Dân Chúa Âu Châu

TinhThuc CauNguyenHằng năm lịch phụng vụ trong Giáo hội Công giáo bắt đầu từ mùa Vọng. Năm phụng vụ mới, chu kỳ B,  khởi đầu từ Chúa Nhật I. mùa Vọng, ngày 03.12.2023.

Mùa Vọng có bốn tuần lễ cho tới ngày lễ mừng Chúa Giêsu giáng sinh làm người trên trần gian, đêm ngày 24. tháng 12. Năm nay mùa Vọng ngắn nhất. Tính từ ngày Chúa nhật I. mùa Vọng chỉ có 21 ngày tới lễ mừng Chúa giáng sinh, và 28 ngày là tới ngày cuối năm cũ 31.12. 2023.

Thời gian mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn đón mừng lễ Chúa giáng sinh, nhưng theo nếp sống văn hóa xã hội thời bây giờ, nhất là bên xã hội Tây phương, cũng là mùa vội vàng, hấp tấp đi săn lùng mua sắm qùa tặng, đồ dùng, thực phẩm…vừa mừng lễ và vừa để đón mừng Tết năm mới Dương lịch tiếp theo sau đó một tuần lễ.

Khác với Giáo hội  Công giáo, bên Giáo hội Chính Thống thời gian mùa Vọng kéo dài 40 ngày cho tới ngày mừng lễ Chúa giáng sinh, và mùa Vọng thời gian chuẩn bị mừng lễ mang mầu sắc đặc tính ăn chay nhiều hơn.

Giáo hội Chính thống giáo thành Constantinople, thành Alexandia, Antiochien, bên Rumania, bên Bulgaria, bên đảo Zyp, bên Hylạp, bên Albania và bên Phầnlan mừng lễ Chúa giáng sinh ngày 24.& 25. Tháng 12 như bên giáo hội Công giáo theo niên lịch Gregorianer. Họ bắt đầu mùa Vọng từ ngày 15. tháng mười một cho tới chiều ngày 24. tháng mười hai sang ngày 25. tháng mười hai.

Các Giáo Hội Chính thống bên Nga, bên Serbia mừng lễ Chúa giáng sinh theo niên lịch Juliano vào ngày 6. - 7. tháng Một. Vì thế họ mừng mùa Vọng, thời gian chuẩn bị trước lễ giáng sinh, từ ngày 28. Tháng mười một cho tới ngày 06. Tháng Một.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu Kitô đưa ra hình ảnh nếp sống thấm nhuộm tâm tình tĩnh tâm: “Anh em  hãy canh chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì anh em không biết lúc đó là lúc nào!” ( Mt 13,33-37) khác hẳn với lối sống vội vàng hấp tấp đi săn lùng mua sắm trong mùa vọng trong đời sống xã hội.

Vậy đâu là hình ảnh cho nếp sống tĩnh tâm mùa vọng?

Trong dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người chủ nhà trẩy đi phương xa, và hình ảnh người ở nhà canh giữ cửa. Nhưng hình ảnh người canh giữ cửa nhà, chị hay anh ta ở nhà, thích hợp với cung cách nếp sống tĩnh tâm mùa vọng.

Mùa vọng tuy con người phải đi ra ngoài làm việc, sinh hoạt mua sắm, nhưng vẫn ở nhà nhiều hơn. Phúc âm nói tới nhiệm vụ người “ canh giữ cửa nhà” phải luôn tỉnh thức.

Nghề nghiệp canh giữ cửa nhà, cổng dinh thự đền đài… ít được nói đến xưa nay trong đời sống thế giới làm việc, cùng không mấy là hình ảnh của một nghề nghiệp được nói đến nhiều cùng có sức hấp dẫn cho lắm.Nhưng dẫu vậy vẫn luôn cần có người làm công việc này.

Nơi một vài hãng xưởng, bệnh viện, tu viện nhà Dòng vẫn còn cần người làm nghề nghiệp canh cửa cổng. Họ túc trực ở cửa cổng ra vào không chỉ ban ngày mà cả ban đêm nữa.

Ai đã có lần giữ nhiệm vụ canh cửa cổng, đều biết quy luật khi nào được mở cửa cổng và đóng cửa cổng, và họ cũng không thể biết trước trong thời gian đó chuyện gì xảy ra, lúc có nhiều lúc có ít việc, bận rộn tiếp khách đến hỏi, nghe trả lời điện thoại, nối đường dây điện thoại,  cũng có lúc vắng vẻ nhàm chán đến độ buồn ngủ gật, nhất là vào ban đêm khuya…

Cũng có những công việc làm  theo thông lệ thói quen, và cũng có nhiều xảy ra bất ngờ. Cũng có những người khách vui vẻ lịch sự, và cũng có những vị khách khó chịu đòi hỏi.

Có những người mang đồ dụng cụ đến gửi, nhưng cũng có những người đến nhận hàng đồ, có người đến hỏi chìa khóa nhà vệ sinh,nhà kho… hay có những trường hợp đến trao thư, trao thùng đồ, hoặc trao đổi vài mẩu chuyện. Và khi có sự cố xảy ra người canh giữ cửa cổng phải báo động…

Tóm lại có rất nhiều công việc to cũng như nhỏ diễn xẩy ra. Nên cần phải có người ở đó túc trực canh giữ cửa cổng. Họ cần có cung cách nếp sống thái độ cởi mở mềm dẻo, thích nghi theo từng hoàn cảnh xảy ra.

Chủ nhà căn dặn người canh giữ cửa cổng nhà phải luôn túc trực tỉnh thức cho mọi trường hợp. Cũng thế mùa Vọng là thời gian, người tín hữu Chúa hiểu nếp sống tinh thần của mình giống tựa như công việc của người canh giữ cửa cổng ra vào: túc trực tỉnh thức!

Nữ chiệm niệm người Pháp Madeleine Delbrel đã trình bày suy tư về nếp sống của việc canh giữ cửa phải tính đến việc Thiên Chúa đến gõ cửa và đi vào đời sống:” Bất kể chúng ta làm gì: dùng chổi quét lau nhà. Nói chuyện hay giữ thinh lặng, diễn thuyết hay săn sóc người đau bệnh, hay đánh máy viết thư... Tất cả những việc đó chỉ là rãnh nhỏ của thực tế trong đời sống hằng ngày, nơi đó tâm hồn gặp được Thiên Chúa, đón nhận được ân đức của Ngài. Thiên Chúa đến và yêu thương chúng ta…”

Công việc của người canh giữ cửa cống cũng là hình ảnh trong phúc âm của Chúa  nhật I. mùa vọng nói đến: hãy luôn tỉnh thức chú ý đến những gì xảy đến trong đời sống, trong tất cả bao nhiêu việc phải làm, những cuộc gặp gỡ nói chuyện trong đời sống hằng ngày trong mùa Vọng.

Đàng sau dòng rãnh nhỏ nơi thực tế đời sống thường nhật đó, Thiên Chúa chờ đợi con người chúng ta. Người đến và yêu thương ta.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long