Từ cổ chí kim xưa nay bất kể hàng vua chúa, hoàng tộc quan quyền, hay một người dân lớn bé nào, ai cũng có người mẹ sinh thành ra mình. Vì thế, hằng năm nhiều nước trên thế giới đều dành một ngày nhớ về mẹ, hay còn gọi là ngày hiền mẫu, tùy theo tập tục nếp sống văn hóa mỗi dân tộc đất nước, để tôn vinh người mẹ.
Trong ngày này những người con nhớ đến với tâm tình vui mừng lòng biết ơn mẹ đã sinh thành dậy dỗ giáo dục mình nên người. Họ mang bông hoa hay chọn món qùa qúy gía tặng mẹ mình. Người con đã nhận lãnh niềm vui hạnh phúc cho đời mình do mẹ trao tặng, giờ đây người con muốn mang đến cho mẹ mình tấm chân tình niềm vui, để đền đáp công ơn mẹ đã hy sinh cho đời mình.
Những người không còn mẹ, vì mẹ đã qúa vãng về đời sau, cũng nhớ đến mẹ mình với lòng ngậm ngùi thành kính biết ơn, nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa đã trải qua chung sống với mẹ thời thơ ấu, tuổi thanh thiếu niên, tuổi khôn lớn đi vào đời, đến những thành qủa trong đời sống hôm nay là công lao kết qủa của mẹ đã gieo trồng vun xới khi xưa cho tương lai đời sống người con.
Lòng thảo hiếu nhớ ơn mẹ, đấng đã sinh thành nuôi dậy người con không chỉ sống dậy trong ngày nhớ ơn mẹ. Nhưng những hình ảnh, lời nói, cử chỉ tình yêu thương, sự lo âu đùm bọc săn sóc của người mẹ cho người con luôn hằng như cuốn phim quay chiếu lại, xuất hiện trong tâm trí người con mọi lúc trong đời sống.
Khi còn nhỏ thơ bé, người con không thể hiểu được tình yêu thương mẹ dành cho những người con của mẹ mình. Nhưng càng lớn lên đi vào trường đời sống, người con càng nhận ra rõ tình yêu của mẹ không phân tán chia ra giữa những người con, mà nó nhân thêm nhiều ra cho mọi người con trong gia đình.
Ngạn ngữ dân gian có suy tư: „Phúc đức tại mẫu Bà ơi!. Phải, tương lai đời sống tinh thần người con là tác phẩm công trình do người mẹ góp phần xây dựng từ căn bản và nhiều nữa.
Những điều căn bản trong đời sống, như cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, cách chào hỏi ăn nói xưng hô lễ phép, biết cầm đũa bát ăn uống, cách tắm rửa mặc quần áo, biết đến người khác trong xã hội, luân lý tinh thần đạo giáo, những thói quen nề nếp tốt đẹp cần thiết cho đời sống là do người mẹ uốn nắn chỉ dậy nói cho biết. Lẽ tất nhiên mẹ không thể nào dậy cho con mình biết hết tất cả. Vì chính bà cũng không biết hết tất cả. Nhưng đó là những căn bản cho đời sống. Và từ căn bản đó người con học hỏi thêm, làm giầu thêm cho đời sống qua kinh nghiệm sống ở đời.
Từ căn bản đó đời sống người con có chân đà phát triển lớn lên đi vào đời. Và cũng từ căn bản đó người con không chỉ xây dựng đời sống thành công cho riêng mình, mà còn cho gia đình con cái họ thành lập sau này, cùng cho đời sống chung trong xã hội con người với nhau.
Người con nào cũng bắt đầu đời sống từ nơi cung lòng người mẹ. Nơi đó người mẹ ôm ấp che chở nuôi dưỡng sự sống hình hài thân xác cho người con được phát triển từ một trứng nước bào thai nhỏ li ti thành một con người có thân xác tứ chi cùng não bộ tinh thần.
Chưa hết khi người con chào đời, mẹ cũng luôn bồng bế mang con trong lòng mình, tắm rửa cho con, mặc quần áo cho con, cho con ăn uống... Vì lúc đó người con chưa có khả năng tự lập đứng ngồi đi được. Và đến lúc người con đứng lên đi được, mẹ cũng luôn cầm tay dắt, và mang bồng con trên tay mình, khi đôi chân người con mỏi mệt không bước đi được nữa.
Mẹ là thầy cô giáo đầu tiên đời người con. Mẹ hiểu con muốn gì, dù lúc còn thơ bé người con chưa biết nói. Lúc con bập bẹ, mẹ là người đầu tiên dạy con mình nói. Suốt những tháng năm dài tuổi thơ bé, con hằng nghe mẹ nói. Những âm thanh tiếng nói đó ăn rễ khắc ghi sâu đậm trong tâm trí người con. Và đến khi người con theo luật chu kỳ thiên nhiên do Đấng Tạo Hóa ấn định bật môi lưỡi mở miệng phát ra thành tiếng thành lời giống gần như của mẹ mình. Và rồi trong suốt đời sống, người con học thêm nơi mẹ mình nhiều chữ nghĩa nữa. Vì thế dân gian có ngạn ngữ: tiếng mẹ đẻ.
Đến khi em bé cắp sách đi học ở nhà trường, mẹ là người hằng ngày dẫn con đi học, đón con về nhà sau giờ tan trường. Về nhà mẹ là người khuyến khích thúc dục kèm dạy con học bài, dạy con tô viết chữ, tập đọc, làm toán làm bài. Mẹ dạy con học ăn, học nói, học gói, học mở.
Tình mẫu tử sâu đậm chan chứa cùng linh thiêng như ân đức phúc lộc của trời cao tỏa xuống đời sống con người.
Hình ảnh tình mẩu tử phong cách sống thần thánh giữa mẹ và con không chỉ có nơi con người, nhưng có cả nơi các loài thú vật hoang dã hay trong nhà cũng tương tự như thế. Những đoạn phim ghi quay lại cảnh đùm bọc âu yếm quan tâm săn sóc của những con thú vật mẹ nuôi bảo vệ con nhỏ của nó nơi những tổ ở lùm cây trong rừng, nơi hang dưới đất núi đồi hoang dã, cùng cả các loài thú vật sống dưới nước trong ao hồ, sông ngòi, suối nước biển cả …rất sống động chiếu tỏa sức sống linh thiêng nhiệm mầu, mà Đấng Tạo Hóa đã phú ban ghi khắc sức sống cùng bản năng trực gíac tự nhiên rất tinh tế nhạy bén nơi chúng.
Nhớ về mẹ, dù mẹ đã khuất núi, hay dù mẹ là người dân giã quê mùa không văn minh tân tiến, mẹ luôn luôn vẫn là người mẹ duy nhất đời con. Vì thế dân gian có xác tín tin tưởng: Mỗi người chỉ có một người mẹ.
Mẹ hiểu biết con mình không như người khác hiểu biết về con của mẹ.
Mẹ luôn có trái tim cùng sự suy nghĩ nhận xét rộng mở bao dung cho người con.
Mẹ hằng quan tâm săn sóc người con trong mọi hoàn cảnh. Mẹ được Trời cao phú ban cho trực giác bén nhậy hiểu biết nhận ra những nhu cầu đời sống con mình.
Từ nơi thân thể lòng mẹ chảy tuôn ra dòng sữa sức sống nuôi tứ chi thân thể cùng tinh thần cho người con của mẹ được khoẻ mạnh mau lớn phát triển thành người vững chắc đi vào đời.
Dân gian có những hình ảnh huyền thọai ca ví lòng mẹ như lò than hồng chảy rực tỏa hơi nóng ấm áp cho người con, hay nải chuối buồng cau, hay lòng mẹ bao la như biển thái bình…
Xin chắp đôi tay ngước mắt lên Trời cao dâng lời tạ ơn Đấng Tạo Hóa Càn Khôn đã dựng nên người mẹ chúng con thần thánh cao cả kỳ diệu tuyệt vời!
Chúa Giêsu trên thập gía đã nói lời trối trăn Đức mẹ Maria cho Thánh Gioan: Đây là mẹ con!
Thiên Chúa cũng ban cùng trối trăn người mẹ sinh thành dưỡng dục uốn nắn đời sống cho mỗi người con: Con phải thảo kính cha mẹ con! ( Điều Răn thứ bốn.)
Xin cúi đầu nghẹn ngào nói lên tâm tình lòng hiếu thảo cám ơn mẹ đã sinh thành dưỡng dục uốn nắn đời sống chúng con ngày hôm qua, hôm nay cùng cho ngày mai.
Tặng các người mẹ trần gian - ngày nhớ ơn mẹ.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long