Dân Chúa Âu Châu

PhaoloNguyenVanMyThánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Thầy Giảng (1798-1838)

- Lễ ngày 18 tháng 12

Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ sinh năm 1798 tại làng Kẻ Non cũng gọi là Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Cha mẹ là ông bà Nguyễn Hữu Đắc, được tiếng là giầu có và có lòng đạo đức nhất trong làng. 

Ông bà chú tâm dậy dỗ con cái học hỏi về đạo, siêng năng đọc kinh, cầu nguyện. Cậu Phaolô Nguyễn Văn Mỹ là em của 5 người anh. Anh cả tên là Nguyễn Văn Hữu, còn tên của cậu Mỹ lúc còn nhỏ gia đình quen gọi là Hào. 

Được giáo dục từ nhỏ về đạo nên cậu Mỹ đã có lòng ao ước dâng mình cho Chúa. Cậu xin cha mẹ tới ở với Đức Cha Giacobê Longer Gia, rồi sau giúp cha Luật ở xứ Kẻ Đầm bốn năm. Đến năm chú Mỹ 19 tuổi thì được cha Luật gửi vào chủng viện Kẻ Vĩnh tại Vĩnh Trị để học la tinh và triết học. 

Tới năm 1823, thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ mãn trường về giúp cha Luật ở Kẻ Trình. Năm 1834, thầy lại vâng lời Bề trên lên miền núi ở Sơn Tây. Sau nhiều năm giúp xứ tại Sơn Tây thì Đức Giám mục gọi thầy về dọn mình lãnh chức linh mục. Nhưng chưa kịp lãnh chức linh mục thì Thầy đã bị bắt và được nhận phúc tử đạo.

Ngày 20 tháng 6 năm 1837, khi quan quân kéo nhau về vây làng Bầu Nọ, thầy Phaolô Mỹ nhờ người đem cha Cornay Tân đi trốn, còn Thầy thì đem các đồ thờ phượng đi giấu, rồi cùng với các Thầy khác theo lệnh ra đình làng để điểm mục. Từ sáng tới chiều các đội quân lính lục soát cả làng Bầu Nọ mà không bắt được ai. Quan ra lệnh thu quân về đình làng để kiểm mục. 

Khi ấy bà Yến là người đã đi báo cáo là tại Bầu Nọ có Thừa Sai Tây Dương, bà quả quyết là có Cố Tây, rồi bà chỉ mặt đích danh thầy Mỹ, thầy Đường, thầy Truật là những Thầy cộng tác đắc lực với các Tây Dương Đạo Trưởng. Nghe báo cáo chắc chắn như thế nên quan ra lệnh bắt trói luôn cả ba Thầy. Ba Thầy bị đánh đòn, tra tấn, tra khảo về cố Cornay Tân. Nhưng cả ba Thầy rất anh dũng, cương quyết nhất định không khai báo gì. Đến lúc trời nhá nhem tối thì cha Cornay Tân bị bắt. Cha Cornay Tân bị trói và nhốt vào cũi, còn ba Thầy thì phải dầm sương giãi nắng suốt ba ngày theo đoàn quân về tỉnh Tây Sơn. 

Về tới Tây Sơn Thầy Mỹ và Thầy Đường bị mang gông và xiềng xích rất nặng, đi lại rất khó khăn. Thầy Truật trẻ hơn chỉ mang gông nhẹ nên việc đi lại trong nhà tù dễ dàng hơn.

Trong một lá thư gửi cho Hội Truyền Giáo Đức Tin, cả ba Thầy đã tường thuật rất đầy đủ mọi sự việc từ khi bị bắt và giam trong tù như sau:

“Từ khi bị giam trong tù, chúng tôi phải điệu ra trước mặt quan hàng ngày, mặc dù chúng tôi đã nhất quyết phủ nhận không biêt gì về tướng giặc cũng không bao giờ giúp họ bất cứ một việc gì. Các quan vừa đe dọa vừa dụ dỗ, ép buộc chúng tôi phải khai báo danh sách các Thừa Sai và bỏ đạo.

Thầy Phaolô Mỹ bị coi là tội nhân chính đã phải ra trước toà quan án 40 lần. Trước hết họ lột quân áo chúng tôi. Chúng tôi phải nằm dưới đất, tay chân bị trói giang ra cột vào các cọc thật đau đớn. Sau đó họ đánh cávh tàn nhẫn. Lần sau cùng họ đánh bằng roi có nhiều sợi chì. Họ thay phiên nhau để đánh. Mỗi lần roi quất các móc chì lôi thịt ra làm thành những vết thương. Thầy Phaolô Mỹ chịu 130 roi. 

Thầy Đường 90 roi và Thầy Truật 60 roi. Sau mỗi lần tra tấn đánh đập như vậy thì lính phải khênh chúng tôi trở về nhà tù, và sau nhiều ngày chúng tôi mới có thể nói vài lời. Họ đánh đập chúng tôi tàn nhẫn như vậy là để bắt ép chúng tôi phải nhận là phản nghịch Nhà Nước và là những người trộm cướp. Sau một thời gian ép buộc chúng tôi không được, họ quay sang hỏi về Giáo Lý và bắt chúng tôi đọc kinh. Thầy Phaolô Mỹ cắt nghĩa rất hay khiến các quan thích thú và hỏi:

- Ngươi thật vô lý, đã thấy hoả ngục của thế giói mai sau chưa mà hiện giờ đang ihảI khốn khổ trong hỏa ngục tù dầy này. Các người há không có thần chú bùa phép cho bớt đau sao? Các ngươi bị dánh đau hơn tất cả mọi người khác sao không thấy kêu la?”. 

- Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi chịu đựng mà không rên la để được phần thưởng Dù các quan có` đánh đập hơn nữa hay kết án tử hình, chúng tôi vẫn vui mừng chấp nhận vì đạo Chúa chúng tôi”.

Trong thư Thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ không kể hết những điều quan tổng đốc Lê Văn Đức đã hạch hỏi về Đạo như đã có lệnh vua cấm sao còn theo đạo. Trong đạo có chuyện làm bùa mê, và các đạo trưởng có tông gian vớI phụ nữ v.v. Thầy Phaolô Mỹ trình bày rành rẽ như sau:

- Bẩm thưa các quan lớn, chúng tôi xả thân cầu đạo, nếu có khoét mắt người nào thì anh em, con cái họ để chúng tôi sống yêu ổn chăng? Trong đạo chúng tôi có chuyện đồi tệ như thế thì còn dạy bảo được ai. Mà nếu chúng tôi đi tu, nếu có ăn ở thể ấy thì vợ chồng người ta cìn để chúng tôi đến nhà mình nữa chăng?

Nghe Thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ giải thích, các quan không hỏi gì thêm, ra lệnh cho trở về nhà tù.

Hồi đầu ba Thầy bị giam riêng biệt nhau, một thời gian sau các Thầy mới được giam chung trong một nhà tù. Có lần cha Triệu được vào thăm, cha mang Mình Thánh Chúa cho các Thầy. Cha thấy nhà tù hôi thối quá sức, chịu không nổi. Các Thầy thường lần hạt chung với nhau, có lần các Thầy đọc tới 150 kinh.Mân Côi Khi người trong gia đình tới thăm, thầy căn dặn:

1. Anh em hãy ở hoà thuận với nhau trong nhà cũng như ngoài làng. Phải giữ đạo cho sốt sắng như cha mẹ đã dậy dỗ.

2. Phần tôi, khi hành quyết thì anh em hãy lên để anh em mình được nhìn thấy nhau lần sau hết. Sau đó thì đem xác tôi về nhà quê để được ở gần với họ hàng.

3. Về của cải cha mẹ để lại cho tôi thì xin chia hai phần. Một phần anh em giữ lấy, còn một phần nữa thì anh em dâng cúng vào Nhà Chung, vì Nhà Chung đã nuôi dưỡng tôi.Tôi được như ngày nay là nhờ ơn Hội Thánh. Xin anh em cám ơn Chúa giúp tôi.

Trong một lá thư Thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ viết cho cha Marette Phan tỏ lòng con hiếu thảo và nói lên ý chí quyết một lòng trung thành xưng đạo Chúa tới giờ phút cuối cùng. Thầy viết: 

- “Thưa Cha, vì mọi người đều biết con là Thầy Giảng đứng đầu và coi sóc mọi việc trong Nhà Đức Chúa Trời nên họ đã tra vấn, đánh đập con nhiều. Con vui lòng chiụ những khổ nhục dưới thế gian này để tránh hỏa ngục đời đời. Thánh Kinh đã chẳng viết là Chúa sửa phạt đứa con ngài yêu thương? Con vẫn không ngừng xin cho con được ơn bền đỗ theo thánh ý Chúa”.

Mùa thu năm 1838, triều đình có thông lệ xét lạI các vụ án mà không tra hỏi gì thêm. Ngày 17 tháng 12 năm 1838, bản án của vua đến tỉnh. Khi biết tin, Thầy Phaolô Mỹ đang đan thúng liền bỏ đấy để lo dọn mình. Các Thầy vội báo tin cho cha Triệu và hẹn ngày hành quyết sẽ gặp nhau ở san đình quan để lãnh phép xá giải. Thế là 10 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1838, 300 lính áp giải ba Thầy ra pháp trường Gò Sỏi cùng với 16 tội nhân khác. 

Mỗi tội nhân có 4 lính hình đi theo, một người cầm bản án bằng gỗ đi trước, hai người cầm xích và gông đi hai bên, một người cầm gươm đi sau. Sau cùng là người đáng chiêng và hai sĩ quan cỡi voi. Ba Thầy Giảng, chiến sĩ anh dũng của Đức Tin vui tươi nhịp nhàng bước đi theo đoàn quân lý hình trông thực khiếp sợ. Lâu lâu các Thầy quay lại nhìn những thân nhân yêu qúi lần cuối bằng những nụ cười tin tưởng và hạnh phúc. Trong đám đông, ngưòi ta nghe thấy họ nói với nhau:

- Xem kia! Những dũng sĩ của Chúa Giêsu, các Ngài hiên ngang tiến bước mà chẳng thấy lộ vẻ sỡ chết.

Đoàn người đã tiến tới nơi xử. Đoàn quân hùng mạnh đứng thành vòng tròn chung quanh các tội nhân. Thầy Mỹ và Thầy Truật bị cột vào cọc gần nhau trên những tấm chiếu giáo dân đã trải sẵn. Các Thầy nằm sấp giang hai tay ra và chân thì bị trói vào một cọc khác, sợi giây vòng quanh cổ chờ đợi hiệu lệnh. Lúc ấy vào khoảng một giờ trưa, quan giám sát vừa ban lệnh thì lý hình kéo hai đầu giây thật mạnh, các vị anh hùng đức tin lắc lư cái đầu trong cơn hấp hối kinh hoàng.Các Ngài tắt thở trong sự bình an của Chúa.

Ngay sau đó, thân nhân và giáo dân đã xin các quan nhận xác các Ngài cùng với các đồ vật như xiềng xích, giây thừng, xích sắt, bản án v.v. Chính trong đêm hôm ấy, hai linh mục, hai Thầy Giảng, năm nữ tu và 30 giáo dân đã rước xác về giáo xứ Cao Mại để làm lễ an táng tại đây. 

Thánh lễ an táng cử hành rất cảm động, suốt 8 tiếng đồng hồ, 14 cây nến đốt cháy, hương trầm tỏa bay nghi ngút cho tớI 4 giờ sáng thì các cha âm thầm rút lui, trở về nơi hầm trú lánh nạn. Xác các Thầy được an táng trong gian nhà cuối của bà Tín, một bà goá đạo đức trong xứ. Bảy tháng sau thì gia đình, họ hàng Thầy Phaolô Mỹ tới xin rước xác Thầy về an táng ở Kẻ Non, nơi quê hương của Thầy, làm theo lời trối trăng của Thầy.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn ba Thầy: THầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Thầy Phêrô Trương Văn Đường và Thầy Phêrô Vũ Truật lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

 

Nguồn: Hạnh tích các Thánh Tử Đạo Việt Nam