Dân Chúa Âu Châu

thu 2t5psNhững giới hạn.

THỨ HAI TUẦN 5 PHỤC SINH.

"Đấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con mọi điều".

Lời Chúa: Ga 14, 21-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy".
Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?" Chúa Giêsu trả lời: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".

SUY NIỆM 1: Những giới hạn

Hôm nay, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc là những lời tâm sự của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong một khung cảnh hết sức quan trọng là bữa tiệc ly của Chúa với các môn đệ trước khi thực hiện biến cố vượt qua. Cấu trúc của toàn chương 14 này của Phúc Âm thánh Gioan được xoay quanh ba câu hỏi của các tông đồ. Câu hỏi thứ nhất là của tông đồ Thomas: "Thầy đi đâu chúng con không biết thì làm sao chúng con biết đường đi?" Và câu hỏi thứ hai của tông đồ Philípphê: "Lạy Thầy, xin chỉ cho chúng con nhìn thấy Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi."

Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm qua chúng ta đã nghe những lời Chúa Giêsu trả lời cho hai câu hỏi trên và từ đó chúng ta được Chúa cho biết mục đích của đời sống con người là gì và đâu là con đường để đạt tới mục đích đó. Con đường đó không là gì khác hơn là chính Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha cho con người và dẫn đưa con người về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ với các tông đồ: "Thầy là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống", và hôm nay chúng ta đọc và suy niệm những câu kế tiếp, trong đó chúng ta sẽ nghe thấy những câu Chúa Giêsu trả lời cho câu hỏi thứ ba của tông đồ Giuđa Tadeo: "Lạy Thầy, tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian?" Xem ra như Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của Giuđa Tađeo nhưng Chúa nhắc tới thái độ tự nguyện tự quyết của kẻ muốn theo Chúa: "Ai lắng nghe lời Thầy, ai yêu mến và tuân giữ lời Thầy thì người đó là kẻ yêu mến Thầy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy".

Qua câu trả lời này chúng ta hiểu về những giới hạn trong mạc khải của Chúa và từ phía con người chấp nhận hay không chứ không phải từ Thiên Chúa, là Ðấng muốn cứu rỗi tất cả mọi người. Con người chúng ta có tự do khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, giới hạn tác động cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thật đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của sự tự do con người và sự hữu hiệu của ân sủng Thiên Chúa. Con người cần được trợ giúp để quyết định cho đúng và nguồn trợ lực đến từ Chúa Thánh Thần là Ðấng tiếp tục soi sáng cho các tông đồ, hướng dẫn họ đến sự thật trọn vẹn mỗi ngày một hơn. Và cũng qua đoạn Phúc Âm trên chúng ta thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn những ai yêu mến Người là một sự hiện diện Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình thương của Chúa. Xin cho con luôn sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để mọi nơi và mọi lúc con luôn được lớn lên trong tình yêu Chúa và anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Muốn lòng mến tồn tại

Chúng ta không xét đến những bất trung của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta phạm pháp, phạm giới luật nhiều và cũng không thấy một thứ trung thành với Thiên Chúa, chỉ có bề ngoài, thứ trung thành lắt léo khi giữ luật: luật nói gì thì tôi làm thế, luật cấm gì thì tôi không thể dám làm, nếu không tôi mắc lỗi nặng.
Nếu chúng ta trở về với trọng tâm của Tin mừng, chúng ta sẽ thấy một hướng khác, điều quan trọng nhất là cần liên đới với Thiên Chúa như điều răn nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Chính tình yêu là trung tâm sự liên kết với Thiên Chúa. Không có tình yêu này, sự nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa sẽ bất chính, như thấy Thiên Chúa là Đấng báo oán quá trớn và công thẳng quá độ.
Quá nhiều Kitô hữu còn sợ Thiên Chúa theo lối giữ lời Chúa vì sợ Thiên Chúa báo thù, chứ không vì yêu mến Chúa. Không có lòng yêu mến, những đòi hỏi thánh thiện trở thành gánh nặng không thể chịu nổi: Đó là ách quá nặng làm cho tâm thần bấn loạn.
Trái lại, nếu những liên kết với Chúa được xây dựng trên tình yêu, tình yêu này sẽ thúc đẩy sống trung thành bền vững. Thiên Chúa sẽ đáp lại lòng trung thành này bằng ở lại với người ấy: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Thiên Chúa không áp đặt sự hiện diện của Ngài. Ngài không đến như kẻ đi nghỉ mát. Nhưng Ngài đến ở với tấm lòng ưu ái nồng nàn, đó là nơi tình yêu và lòng trung tín gặp nhau, sống với nhau.

Một đứa trẻ sẽ cảm thấy bị áp đặt sống trong một gia đình khi nó không có lòng yêu mến, cũng thế, chúng ta sẽ thấy bị bó lòng phải giữ giới răn Chúa, khi chúng ta chưa yêu mến Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta biết đáp lại bằng một tình yêu cụ thể trước khi Ngài đến. Như vậy, khi chúng ta tin tưởng yêu mến và trông cậy Ngài, Ngài đã ở trong chúng ta rồi. Thực vậy, đức tin, đức cậy và đức ái là ba nhân đức đối thần, là của cải của Thiên Chúa ban cho chúng ta, cho chúng ta thấy hình ảnh Ngài trong chúng ta.

C.G

SUY NIỆM 3: Để được ở với Chúa

Một tu sĩ Dòng Tên đã chia sẻ kinh nghiệm: sau những ngày bố ráp căng thẳng, ông và một số anh em bị bắt giữ. Một viên công an nói với các tu sĩ bằng một giọng đắc thắng: “Trong những ngày qua chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay chúng tôi. Nhưng các ông thấy đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”. Nghe thế, vị tu sĩ điềm nhiên trả lời: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”.
Để được ở trong tay Chúa, để được ở với Chúa, để được Chúa cư ngụ trong tâm hồn, đó là mục đích của cuộc sống đức tin mà người Kitô hữu phải không ngừng theo đuổi. Đó cũng là một trong những ý tưởng nổi bật trong Tin mừng Gioan. Những môn đệ đầu tiên đã đến xem nơi Chua Giêsu cư ngụ và đã ở lại với Ngài. Chúa Giêsu đã kêu gọi họ trước tiên là đến và ở với Ngài.

Bài Tin mừng hôm nay cũng muốn đào sâu ý tưởng ấy. “Ai yêu mến Ta, Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó”. Trong Cựu ước, Đền thờ vốn được quan niệm như nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Nhưng với Chúa Giêsu, Đền thờ Thiên Chúa từ nay sẽ là tâm hồn con người; từ nay nhờ phép rửa, người Kitô hữu trở thành đền thờ của Chúa. Nhưng sự hiện diện ấy của Thiên Chúa, người Kitô hữu chỉ cảm nhận được khi họ yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ giới răn của Ngài. Sự hiện diện ấy, người Kitô hữu chỉ có thể làm lan tỏa chung quanh bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là sống theo Ngài, sống với Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở người Kitô hữu về sứ mệnh làm chứng cho sự hiện diện của Chua trong trần thế. Người ta không thể cho đi điều mình không có. Nguyên tắc này càng đúng hơn trong đời sống đức tin: người Kitô hữu sẽ không là chứng nhân sự hiện diện của Chúa, nếu cuộc sống của họ không có sức tỏa lan sự hiện diện ấy. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là tuân giữ các giới răn của Ngài. Khi những người ngoài nhìn vào cộng đoàn Kitô tiên khởi, họ đã phải thốt lên: “Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào! Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho người tín hữu chúng ta: chúng ta phải sống thế nào để sự hiện diện của Chua không chỉ giới hạn trong nơi thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà phải được thể hiện bằng cả cuộc sống chúng ta nữa.

“Chúng tôi không cầu nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chua”. Ước gì, qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện yêu thương của Chúa, và đáp trả tình yêu ấy bằng những cố gắng sống yêu thương, quảng đại để sự hiện diện và tình yêu của Chúa cũng được người khác cảm nhận.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)