÔNG TRAO TRẢ ĐỘC LẬP CHO CHECHNYA ?


Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi xin đưa ra các lý do sau đây: 


-Vềâ phương diện địa lý:  nếu Nga Sô trao trả độc lập cho Chechnya, thì các lãnh thổ khác trong toàn vùng Caucasus sẽ noi theo Chechnya đòi lại chủ quyền cho mình. Phía Đông Chechnya là Cộng hòa Dagestan gồm nhiều giống dân thiểu số. Nơi đây đã từng xẩy ra các cuộc xung đột chủng tộc.  Phía Tây là Ingushetia đã có một thời kết hợp với Chechnya thành một nước với đa số dân theo đạo Islam. Dân Islam ở Ingushetia từng gây chiến với dân Bắc Ossentia theo đạo Chính Thống vào năm 1992. Nguyên nhân xung đột giữa hai dân tộc này bắt nguồn từ cuối Đệ II Thế Chiến. Sau khi thắng trận, Joseph Stalin thẳng tay trục xuất dân Ingush (Ingushetia) và dân Chechen (Chechnya) lên vùng tuyết băng Tây Bá Lợi Á và Trung Á. Nguyên nhân vì dân này cộng tác với quân Hitler, như nói ở trên. Khi dân Chechen và Igush bỏ quê hương ra đi, tài sản của họ bị dân tộc thiểu số khác và người Ossetia còn ở lại chiếm đoạt. Vào năm 1957, Thủ tướng  Nikata Khrushchev cho phép dân Chechen và Ingush trở về quê hương. Trước cảnh bị đầy ải và mất hết tài sản, dân Chechen và Ingush thù hận Nga Sô cũng như dân Ossetia vừa theo Chính Thống giáo, vừa thân Nga Sô không chỉ sau Thế chiến mà bắt nguồn từ khi dân Ossetia đã đồng ý sát nhập vào đế quốc Nga từ năm 1774. Do đó, hận thù ngày càng dâng cao và cuộc khủng bố bắt cóc con tin tại trường Beslan của Bắc Ossetia là một hành động trả thù.  Khác với dân Chechen, dù đa số theo đạo Islam, nhưng dân Ingush lại không vũ trang chống Nga Sô kể từ sau sự sụp đổ của liên bang Sô-viết.


-Về phương diện khủng bố:  Nga Sô sợ rằng, nếu quân khủng bố Islam nắm được phe đối lập Chechnya và nếu Chechnya trở thành quốc gia  độc lập, chúng chiếm luôn Chechnya và bành trướng ảnh hưởng ra toàn vùng. Chính vì thế mà TT. Putin cho rằng quân khủng bố Islam không phải là người quốc gia Chechnya mà chính là kẻ thù.


-Về phương diện kinh tế:  Bình thường, đường ống dẫn dầu hỏa từ Azerbaijan qua Hắc Hải phải băng qua Chechnya. Vì chiến tranh các ống dẫn dầu này phải chuyển hướng qua Dagestan. Muốn khai thác và phát triển nguồn dầu hỏa và hơi đốt tại vùng biển Caspian, Nga Sô phải ổn định được vùng phía Nam, trong đó có Chechnya. Dầu hỏa và hơi đốt khai thác được ở Azerbeijan và vùng biển Caspian muốn xuất cảng nhanh và tiện lợi nhất qua Hắc Hải và Thổ Nhĩ Kỳ, thì không có con đường nào tốt hơn là băng qua lãnh thổ Chechnya, Ingushetia, Bắc Ossetia rồi phía Tây Georgia. Nếu vùng này bất an, dầu hỏa và hơi đốt xuất cảng của Nga Sô và các nước lân cận phía Đông sẽ gặp nhiều trở ngại. Trong 4 lãnh địa trên, Nga Sô chỉ gặp trở ngại duy nhất là Chechnya.


-Về phương diện lãnh thổ:  Sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Sô-viết đã làm cho Nga Sô mất nhiều đất đai như: Georgia, Armenia và Azerbaijan. Chính vì vậy mà chính quyền Nga nhận thấy cần phải hạn chế và chấp dứt tình trạng đòi độc lập của các lãnh thổ trong liên bang. Năm 1997, TT. Boris Yeltsin tạm cho Chechnya tự trị, còn việc trao trả độc lập sẽ bàn tính sau. Nhưng dân Chechnya lại tự phát triển theo đường hướng một nước cộng hòa. Hành động chống Nga Sô của kháng chiến quân Chechnya trong thập niên 1990 và trong tương lai sẽ ảnh hưởng tai hại cho Nga Sô về phương diện lãnh thổ, chính trị và kinh tế. Vì thế, nếu Chechnya dù có dành được độc lập mà không nằm trong liên bang Nga hay chính phủ Chechnya không hợp tác với Nga Sô thì cuộc chiến vẫn chưa tàn.