BY: LM. THÊÔPHILÊ
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
5. Công bố Tin Mừng.
«Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài» (thư gửi Do thái 1,1-2). Thiên Chúa qua Đức Kitô đã tỏ mình ra cho nhân loại không những một cách đầy đủ và trọn vẹn, nhưng bằng một hình thức cao cả là Thiên Chúa nói với loài người qua chính Con Yêu quý của Ngài. Vì thế, Phụng vụ dành những hình thức trang trọng và đặc biệt cho việc công bố Tin Mừng; «Trong tất cả các lễ nghi liên quan đến Phụng vụ Lời Chúa, phải hết sức lưu tâm dành cho Tin Mừng sự tôn kính đặc biệt. Ở đâu có sách Tin Mừng và được phó tế và người đọc sách mang theo trong cuộc rước đầu lễ, thì phó tế là người thích hợp hơn cả, và nếu không có phó tế thì chính linh mục chủ tế sẽ lấy sách từ bàn thờ và rước tới giảng đài. Những người giúp lễ cầm nến và bình hương đi trước». Theo chỉ thị trên, chúng ta có thể kết luận;
a) Sách Tin Mừng và bàn thờ đều tượng trưng chính Thiên Chúa, nên trong cuộc rước đầu lễ người mang sách Tin Mừng sẽ đặt sách trên bàn thờ. Nơi nào không có sách Tin Mừng thì sau bài đọc 2, người đọc sách sẽ đem sách bài đọc đặt trên bàn thờ. Trước khi công bố Tin Mừng, phó tế hoặc linh mục chủ tế sẽ lấy sách từ bàn thờ rồi rước tới giảng đài. Việc này chỉ định Lời công bố Tin Mừng phát xuất từ chính Chúa Kitô.
b)Về người công bố Tin Mừng: Những bài đọc khác do giáo dân đọc, nhưng để công bố Tin Mừng phải người có chức thánh. Nhiệm vụ công bố các bài đọc là phần vụ các thừa tác viên hơn là vị chủ tế. Vì thế, phó tế hoặc một linh mục khác công bố Tin Mừng thích hợp hơn vị chủ tế. Chỉ khi nào có một mình, chủ tế mới nên thi hành tác vụ này.
Trước khi công bố Tin Mừng, thừa tác viên chào cộng đoàn nhưng không giang tay như thường lệ. Sau đó loan báo đoạn Tin Mừng sẽ được công bố, rồi làm dấu Thánh giá trên trán, trên môi và trên ngực, ngụ ý ám chỉ tâm trí, tâm hồn sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, môi miệng sẽ tuyên xưng và tâm hồn sẽ yêu mến Lời Ngài. Mọi tín hữu đang có mặt cũng làm theo như vậy và có thể đọc thầm lời nguyện; «Xin Lời Chúa mở rộng lòng trí con, cho miệng lưỡi con biết công bố Lời Ngài, cho con biết giữ Lời Ngài trong tâm hồn con và thực thi Lời Ngài» (40 câu hỏi về Thánh Lễ, Lm Vũ thái Hòa, 1996 trang 27).
c) Việc rước sách Tin Mừng phải được diễn ra cách hết sức trang trọng nói lên vẻ đẹp lễ nghi Phụng vụ và sự tôn kính xứng hợp đối với sách Tin Mừng tượng trưng cho Chúa Kitô.
6. Bài diễn giảng.
Bài huấn từ do chủ tế, một linh mục khác hoặc một phó tế diễn giảng. Bài giảng tiếp ngay sau bài Tin Mừng mang mục đích hiện tại hóa các bài đọc mỗi ngày cho cộng đoàn,và giúp người tín hữu cử hành thánh Thể một cách đích thực hơn. Bài giảng thiết yếu của buổi Phụng vụ nên buộc phải giảng trong các lễ Chúa nhật và các lễ buộc. Mục đích bài giảng có thể tóm lược lại qua hai ví dụ điển hình sau đây;
a) Vào khoảng năm 400 trước công nguyên, dịp lễ Lều, thầy tư tế Ezra giảng cho dân Do thái hồi hương từ Babylone về Giêrusalem; «Toàn dân tụ họp lại như một người tại công trường trước Cổng Nước... Ezra đã đọc sách Luật Thiên Chúa, vừa đọc vừa dịch và giải thích ý nghĩa. Nhờ vậy người ta hiểu được bài đọc» (Nkm 8,1-8). Ezra đọc bản văn nguyên thủy bằng tiếng Híp-ri hầu hết dân chúng hồi cư từ Ba-by-lon trở về không hiểu, vì thế ông phải dịch sang tiếng A-ra-mê được thông dụng thời bấy giờ cho dân chúng có thể hiểu được. Đó là một trong mục đích chính của bài giảng, giải thích ý nghĩa Lời chúa để họ hiểu sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với họ.
b) Một ví dụ điển hình khác nói lên mục đích bài giảng như Đức Giêsu đã làm tại hội đường Nazareth. Sau khi đọc sách ngôn sứ I-sa-ia, Đức Giêsu khởi đầu bài giảng bằng những lời; «hôm nay đã ứng nghiệm đoạn sách này nơi tai các ngươi» (Lc 4,21). Lời tuyên bố cho thấy bài giảng còn mang mục đích áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn.
Vị giảng thuyết mang nhiệm vụ giúp dân hiểu Lời Chúa và đề nghị những áp dụng thực hành cho Lời Chúa thấm nhuần vào đời sống. Nhiệm vụ người tín hữu phải suy niệm thấu đáo và thấm nhuần Lời Chúa đưa ra áp dụng trong đời sống hằng ngày.
Về bản chất, dù bài giảng không thuộc Kinh bộ thánh Kinh nhưng cũõng được coi như Lời Chúa vì bài giảng diễn giải Lời Chúa, cho Lời Chúa một hình thức hầu người tín hữu có thể hiểu được. Như Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và ở cùng chúng ta, Lời Chúa mặc lấy hình thức bài giảng đến với cộng đoàn. Chúa Thánh Thần biến đổi bánh của hoa mầu ruộng đất thành Bánh Hằng Sống từ trời xuống thế nào, Ngài cũng biến đổi tiếng nói con người ở bài giảng thành Lời Chúa như vậy.
7. Đáp ứng Lời Chúa.
Sau khi Lời Chúa được công bố qua các bài đọc và được diễn giải qua bài giảng, cộng đoàn đáp lại bằng cách tỏ dấu chấp nhận qua việc Tuyên xưng đức tin, và biểu lộ mối quan tâm đến những nhu cầu của toàn thể nhân loại qua Lời Nguyện cho mọi người.
7.1. Lời tuyên xưng Đức Tin; Kinh Credo hay Kinh Tin Kính.
Credo nguyên ngữ La tinh có nghĩa Tôi tin. Đây là từ đầu tiên của Kinh Tin Kính, một kinh nguyện tổng hợp các biểu thức đức tin, một hình thức cô đọng niềm tin Kitô giáo. Trong sách Lễ Rôma có hai Kinh Credo được đề nghị;
a) Tín biểu các Tông đồ. Nguồn gốc kinh này đến từ Giáo Hội sơ khai tại Rôma. Kinh nguyện ngắn gọn và tóm tắt những ý chính. Nhiều tác giả cho kinh này do các Tông đồ biên sọan trước khi chia tay nhau tại Giêrusalem ra đi rao giảng Tin Mừng. Đó là truyền thuyết ẩn chứa huấn dụ như đức tin chúng ta tuyên xưng chính là đức tin của các Tông đồ. Cấu trúc Tín biểu được hoàn thành vào khoảng thể kỷ thứ 2 hoặc thế kỷ thứ 3 tại Rôma và được xử dụng kèm theo phép Rửa Tội. Ban đầu, Tín biểu mang hình thức cổ truyền như mẫu đối thoại giữa người dự tòng và vị chủ tế;
- Con có tin Thiên Chúa là Đấng toàn Năng?
- Thưa tin.
- Con có tin Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa?
- Thưa tin.
- Con có tin Chúa Thánh thần?
- Thưa tin.
Và sau mỗi câu trả lời, người dự tòng được nhúng đầu vào giếng rửa tội. Trong nghi thức Vọng Phục sinh, khi nhắc lại lời tuyên tín Thánh tẩy, vị chủ tế cũng đặt những câu hỏi như vậy. Đến thế kỷ thứ 3, phần chính hình thức này thêm những điều về Chúa Kitô và nói rõ hơn về Chúa Thánh thần. Sang thế kỷ thứ 4, Tín biểu được đọc một mạch chứ không còn dưới hình thức đối thoại. Cuối cùng hoàng đế Charlemagne áp đặt trong toàn cõi đế quốc một văn bản dựa vào bản Tín biểu đến từ Rôma làm nên bản văn chung cuộc chính thức.
7.3. Kinh Tin Kính thứ 2 là Tín biểu Nicêa-Constantinople.
Kinh này thêm vào “Tín biểu các Tông đồ “ những khẳng định đến từ Công đồng hội họp tại thành Nicêa vào năm 325, và Công đồng tại thành Constantinople vào năm 381. Hai Công đồng này nhóm họp bên Đông phương lên án những lạc giáo tức là những lầm lạc về đức tin đến từ việc các tông đồ rao giảng. Ví dụ, linh mục A-ri-us trình bày Chúa Kitô như một bản thể ở dưới quyền Thiên Chúa Cha. Lên án lạc thuyết này, Công đồng Nicêa khẳng định “Người là Thiên Chúa... đồng bản thể với Chúa Cha”. Tín biểu Nicêa-Constantinople được hoàn toàn chấp nhặn vào năm 450 tại Công đồng nhóm họp ở thành Chalcèdoine.
Việc đọc kinh Tin Kính Nicêa-Constantinople trong thánh lễ chống lại các lầm lạc về Chúa Kitô như điều không nhìn nhận Người vừa là người vừa là Thiên Chúa. Kinh được đưa vào phụng vụ bên Đông phương trước rồi sau đó mới lan truyền vào phụng vụ Tây phương qua ngã Tây Ban Nha. Vào năm 1014, khi hoàng đế Henri II tới Rôma làm lễ đăng quang, ông muốn trong Thánh Lễ phải đọc Kinh Tin Kính. Người ở Rôma thấy họ đâu cần thiết phải đọc Kinh này vì Giáo hội tại đó không đối phó với vấn đề lạc giáo. Vua Henri II làm áp lực với ĐGH Bênêdictô VIII đưa Kinh Tin Kính vào Thánh Lễ tại Rôma, và đến thế kỷ thứ 12, Kinh Tin Kính mới được chấp nhận trong Thánh Lễ Chúa nhật và những lễ Kinh Tin Kính có nhắc đến.
Kinh Credo phải được cộng đoàn cùng đọc vì mang hình thức biểu lộ đức tin đáp lại Lời Chúa công bố qua các bài đọc và bài diễn giảng. Qui chế Tổng quát số 43 ghi; “Kinh Tin Kính hay việc tuyên xưng đức tin trong Thánh Lễ có mục đích giúp giáo dân tỏ dấu chấp nhận và đáp ứng Lời Chúa được công bố qua các Bài Đọc, và được diễn giảng qua bài giảng, đồng thời cũng giúp họ nhớ lại những chân lý đức tin trước khi khởi đầu cuộc ử hành Thánh Thể”. Thật ra, Kinh Tin Kính Nicêa-Constantinople mang nhiều từ thần học nguyên ngữ La tinh khó hiểu. Những bản dịch ra tiếng phổ thông cũng không dễ dàng, vì vậy Kinh Credo thường được đặt ra nhạc và thành bài hát do ca đoàn hát một mình đến nỗi làm lu mờ Kinh Nguyện Thánh Thể tức là lời Kinh mang mục đích tuyên xưng đức tin và “mầu nhiệm đức tin” về sự hiện diện của Chúa Kitô sống lại. Công đồng Vatican II trở lại việc đọc bình thường Kinh Tin Kính với hai văn bản tùy ta chọn lựa.
8. Lời Nguyện chung.
Lời nguyện chung hay lời nguyện “đại đồng” là một trong những cải tổ thành công nhất do Công đồng Vatican II đề xướng. Quy chế Tổng quát sách Lễ Rôma số 45-46 ghi như sau: “Trong lời nguyện cho mọi người, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, chính dân Chúa thực hiện chức vụ tư tế của mình, mà cầu cho hết mọi người... Những ý nguyện thường là cho các nhu cầu của Giáo Hội, cho các người trong chính quyền, và cho toàn thế giới được ơn cứu độ, cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào, cho cộng đoàn địa phương”.
Lời nguyện chung là gia sản đến từ truyền thống Do thái giáo. Người Do thái thường tiếp nối các kinh nguyện chúc lành bằng lời cầu nguyện xin. Nối tiếp truyền thống, các tín hữu sơ khai cũng kết thúc Phụng Vụ Lời Chúa bằng những lời nguyện tương tự. Trong thư thứ nhất gửi ơng Ti-mô-thê, thánh Phaolô viết như sau; “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta. Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,1-4).
Qua những cải cách phụng vụ trong quá khứ, Lời nguyện chung dần dần biến mất và vào khoảng thế kỷ thứ 6 hoàn toàn không còn thấy trong nghi lễ Rôma. Sau 14 thế kỷ, Lời nguyện Chung mới được Công đồng Vatican II phục hồi. Lời nguyện Chung còn mang nhiều tên khác như Lời Nguyện giáo dân vì ngày xưa các dự tòng chỉ được dự Thánh Lễ từ khởi đầu đến hết Kinh Tin Kính thôi. Họ ra về trước khi khởi đầu Lời Nguyện Chung dành cho giáo dân nên các dự tòng không được tham dự, cho nên mới được gọi là Lời Nguyện giáo dân. Ngoài ra còn gọi Lời Nguyện Chung hay Lời Nguyện Phổ Quát vì lời cầu xin cho những nhu cầu và nhân danh toàn thể ở khắp nơi. Nhập đề sách Bài Đọc đề cập đến Lời Nguyện Chung như sau; “Sau khi được soi sáng bằng Lời Chúa, toàn thể cộng đoàn tín hữu đáp lại bằng lời cầu xin cho những ý chỉ phổ quát. Theo nguyên tắc thì phải cầu cho những nhu cầu chung của Giáo Hội phổ quát, cho cộng đoàn địa phương, cho ơn cứu độ của thế giới, cho những người bị đàn áp bởi bất cứ quyền lực nào, và cho những nhóm đặc biệt” (#30). Lời Nguyện Chung phải được phát nguồn từ Lời Chúa vừa được công bố, và mang hình thức cộng đoàn đáp ứng Lời Chúa vừa được lãnh nhận. Lời nguyện nhắm vào những nhu cầu tổng quát của Giáo Hội và cộng đoàn nhân loại. Thánh Lễ trở nên lời nguyện chung của Giáo Hội và cho Giáo Hội. Tuy nhiên cũng có thể thêm vào đó những ý chỉ đặc biệt cho các nhu cầu riêng của địa phương, hoặc các nhóm hay cá nhân.
Những điều cần biết khi soạn Lời Nguyện Chung;
Cấu trúc Lời Nguyện Chung gồm 3 phần;
1. Lời mở đầu do vị chủ tế mời gọi cộng đoàn đi vào các ý nguyện.
2. Các ý nguyện do một thừa tác viên đọc, nhưng không bao giờ bắt đầu các ý nguyện bằng từ; “Lạy Chúa... “, như thế ý nguyện trở nên lời nguyện. Hai điều này khác nhau; Ý nguyện gợi ý cho cộng đoàn cầu nguyện; còn Lời nguyện do vị chủ tế nhân danh cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa
3. Lời nguyện kết thúc do chủ tế thay mặt cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa, cũng gồm có 3 phần; lời xưng lên Chúa Cha hay Chúa Con; Lời nài xin và Câu Kết thúc. (Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Giải đáp các vấn nạn về Phụng vụ theo các văn kiện của Giáo Hội, tập 1, Việt Nam 2001, trang 174-175).
Khi soạn Lời Nguyện Chung cần nhớ có ba nguồn cảm hứng;
1. theo ý chính những “Bài Đọc” cho Thánh Lễ ngày hôm đó.
2. theo dõi thời sự Giáo Hội và thế giới.
3. những gì Cộng đoàn đang sống và mang ý nguyện muốn dâng lên Thiên Chúa.
Những điều nên tránh;
- ngỏ lời với Chúa Cha mà nguyện xin với Ngôi Con hoặc Ngôi Ba.
- Ý nguyện phải ngắn gọn, đơn sơ, quá 10 vần mà câu chưa ngắt vì người nghe không có bản văn trước mắt. Hai câu đơn hay hơn môït câu dài, cầu kỳ và lòng thòng.
- Đừng xin cho những ý tưởng chung chung dù thật hay như hòa bình, công lý... ý nguyện phải thực tế cầu cho người nào đó, đang bị bất công cụ thể...
- Coi chừng giọng văn cảnh cáo, dạy đời và thanh toán nhau một cách trá hình.
- Cố tránh cách xin “Chúùa làm thay con”, ví dụ như “xin Chúa cho người đói ăn no”...