Dân Chúa Âu Châu

t5 t1 MC BDKhuôn vàng thước ngọc.

Thứ Năm tuần 1 Mùa Chay.

“Ai xin thì sẽ nhận được”.

Lời Chúa: Mt 7, 7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho.

Nào ai trong các con thấy con mình xin bánh, mà lại đưa cho nó hòn đá ư? Hay là nó xin con cá mà lại trao cho nó con rắn ư? Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi Cha các con, Ðấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người!

“Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế: Ðấy là điều mà Lề luật và các tiên tri dạy”.

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

SUY NIỆM 1: Ban những của tốt lành

Suy niệm:

“Hãy xin thì anh em sẽ được cho, hãy tìm kiếm thì anh em sẽ tìm thấy,

hãy gõ thì sẽ được mở cho anh em.

Vì hễ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm kiếm thì sẽ tìm thấy,

ai gõ thì sẽ được mở cho” (cc. 7-8).

Biết bao người đã tin vào lời này của Đức Giêsu và đã cầu xin.

Nhiều người đã được nhận lời, nghĩa là đã được như lòng mình ao ước.

Nhiều người khác tuy không được điều mình xin,

nhưng lại được ơn vui vẻ chấp nhận tình trạng của mình,

ơn nhận ra ý nghĩa của nó, ơn có sức chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi.

Những người này cũng coi là mình đã được nhận lời.

Tuy nhiên, một số người khác vẫn đau khổ vì thấy không được nhận lời.

Họ xin những điều rất bình thường như có một người yêu, một đứa con…

Họ xin những điều rất tự nhiên, rất hợp lẽ,

như cho con bỏ ma túy, cho chồng bỏ vợ bé, cho có công ăn việc làm.

Bao người Do thái đã cầu nguyện khi 6 triệu đồng bào của họ bị tàn sát.

Bao người Việt Nam đã cầu nguyện trong cơn bách hại dưới các triều vua.

Có Chúa không? Chúa ở đâu? Sao Chúa lặng thinh và khoanh tay?

Chúa có lòng thương xót không? Chúa có toàn năng không?

Những câu hỏi đớn đau khiến một số người mất đức tin, trở nên vô thần.

Đức Giêsu khẳng định: xin sẽ được cho, tìm thì sẽ thấy, gõ sẽ được mở.

Thiên Chúa luôn luôn đáp trả mong đợi của con người,

nhưng không nhất thiết Ngài phải cho con người đúng điều nó muốn,

vào đúng lúc và theo đúng cách con người muốn.

Con người phải tập đào sâu và thanh luyện ao ước của mình,

tập uốn ý mình theo ý của Thiên Chúa.

Rồi cuối cùng, con người cũng thấy mình được cho, được thấy, được mở.

Ai kiên trì cầu xin đều thấy mình dần dần được biến đổi.

Thiên Chúa là Cha nhân hậu, chỉ ban cho con cái Ngài những điều tốt.

Nhưng đâu là điều tốt thật sự?

Đối với ta, đó là giàu sang, sống lâu, danh tiếng, thành công hay mạnh khỏe.

Đối với Chúa, không hẳn luôn là như vậy.

Điều Ngài thấy là tốt, đôi khi ta coi là hòn đá hay con rắn.

Và ngược lại, điều ta coi là tốt bây giờ thật ra là điều nguy hại mai sau.

Với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết ta thực sự cần gì.

Hãy phó thác chuyện đời mình cho tình yêu quyền năng của Ngài,

dù khi còn sống ở đời này, ta không hiểu hết được tại sao.

Cầu nguyện:

Lạy Cha là Chúa trời đất,

Cha là Cha toàn năng, nhưng Cha lại không phải là nhà độc tài.

Cha không quyết định một cách vô lý và độc đoán.

Cha đã cho con người được chia sẻ tự do của Cha,

và Cha luôn tôn trọng tự do ấy,

dù con người đã lạm dụng tự do để làm điều xấu.

Lạy Cha toàn năng,

khi trao cho loài người chúng con tự do,

Cha đã muốn tự giới hạn phần nào sự toàn năng của Cha.

Bởi đó sự dữ có sức mạnh tung hoành trong thế giới này.

Khi lòng độc ác của một số người đã treo Con Cha lên,

chúng con hiểu Cha có đủ quyền năng để đưa Ngài xuống.

Nhưng Cha đã muốn Con Cha chia sẻ cái chết bất công

của bao người thấp cổ bé miệng.

Và Cha muốn cái chết ô nhục trên thập giá

trở nên dấu chỉ của tình yêu cao nhất, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Lạy Cha toàn năng và khiêm hạ,

chúng con tin Cha vẫn đang làm việc để phục vụ chúng con.

Cha vẫn trao ban bánh và cá cho nhu cầu hàng ngày.

Cha vẫn mở cửa khi nghe tiếng gõ rụt rè của chúng con.

Chúng con tin vào tình yêu Cha dành cho từng người ngay giữa sóng gió.

Và chúng con biết mình không bao giờ thất vọng. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

SUY NIỆM 2: HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Giêsu nói những lời đầy hi vọng. “Cứ xin thì sẽ được. Cứ tìm thì sẽ thấy. Cứ gõ cửa sẽ mở cho”. Câu chuyện về Hoàng hậu Ét-te là một minh họa sống động. Ta phải học hỏi tấm gương cầu nguyện của bà.

Bà được nhận lời vì chỉ trông cậy một mình Chúa. Ở trong lúc bơ vơ khốn khổ chỉ có Chúa là nơi nương tựa duy nhất. Trong thân phận cô đơn yếu thế chỉ có Chúa là điểm tựa duy nhất. Trong cơn hiểm nguy cùng cực chỉ có Chúa là vị cứu tinh duy nhất. Vì chỉ trông cậy một mình Chúa nên bà chọn cầu nguyện là giải pháp duy nhất. Là giải pháp đầu tiên. Là giải pháp cuối cùng.

Bà được nhận lời vì đi vào chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn Ít-ra-en làm dân riêng để từ đó phát xuất ra Đấng Cứu Thế. Để chương trình cứu độ được thực hiện Chúa ra tay bảo vệ dân riêng Chúa đã chọn. Để trung tín với lời hứa, Chúa giải cứu Ít-ra-en trong lúc gian nguy.

Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện là đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của ta. Còn nơi nương tựa nào vững chắc hơn là người Cha. Còn vị cứu tinh nào thần thế hơn người Cha. Cha là tất cả. Cha sẽ lo cho con tất cả.

Chúa Giê-su cũng dậy ta cầu nguyện phải đi vào chương trình của Thiên Chúa. Chúa có chương trình cho mỗi người. Chương trình đó là tuyệt hảo, tối ưu. Nếu ta cầu nguyện theo ý riêng, những điều đó chưa chắc đã ích lợi cho ta. Nhưng nếu ta cầu nguyện theo ý Chúa, điều đó chắc chắn ích lợi cho ta.

Chúa Cha là người Cha nhân lành và quan phòng, không bao giờ ban cho ta những điều có hại cho ta. Nhưng Chúa sẽ ban những gì tốt đẹp nhất cho ta không chỉ bây giờ mà còn sau này và mãi mãi.

Vì thế cầu nguyện phải đi đến chỗ hòa hợp ý ta với ý Thiên Chúa. Để ta hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Để ý ta hoàn toàn phù hợp với ý Thiên Chúa. Để ý Chúa trở thành ý ta. Khi đó ta sẽ đạt được mọi điều mong muốn và còn hơn thế nữa. Khi nào thánh ý Chúa được thể hiện, con người sẽ được hạnh phúc.

Cứ đến với Cha như người con bé nhỏ yếu đuối, chắc chắn Cha sẽ thương ban ơn che chở. Cứ gõ vào cánh cửa tình thương của Cha chắc chắn Cha sẽ mở cho con. Cứ tìm thánh ý Cha chắc chắn sẽ thấy chương trình Cha dành cho con vô cùng tốt đẹp.

SUY NIỆM 3: Khuôn vàng thước ngọc

Trong Do thái giáo có hai trường phái đạo đức: phái của Shammai khắc khổ và phái của Hilel rộng rãi. Một ngày kia, có một người đến xin học tập với Shammai, anh ta thưa: “thưa thày tôi muốn làm môn đệ thầy nhưng trước hết, xin thày cho tôi còn có thể đứng trên một chân để nghe thày giảng”. Shammai đã đuổi anh ta đi với một cuốn sách dầy về luật mà ông đang cầm trên tay. Anh ta ra đi và đến gặp Hilel và cũng nói với ông lời ấy, Hilel bảo anh: “Những gì anh không thích thì đừng làm cho người khác, đó là tóm tắt về luật”. Anh ta nhận thấy đây là bài học quí giá và anh trở về.

Khổng Tử cũng trả lời cho một đệ tử: “Ký sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta.

Aristote đã dạy: “Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”, Hoặc một triết gia La Mã đã bảo: “Đừng áp đặt trên người khác những điều bạn không thích”.

Trái với những tư tưởng có tính cách tiêu cực trên, Chúa Giêsu đã đưa ra khuôn vàng thước ngọc có tính cách tích cực: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là cốt lõi của Kitô giáo, là nét đặc biệt của Kitô giáo. Đừng là điều ác mà thôi thì xã hội chưa tốt đẹp. Chỉ khi nào mọi người bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho ta, lúc đó xã hội mới hy vọng tốt đẹp được.

Ước gì chúng ta hiểu thấu và thực hành bài học xử thế Chúa dạy hôm nay, đồng thời biết bắc nhịp cầu thông cảm với người khác, biết yêu thương và làm điều tốt cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: Cầu nguyện chẳng được gì.

Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ được mở cho. Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người.

Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Mô-sê và lới các ngôn sứ là thế đó. (Mt. 7, 7-12)

Tin mừng khuyến khích chúng ta hướng về Chúa luôn để cầu nguyện. Đức Ki-tô đã bảo đảm rằng những lời cầu nguyện của chúng ta không vô ích vì Thiên Chúa là Cha tốt lành hơn mọi người cha trần gian, Ngài trả lời cho những điều chúng ta xin. Nếu chúng ta kiên tâm, vững chí, bền lòng cầu nguyện, chúng ta sẽ được đoái thương. Chính Đức Ki-tô đã quả quyết thế.

Tuy nhiên, chúng ta biết không phải mọi thứ luôn luôn được như vậy. Biết bao lần chúng ta xin mà chẳng thấy cho, tìm mà không thấy, gõ cửa mà chẳng mở! Chúng ta biết rõ rất nhiều người với đức tin chân thành mạnh mẽ – và có lẽ đó là trường hợp của chúng ta – trong suốt nhiều năm cầu khẩn Chúa … và chẳng được đoái thương. Họ cầu nguyện cho người thân yêu được khỏi bệnh. Họ cầu nguyện cho người yêu trở về đường ngay nẻo chính … và chẳng thấy gì. Có phải họ cầu nguyện vô ích chăng? Có phải Đức Ki-tô đã nói quá khi Người quả quyết: “Hễ ai xin thì nhận được”. Có phải thời đó Người đã hứa mà thời nay Người không thể giữ lời hứa chăng?

Chúng ta biết rõ đây không phải là trường hợp biệt lập, nếu chúng ta khảo sát cẩn thận những lời của Đức Giê-su trong toàn bộ nội dung để soi sáng cho nhau. Lúc đó, người ta có thể tóm tắt những lời dạy của Đức Giê-su vào ba điểm sau:

Trước hết, Đức Giê-su nói với chúng ta rằng mỗi khi chúng ta hướng về Cha Người, Chúa Cha lắng nghe chúng ta và đáp lời chúng ta, Ngài không làm ngơ trước lời cầu nguyện của chúng ta. Bản văn thánh Mát-thêu đã nổi bật lên hàng đầu điều chúng ta kêu cầu.

Thứ đến Đức Giê-su cũng xác nhận Thiên Chúa không luôn luôn phải đáp lời và không cần phải ban cho những gì chúng ta cầu khẩn. Ngài đáp lời bằng ban cho những điều tốt hơn những gì chúng ta khẩn cầu. Ngài luôn luôn biết điều gì tốt hơn cho chúng ta.

Sau cùng, Đức Giê-su nhấn mạnh cho chúng ta rằng chỉ có một lời cầu nguyện luôn luôn được đoái thương là lời: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Quên lời cầu nguyện cuối cùng này thì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là không tưởng, và người ta cầu nguyện chẳng được gì.

J.Y.G

SUY NIỆM 5: CẦU NGUYỆN VỚI CẢ TÂM HỒN (Mt 7, 7-12)

Có nhiều người phàn nàn và trách móc Chúa rằng: đã biết bao nhiêu lần con cầu nguyện mà Chúa đã không nhận lời! Có nhiều lời cầu nguyện đã kéo dài thời gian đến độ mỏi gối chân chùn cũng chẳng thấy Thiên Chúa đáp ứng! Vậy đâu là ý nghĩa của lời hứa: “Xin sẽ được, tìm sẽ gặp, gõ sẽ mở?”

Trước tiên, chúng ta cần xác định ngay rằng: Thiên Chúa tốt lành và luôn tìm mọi cách để ban cho con cái của mình những điều tốt đẹp hơn cả điều chúng xin.

Thứ hai, chúng ta phải thành thật mà nhận thấy rằng: có nhiều điều chúng ta xin tưởng chừng như là tốt, nhưng thực ra chỉ tốt đối với thiển ý của ta, còn thực ra thì lại là điều tai hại cho người khác hay là nguy hiểm và mất phần rỗi cho linh hồn.

Thứ ba, nhiều khi Chúa để một thời gian dài nhằm dạy cho chúng ta bài học kiên trì, trung thành, tín thác vào Thiên Chúa cách tuyệt đối.

Cuối cùng, mọi lời cầu nguyện của chúng ta phải được kết thúc bằng tâm tình: “Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Và “xin được theo ý Chúa, đừng theo ý con”.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta phỏng chiếu lời cầu nguyện của mình theo kiểu: “Ăn sổi ở thì”, tức là cái gì cũng muốn cho nhanh, cho mau và phải theo ý mình, trong khi đó lời cầu nguyện là biểu hiện của đời sống tâm linh, là niền tin, là tâm tình tín thác.

Hơn nữa, nhiều người ngay khi cầu nguyện cũng toát lên sự cạnh tranh, đấu đá và muốn Chúa đứng về phía mình để làm hại người khác! Hay nhiều khi cầu nguyện mà trong lòng thì kiêu ngạo, hành động thì huênh hoang, hoặc cầu nguyện với một thái độ nhàm chán như con vẹt, như chiếc máy!

Thử hỏi, cầu nguyện như thế, chúng ta có nâng tâm hồn lên với Chúa được không? Hay thực ra chỉ là qua lần chiếu lệ, còn lòng trí thì vẫn trơ trọi như gỗ đá!

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con cầu nguyện và xin ban cho chúng con có được tâm tình khiêm tốn, tín thác, trung thành. Xin cho mọi lời cầu nguyện của chúng con được làm vinh danh Chúa và ích lợi cho phần rỗi của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

Suy Niệm 6: Chúa ban của tốt lành cho kẻ xin Người

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Beppo Sala là một cậu bé 8 tuổi. Cha mẹ cậu rất nghèo mà phải nuôi tới 6 đứa con. Mẹ cậu lại sắp sinh thêm đứa thứ 7. Tuy còn nhỏ nhưng Beppo cũng biết khi đứa bé sinh ra thì nó phải thiếu thốn như thế nào. Cậu muốn làm một việc gì đó để giúp cha mẹ. Cậu nhịn ăn quà, dùng tiền mua một chiếc bong bóng bay.

Cậu viết một bức thư ngắn cột vào bong bóng rồi thả cho bay lên trời. Bức thư viết: “Chúa ơi, trong vài tuần nữa mẹ con sẽ sinh em bé. Nhưng gia đình chúng con nghèo quá. Xin Chúa giúp chúng con tìm được một chiếc chăn và vài bộ quần áo cho nó. Đồ cũ thôi cũng được. Con là Beppo Sala, nhà ở Arcorle”. Beppo về nhà hồi hộp chờ đợi. Chờ đã ba ngày mà chẳng thấy gì cả. Đến ngày thứ tư, một nhân viên bưu điện mang tới nhà Beppo một thùng giấy lớn có ghi rõ “Người nhận: Beppo Sala, Arcorle. Người gửi: Rovingo”. Trong nhà chẳng ai có quen người nào tên Rovingo cả nên cậu bảo nhân viên bưu điện trả về người gửi. Nhưng không có địa chỉ người gửi nên cậu bé đành mở thùng ra xem. Trong thùng toàn là quần áo trẻ con rất sạch và đẹp. Có cả một chiếc chăn nhỏ nữa. Thì ra một người nào đó tên Rovingo đã tình cờ nhặt được chiếc bong bóng và bức thư của cậu bé nên đã thay Chúa gửi quà cho em của cậu.

Nhiều khi Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng một cách thức và vào một thời điểm mà chúng ta không ngờ (Pastor Paterno).

Suy niệm

Cha mẹ luôn thương con cái và cho những điều tốt nhất cho con. Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta hơn cha mẹ trần gian bội phần. Ngài ban phát nhu cầu cần thiết cho chúng ta. Nếu chúng ta tin và sẵn sàng phó thác hoàn toàn nơi tình yêu thương của Ngài.

Thiên Chúa luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát, như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì sẽ nhận được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho” (Mt 7,7-8).

Ngài là Cha nhân hậu luôn đáp trả mong đợi của người con, nhưng không nhất thiết Ngài phải cho con người đúng điều con muốn, nhưng là điều tốt lành nhất cho con theo thánh ý và tình thương của Ngài như Con Thiên Chúa đã mặc khải: “Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11).

Thật thế, với cái nhìn của người cha, Thiên Chúa biết chúng ta thực sự cần gì. Chúng ta hãy phó thác tất cả mọi sự của mình cho tình yêu quyền năng của Ngài.

Tuy nhiên, để được Thiên Chúa thi ân, Thầy Chí Thánh truyền cho chúng ta một khuôn vàng thước ngọc sống theo Tin Mừng: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12), Chúa nhấn mạnh: “Hễ anh em đong cho người ta bằng đấu nào thì anh em sẽ được đong lại bằng đấu ấy” (Mt 7,2).

Con luôn mang tâm tình Thánh Vịnh cất vang lời:

“Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi” (Tv 89,2).

Ý lực sống: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38).

Suy Niệm 7: Chúa bảo ta cầu nguyện

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện. Cầu xin là một hình thức cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, là nói lên với Người, như với người Cha tâm tình yêu mến và tin tưởng (Mt 6,7-13). Cầu xin với chủ đích như thế, nguyên nó là được nhận rồi. Điều gì khác như xin theo nhu cầu mình muốn, trở thành phụ thuộc, người con sẽ để tùy ý muốn và sự quan phòng của người Cha. Mục đich cầu nguyện như vậy, nên ở đây Đức Giêsu chỉ vẽ về tinh thần phải có khi cầu nguyện: tin tưởng, cậy trông và bác ái.

2. Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu dùng hình ảnh người cha và người con trong gia đình để nói lên tình nghĩa đậm đà giữa Thiên Chúa và con người. Bình thường con cái đói thì xin cha bánh ăn, và bình thường người cha thỏa mãn nhu cầu của con cái, chứ chẳng có người cha nào con cái xin cá lại cho rắn, xin trứng lại cho bọ cạp.

Vậy một người cha người mẹ trần gian mà còn đối xử như vậy với con cái thì huống chi là Thiên Chúa, là Đấng tốt lành gấp ngàn vạn lần cha mẹ trần gian. Cho nên, điều mà Chúa muốn nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay là Chúa muốn nói đến mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài là mối tình phụ tử, cha con.

Trong gia đình con cái có thể đến với cha mẹ bất cứ lúc nào để trình bầy những nhu cầu của chúng, chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể đến với Chúa bất cứ lúc nào, để trình bầy nỗi lòng của chúng ta với Ngài.

3. Theo Đức Giêsu,trong khi cầu nguyện, chúng ta cần phải có ba thái độ sau đây:

a) Tin tưởng: Đức Giêsu đã dạy: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho”. Còn lời nào có sức khuyến khích chúng ta cầu nguyện hơn những lời Đức Giêsu. Thiên Chúa là cha yêu thương đối với tất cả con cái Ngài. Sở dĩ chúng ta không cầu nguyện vì chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha chúng ta. Tin mà chưa cầu nguyện là chưa tin thật.

Tác giả Đường Hy vọng đã nhận định: “Con ngạc nhiên vì nhiều người mất ơn gọi, mất đức tin và phản bội Giáo hội ư? Trong bao nhiêu lý do,có một lý do chính, đó là họ đã bỏ cầu nguyện từ lâu rồi”.

b) Cậy trông: Cầu nguyện thì phải trông cậy. Quả vậy, hiệu quả của lời cầu xin không do công lao của con người, nhưng do lòng nhân hậu và do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong thực tế, nhiều khi tha thiết xin mãi mà không được như mình cầu mong. Tại sao? Vì chúng ta cầu xin theo cách nhìn của loài người chứ không phải theo cách nhìn của Thiên Chúa. Ngài biết chắc chắn điều chúng ta xin không thực sự lợi ích và cần thiết cho phần rỗi của ta, Vì thế, hãy kiên trì cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh và đón nhận mọi sự theo thánh ý Chúa. Vì thế, lời cầu nguyện mẫu mực là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, xin Cha cất chén đắng này xa con; nhưng xin làm theo Thánh Ý Cha chứ không theo ý con”.

c) Bác ái: Để lời cầu xin được Thiên Chúa chấp nhận, Ngài đòi chúng ta phải có đức bác ái với mọi người. Và đây là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta theo:

- Chúa Giêsu dạy: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em hãy làm cho mọi người” (Mt 7,12).

- Đức Khổng Tử khuyên: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: điều ngươi không muốn người ta làm cho mình, thì đừng làm cho người khác.

- Người Hy lạp và Rôma cũng vậy. Nicoles, vua Hy lạp đã truyền cho quần thần: “Đừng làm cho người khác điều khiến cho ngươi tức tối, như ngươi đã kinh nghiệm lúc rơi vào tay họ”.

- Còn hoàng đế Rôma là Severus đã truyền khắc câu châm ngôn của phái Khắc kỷ vào tường cung điện để luôn nhớ mà suy nghĩ: “Điều ngươi không muốn người ta làm cho mình, đừng làm cho bất cứ ai”.

4. Truyện: Lá thư của cậu Beppo Sala.

Beppo Sala là một cậu bé 8 tuổi. Cha mẹ cậu rất nghèo mà phải nuôi tới sáu đứa con. Mẹ cậu lại sắp sinh đứa thứ bảy. Tuy còn nhỏ nhưng Beppo cũng biết khi đứa bé sinh ra thì nó phải thiếu thốn như thế nào. Cậu muốn làm một việc gì đó để giúp cha mẹ. Cậu nhịn ăn quà, dùng tiền mua một chiếc bong bóng bay. Cậu viết một bức thư ngắn cột vào bong bóng rồi thả cho bay lên trời. Bức thư viết: “Chúa ơi, trong vài tuần nữa mẹ con sẽ sinh em bé. Nhưng gia đình chúng con nghèo quá. Xin Chúa giúp chúng con tìm được một chiếc chăn và vài bộ quần áo cho nó. Đồ cũ thôi cũng được. Con là Beppo Sala, nhà ở Arcorle”.

Beppo về nhà hồi hộp chờ đợi. Chờ đã ba ngày mà chẳng thấy gì cả. Đến ngày thứ tư, một nhân viên bưu điện mang tới nhà Beppo một thùng giấy có ghi rõ “Người nhận: Beppo Sala, Arcorle. Người gửi: Rovingo”.

Trong nhà chẳng ai có quen người nào tên Rovingo cả nên cậu bảo nhân viên bưu điện trả về người gửi. Nhưng không có địa chỉ người gửi nên cậu bé đành mở thùng ra coi. Trong thùng toàn là quần áo trẻ con rất sạch và đẹp. Có cả một chiếc chăn nhỏ nữa. Thì ra một người nào đó tên Rovingo đã tình cờ nhặt được chiếc bong bóng và bức thư của cậu bé nên đã thay Chúa gửi quà cho em của cậu.

Nhiều khi Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng một cách thức và vào một thời điểm mà chúng ta không ngờ (Pastor Paterno).