Dân Chúa Âu Châu

BY: LM. THÊÔPHILÊ

Sau khi nói qua vài câu hỏi liên quan đến Thánh Lễ, Trang hỏi để sống đạo đi tìm ý nghĩa những phần trong Thánh Lễ.
I. NHẬP LỄ: PHÂN TÁN TỪ MUÔN PHƯƠNG TÌM VỀ TỤ HỌP
1. Rước vào lễ:
Sau khi được qui tụ lại thành một cộng đoàn, những người dâng lễ bắt đầu tiến vào trước tôn nhan Chúa để lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Đó là ý nghĩa và mục đích cuộc rước đầu lễ, chứ không phải rước vị chủ tế như người ta lầm tưởng. Cộng đoàn tiến vào nhan Chúa và đoàn rước là đại diện.
2. Ca nhập lễ: tiếp đón và chung lời ca tụng.
Ca hát làm tăng vẻ long trọng cho buổi lễ và biểu lộ một cộng đoàn hiệp nhất như huấn thị về « âm nhạc trong phụng vụ » quả quyết: « Sự hiệp nhất tâm hồn được thể hiện cách sâu xa nhờ đồng thanh với nhau ». Ca nhập lễ làm tăng tính cách long trọng cuộc cử hành, đồng thời biểu lộ sự hiệp nhất hữu hình giữa các tín hữu với nhau. Ca nhập lễ phải mang tính cách cộng đoàn với mọi người cùng hát. Ca đoàn có thể hát những tiểu khúc.
3. Cử chỉ đầu tiên: hôn bàn thờ.
Cử chỉ đầu tiên khi vị chủ tế tới cung thánh tỏ lòng cung kính bàn thờ. ngài cúi mình hoặïc bái gối rồi tiến lên hôn kính bàn thờ. Người Do thái cho bàn thờ ý nghĩa như nơi tế lễ, chỗ thiết tiệc, nơi con cái Thiên Chúa được nuôi dưỡng và giải khát. Bàn thờ không những là "trung tâm tạ ơn", nơi cử hành "bữa ăn tối của Chúa " (1Cô-rin-tô 11,20), còn mang dấu chỉ Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn.
Giáo hội tiên khởi coi bàn thờ như mộ các vị tử đạo, và đặt trên đó di tích các ngài, nhắc nhở cho ta họ hiến cuộc đời trong sự chờ đợi ngày sống lại. Bàn thờ mang dấu chỉ Chúa Kitô và hiến lễ tạ ơn chúng ta sẽ cử hành. Hôn bàn thờ biểu lộ thái độ cung kính, tôn thờ yêu mến đối với Chúa Kitô. Vị chủ tế sắp sửa cử hành phụng vụ, nhưng tiên vàn trước mặt toàn thể cộng đoàn, ngài nói lên lòng tôn thờ mến yêu đối với Chúa Kitô. Dấu chỉ này đôi khi còn được kèm theo việc xông hương cho ta biết tất cả đều hướng về Chúa Kitô.
4. Dấu thánh giá
Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta nên ý thức ghi trọn dấu Thánh giá trên thân thể hơn chỉ ghi nơi trán, nơi ngực và nơi hai vai. Dấu Thánh giá gợi lại ngày chúng ta nhận lãnh bí tích rửa tội. Vì vậy, chúng ta cần ghi dấu thánh giá một cách chậm rãi và từ tốn đọc: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" cho dấu chỉ mang trọn ý nghĩa mầu nhiệm Phục sinh. Dấu Thánh Giá nhìn nhận Kitô hữu, nói lên lòng họ gắn bó vào Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô đến biểu lộ Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dấu Thánh Giá còn nhắc nhở ơn cứu độ thể hiện nơi cây thập giá, nơi tình yêu Thiên Chúa đạt đến tuyệt đối.
Dấu Thánh giá mang ý nghĩa quan trọng, nên chúng ta bắt đầu và kết thúc Thánh lễ bằng một dấu ghi đó. Khi nhập lễ, dấu Thánh Giá biểu hiệu chúng ta nhìn nhận nhau. Tất cả đều cùng gia đình và chúng ta đến đây đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi. Dấu Thánh Giá còn được làm ở cuối lễ như lời cầu chúc. Thiên Chúa tụ họp chúng ta lại thì giờ đây Người phái ta đi nhân Danh Người làm nhân chứng những gì chúng ta vừa sống qua. Người đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường.
5. Lời chào Cha chủ tế: Thiên Chúa mời và tiếp đón chúng ta
Tiếp theo dấu thánh giá, cha chủ tế chào cộng đoàn với một trong ba hình thức sau đây:
1.hình thức thứ nhất trích từ câu kết thư thứ hai của thánh Phaolô gửi tín hữu Cô-rin-tô 13,13: "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em".
2. Hình thức thứ hai phát xuất từ sách bà Rút 2,4: "Chúa ở cùng anh chị em".
3. Hình thức thứ ba mượn lời thơ thánh Phaolô gửi tín hữu Ê-phê-xô 1,2: "Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh chị em được đầy ân sủng và bình an".
Lời chào biểu lộ sự chúc phúc nhìn nhận Chúa Kitô hiện diện giữa cộng đoàn diễn tả mầu nhiệm về Đức Giêsu, Đấng Emmanuel "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi" (Mt 1,23). Khởi đầu cuốn Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu đã nhấn mạnh như thế, và kết thúc cuốn Tin Mừng, tác giả lại quả quyết thêm lần nữa về mầu nhiệm này. Đức Giêsu nói: "Và này Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Toàn thể cuộc đời cũng như toàn thể sứ điệp Đức Giêsu rao giảng được tóm lược qua Đấng Emmanuel hiện diện. Cũng vậy, khi nói Người hiện diện lúc đầu lễ và kết lễ, phụng vụ ám chỉ rõ ràng cuộc cử hành thánh lễ dựa vào Đấng Emmanuel, và cộng đoàn dâng lễ khi được trở thành Thân mình Chúa Kitô sẽ là Emmanuel mới cho thế giới. Ý tưởng này cho thấy người cử hành thánh lễ không phải chỉ một mình linh mục, nhưng cộng đoàn với linh mục. Mỗi người dâng thánh lễ theo thứ bậc của mình, và chính Chúa Kitô chủ tế.
6. Nghi thức sám hối
Trọng tâm nghi thức sám hối không phải thú nhận tội lỗi, nhưng nhận ơn tha thứ và lòng Thiên Chúa từ bi thương xót. Sám hối ca ngợi tình thương và nói lên lời tán tụng tạ ơn Thiên Chúa cứu độ. Nghi thức sám hối không như bản xét mình liệt kê các tội lỗi ta phạm, nhưng làm nổi bật lòng thương xót và sứ mạng Chúa Kitô giao hòa.
Sách lễ Rôma đưa ra một số hình thức khác nhau như những kiểu mẫu chứ không mang tính cách bắt buộc. Chủ tế có thể lựa chọn một trong những hình thức này hoặc có thể tự sáng tác với những qui luật như sau:
1. Lời cầu phải qui về Chúa Kitô, không qui về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ hay bất kỳ một vị Thánh nào khác.
2. Lời cầu phải ngắn gọn.
3. Nội dung dựa trên nền tảng Kitô học thích ứng với Mùa lễ, ngày Lễ hay bài Tin Mừng đọc hôm đó.
4. Lời cầu không phải bản xét mình liệt kê các tội xin ơn tha thứ nhưng phản ảnh lời cảm tạ chúc tụng Chúa Kitô.
Có 4 nghi thức được đề nghị:
A. Kinh Sám hối: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa...
B. - Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn sám hối: Xin thương xót chúng con.
- Lạy Chúa Kitô, Chúa đã đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi: Xin thương xót chúng con.
- Lạy Chúa, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu cho chúng con: Xin thương xót chúng con.
C. Kinh thương xót: Kinh này mang ý nghĩa ca tụng Thiên Chúa, nói lên lòng Thiên chúa nhân lành xót thương đối với toàn thể nhân loại.
D. Một hình thức khác của nghi thức sám hối có thể xử dụng trong các Chúa nhật là rẩy NướcThánh. Việc này nói lên đặc điểm Vượt Qua của ngày Chúa nhật tưởng niệm Chúa Kitô phục sinh khải hoàn, đồng thời nhắc nhở bí tích Rửa tội. Ta đã chết cho tội lỗi nhưng giờ đây được sống lại với Chúa Kitô trong đời sống mới.
Khi rẩy Nước Thánh, vị chủ tế liệu sao để mọi người thấy nhận được Nước Thánh trên thân mình. Trong khi đó, cộng đoàn hát những bài thích hợp đề cập đến Phép Rửa, sự thanh tẩy, ý nghĩa của Nước và công cuộc canh tân đời sống mới.
7. Kinh Vinh Danh: Là một lễ tiệc nên ta ca ngợi vinh quang Thiên Chúa.
Kinh Vinh Danh được sáng tác bằng tiếng Hy lạp dựa trên tư tưởng các thánh Vịnh. Người ta không biết ai là tác giả, nhưng Kinh Vinh Danh đã thấy xuất hiện trong Kinh buổi Sáng bên Đông phương vào thế kỷ thứ IV. Kinh Vinh danh thuộc trong những bài ca cổ kính nhất của Kitô giáo và cũng còn được gọi là "Ca vịnh Thiên Thần". Khởi đầu chính các Thiên Thần hát mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh. Kinh còn được mang tên "Lời đại tán tụng" phân biệt với lời tán tụng: Vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thường dùng kết thúc khi hát các bài Thánh Vịnh.
Giáo hội đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần hát Kinh Vinh Danh tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn với Chúa Con. Kinh Vinh Danh được hát hay đọc vào phần đầu thánh Lễ Chúa nhật (trừ mùa Vọng và mùa Chay), trong các lễ Trọng và lễ Kính.
Câu khởi đầu Kinh Vinh Danh thường do vị chủ tế xướng, nhưng không bó buộc; vì vậy phó tế, ca trưởng hay bất cứ người nào cũng có thể xướng câu khởi đầu này.
8. Lời Nguyện Nhập lễ.
Nghi thức nhập lễ kết thúc bằng lời Tổng Nguyện được cấu tạo như sau: Vị chủ tế mời gọi tất cả cùng cầu nguyện. Sau đó mọi người thinh lặng dâng ý chỉ riêng lên Thiên Chúa, và chủ tế tổng kết mọi ý chỉ riêng vào trong cùng một lời nguyện duy nhất. Câu kết mang ba dạng thức:
1. Nếu lời nguyện qui về Chúa Cha: "Chúng con cầu xin nhờ Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".
2. Nếu lời nguyện qui về Chúa Cha, nhưng ở cuối nhắc đến Chúa thì kết: "Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".
3. Nếu lời nguyện qui về Chúa Giêsu: "Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời".
Khi chủ tế vừa kết mọi người cùng thưa Amen cho lời nguyện thành lời nguyện của mình. Amen từ ngữ Híp-ri có thể ở dạnh tĩnh từ hay trạng từ.
Khi Amen ở dạng tĩnh từ có nghĩa chân thật, trung tín; ví dụ ngôn sứ I-sai-a gọi Thiên Chúa là Amen (65,16) = Thiên Chúa chân thật và hằng trung tín. Đấng ta có thể đặt hết niềm tin tưởng.
Khi Amen ở dạng trạng từ mang nghĩa thật như vậy, chớ gì được như vậy. Thời Cựu ước, người Do thái thường kết thúc lời cầu nguyện bằng từ Amen. Chúa Kitô cũng xử dụng, không những lúc Người cầu nguyện nhưng ngay cả lúc giảng dạy để nhấn mạnh làm nổi bật chân lý: "Amen thật, Ta bảo thật các ngươi... ". Chúng ta thường gặp ngôn thức này trong Tin Mừng.
Khi thưa Amen tỏ bày muốn được như vậy và còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi chủ tế cho Rước lễ nói: "Mình Thánh Chúa Kitô", và ta thưa lại "Amen" có nghĩa "Vâng! tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này".
Thưa Amen sau lời Tổng Nguyện không chỉ diễn tả ước muồn lời cầu nguyện được chấp nhận, nhưng còn nói lên lời nguyện đó là của chính tôi và tôi muốn tháp nhập hết tâm tình vô trong đó. Hơn nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn thể cộng đoàn vào sự trung tín của Thiên Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Khi thưa Amen ta tung hô Thiên Chúa trung tín như lời thánh Phaolô: "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có " lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, (...), nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời Amen tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cr 1,18-20). 
(Kỳ sau: Phần II: Phụng vụ Lời Chúa)