Dân Chúa Âu Châu

noi hoi han va di lamDụ ngôn hai người con.
Thứ Ba tuần 3 mùa vọng.
"Gioan đến và những kẻ tội lỗi tin ngài".

LỜI CHÚA: Mt 21, 28-32
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn cho cha!" Nó thưa lại rằng: "Con không đi". Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: "Thưa cha, vâng, con đi". Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?" Họ đáp: "Người con thứ nhất". Chúa Giêsu bảo họ: "Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài".

Suy Niệm 1: Ví dụ hai người con
Mùa đông năm 1982, một phản lực cơ Hoa kỳ bi chết máy đã đâm nhào xuống một dòng sông. Nhiều hành khách sống sót chơi vơi giữa đòng sông giá lạnh. Giữa những người bộ hành chứng kiến, một thanh niên bất chấp dòng nước lạnh đã phóng người xuống sông cứu vớt một thiếu phụ đang chới với trên sóng nước. Hành động này khiến Tổng thống Reagan tuyên dương anh là anh hùng dân tộc. Khi được hỏi lý do việc liều mạng sống, anh trả lời: "tôi đã làm điều tôi phải làm".
"Tôi đã làm điều tôi phải làm", lời giải thích trên cũng có thể là lời tuyên tín sống động của những người không hề mang danh hiệu Kitô, nhưng có lẽ lại sống tinh thần Kitô một cách sâu xa hơn những người vỗ ngực xưng mình là môn đệ Đức Kitô, nhưng cuộc sống lại hoàn toàn là một phản chứng.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu có lẽ muốn đề cao những tín hữu vô danh ấy. Họ có thể là người chưa một lần nghe nói đến tên Chúa. Chưa hề được chịu phép rửa, chưa hề đặt chân đến Nhà thờ; họ cũng có thể là người ngoại đạo, vô thần, nguội lạnh, chống đạo, nhưng đời sống của họ được dệt bằng những hy sinh, quên mình, phục vụ, tử tế, công bình; tôn giáo của họ, nói như Đức Đạt lai Lạt Ma, chính là lòng tử tế.
Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình: có lẽ chúng ta cũng giống như người con thứ hai: miệng thưa vâng, nhưng tay chân chúng ta không muốn thực thi ý Chúa, miệng chúng ta cầu kinh, nhưng lòng trí và cuộc sống lại xa Chúa.
Thiên Chúa đang đến trong từng phút giây cuộc sống, đó phải là xác tín của chúng ta trong Mùa Vọng này. Và bởi vì Thiên Chúa là Đấng đang có mặt và đang đến, cho nên mỗi phút giây, mỗi biến cố, mỗi gặp gỡ đều phải dẫn tới mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Và như thế cả cuộc sống chúng ta sẽ là lời kinh triền miên dâng lên Chúa.
Hãy để cho lời kinh chúng ta biến thành hành động của phục vụ, hy sinh, liên đới, chia sẻ, và lúc đó trọn cuộc sống chúng ta sẽ là tiếng xin vâng bất tận dâng lên Chúa.
Suy niệm 3: Hối hận nên lại đi
Dụ ngôn hôm nay là một dụ ngôn đặc biệt, với nội dung đơn sơ. Đức Giêsu nói dụ ngôn này cho các thượng tế và kỳ mục.
Một người cha có hai con trai. Ông sai đứa con thứ nhất đi làm vườn nho. Lúc đầu anh ta từ chối, nhưng sau đó hối hận nên lại đi (c. 29). Ông gặp đứa con thứ hai và kêu anh làm cùng một việc. Anh mau mắn nhận lời, nhưng rốt cuộc lại không đi (c. 30). Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng việc hỏi họ một câu khá dễ: "Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của cha?" Không mấy khó khăn, các thượng tế và kỳ mục đã trả lời đúng. Nhưng họ không ngờ mình mắc bẫy của Ngài như xưa vua Đavít đã mắc bẫy của ngôn sứ Nathan (2 Sm 12, 5). Bởi chính họ là đứa con thứ hai, nhận lời, nhưng rồi lại không đi, chính họ là những người không thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Hẳn giới lãnh đạo ở Giêrusalem sẽ tức điên lên vì nhục nhã khi nghe Đức Giêsu nói đứa con thứ nhất chính là những kẻ thu thuế và các cô gái điếm (c. 31).
Theo Đức Giêsu, những người tội lỗi này sẽ vào Nước Trời trước cả giới lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín, đạo đức, oai phong. Tại sao lại có chuyện oái oăm đó? Chính thái độ tin hay không tin ông Gioan tạo ra sự khác biệt này. Gioan xuất hiện như một hiện tượng nổi bật, ai cũng thấy. Các vị chức sắc tôn giáo cũng thấy, nhưng sau đó họ không hối hận mà tin (c. 32). Còn những người tội lỗi, giống đứa con thứ nhất, lúc đầu từ chối cha, nhưng sau đó đã hối hận và vâng lời (c. 29). Họ đã tin Gioan và bước vào đường công chính (c. 32). Từ chỗ nói: "Thưa cha, con đây", đến chỗ thực sự đi làm vườn nho, có một khoảng cách khá lớn, khiến nhiều người ngần ngại. Chấp nhận tin là chấp nhận lên đường, bước vào cuộc phiêu lưu. Con đường công chính đầy thách đố, bấp bênh và bất trắc. Tin vào Gioan đòi hỏi sám hối, để đón Đấng Thiên Sai. Nhưng ít người muốn nhận mình có lỗi. Có khi cô gái điếm lại dễ hối hận hơn một người công chính. Có khi anh thu thuế lại dễ ăn năn hơn một người đạo hạnh. Dù sao tin vào Gioan khiến mọi người không được sống như xưa. Hơn nữa, niềm tin ấy thế nào cũng dẫn đến tin vào Đức Giêsu. Tin vào Đức Giêsu là chấp nhận mất đi những chỗ dựa ổn định. Không dám mất thì cũng chẳng dám tin.
Nhiều Kitô hữu hôm nay gặp khó khăn không nhỏ về đức tin, vì sống đức tin đòi họ phải trả một giá quá lớn. Nếu chúng ta đã có lần nói: Con không muốn đi!, thì chúng ta luôn có thời gian suy nghĩ lại, để tự điều chỉnh, và sau đó nói: "Này con đây, xin hãy sai con."

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ