Dân Chúa Âu Châu

BY: LM THÊÔPHILÊ

II. PHỤNG VỤ LÒI CHUUA
Phụng vụ Lời Chúa (PVLC) là phần thứ hai của Thánh Lễ sau phần Nhập Lễ. Chúng ta thấy trong phần đầu mọi người được mời gọi kết thành cộng đoàn và sửa soạn đón nhận Lời Chúa. Phụng vụ Lời Chúa không còn là giai đoạn sửa soạn vào nghi lễ tiếp theo nhưng thuộc thành phần quan trọng trong Thánh lễ. Công đồng Vatican II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh nói; «Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng... Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; Chúa Kitô vẫn còn rao giảng Tin Mừng. Phần dân chúng thì đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh» (24.33).
Các tín hữu không tạo ra Phụng vụ Lời Chúa, nhưng từ ngàn xưa phần này nằm ngay trung tâm điểm trong các nghi lễ phụng vụ. Trong Tin Mừng Lu-ca, tác giả ghi Đức Giêsu lên hội đường vào ngày Sa-bát như Người vẫn quen làm (4,16). Khi đi truyền giáo, thánh Phaolô cũng thường vào các cuôïc hội của người Do thái trong các hội đường để rao giảng (Cv 13,4-5; 13,42-44; 14,1;17,1-3-10; 17,16-17). Các tín hữu tiên khởi lấy lại một phần cấu trúc phụng vụ tại hội đường, và họ thêm vào phần PVLC các văn bản Tân ước.
Công đồng Vatican II mong muốn; «để bàn tiệc Lời chúa được thêm phần phong phú cho các tín hữu, cần phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn, để trong một số năm ấn định, dân chúng được nghe hầu hết những phần cốt yếu của Thánh Kinh» (Hiến chế Phụng vụ 51). Theo lời Công đồng, các chuyên gia phụng vụ đã cho phát hành Sách bài đọc ngày 25.5.1969, và được toàn thể Giáo hội chính thức dùng vào chúa nhật thứ nhất mùa Vọng 30.11.1969. Sách bài đọc gồm các bài đọc soạn sẵn cho các buổi lễ. Người ta phân biệt sách bài đọc Chúa nhật và ngày trong tuần, sách bài đọc cho các nghi lễ Rửa Tội, Hôn Phối, An táng... và sách bài đọc xử dụng cho giờ Kinh Sách.
Các bài đọc chia thành hai chu kỳ: các Chúa nhật và ngày thường. Các bài đọc Chúa nhật được phân phối ra thành ba năm chỉ định bằng các mẫu tự A, B, C, và thường gọi Bài đọc năm A, năm B hoặc năm C. Cách chia này lấy lại Phụng vụ trong hội đường. Người Do thái nghe đọc Cựu ước (thường là sách về Lề Luật và các Ngôn sứ) và tiếp theo có bài giảng dạy (Cv 13,5). Truyền thống đến từ Pa-lét-tin chia các bài đọc này ra thành chu kỳ 3 năm. Ngày thường của mùa thường niên chia thành hai gọi là năm Chẵn và năm Lẻ. Cách tính năm Chẵn-Lẻ cũng đơn giản thôi vì theo số đơn vị chẵn lẻ của năm dân sự; ví dụ năm 2000, 2002, 2004... đọc bài theo năm chẵn, còn như 2001, 2003, 2005... đọc theo năm lẻ.
Theo cách chia hiện thời, các Chúa nhật thường niên năm A chúng ta nghe Tin Mừng Mát-thêu; năm B Tin Mừng Mác-cô và năm C Tin Mừng Lu-ca. Tin Mừng Gio-an được đọc trong mùa Phục sinh và một số bài trong mùa Chay. Ba trình thuật: Người đàn bà Sa-ma-ra-ti-nô, Người mù từ khi sinh và La-da-rô sống lại được đọc lại mỗi mùa Chay từ trước đến nay, vì ba trình thuật này dùng sửa soạn cho người dự tòng. Chương 6 Tin Mừng Gio-an về Bánh hằng Sống được đọc vào mùa hè năm B vì Tin Mừng Mác-cô là Tin Mừng ngắn không đủ cho hết trọn năm.
1. Bài đọc 1 trích từ Cựu ước. Mùa Phục Sinh lại trích từ sách Công vụ các Tông đồ. Bài đọc 1 thường được lựa chọn theo tiêu chuẩn có liên hệ nào đó với bài Tin Mừng; ví dụ bài Tin Mừng có trích dẫn một vài câu của Cựu ước, hay ứng nghiệm sấm ngôn đề cập đến cùng chủ đề hoặc chủ đề tương phản với bài Tin Mừng.
Công bố Cựu ước nhằm mục đích nói đến mối liên hệ giữa chúng ta với dân Do thái. Chúng ta cùng chia sẻ một lịch sử ơn Cứu độ nhưng thuộc hai giai đoạn khác nhau. Tân ước và Cựu ước đều là Lời Chúa và cả hai đều thưộc thành phần lịch sử ơn cứu độ duy nhất.
Trong mùa Vọng, bài đọc 1 thường trích ra từ sách Ngôn sứ I-sa-ia hoặïc các sấm ngôn đến từ các ngôn sứ khác. Trong mùa Chay, bài đọc 1 được trích dẫn khác nhau cốt ý tóm tắt giúp các tín hữu biết về lịch sử ơn cứu độ. Trong mùa phục Sinh, sách Công vụ Tông đồ thay thế bản văn Cựu ước.
2. Thánh vịnh Đáp ca.
Trước khi tìm hiểu về ý nghĩa phần đáp ca sau bài đọc 1, thiết tưởng cần nói sơ qua ý nghĩa Thánh vịnh. Nguyên từ Psalmos đến từ động từ Hy-lạp psallein diễn đạt hành động chạm vào một sợi dây làm cho nó rung lên. Thoạt tiên, từ Thánh vịnh nói đến việc xử dụng các nhạc khí bằng dây, rồi đến các điệu nhạc được diễn tấu, và sau cùng là bản nhạc được hát với nhạc khí đệm. Trong Cựu ước, Đa-vít chơi đàn cithare điêu luyện (1 Sm 16,16-23) và sáng tác thơ (2 Sm 1,17-27). Đa vít coi như người khai phá loại thơ tôn giáo được hát có nhạc đệm và được gọi là Thánh vịnh. Truyền thống coi sách Thánh vịnh trong Cựu ước với 150 bài thơ là của Đa-vít, mặc dầu chỉ phân nửa Thánh vịnh mang tên ông trong tựa đề. Thật ra, các Thánh vịnh được sáng tác khoảng giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ V trước công nguyên.
Thiên Chúa nói với dân tuyển chọn qua những việc kỳ diệu do Ngài thực hiện. Dân chúng đáp lại bằng cách cử hành công cuộc vĩ đại đó. Khi Thiên Chúa dẫn đưa dân Do thái vượt qua Biển Đỏ, My-ri-am đáp lại bằng những lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Đấng xô đẩy chiến mã cùng kỵ binh của Pha-ra-on xuống lòng biển cả (Xh 15,1 và 21). Khi Thiên Chúa giải thoát bà Anna khỏi nỗi tủi nhục son sẻ và ban cho bà một người con; bà Anna cũng đáp lời ngợi khen Đấng làm cho phụ nữ son sẻ sinh con bảy lần (1 Sm 2,5). Khi Thiên Chúa giải thoát ông Tô-bi-a khỏi cảnh đui mù, ông chúc tụng Đấng tỏa sáng trên Giê-ru-sa-lem và nơi tâm hồn Tô-bi-a (Tb 13,11). Trong Tân ước, khi Thiên Chúa cho Đức Maria trinh thai, tâm hồn ngài đã nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ ngài.
Những ví dụ vừa nêu trên diễn đạt ý nghĩa Đáp ca. Sau khi nghe Lời Chúa tường thuật những kỳ công do Thiên Chúa thực hiện, cộng đoàn đáp và cử hành những kỳ công đó qua lời chúc tụng ngợi khen. Tuy nhiên, lời đáp ứng do chính Chúa Thánh Thần mạc khải như trường hợp ông Da-ca-ria được đầy Thánh Thần và ca ngợi «Chúùc tụng Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, vì Ngài đã thăm viếng và cứu chuộc dân Ngài» (Lc 1,67-68). Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô còn viết; «Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa».
Với ý nghĩa tạ ơn nên Đáp ca thường trích từ Thánh Vịnh hay Thánh Thi vì đó là lời Thánh thần linh hứng. Đáp ca là Lời Chúa. Khi đề cập đến Đáp Ca, Qui chế tổng quát số 36 ấn định; «tiếp theo Bài đọc 1 là Đáp ca hay Ca tiến cấp, đây là một thành phần của phụng vụ Lời Chúa... Người hát Thánh Vịnh thì hát những câu Thánh vịnh ở giảng đài hay tại một nơi xứng hợp, trong khi dân chúng ngồi nghe, và theo luật thì họ phải tham dự bằng cách hát những câu đáp ca, trừ khi Thánh vịnh được hát liên tục mà không có câu đáp ca». Nhập đề sách bài đọc cũng viết; «Đáp ca cũng gọi là Ca tiến cấp, có một ý nghĩa lớn lao về phụng vụ cũng như mục vụ. Vì đây là một thành phần của Phụng Vụ Lời Chúa. Bởi thế dân chúng phải được tiếp tục giáo huấn bằng cách thấu hiểu Lời chúa phán dạy qua các thánh vịnh và biến các Thánh vịnh này thành lời Đáp ca sau bài đọc 1: hát đối đáp hoạc hát liên tục. Hát đối đáp là hình thức đáng khuyến khích hơn hết: Người hát thánh vịnh thì hát những câu của Thánh vịnh, rồi toàn thể cộng đồng hát câu Đáp ca. Hát liên tục là không có câu đáp ca xen vào giữa các câu của Thánh vịnh: người hát thánh vịnh có thể hát tất cả và cộng đồng lắng nghe, hoặc toàn thể cộng đồng cùng hát... Hát Thánh vịnh có một tác dụng lớn lao giúp ta thấu hiểu và suy niệm ý nghĩa thiêng liêng của Thánh vịnh» (# 19, 20, 21).
Từ những huấn thị trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận như sau;
a) Đáp ca là một thành phần thuộc Phụng Vụ Lời Chúa. Thiên Chúa tiếp tục phán dạy và giáo huấn dân Ngài như các bài đọc nhưng dưới hình thức khác. Vì thế không nên để cộng đoàn hát hay đọc, nhất là không nên chia cộng đoàn thành hai bè đọc Đáp ca. Lời Chúa phán dạy qua Đáp ca cũng phải được công bố như các bài đọc khác, nghĩa là do một người hát hay đọc Thánh vịnh và toàn thể cộng đoàn đáp lại bằng câu Đáp ca. Người đọc hay hát Đáp ca phải đứng ở giảng đài như khi công bố các Bài đọc khác, và nên chỉ định một người khác hơn là cùng một người đọc bài đọc 1 vừa đọc Đáp ca.
b) Có thể chọn Thánh vịnh đã được phổ nhạc sẵn, nhưng phải phù hợp với chủ đề các bài đọc, đồng thời toàn thể cộng đoàn cũng có thể hát liên tục. Tuy nhiên hình thức này không đáng khuyến khích, vì Đáp ca là một hình thức khác Chúa dùng để phán dạy và giáo huấn. Thái độ xứng hợp hơn cả dân chúng lắng nghe Lời Chúa do người khác đọc Thánh vịnh rồi cộng đoàn đáp ứng bằng câu đáp ca.
3. Bài đọc 2 trích từ Tân ước.
Trong các Chúa nhật và lễ trọng có thêm bài đọc hai. Bài đọc này thường ngắn hơn và trích từ các Thánh Thư, sách Công vụ các Tông đồ hoặc sách Khải Huyền.
Thánh Thư từ nguyên Hy-lạp Epistolè gợi việc một sứ điệp được gửi đi do người phu trạm chuyển đi; Thánh thư được gửi cho một người hay một cộng đoàn. Trong Tân ước có rất nhiều thư; nhiều nhất là thư của thánh Phaolô, Gia-cô-bê, Gio-an, Phêrô, Giu-đa... Thời xưa bài đọc 1 trong Thánh lễ thường trích các thư này, nên người ta đã dùng cụm từ «bài thánh thư» chỉ bài đọc này. Ngày nay không mấy đúng lắm vì bài đọc 1 thường trích từ Cựu ước.
Bình thường bài đọc 2 không trình bày cùng chủ đề với bài đọc 1 hay bài Tin Mừng; và trong các chủ nhật thường niên bài đọc 2 hầu như tiếp nối liên tục với nhau. Tuy nhiên vào những mùa phụng vụ quan trọng, bài đọc 2 thường có liên quan tới mầu nhiệm cử hành: trong mùa phục sinh, các Thánh thư thường trích ra từ sách Khải Huyền, các thư của thánh Phêrô (ứng dụng Phép rửa trong Chúa Kitô) hoặc thư của thánh Gio-an; trong mùa Vọng, mùa Giáng sinh hay mùa Chay, bài đọc 2 được chọn theo ý hoặc bài đọc 1 hoặc bài Tin Mừng; Còn trong mùa thường niên, bài đọc 2 rút ra từ các thư của thánh Phaolô và thánh Gia-cô-bê khá liên tục.
4. Alleluia!
Alleluia nguyên ngữ Híp ri Hallelu Yah có nghĩa «Chúc tụng Giavê». Alleluia là lời mời gọi ca tụng thường xuyên xuất hiện trong Cựu ước nhất là trong các thánh vịnh (Tv 146-150). Từ Alleluia cũng thấy trong bài ca của các Thiên Thần trong phụng vụ ở trên trời ghi trong sách Khải Huyền 19,1.3.4.6. Phụng vụ Kitô giáo xử dụng từ Alleluia từ lâu và trở thành biểu hiệu niềm vui, đặc biệt niềm vui Phục sinh. Trong Phụng Vụ Lời Chúa, cộng đoàn hát Alleluia chúc tụng Chúa Phục Sinh, Đấng sẽ nói với dân Ngài qua bài Tin Mừng. Vì Alleluia biểu lộ ý nghĩa phục sinh nên trong mùa Chay, Alleluia được thay thế bằng lời tung hô thích hợp khác.
Alleluia không phải là câu Đáp ca nên không cùng ý nghĩa như Thánh vịnh sau bài đọc 1. Alleluia biểu lộ niềm vui và thái độ sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa. Alleluia là lời tung hô nên phải được hát chứ không nên đọc. Ngoài ra, hát Alleluia còn mang công dụng kèm theo cuộc rước sách Bài đọc Tin Mừng (Quy chế số 94 và 131). Linh mục chủ tế lấy sách Tin Mừng biểu hiện Lời Chúa từ bàn thờ biểu hiện Thiên Chúa để kiệu ra đến giảng đài rồi công bố đến cộng đoàn.  
(kỳ tới phần II. Phụng vụ Lời Chúa từ công bố tin mừng đến lời nguyện chung)