Dân Chúa Âu Châu

BY: LM THÊÔPHILÔ

1.    Chuẩn bị lễ phẩm
a.    Chuẩn bị bàn thờ.
 Bàn thờ được trải khăn trắng với nến sáng. Bàn thờ phải được phủ khăn biểu tượng là một bàn tiệc Thánh Thể, còn tấm khăn gợi lại tấm khăn liệm của Đấng chịu đóng đinh. Nến ở đây không phải để soi sáng nhưng là dấu chỉ Đức Kitô Phục sinh. Người là “ Ánh sáng thế gian”. Bình thường còn có một Thánh Giá ở trên bàn thờ. Riêng cuốn sách lễ ở một chỗ kín đáo, vì chỉ để giúp cho vị chủ tế đọc những kinh nguyện cộng đoàn.
b.    Tiền giỏ.
 Nhiều người nghĩ rằng xin tiền giỏ lúc này gây rối sự trang nghiêm, và nên tìm một lúc nào khác như ở phần cuối lễ hay trước khi ra khỏi thánh đường. Vậy tại sao phải xin giỏ vào lúc này? Vì xin giỏ được xem như tặng vật của người tín hữu góp phần vào đời sống vật chất của Giáo Hội. Ngoài những vấn đề như điện nước, sửa chữa... tiền giỏ còn giúp cho Giáo Hội trong sứ mệnh chia sẻ bác ái đến những người anh em cần thiết. Vì vậy đây là một hành động cụ thể tỏ tình huynh đệ. Trong Tân ước, Thánh Phaolô cũng đã quyên tiền cho Giáo hội ở Giêrusalem.
    Vì thế, tiền giỏ là một thành phần trong phụng vụ dâng lễ. Thế nhưng, cũng nên tránh không nên để giỏ tiền trên bàn thờ, nhưng một chỗ nào thích hợp hơn. Tiền bạc không phải là “chất” của bí tích Thánh Thể, dù đó là tặng vật mà ta muốn diễn đạt trọn đời sống kết hợp vào phần dâng bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Thánh Chúa.
c.    Ca Dâng lễ khi rước lễ phẩm lên bàn thờ.
 Quan trọng nhất là bánh và rượu cần thiết cho Thánh lễ. Trong một vài trường hợp có thể đem các lễ vật khác lên bàn thờ như sản phẩm của thiên nhiên, ít nhiều mang tính cách biểu tượng. Khi kiệu dâng của lễ, cộng đoàn hát bài dâng lễ. Bánh và rượu là cái gì cần thiết cho cuộc sống của con người. Bánh là thức ăn chính yếu ở Tây phương. Bánh là biểu tượng của thực phẩm. Với ý nghĩa này, bánh được dâng lên Thiên Chúa như lễ vật. Trong bữa Tiệc Ly, theo truyền thống Do thái trong nghi thức lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lấy bánh không men. Tin Mừng chỉ ghi: Đức Giêsu cầm lấy bánh, nhưng không nói rõ phẩm chất của bánh là gì. Thuở ban đầu, các cộng đoàn Kitô hữu dùng bánh thông thường, và Giáo Hội trong 9 thế kỷ đầu cũng chỉ lấy bánh dùng cho các buổi tiệc. Đó là bánh hình tròn với hình Thánh giá ở trên. Từ thế kỷ thứ 9, người ta nghĩ đến bánh không men, vì loại bánh này giữ được lâu hơn để mang đến cho các bệnh nhân. Tới thế kỷ thứ 12, bánh được làm trong các khuôn tròn nhỏ do các linh mục mặc áo Alba vừa làm vừa đọc những kinh phụng vụ. Sau đó được trao lại cho các dòng tu thực hiện.
 Rượu là rượu đỏ của miền Trung Đông. Tới thế kỷ thứ 16, người ta dùng “ khăn lau chén lễ”( khăn này dùng để lau chén và lau tay linh mục vào những lúc tráng chén), và rượu đỏ để lại dấu vết khó giặt nên người ta dùng rượu vang trắng. Những khi không có rượu, người ta có thể lấy nho khô ngâm với nước. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma tức là những quy luật về việc cử hành Thánh lễ ban bố năm 1969, số 284 ghi như sau: “Rượu dùng trong khi cử hành Thánh lễ phải là rượu nho (Luca 22,18), tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn chất gì khác vào”.Bộ Giáo Luật 1983 ở điều 924 cũng ghi: “... rượu phải là tự nhiên từ trái nho và không bị hư chua”. Tóm lại, rượu phải được làm từ cốt nho nguyên chất cho nên dùng bất cứ loại rượu nào khác sẽ làm cho việc cử hành bí tích Thánh Thể trở thành bất hợp pháp, ngay cả trong trường hợp một số người muốn theo tập quán dân sự địa phương đã thay thế rượu nho nguyên chất bằng một loại rượu đặc chế nào đó. (Xem Lm Bùi Đức Tiến, Cẩm nang giáo luật thực dụng, trang 175).
d.    Lời nguyện trên bánh & Lời nguyện trên rượu.
Những lời nguyện trên bánh và rượu phát nguồn từ lời chúc tụng người Do Thái khi vị gia trưởng cầm bánh và rượu rồi đọc lời chúc tụng trong bữa ăn. Đức Giêsu hẳn cũng đã đọc những lời nguyện này tại bữaTiệc Ly. Những lời nguyện này chúc tụng sự thánh thiện và lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
 Nâng cao dĩa đựng bánh linh mục đọc: Lạy Chúa là chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con.
 Nâng cao chén Thánh linh mục đọc: Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, xin dâng lên Chúa để rượu này trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.
e.    Pha nước vào rượu.
Khi rót rượu và chút nước vào chén thánh, linh mục đọc thầm: Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tín Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con.
Nước trong rượu. Tin Mừng không ghi lại sự kiện Đức Giêsu đổ thêm nước vào rượu hôm bữa tiệc ly, nhưng việc pha trộn nước và rượu là một tục lệ bình thường ở các nước thuộc miền Địa Trung Hải. Người Hy Lạp không bao giờ uống rượu mà không pha thêm chút nước vì thực ra rượu của họ rất mạnh và rất đậm, và uống rượu nguyên chất bị coi như người không có giáo dục. Tục lệ Palestin cũng vậy, ví dụ như loại rượu phát xuất từ đồng bằng Saron nằm ven biển giữa Jaffa và núi Carmel rất đậm vị nên khi dùng người ta đã pha một phần ba rượu và hai phần ba nước.
 Tục lệ pha trộn trên đã được lưu giữ trong phụng vụ Thánh Thể nhưng mang ý nghĩa biểu tượng thâm sâu. Khi pha chút nước vào chén rượu vị chủ tế đọc thầm: “Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con đượïc thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con”. Qua sự hòa hợp giữa nước và rượu, chúng ta được mời gọi nhận ra mầu nhiệm kết hợp chúng ta với Chúa Kitô. Rượu biểu tượng tình yêu, và máu chỉ định hy lễ của Chúa Kitô mà chúng ta chỉ có thể thêm vào một chút nước lạt lẽo. Nước mang hình ảnh loài người; và khi được pha trộn vào rượu là Chúa Kitô chúng ta không có hoài bão làm tăng thêm giá trị Ngôi Hai Thiên Chúa hiến sinh; chúng ta đến với cái nghèo hèn của loài người để bị tan loãng vào sự kết hợp với Thiên Chúa. Nước bị tan hòa trong rượu sẽ không còn là nước nữa nhưng giờ đây được biến hóa trở thành rượu. Giáo phụ Cyprianô thành Carthage (thế kỉ thứ III) nói: “ Nếu ai chỉ dâng hiến rượu mà thôi, máu của Chúa Kitô ra là không có chúng ta. Nếu chỉ có nước thì chỉ có dân chúng mà không có Chúa Kitô).
 f. Linh mục rửa tay.
 Biểu lộ lòng ao ước được thanh tẩy trong tâm hồn. Tiếng La tinh là Lavabo = tôi sẽ rửa, rút ra từ thánh vịnh 26 bằng tiếng La tinh. Linh mục rửa tay sau phần chuẩn bị lễ phẩm, trước lời nguyện tiến lễ. Trong khi rửa tay, linh mục đọc: “ Lạy Chúa xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Theo các sử gia, trước đây, cử chỉ này cần thiết vì vị chủ tế bị bẩn tay khi nhận những hiện vật do các tín hữu mang đến. Sau này, cử chỉ này được giữ lại và được lồng vào ý nghĩa thanh tẩy như việc tẩy rửa trong các nghi thức bên Đông Phương. Tin Mừng Thánh Mác-cô cũng ghi: “ Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: Họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận”( 7,3). Chính Đức Giêsu cũng làm như thế theo truyền thống tẩy rửa của người Do Thái ( xem Mát- thêu 15,2-20; Mác- cô 7,12 và Lu- ca 11,38).
g. Lời nguyện linh mục.
    Sau khi rửa tay, linh mục mời giáo dân cầu nguyện: Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn Năng chấp nhận. Giáo dân thưa: Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay Cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.
    Lúc đầu lời kêu gọi cầu nguyện này mà vị chủ tế kêu mời gởi đến các thừa tác viên để họ đến với Ngài, nhưng sau đó là lời gửi đến cộng đoàn. Sau này ở thế kỷ thứ 12, trong sách lễ của Giáo hoàng Piô V, người ta thêm một câu trả lời ngắn, và công đồng Vaticanô II lấy lại truyền thống đó làm nên lời đối thoại giữa vị chủ tế và cộng đoàn.
    Thánh lễ chúng ta dâng là lễ hiến tế của toàn thể Hội Thánh, vì vậy chúng ta không dâng lễ cá nhân nhưng được mời gọi đi vào hành động của toàn thể Hội Thánh tức chính hành động của Đức Kitô. Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Tín lý về Giáo Hội nói: “ Khi tham dự Thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ vật thần linh cùng với Lễ vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách hỗn độn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này”(11).
h.Lời nguyện tiến lễ.
 Trải qua nhiều thế kỷ, chỉ có một lời nguyện duy nhất do linh mục đọc trên bánh và rượu, đó là “ Lời nguyện tiến lễ” kết thúc phần Dâng của lễ. Đây là lời nguyện thứ hai sau lời nguyện Nhập lễ. Linh mục giơ hai tay hướng về Thiên Chúa và cầu cùng Thiên Chúa Cha, nhờ Đức Kitô. Ví dụ Lời nguyện hiến lễ của Lễ Phục Sinh:"Lạy Chúa, xin thương nhận lời cầu và của lễ chúng con dâng tiến Chúa để lễ tế này, khơi nguồn từ mầu nhiệm Vượt Qua trở nên thần dược đem lại cho chúng con sức sống muôn đời. Chúng con cầu xin... "
2. Kinh Tạ ơn gồm tất cả 9 phần:
 Đây là toàn bộ những công thức giữa phần tiến lễ và Kinh Lạy Cha, đây cũng là phần chính của Thánh Lễ: Phần Tạ ơn hoặc hy tế. Theo truyền thống Đông phương, Kinh Tạ ơn còn gọi là anaphore ( Nâng Lên ) là một hành động biểu thị cử chỉ hiến tế. Truyền thống La tinh gọi là Canon ( Lễ quy ), tức là những điều ta phải tuân theo. Canh tân Phụng vụ dùng từ ngữ Kinh Tạ ơn thích hợp hơn cả. Cấu trúc Kinh Tạ ơn có nguồn gốc Do Thái Giáo. Kinh gần nhất là “kinh Chúc Tụng Đấng Tạo Hóa” ( Birkat Yotser ) kèm theo lời kinh đọc hằng ngày “nghe đây hỡi It- ra- en” (Shema Israel ). Lời kinh bắt đầu với lời ngợi khen Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, một lời Sanctus và kết thúc với lời khẩn cầu. Trong sách Didache ở thế kỷ thứ hai cũng có một kinh rất gần với Kinh Tạ ơn.
a. Lời tiền tụng:
    Chủ tế nhắc lại những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm: Chúng ta tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng.
    Tiếng La tinh prae ( trước )- fari (nói ) có nghĩa là lời nói đầu. Từ này có thể mang hai nghĩa: “Điều mà ta nói trước khi làm” hoặc “ Điều ta nói trước người nào đó” Giáo Hội cổ xưa giữ lấy nghĩa thứ hai này. Lời Tiền tụng mở đầu Kinh Tạ ơn, là phần mở đầu long trọng của việc tạ ơn Thiên Chúa Cha. Dẫn vào Lời Tiền tụng là lời đối thoại cổ xưa “ Hãy nâng tâm hồn lên”, và tiếp theo là bài hát Thánh! Thánh! Thánh! Tất cả các Lời Tiền tụng đều theo cùng một mẫu cố định, chỉ có phần trung tâm có thay đổi vì tóm tắt lại về mầu nhiệm được cử hành. Vì thế, khi chúng ta thu thập lại các công thức riêng của khỏang 80 Lời Tiền tụng có trong sách Lễ Roma, chúng ta sẽ có được một bản tóm tắt phong phú về mầu nhiệm Giao ước mà Giáo Hội vẫn luôn cử hành. Cấu trúc Lời Tiền Tụng có:
1.    Lời chúc tụng, tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Kitô.
2.    Lý do tạ ơn.
3.    Dẫn vào kinh Thánh! Thánh! Thánh.
    Ví dụ Lời tiền tụng cho lễ Phục Sinh I: Lạy Cha, chúng con tuyên xưng Cha mọi lúc và hân hoan ca tụng Cha vinh hiển, nhất là trong ngày này, thật là chính đáng và phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, khi Đức Giêsu tự hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con.
    Chính Người là Chiên thật đã xóa tội trần gian. Người đã chết để diệt trừ sự chết nơi chúng con, và đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
    Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Đồng thời cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Cha vinh hiển và không ngừng tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh!
 b. Thánh! Thánh! Thánh!
 Lời Tiền Tụng dẫn tới Kinh sanctus. Tiếng La tinh sanctus nghĩa là thánh. Kinh Thánh! Thánh! Thánh! là ba lần kêu cầu Thiên Chúa chí thánh. Kinh này là lời ca tụng của toàn thể cộng đoàn, làm bung nổ lời tạ ơn phát xuất ra không phải do những công việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, nhưng ngay vào việc chiêm niệm Thiên Chúa. Chúng ta hát mừng Thiên Chúa mà mầu nhiệm của Người bao phủ vũ trụ, cũng như Đấng mà Ngài gửi đến. Phụng vụ nơi đây đưa chúng ta vào phụng vụ của một dân tộc đi vào thế giới mới. Phần đầu Kinh Sanctus lấy lại thị kiến khai mào của ngôn sứ I- sa-i-a, ông đã nghe các thiên thần Seraphim tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa! ( 6,3 ). Tiếp theo là: Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô Chúa trên các tầng trời. Đây là lời tung hô của người Do Thái ở Giêrusalem khi Đức Giêsu tiến vào thành ngày Lễ Lá ( Mát- thêu 21,9; Mác- cô 11,9; Lu-ca 19,38 ), đây cũng là bài ca của bốn con Vật trong sách Khải Huyền 4,8.
 Từ Hosanna là tiếng tung hô của người Do Thái, được ghép bởi mệnh cách của động từ hoshi ‘ ah nghĩa là cứu vớt và từ tố chỉ nghĩa “Na” = van xin. Hoshi ‘ahna sát nghĩa là xin cứu vớt. Từ này xuất hiện thành văn trong câu 25 của Thánh vịnh 117. Thánh vịnh này tiêu biểu sự vượt qua, mô tả quang cảnh đón rước Đấng Mêsia dịp lễ đăng quang của Người (câu 19-27 ). Dân Do Thái hát bài ca này để chào mừng Đức Giêsu lúc Người tiến vào thành Giêrusalem (Matthêu 21,9 ). Sau này Hosanna mất đi ý nghĩa nguyên thủy để chỉ còn lại là tiếng hô vui mừng và chiến thắng. Hosanna được phụng vụ nhắc lại hai lần trong kinh Thánh! Thánh! Thánh! như lời tung hô của các tín hữu vào cuối Kinh Tiền Tụng để dâng lên Thiên Chúa. Vào phút giây hy lễ Thánh Thể sắp được tái diễn, ý nghĩa căn gốc của Hosanna lột tả trọn vẹn nội dung của mầu nhiệm: Xin cứu vớt. Đây là công trình của Đức Giêsu, Thánh Danh có nghĩa là Đức Gia- vê cứu vớt hoặc Thiên Chúa đã cứu vớt: Yehoshua.
c.    Kinh hậu sanctus.
 Kinh này có công dụng làm gạch nối giữa kinh Sanctus là kinh Epiclesis. Vì thế kinh này khởi đầu từ sau kinh Sanctus cho tới lời cầu xin Chúa Thánh Thần.
d.    Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần ( epiclesis ).
 Trong tiếng Hy Lạp Klesis ( lời kêu gọi ) và epi ( ở trên ). Đây là lời cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến và bằng hoạt động của Thiên Chúa, thánh hóa lễ vật Hội Thánh dâng lên trong Thánh lễ hầu trở thành Mình và Máu Chúa, và trên cộng đoàn để họ tham dự vào Thánh Thể một cách hiệu qủa hơn.
 Trong kinh Tạ Ơn có hai kinh Epiclesis: Kinh thứ nhất gọi là Truyền Phép và được đặt trước tường thuật lập bí tích Thánh Thể, cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên lễ vật và thánh hóa lễ vật biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Kinh Epiclesis thứ hai gọi là hiệp lễ được đặt ở sau tường thuật lập bí tích Thánh Thể.
e.    Phần tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể và hiến thánh.
 Liên quan đến tường thuật lập bí tích Thánh Thể vấn đề đặt ra là giây phút truyền phép, nghĩa là khi nào thì bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa Kitô? Theo Đông phương thì Kinh Epiclesis chính là lời truyền phép biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô. Theo Tây phương thì tường thuật lập bí tích Thánh Thể mới là lời truyền phép.
 Ai là người truyền phép? Người ta cho rằng linh mục là người truyền phép. Điều đó hoàn toàn không đúng. Kinh Epiclesis chứng tỏ vai trò của linh mục chỉ là đọc lời nguyện của cộng đoàn nài xin Chúa Cha sai Thánh Thần xuống trên lễ vật. Như vậy chính Thiên Chúa Cha nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần mà thánh hóa lễ vật và biến thành Mình và Máu Chúa Kitô chứ không phải linh mục.
 Cử chỉ vị linh mục nâng Bánh và Chén Thánh sau khi đọc lời truyền phép, đây chỉ là việc nâng Mình và Máu Thánh lên cho giáo hữu thờ lạy. Có nhiều mê tín dị đoan liên quan đến cử chỉ này, ví dụ người ta tin rằng ai ngước nhìn lên bánh và chén thì hôm đó sẽ không phải chết thình lình, nhà cửa và kho lẫm sẽ được bảo vệ khỏi hỏa hoạn. Vì thế khi linh mục nâng Chén và Bánh không cao đủ thì một số nguời than thở: xin nâng cao hơn! Ngày nay, việc nâng Chén nhằm mục đích mời gọi giáo dân biểu lộ niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể và tôn thờ Người cách thầm lặng. Có thể rung chuông và để tỏ lòng tôn kính sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, có thể xông hương mỗi khi nâng Bánh và Chén lên.
f.    Tưởng niệm (Anamnesis ).
 Đây là lời nguyện kế tiếp việc truyền phép. Sau lời tung hô của tín hữu: "Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến", lời kinh này được ghép vào lệnh truyền phải lập lại tác động này, tức là câu kết của trình thuật thiết lập Thánh Thể: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy“. Vì là tưởng niệm Thánh Thể, tức kỷ vật tri ân của Hội Thánh, kinh này là lời gợi nhớ kỷ niệm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô.
g.    Dâng tiến ( kinh cầu xin cùng Chúa Thánh Thần lần hai ).
 Kinh này cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn để liên kết họ với nhau thành một thân thể duy nhất nhờ liên kết với Chúa Kitô.
h.    Chuyển cầu.
 Giáo Hội dâng những lời nguyện xin cầu cho Đức Giáo Hoàng, các giám mục, linh mục và tất cả những ai dấn thân phục vụ dân Chúa. Cộng đồng cũng cầu xin cho những người đã ly trần. Sau cùng cộng đồng cầu nguyện cho những người hiện diện để họ được liên kết với Đức Maria và toàn thể các Thánh ở trên trời mà chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa.
i.    Vinh tụng ca.
 Theo tiếng Hy Lạp Doxa (vinh quang ) logos là lời. Doxologia là lời về vinh quang, là một công thức cử hành vinh quang Thiên Chúa khi đọc hay hát lời vinh tụng, linh mục cũng cầm Bánh và Chén thánh nâng lên trong một cử chỉ hiến dâng. Cử chỉ này diễn tả tiến trình vũ trụ hướng về cõi vĩnh cửu của Thiên Chúa. Có thể nói đây là giây phút quan trọng nhất trong Thánh Lễ, các lời nói và cử chỉ đều diễn tả rõ rệt Đức Kitô chịu hiến tế là Đấng được Chúa Cha ban tặng đồng thời được dâng lại cho Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần để mưu ích cho toàn thể Hội Thánh:
    Chính nhờ Đức Kitô
    Cùng với Đức Kitô
    và trong Đức Kitô
    hiệp nhất với Chúa Thánh Thần,
    mọi vinh quang và danh đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng
    đến luôn thuở muôn đời.