Dân Chúa Âu Châu

nguoidaidoitruongThứ Hai Tuần IV Mùa Chay Năm B

Chữa con một quan chức ngoại giáo

"Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi".

Lời Chúa: Ga 4, 43-54

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: "Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình". Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.
Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: "Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin". Viên quan chức trình lại Người: "Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết". Chúa Giêsu bảo ông: "Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi". Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.
Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: "Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt". Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: "Con ông mạnh rồi", nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.

SUY NIỆM 1: Chữa con một quan chức

Một thiếu nữ có giọng hát thiên phú, cô luyện giọng với một giáo sư âm nhạc tài ba, cô đã hát được những giai điệu tuyệt hảo. Thế nhưng khi trình diễn, cô vẫn thấy giọng hát của cô chưa được truyền cảm. Vị giáo sư âm nhạc giải thích cho cô: “Tôi đã dạy cô tất cả những gì tôi biết, nhưng cô còn thiếu một điều mà tôi không thể cung cấp cho cô được, điều đó đến từ cuộc sống: chỉ có kinh nghiệm của cuộc sống, chỉ có những điều làm tan vỡ cõi lòng mới làm cô hát với tất cả cảm xúc”.

Bước vào tuần 4 mùa chay, Giáo Hội mỗi lúc một tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để được xứng đáng chung phần vinh quang Phục Sinh của Ngài. Cuộc sống với những khổ đau mà chúng ta đang trải qua quả là một cuộc tử nạn dai dẳng. Là người kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống ấy. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu không có nghĩa là tự đày đọa mình vào cuộc sống khổ lụy. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị để tìm kiếm. Sống lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là mặc lấy tinh thần tin yêu phó thác của Ngài. Thất vọng, buông xuôi, nổi loạn, trách móc là cơn cám dỗ chung của mọi người. Chúa Giêsu có lẽ cũng không thoát khỏi những giờ phút thử thách ấy. Thế nhưng ý hướng duy nhất của Ngài lúc đó là niềm tín thác và tha thứ. Chỉ có thái độ như thế mới đem lại giá trị cho đau khổ và biến cuộc tử nạn của Ngài thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.
Đó cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy khi cho chúng ta nghe và suy niệm về lòng tin của viên bách quản Caphanaum. Dù chỉ là một người ngoại giáo, dù chưa một lần chứng kiến phép lạ nào của Chúa Giêsu, nhưng ông đã tìm đến để xin Ngài chữa lành cho đứa con của ông, hay đúng hơn là để xoa dịu nỗi đau khổ của người cha phải chứng kiến con mình quằn quại trong đau khổ.

Đau khổ là lửa thử niềm tin con người, đau khổ có thể đưa con người đến thất vọng, chối bỏ, và lộng ngôn, nhưng đau khổ cũng có thể là khởi điểm của tin yêu phó thác. Nguyện xin Đấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng ta giữa những đau khổ đè nặng trên thân xác và tâm hồn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 2: Ðức tin đưa tới phép lạ

Chúa Giêsu chữa lành con trai người quan chức tại Caphacnaum khi Ngài ở Giuđa về Galilê và thánh sử Gioan ghi rõ đây là phép lạ thứ hai Ngài thực hiện tại Cana. Phép lạ thứ nhất là hóa nước thành rượu vào giai đoạn đầu đời rao giảng công khai. Hóa nước thành rượu theo lời đề nghị của Ðức Maria, mẹ Ngài, để cứu vãn danh dự cho gia chủ tiệc cưới. Chữa lành người con một quan chức nhà vua, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đến vì mọi người và ở mọi tầng lớp xã hội. Ngài đã ra tay để mang lại hạnh phúc cho mọi người không cần biết họ là ai và điều kiện đón nhận phép lạ là đức tin. Ðức tin của con người cộng với ơn của Thiên Chúa tạo nên phép lạ.

Mỗi ngày sống hôm nay của chúng ta là sự lạ lùng Thiên Chúa thực hiện. Không nhận ra được sự lạ lùng ấy là vì chúng ta không có đức tin. Không có thì không phải Thiên Chúa không ban ơn đức tin cho chúng ta đâu mà là do chúng ta không muốn lãnh nhận ơn ấy vì sợ sệt, sợ phải sống theo Tin Mừng, sợ nên thánh, sợ phải sống tốt hơn. Chẳng hạn như sự kiện cha sở đề nghị chia sẻ Lời Chúa thì rút lui, tránh né. Nhưng quả thật là họ dự lễ chứ chưa dâng lễ. Ðã từ lâu họ quen cảnh linh mục chủ tế, công bố Tin Mừng và giảng trong khi họ mơ mơ màng màng với giấc ngủ chưa dứt, những suy nghĩ viễn vông. Nay phải tiếp cận Lời Chúa và để cho Lời Chúa soi dọi trong mọi ngõ ngách trong lòng họ, nhắc họ ra khỏi tình trạng ươn lười và khoán việc cho người khác thì họ thấy sợ. Không lạ lùng gì họ không thể và không bao giờ có thể chứng kiến được những kỳ diệu Thiên Chúa làm trong đời sống họ mỗi ngày.

Lời loan báo Tin Mừng cũng trở nên vô nghĩa ngay trong nhà thờ đông nghẹt người đến dự lễ chứ không dâng lễ. "Ông hãy về đi, con ông sống rồi", viên quan chức tin không đòi hỏi gì hơn. Vào trường hợp chúng ta, có lẽ chúng ta chần chờ để xin thêm một vài dấu chỉ nào đó chứng minh lời Chúa thật sự có kết quả. Ông về nghe tin con đã khỏe, ông hỏi giờ và nhận ra giờ đó Chúa đã chữa lành cho con ông. Có lẽ gia nhân không biết gì. Chuá vẫn thế, Ngài có những thực hiện kỳ diệu một cách rất bình thường, một câu nói đơn giản, quyền lực vượt không gian và thời gian để mang lại kết quả mong muốn miễn là chúng ta tin.

Lạy Chúa, chúng con có đạo nhưng hổ thẹn: Có người chỉ một lần nghe, gặp Chúa và tin ngay. Họ thấy được tình yêu thương họ, nhận ra được những hành động vì tình yêu thương Chúa. Còn chúng con tuần nào cũng gặp gỡ Chúa, mà chúng con đến với Chúa như cái xác không hồn của chúng con. Nguyện xin Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 3: Giờ của Đức Giêsu

Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” (Ga. 4, 50-52)
Một quan chức nhà vua có đứa con đau nặng, ông nghe tin Đức Giêsu đang ở trong miền gần đó. Ông tự nhủ: “Đây là lúc Người có thể chữa con mình”. Ông chỉ nghe theo niềm cậy trông của ông và ông tìm đến Người. Ông gặp Người, và khẩn khoản nài xin Người. Đức Giêsu kêu trách ông như mọi người chỉ muốn xin điềm lạ và những điều phi thường. Nhưng sự hất hủi đó không làm ông tủi hờn chút nào. Ông càng khẩn xin như không nghe thấy gì: “Lạy Ngài, xin xuống trước khi con tôi chết”. Đức Kitô cảm động và nói với ông: “Được rồi, ông cứ về đi, con ông sống đấy”.
Mừng như điên, lập tức ông tin lời Đức Giêsu, ông về như bay, và giữa đường ông gặp đầy tớ báo tin con ông đã khỏi. Ông hỏi: “Nó khỏi giờ nào?”. Họ đáp: “Lúc bảy giờ hôm qua”. Ông tự nhủ: “Đúng vào giờ Đức Giêsu nói với mình”. Đó là cú đánh ân huệ. Giờ ban ơn cứu chữa ông và cả gia đình ông. Giờ của Đức Giêsu. Giờ ban ơn trở lại. Giờ cứu độ.

Đối với người được đức tin, chính là giờ của Đức Giêsu. Người đến để cải tạo và làm cho họ trở thành dụng cụ bác ái đối với người lân cận. Biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa và những đường lối quan phòng của Ngài trong mọi thứ thử thách như trong bệnh tật, đau khổ về gia đình như xé nát tâm can, trong xao xuyến lo âu về tương lai yêu quý, trong bấp bênh về đời sống kinh tế, đó là sống cái giờ của Đức Giêsu, và như Đức Giêsu đã chấp nhận với bao nỗi sầu khổ của thân phận làm người và chỉ mình Người mới có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa được mầu nhiệm khổ nạn khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Người đã cảm nghiệm được suốt cuộc đời Người và nhất là lúc bị đóng đinh trên thập giá.
Giờ của Đức Giêsu, cũng chính là những cơ hội cho chúng ta được dịp an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, soi sáng và đem bình an cho người khác. Vì mỗi lần chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ đói rách ăn mặc, thăm hỏi kẻ tù đầy, an ủi kẻ tuyệt vọng, thì đó là chúng ta đã làm cho chính Chúa, Người đã nói trong Tin mừng như vậy.

G.F

Nguồn: Giáo Phận Long Xuyên