Dân Chúa Âu Châu

Thứ Sáu Tuần 29 TN, Năm lẻ

Bài đọc: Rom 7:18-25a; Lk 12:54-59.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết suy xét cho chín chắn để tìm ra sự thật.

Trên hành trình đi tìm sự thật, con người có thể dùng nhiều cách khác nhau. Con người có thể dùng lý luận, dựa vào điều đã biết để tìm ra điều chưa biết. Con người có thể dùng kinh nghiệm, những gì đã xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự, chắc chắn sẽ xảy ra cho lần tới. Con người có thể tin vào những gì Thiên Chúa dạy qua các nhà lãnh đạo và các tiên tri. Hay có thể dùng tổng hợp của tất cả các cách.

Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy biết suy xét để tìm ra sự thật và tin theo. Trong Bài Đọc I, dựa vào lý luận và kinh nghiệm cá nhân, Phaolô muốn chứng minh cho người Do-thái biết Lề Luật không có sức mạnh để thúc đẩy con người làm điều thiện và giải thoát con người khỏi tội; đó là lý do họ phải tin Thiên Chúa gởi Đức Kitô đến để giải thoát con người khỏi tội, và giúp con người có sức mạnh vượt thắng tội lỗi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các khán giả của Ngài: nếu trí khôn và kinh nghiệm có thể giúp họ nhận ra những hiện tượng trong trời đất; chúng cũng có thể giúp họ nhận ra những điều tốt xấu trong lãnh vực luân lý mà họ phải thi hành. Nếu họ không chịu suy xét để nhận ra và hành động, họ sẽ phải lãnh nhận mọi hậu quả của hành động của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lề Luật giúp con người biết thiện, biết ác; nhưng không cho sức mạnh để làm.

1.1/ Con người có thể nhận ra đâu là thiện, ác: Để hiểu lý luận của Phaolô, chúng ta cần hiểu lý luận của người Do-thái. Đối với họ, Lề Luật của Thiên Chúa đủ để giải thoát và làm cho con người được cứu độ. Đối với thánh Phaolô, Lề Luật chỉ giúp con người phân biệt giữa thiện và ác, chứ không cung cấp cho con người sức mạnh để làm.

Phaolô dùng lý luận và kinh nghiệm để thuyết phục những người Do-thái như sau: "Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay."

1.2/ Con người có thể muốn, nhưng không có khả năng làm điều thiện: Theo kinh nghiệm, từ chỗ biết đến chỗ làm là điều không dễ: có những người biết rất nhiều, nhưng không bao giờ chịu hành động theo những gì họ biết; nhiều khi còn hành động hoàn toàn ngược lại. Thánh Phaolô diễn tả sự giằng co này như sau: "Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?" Chính Đức Kitô cũng đề phòng các môn đệ của Ngài về sự nguy hiểm của xác thịt và việc cần phải tỉnh thức: "Tinh thần thì mau mắn; nhưng xác thịt thì nặng nề."

Để giúp con người làm lành tránh dữ, con người không chỉ dựa vào Lề Luật; nhưng phải tin vào Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa Cha gởi tới để giúp con người thoát khỏi cuộc chiến nội tâm này. Với Đức Kitô, con người có thể làm lành tránh ác như Phaolô tuyên bố: "Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!" Phaolô không giải thích chi tiết làm sao Đức Kitô giúp con người tránh tội và sống công chính trong trình thuật hôm nay; nhưng trong chương 8 kế tiếp, Phaolô so sánh về cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo ân sủng của Thánh Thần. Truyền thống của Giáo Hội cũng nhấn mạnh tới cuộc sống nhân đức có được do ân sủng của Thiên Chúa và sự chế ngự xác thịt của con người sẽ giúp các tín hữu tránh tội và sống công chính.

2/ Phúc Âm: Phải biết dùng trí khôn để tìm ra sự thật.

2.1/ Kiến thức về thời tiết: Cha ông chúng ta ngày xưa, tuy không có các dụng cụ dùng để tiên đoán thời tiết như chúng ta ngày nay, biết dùng kinh nghiệm để tiên đoán thời tiết; và lưu truyền cho con cháu bằng những câu thơ đơn giản, dễ hiểu, và dễ nhớ. Chẳng hạn: "Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi." Ý nghĩa: Khi thấy mây đen kéo tới từ phía Đông của Việt Nam, nghĩa là từ Biển Nam Hải đi tới, là chắc chắn sẽ có mưa. Vì thế, phải chạy cho nhanh chóng kẻo bị ướt; nhưng khi thấy mây đen kéo tới từ phía Nam, thì sẽ không có mưa, cứ việc thong thả làm hay chơi.

Đức Giêsu cũng dùng kinh nghiệm như thế khi nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía Tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi," và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió Nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức," và xảy ra đúng như vậy. Ý nghĩa: Khi mây đen kéo tới từ phía Tây của Do-Thái, nghĩa là từ Biển Mediterranean đưa tới, là chắc chắn sẽ có mưa; khi gió Nồm (gió từ phía Nam) thổi tới là trời sẽ oi bức, vì thổi qua sa mạc.

2.2/ Kiến thức về thời gian: Vào thời đại của Chúa Giêsu, mọi người đều trông đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng dân tộc. Theo các Sách Tiên Tri, Thiên Chúa sẽ cho những dấu để dân nhận biết khi nào Đấng Thiên Sai tới; chẳng hạn, theo Sách Tiên tri Isaiah: "Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân" (Isa 61:1). Nhưng khi Chúa Giêsu nhắc cho họ biết, chính Ngài là Đấng tiên tri Isaiah đã loan báo (Lc 4:21), họ vẫn không tin vào Ngài. Đó là lý do tại sao hôm nay Chúa trách họ: "Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?"

2.3/ Dùng kiến thức tâm lý để chuẩn bị cuộc sống tương lai: Để chuẩn bị đối diện với sự công bằng của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét, Chúa trưng dẫn một ví dụ về kiện cáo mà con người vẫn thường làm: "Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng." Ý nghĩa: công bằng là phải trả cho người khác những gì thuộc về họ. Nếu đã đối xử bất công với người khác thì hãy đền trả họ càng sớm càng tốt; nếu không, sẽ phải đền trả nơi tòa án và sẽ phải chịu tù đày nữa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Con người là con vật biết suy xét: biết dùng kinh nghiệm quá khứ để rút ra kinh nghiệm sống cho hiện tại; đồng thời, biết dùng những gì xảy ra trong hiện tại để mưu ích cho tương lai. Chúng ta đừng vội tin những gì người khác nói khi chưa suy xét cẩn thận, và đừng để cho người khác hay thế gian điều khiển cuộc sống của chúng ta.

- Sau khi đã tìm ra sự thật, chúng ta phải có can đảm để sống theo và làm chứng cho sự thật, thì mới có thể sinh lợi ích cho chúng ta và cho mọi người.

- Chúng ta không thể tự mình tránh tội và sống công chính mà không có ơn thánh của Đức Kitô. Chúng ta phải năng lãnh nhận các bí-tích để có sức mạnh tránh tội và luyện tập nhân đức.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP